Hội thảo quốc tế “Chính sách, pháp luật về Dự án Công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”

Nhằm nhận diện, phân tích những khía cạnh pháp lý, kinh tế, môi trường và thực tiễn trong việc phát triển Công trình xanh ở Việt Nam, cũng như tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, sáng ngày 10/04/2024, Trường ĐH Luật Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Chính sách, pháp luật về Dự án Công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia” tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo “Chính sách, pháp luật về Dự án Công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia” diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM

Về phía khách mời, hội thảo vinh dự được đón tiếp ông Ar Owen Wee - Chuyên gia cấp cao Surbana Jurong Architecture Cựu thành viên Ban điều hành Hội đồng công trình xanh Singapore, Chủ tọa; Ông Raphael Tay - Luật sư, Chủ tịch UBTV LAWASIA Moot, Trưởng Phòng DN, TM và SNDN hãng luật Law Partnership, TVHĐ Hiệp hội Luật sư Liên Thái Bình Dương (Malaysia), Chủ tọa; Ông Douglas L. Snyder - Giám đốc Điều hành, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), Chủ tọa; ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, Chủ tọa cùng các chuyên gia trong và ngoài nước có quan tâm.

Về phía trường ĐH Luật TP.HCM, hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Chủ tọa; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, Chủ tọa; PGS.TS. Lưu Quốc Thái, Khoa Luật Thương Mại, Chủ tọa; TS, GVC. Võ Trung Tín – Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi Trường, Khoa Luật Thương Mại, Chủ tọa; cùng các Thầy Cô là chuyên viên trường, nhà khoa học và sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết công trình xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một phần không thể thiếu trong cam kết toàn cầu về phát triển bền vững. Theo đó, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực này đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ trong việc mở rộng ranh giới của xây dựng xanh. Từ đây, Nhà trường nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc lồng ghép nội dung phát triển hoạt động xây dựng xanh với hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Trên cơ sở đó, Nhà trường mong muốn hợp lực với các đơn vị có quan tâm đến hoạt động xanh cùng nhau phát triển, hoàn thiện chính sách pháp luật và mang đến sự thay đổi tích cực, đáp ứng kỳ vọng về kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh Hội thảo sẽ là cột mốc đầu tiên đánh dấu công cuộc xây dựng nền tảng pháp lý cho lĩnh vực xây dựng xanh tại Việt Nam

Đại diện Phúc Khang Corporation, ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation cho biết nhằm giải quyết hiện trạng ô nhiễm môi trường, có rất nhiều biện pháp đã, đang và sẽ được triển khai, trong đó, xây dựng công trình xanh được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, hạn chế các tác động tiêu cực đến con người và môi trường. Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển “xanh”. Tuy vậy, vẫn chưa có hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán về nội dung liên quan trong lĩnh vực này, gây nên những khó khăn và tâm lý e ngại cho các đơn vị triển khai trên thực tiễn. Vì vậy, buổi hội thảo sẽ là cơ hội để các chuyên gia trao đổi và hoàn thiện chính sách pháp luật tại Việt Nam.

ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - PCT Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM, Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM phát biểu tại Hội thảo

Lãnh đạo Trường ĐH Luật TP.HCM gửi những đóa hoa tươi thắm đến các chuyên gia là Chủ tọa và diễn giả tại Hội thảo

Phúc Khang Corporation gửi tặng những món quà tri ân đến các chuyên gia là Chủ tọa và diễn giả tại Hội thảo 

Phiên thứ nhất với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về Công trình xanh” bao gồm các tham luận:

- “Cầu nối chính sách Xanh và các bước thực hiện - trường hợp của Singapore” - Ông Owen Wee; PGS, TS. Lê Thị Hồng Na - Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG-HCM;

- “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển công trình xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” - ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu;

- “Pháp luật và chính sách đối với các dự án bất động sản xanh ở Malaysia” - Ông Raphael Tay;

- “Các cơ chế khuyến khích công trình xanh tới mục tiêu Net zero tại London, Vương Quốc Anh” - TS. KTS. Lê Thị Hồ Vi - Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Đến với phiên làm việc thứ nhất, các diễn giả thông qua kinh nghiệm cũng như nghiên cứu chuyên môn đã đưa ra nhiều đánh giá khách quan về việc phát triển công trình xanh trên cơ sở quy định pháp luật, tiến trình phát triển, một số chính sách cũng như các cơ chế khuyến khích xây dựng công trình xanh tại các quốc gia như Singapore, Malaysia và Vương Quốc Anh.

Chủ tọa đoàn phiên làm việc thứ nhất

Ông Owen Wee - Chuyên gia cấp cao, Surbana Jurong Architecture, Cựu thành viên Ban điều hành Hội đồng công trình xanh Singapore trình bày tham luận “Cầu nối chính sách Xanh và các bước thực hiện - trường hợp của Singapore”

Với tham luận “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển công trình xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu với những kinh nghiệm phong phú về hoạt động và nghiên cứu thực tiễn đã đưa ra nhiều đề xuất mang tính đóng góp tích cực cho lĩnh vực xây dựng xanh tại Việt Nam. Theo đó, bà Mẫu nhấn mạnh cần ban hành một bộ công cụ đánh giá dự án công trình xanh áp dụng riêng cho Việt Nam và quy định thẩm quyền đánh giá, cấp chứng nhận công trình xanh thuộc cơ quan xây dựng. Điều này là cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng ứng dụng tùy tiện công trình xanh, làm cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất.

ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản TP. HCM; Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation trình bày tham luận “Chính sách, pháp luật Singapore về phát triển Công trình xanh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”

Ông Raphael Tay - Luật sư, Chủ tịch UBTV LAWASIA Moot; Chủ tịch Ủy ban Đào tạo và Phát triển Pháp lý; Thành viên Hội đồng Hiệp hội Luật sư Liên Thái Bình Dương (Malaysia) trình bày tham luận “Pháp luật và chính sách đối với các dự án bất động sản xanh ở Malaysia”

TS. KTS. Lê Thị Hồ Vi - Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Các cơ chế khuyến khích công trình xanh tới mục tiêu Net zero tại London, Vương Quốc Anh”

Bàn luận sâu hơn về các vấn đề xoay quanh pháp luật Việt Nam Các tham luận được trình bày tại Phiên thảo luận thứ hai bao gồm:

- “Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện dự án công trình xanh ở Việt Nam” - PGS.TS. Lưu Quốc Thái;

- “Công trình xanh ở Việt Nam - Quá trình phát triển và những thách thức mới” - Ông Douglas L. Snyder; PGS. TS. Lê Thị Hồng Na - Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG-HCM;

- “Pháp luật về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đối với các dự án đầu tư: thực trạng và kiến nghị” - TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật Thương mại; TS. Đỗ Thanh Trung - GV Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, trường ĐH Luật TP.HCM.

Đến với phiên làm việc thứ hai, các diễn giả đã bàn luận tích cực các vấn đề xoay quanh quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến việc thực hiện dự án CÔNG TRÌNH XANH ở Việt Nam. Trình bày tại Hội thảo, PGS.TS. Lưu Quốc Thái đã phân tích thực trạng pháp luật về dự án công trình xanh ở Việt Nam trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới để đưa ra những đề xuất tổng quan cho việc xây dựng khung pháp luật về vấn đề này.

Chủ tọa đoàn phiên làm việc thứ hai

PGS.TS. Lưu Quốc Thái - GV Khoa Luật Thương mại trình bày tham luận “Cơ sở pháp lý cho việc thực hiện dự án công trình xanh ở Việt Nam”

Bàn luận về quá trình phát triển cũng như những thách thức mà công trình xanh ở Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt, ông Douglas L. Snyder đánh giá công trình xanh là một yếu tố tất yếu để đi đến sự phát triển bền vững. Theo đó, phát triển công trình xanh có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, ngăn ngừa thiệt hại về môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.


Ông Douglas L. Snyder - Giám đốc Điều hành, Hội đồng 
công trình xanh Việt Nam (VGBC) trình bày tham luận “Công trình xanh ở Việt Nam - Quá trình phát triển và những thách thức mới”

TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật Thương mại trình bày tham luận “Pháp luật về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đối với các dự án đầu tư: thực trạng và kiến nghị”

Các chuyên gia thảo luận, trao đổi về các nội dung được trình bày tại Hội thảo

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình phát biểu kết luận Hội thảo

Trong nhiều năm gần đây, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường trầm trọng đã trở thành mối nguy hại hàng đầu cho con người và đẩy nhiều sinh vật trên trái đất đến nguy cơ tuyệt chủng. Với mục tiêu hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người, vấn đề phát triển các dự án công trình xanh đã được đặt ra và là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở đó, những kiến nghị cũng như kết luận được đúc kết từ các chuyên gia tại Hội thảo chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong việc xây dựng ngày càng nhiều dự án công trình xanh trong tương lai.

Hội thảo là tiền đề cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong việc xây dựng ngày càng nhiều dự án công trình xanh trong tương lai

 

Nội dung: Quỳnh Như, Thùy Vân

Hình ảnh: Dạ Thảo, Mai Hương

Ban Truyền thông Ulaw