Hội thảo khoa học trực tuyến: "Giảng dạy các môn khoa học cơ bản trong thời kỳ hội nhập quốc tế"

Ngày 03/8/2021, thông qua phần mềm trực tuyến Zoom, với mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, học tập để tìm ra các phương hướng, giải pháp cụ thể nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập đối với các môn khoa học cơ bản nhằm thích ứng với sự biến đổi của hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội ở trong nước và trên thế giới, Khoa Khoa học cơ bản đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Giảng dạy các môn khoa học cơ bản trong thời kỳ hội nhập quốc tế”.

Tham dự Hội thảo, có TS.Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng Khoa KHCB, TS. Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng Khoa KHCB, các khách mời là giảng viên, sinh viên của Trường cùng toàn bộ các cán bộ, giảng viên trong Khoa.

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của giảng viên, sinh viên trong và ngoài Khoa

Chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Vinh nồng nhiệt chào đón các cán bộ giảng viên khách mời, các giảng viên trong Khoa cùng toàn thể các bạn sinh viên đến tham dự. TS. Nguyễn Quốc Vinh nhấn mạnh hoạt động giảng dạy các môn Khoa học cơ bản trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn liền với sự đa chiều của thông tin, sự thay đổi về công nghệ, cùng những xu thế giáo dục mới đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đòi hỏi phải đổi mới toàn diện từ nội dung chương trình đến phương thức tổ chức đào tạo. TS. Nguyễn Quốc Vinh hy vọng thông qua tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi quý báu góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy học tập các môn học thuộc Khoa trong thời kỳ mới.

Với tham luận mở đầu: “Tác động của toàn cầu hóa đối với công tác giảng dạy lý luận chính trị trong trường đại học ở Việt Nam”, TS. Trần Thị Rồi chỉ ra những đặc trưng của thời kỳ hội nhập vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức với sự đa dạng, phong phú của các nguồn thông tin khiến cho việc giảng dạy chính trị vừa gặp thuận lợi và khó khăn nhất định, đòi hỏi người dạy phải định hướng cho người học vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quá trình giảng dạy, người giảng viên phải coi học thuyết Mác Lênin là học thuyết mở, có sự linh động, đồng hành hướng dẫn người học, khuyến khích nhận thức đa chiều của người học về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của thế giới và đất nước.

TS. Trần Thị Rồi trình bày tham luận đầu tiên tại Hội thảo

Các tham luận tiếp theo của các giảng viên tổ Lý luận chính trị như TS. Nguyễn Thanh Hải, TS. Nguyễn Quốc Vinh, ThS. Nguyễn Hoài Đông lần lượt bàn về giải pháp cho từng môn học cụ thể trong Tổ. Nhìn chung, các tham luận đều thống nhất, để tiệm cận với xu thế phát triển của thế giới, mỗi giảng viên buộc phải lựa chọn, xây dựng phương pháp giảng dạy phù hợp với từng môn học căn cứ vào mục đích, nội dung của môn học, của quy luật nhận thức, đặc điểm người học, và cả điều kiện, môi trường giảng dạy theo xu thế toàn cầu hóa ngày nay.

Mở đầu bài tham luận của tổ Văn hóa - tâm lý - xã hội học, TS. Lê Thị Hồng Vân trình bày về “Giảng dạy môn Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa”. Tác giả đề xuất các giải pháp mang tính tổng thể giúp sinh viên có ý thức thay đổi những thói quen, nếp sống, cách tư duy ứng xử không còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời biết trân trọng và gìn giữ những giá trị tinh hoa của văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, tham luận của ThS. Ngô Thị Minh Hằng “Vai trò của việc giảng dạy đạo đức cho sinh viên qua môn Đại cương Văn hóa Việt Nam” trình bày vai trò song hành của hai yếu tố: giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và điều chỉnh hành vi thích ứng hội nhập của sinh viên trong việc nghiên cứu học tập môn học. Từ góc nhìn môn Xã hội học pháp luật, ThS. Lê Văn Bích đề xuất các giải pháp trong phòng ngừa các hành vi lệch chuẩn do mặt trái của làn sóng toàn cầu hóa mang lại.

ThS. Lê Văn Bích bàn về mặt trái của làn sóng toàn cầu hóa

PGS.TS Phạm Đình Nghiệm mở đầu nhóm tham luận của tổ Kỹ năng tư duy và ngôn ngữ với bài viết: “Biến sinh viên thành đồng tác giả của bài giảng”. Tham luận chỉ ra những nguy cơ, thách thức mà giảng viên gặp phải như người dạy lạc hậu hơn người học khi tiếp cận nguồn thông tin từ đó đề xuất các phương thức thích ứng, đồng hành, khích lệ sự tham gia tích cực của người học. Tham luận tiếp theo của ThS. Phạm Thị Minh Hải phân tích về nhu cầu cấp thiết, khó khăn, thách thức cũng như các giải pháp khắc phục của các loại hình đánh giá trực tuyến, nhằm bảo vệ tính liêm chính trong học thuật và quyền lợi được học đúng tiến độ của người học.

Từ phía khách mời, tham luận của ThS. Đào Thị Vui chỉ ra vai trò của tư duy phản biện và sự cần thiết phải trang bị tư duy phản biện cho người học trong bối cảnh đa chiều thông tin của thời kỳ hội nhập. Từ phía khách mời là sinh viên, các bạn sinh viên cũng trình bày những quan điểm và mong muốn của mình trong việc học tập các môn học thuộc khoa Khoa học cơ bản.

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Vinh phát biểu ghi nhận sự nỗ lực của các giảng viên trong việc tìm tòi nghiên cứu, vận dụng nghiêm túc, sáng tạo những nội dung, phương pháp nhằm thích ứng tình hình mới và mong rằng các kinh nghiệm và ý kiến được đưa ra thảo luận trong Tọa đàm sẽ được các thầy cô ghi nhận, vận dụng dụng hiệu quả và phù hợp với đặc thù từng môn, từng nhóm đối tượng mà mình giảng dạy trong thời gian tới.

Hội thảo kết thúc tốt đẹp vào lúc 11h trưa cùng ngày.

Bài viết: Khoa Khoa học cơ bản

Hình ảnh: Nhã Uyên

Ban Truyền thông ULaw

--%>
Top