Với việc xuất hiện ngày càng nhiều ở các vai trò khác nhau trong những tranh chấp bằng trọng tài và có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch và hiệu quả của phương thức trọng tài và hòa giải, yếu tố “bên thứ ba” và các tình huống phát sinh liên quan đến chủ thể này đang là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm thời gian gần đây. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào về trọng tài nào tại Việt Nam cung cấp định nghĩa cụ thể và chi tiết về vai trò và quyền hạn của bên thứ ba, vô hình chung tạo nên những trở ngại nhất định khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, hòa giải.
Qua quá trình nghiên cứu và thực tiễn kinh nghiệm, rất nhiều ý kiến đóng góp về việc bổ sung, cải thiện cơ chế cho bên thứ ba đã được đưa ra, đặc biệt là khi Luật Trọng tài Thương mại 2010 đang trong giai đoạn điều chỉnh. Nhận diện được tầm quan trọng của quy định nói trên, trong khuôn khổ Diễn đàn khoa học về Trọng tài – Hòa giải năm 2024 (“AMS 2024”), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã lần lượt phối hợp với các trường: Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW), Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước (CELG-UEH), Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM (UEL) tổ chức 03 Hội thảo chuyên đề vào thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 22/03/2024.
Nhằm tạo một diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các chuyên gia uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực trọng tài, vào lúc 08h00 ngày 11/04/2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trường Đại học Luật TP. HCM (ULAW) tổ chức Diễn đàn thảo luận về “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” trực tiếp tại Hội trường A1001 cơ sở Nguyễn Tất Thành kết hợp hình thức livestream. Đây là sự kiện trọng điểm và cũng là sự kiện tổng kết của AMS 2024 với chủ điểm chính “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”.
Toàn cảnh Diễn đàn thảo luận “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” tại Hội trường A1001 cơ sở Nguyễn Tất Thành
Diễn đàn thảo luận đón nhận sự tham dự của các đại biểu là TS.Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); LS. Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); Ông Phan Trọng Đạt - Quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC).
Về phía các chuyên gia có sự tham dự của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam; Ông Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa Kinh tế TAND Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên VIAC; Luật sư Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC; Luật sư Nguyễn Duy Linh - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF); Luật sư Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên VIAC; TS.LS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Trọng tài Dzungsrt & Associates LLC; GS. Sebastien Manciaux - Phó Khoa Luật, Đại học Burgundy (Bourgogne) - Thành viên của CREDIMI; Luật sư Earl Rivera-Dolera - Trọng tài viên ICC, SIAC.
Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng sự tham gia đông đảo của các giảng viên, sinh viên Nhà trường.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định sự tăng trưởng ấn tượng về số lượng tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là minh chứng cho sự phổ biến và thông dụng của trọng tài nói riêng và ADRs nói chung. Tuy nhiên, sự gia tăng này cũng cùng lúc đặt ra cho VIAC và nhiều tổ chức trọng tài khác nhiều thách thức hơn, trong đó thách thức lớn nhất là thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết các tình huống, diễn biến phát sinh trong thực tiễn.
Qua quá trình hợp tác nhiều năm với các tổ chức, cơ sở đào tạo luật trên khắp cả nước, TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy sự đóng góp của các viện nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo luật, kết hợp cùng thực tiễn có được từ các chuyên gia của các công ty luật, các trọng tài viên, hòa giải viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo nên một bức tranh pháp lý đầy đủ, từ đó, giúp nhanh chóng tìm ra các lỗ hổng pháp luật và có giải pháp điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. Vì vậy, TS. Vũ Tiến Lộc hy vọng tại Diễn đàn “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp, nghiên cứu nhằm hoàn thiện khung pháp lý về trọng tài tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong hoạt động giải quyết tranh chấp.
TS.Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn
Nối tiếp phần chia sẻ của TS. Vũ Tiến Lộc, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM nhận định Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là một trong những trung tâm trọng tài thương mại lớn, có uy tín trong cả nước. Giữa Nhà trường và VIAC đã có truyền thống hợp tác toàn diện, gắn bó lâu dài, hiệu quả trong thời gian qua. Với bề dày lịch sử và thương hiệu trong lĩnh vực đào tạo pháp luật, Trường Đại học Luật TP.HCM tự hào đóng góp cho VIAC một đội ngũ trọng tài viên là các nhà khoa học, giảng viên giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, trong năm 2024, Nhà trường hân hạnh khi đồng hành cùng VIAC trong một số các hoạt động của diễn đàn khoa học về trọng tài và hòa giải.
Liên quan đến Diễn đàn thảo luận với chủ đề “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”, TS. Lê Trường Sơn hy vọng diễn đàn sẽ thu hoạch được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng về khoa học, thực tiễn, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Trọng tài, hỗ trợ cho hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo Luật và cung cấp những cơ sở khoa học, thực tiễn nhằm hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại.
TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường hy vọng diễn đàn sẽ thu hoạch được những ý kiến đóng góp chất lượng về khoa học, thực tiễn
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành đối tác thân thiết, gắn bó và đồng hành cùng nhiều hoạt động, sự kiện giàu tính chuyên môn. Với ý nghĩa khẳng định, phát triển mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai đơn vị lên một tầm cao mới, tại diễn đàn khoa học, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đã cùng Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Đây được xem là dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để các bên cùng lên ý tưởng, xây dựng các hoạt động, chương trình hữu ích, đóng góp cho cộng đồng về phương diện pháp luật trên cơ sở nghiên cứu và thực tiễn.
TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM và TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác
Diễn đàn Khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” được triển khai theo hình thức Phiên thảo luận, gồm 2 phiên, tập trung vào các chủ đề sau:
- Phiên thảo luận 1: “Diễn biến của quy trình tố tụng trọng tài và vấn đề liên quan đến bên thứ ba” do PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trọng tài viên VIAC điều phối.
- Phiên thảo luận 2: “Cơ chế cho bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài: Mô hình quốc tế và tính khả thi đối với trọng tài tại Việt Nam” do PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chủ trì.
Mở đầu Diễn đàn, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã mang đến góc nhìn tổng quan về “Bên thứ ba trong quy định pháp luật về trọng tài tại Việt Nam và sự cần thiết bổ sung quy định về chủ thể” này với 03 nội dung chính: (i) Định nghĩa bên thứ ba và giới hạn khái niệm Bên thứ ba với những người khác có thể tham gia tố tụng trọng tài; (ii) Vì sao cần quan tâm tới bên thứ ba trong khi tố tụng trọng tài là không công khai, vài ví dụ điển hình; (iii) Sơ khảo quy định của pháp luật Việt Nam và thực tiễn tại VIAC, chiến lược của các bên và của Hội đồng trọng tài. Theo đó, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa nhận định bản chất việc lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp là một thủ tục riêng tư, không công khai, tự giải quyết tranh chấp xung đột giữa các bên bằng sự thoả thuận. Với sự phát triển phức tạp của xã hội như hiện nay, yếu tố “bên thứ ba” làm vô hình chung tạo nên những trở ngại nhất định khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cũng như hòa giải. Từ đây, thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xem xét, thiết kế lại cơ chế đối với “bên thứ ba” trong tố tụng trọng tài nhằm cải tiến, hoàn thiện khung pháp lý nhưng vẫn giữ được những nguyên tắc căn bản của Trọng tài, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.
PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trọng tài viên VIAC mang đến góc nhìn tổng quan về “Bên thứ ba” trong quy định pháp luật về trọng tài tại Việt Nam và sự cần thiết bổ sung quy định về chủ thể này
Phiên thảo luận “Diễn biến của quy trình tố tụng trọng tài và vấn đề liên quan đến bên thứ ba” được điều phối bởi PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Trọng tài viên VIAC
Bước vào chủ pháp lý đầu tiên: “Vấn đề cung cấp chứng cứ và xác minh sự việc từ bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài”, LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC trên cơ sở những nghiên cứu của học giả quốc tế về các quyền của Hội đồng trọng tài (HĐTT), đã tiến hành đối chiếu thẩm quyền HĐTT theo Uncitral với Việt Nam. Đồng thời, trong tương quan so sánh những căn cứ pháp lý về thẩm quyền và giới hạn thẩm quyền HĐTT đối với chứng cứ giữa Luật Trọng tài thương mại 2010, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và thực tiễn xét xử trọng tài tại Việt Nam, tác giả đặt ra vấn đề thảo luận: Việc cần được công nhận và cho thi hành bản án ở nước ngoài trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài có được xem là vượt quá thẩm quyền của HĐTT đối với bên thứ ba hay không.
LS. Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc ADR Vietnam Chambers LLC, Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận “Vấn đề cung cấp chứng cứ và xác minh sự việc từ bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài”
Tại Diễn đàn, Luật sư Nguyễn Duy Linh - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) đã trình bày một số trường hợp bên thứ ba có ý kiến, phản đối trong quá trình tố tụng trọng tài qua tham luận “Ý kiến, khiếu nại của bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài và thực tiễn giải quyết của hội đồng trọng tài”. Thông qua việc làm rõ khái niệm “bên thứ ba” theo nghĩa rộng, nghĩa hẹp, quy định hiện hành và thực tiễn xét xử, cùng với đó, phân tích, đề cập những trường hợp cụ thể về thực tiễn giải quyết giữa nhiều chủ thể trong các tranh chấp có liên quan tới công ty mẹ - công ty con, giữa nhà thầu nước ngoài và ban quản lý dự án và UBND thành phố,... tác giả nhận định rằng mức độ tham gia của bên thứ ba theo khung pháp lý hiện hành của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ dừng lại ở vai trò nhân chứng hoặc chuyên gia. Vì vậy, tác giả cho rằng để bên thứ ba có thể tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài một cách hiệu quả thì cần sửa đổi, hoàn thiện các luật và cơ chế khác cũng như nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Luật sư Nguyễn Duy Linh - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF) trình bày tham luận “Ý kiến, khiếu nại của bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài và thực tiễn giải quyết của hội đồng trọng tài”
Kết thúc phiên thảo luận đầu tiên, Ông Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, Trọng tài viên VIAC đã chia sẻ góc nhìn của Thẩm phán về việc trực tiếp giải quyết những đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài có sự tham gia của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài, qua đó, đề xuất các trọng tài viên, HĐTT trong quá trình giải quyết tranh chấp cần nhận diện các vụ việc có liên quan đến bên thứ ba có nguy cơ, khả năng bị Tòa án hủy hoặc nguy cơ, phán quyết trọng tài không thi hành được để ban hành PQTT phù hợp. Thẩm phán Đỗ Quốc Đạt đồng thời kiến nghị bổ sung quy định cho phép bên thứ ba có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được quyền nộp đơn yêu cầu đến Tòa án hủy PQTT, quy định về trách nhiệm của bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp không đúng gây thiệt hại.
Ông Đỗ Quốc Đạt - Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM chia sẻ góc nhìn của Thẩm phán về bên thứ ba trong tố tụng trọng tài qua tham luận “Thực tiễn hủy phán quyết trọng tài do yếu tố bên thứ ba”
Phiên thứ hai của diễn đàn tiếp tục diễn ra vào sáng cùng ngày với sự trình bày của các chuyên gia trong và ngoài nước.
[Ban Truyền thông Ulaw sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo]