Khối thi đua số 3 thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức Báo cáo chuyên đề: “Cách chăm sóc sức khoẻ hậu Covid – Những vấn đề cần biết”

Nhằm truyền đạt các kiến thức liên quan đến những di chứng sau khi nhiễm phải Covid-19 cũng như nâng cao nhận thức, phổ cập các phương pháp chăm sóc, rèn luyện sức khoẻ hậu Covid-19, sáng ngày 02/6/2022, Khối thi đua số 3 thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM (gồm Công đoàn Trường Đại học Luật TP.HCM, Công đoàn Trường Đại học Dự bị TP.HCM, Công đoàn Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Công đoàn Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM và Công đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) tổ chức chương trình Báo cáo chuyên đề: “Cách chăm sóc sức khoẻ hậu Covid – Những vấn đề cấn biết”. Chương trình diễn ra trực tiếp tại hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành kết hợp với hình thức livestream tại fanpage Trường Đại học Luật TP.HCM

Buổi báo cáo chuyên đề có sự tham dự của ThS. Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Phó Trưởng Ban Cán sự Giáo dục đào tạo; Đ/c Lê Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Lê Thị Thuý Hương – Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Luật TP.HCM và các đại diện ban chấp hành Công đoàn cơ sở đến từ các trường đại học trong khối thi đua số 3 cùng hơn 200 đồng chí là các công đoàn viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học.

Đại diện Liên đoàn Lao động TP.HCM cùng đại diện Công đoàn cơ sở tham dự chương trình

Buổi báo cáo chuyên đề có sự tham gia của các Báo cáo viên đến từ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, với các đại diện gồm TS.BS Nguyễn Nam Hà – Trưởng Đơn vị Truyền thông giáo dục sức khoẻ, bác sĩ phòng khám chuyên khoa phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch; TS.BS Võ Thành Liêm – Phó Trưởng phòng khám đa khoa, Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình; BS. Trịnh Trung Tiến – Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ phòng khám đa khoa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Phát biểu khai mạc, TS. Lê Thị Thuý Hương cho biết: đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống xã hội, đó cũng là nguồn cơn tạo nên nhiều vấn đề về sức khoẻ sinh lý và tâm lý của nhiều công đoàn viên. Với mục đích xây dựng nền tảng các kiến thức liên quan đến virus Sars -CoV-2 đồng thời nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khoẻ hậu Covid-19, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng các Trường đại học trong khối thi đua số 3 đã tổ chức chương trình Báo cáo chuyên đề.

TS. Lê Thị Thuý Hương – Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình

Với chuyên đề “Kiến thức chung về hậu Covid-19”, Báo cáo viên TS.BS Nguyễn Nam Hà đã mang đến nhiều kiến thức và thông tin bổ ích. Theo đó, hiện nay có tất cả 06 chủng virus Corona khác nhau được xác định là có khả năng lây nhiễm ở người. Mỗi chủng virus đều mang các dấu hiệu nhận biết đặc trưng cũng như khi truyền nhiễm sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Đường truyền nhiễm chủ yếu của loại virus này là thông qua giọt bắn chính vì thế chuyên gia khuyến cáo các cá nhân nên tránh những động tác đưa tay lên mắt mũi miệng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

TS.BS Nguyễn Nam Hà - Trưởng Đơn vị Truyền thông giáo dục sức khoẻ, bác sĩ phòng khám chuyên khoa phòng khám đa khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày phần tham luận của mình

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng hậu Covid-19, TS.BS Nguyễn Nam Hà khẳng định: khi nhiễm bệnh, virus Sars-CoV-2 mượn thụ thể của men chuyên hóa angiotensin 2 (ACE2) để đi vào các mạch máu nhỏ trong cơ thể từ đó gây ra viêm tắt mạch máu nhỏ và tạo thành các di chứng hậu Covid. Thêm vào đó, các hội chứng hậu Covid-19 còn liên quan đến các tự kháng thể hiện diện trong cơ thể người bệnh vốn đã phục hồi, cụ thể các phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể trong quá trình xâm nhập và phát triển của virus đã gây ra những tổn hại trong cơ thể làm suy giảm sức khoẻ, tâm thần của người đã từng nhiễm bệnh.

Giới thiệu về những hội chứng hậu Covid-19, TS.BS Võ Thành Liên trong phần tham luận “Chăm sóc sức khoẻ toàn diện hội chứng hậu Covid-19” đã chia sẻ rằng, tồn tại 04 nhóm hội chứng lớn bao gồm: (i)Tổn thương các cơ quan trong cơ thể; (ii) Di chứng của hồi sức có nghĩa là di chứng từ các hoạt động điều trị Covid-19 kéo dài; (iii) Bệnh Covid vẫn còn tiếp diễn và tồn đọng; (iv) Hội chứng siêu vi. Các triệu chứng hậu nhiễm bệnh như thường xuyên mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức đều bắt nguồn từ các nhóm hội chứng được liệt kê trên. Chính vì thế, quá trình điều trị là tương đối phức tạp và cần có sự hỗ trợ, chỉ dẫn phù hợp của các bác sĩ, chuyên gia y tế đáng tin cậy.

TS.BS Võ Thành Liêm – Phó Trưởng phòng khám đa khoa, Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình chia sẻ các nhóm hội chứng chủ yếu hậu Covid-19

Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ sức khoẻ, Báo cáo viên BS. Trịnh Trung Tiến cho biết mô hình bác sĩ gia đình là một trong những mô hình hỗ trợ y tế phát triển trên thế giới và xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1995. Đến năm 2013 , Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám gia đình giai đoạn 2013 – 2020” có nội dung gồm: Quản lý sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình. Theo BS. Trịnh Trung Tiến, mô hình này có thể khắc phục được nhiều bất cập trong các quá trình tiếp cận và điều trị y tế khi hồ sơ bệnh lý sẽ được lưu trữ một cách thống nhất, liền mạch và hệ thống cũng như tạo sự theo dõi sát sao hơn xuyên suốt quá trình chăm sóc sức khoẻ.

BS. Trịnh Trung Tiến - Phó trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ phòng khám đa khoa trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trình bày về mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta

Sau phần tham luận của các báo cáo viên, chương trình đi đến phần giao lưu giải đáp thắc mắc từ các công đoàn viên tham gia. Bằng sự giải đáp chuyên sâu và kỹ lưỡng đến từ các chuyên gia, các công đoàn viên đã được trang bị những phương pháp chăm sóc sức khoẻ hậu Covid-19 tích cực và hiệu quả.

 

Các Báo cáo viên giải đáp thắc mắc từ công đoàn viên liên quan đến các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ

Các khách mời, đại biểu cùng công đoàn viên chụp hình lưu niệm

Nội dung: Thu Nguyệt

Hình ảnh: Lê Tiến, Phượng Bình

Ban truyền thông Ulaw

 

--%>
Top