Sáng 11/4/2024 vừa qua, Trường Đại học Luật TP.HCM (ULAW) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Diễn đàn khoa học “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” thu hút hơn 200 chuyên gia, Luật sư, Trọng tài viên nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại nói riêng và tư pháp nói chung.
Đây là sự kiện trọng điểm, tổng kết toàn Chuỗi hoạt động Diễn đàn Khoa học về Trọng tài – Hòa giải 2024 với chủ điểm chính “Bên thứ ba và các tác động với quy trình tố tụng trọng tài”.
Tiếp nối sự thành công của phiên thứ nhất, phiên thảo luận thứ hai của diễn với chủ đề “Cơ chế cho bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài: Mô hình quốc tế và tính khả thi đối với trọng tài tại Việt Nam” được điều phối bởi PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục diễn ra sôi nổi.
Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Cơ chế cho bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài: Mô hình quốc tế và tính khả thi đối với trọng tài tại Việt Nam” do PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM chủ trì
Mở đầu phiên thảo luận thứ hai, TS.LS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Trọng tài Dzungsrt & Associates LLC trong tham luận “Những thuận lợi và bất lợi khi bổ sung cơ chế tham gia của bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài” nhận định việc bổ sung cơ chế cho bên thứ ba góp phần giúp việc giải quyết tranh chấp và quá trình áp dụng các thủ tục phát sinh trong quá trình tố tụng thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn. Đồng thời, TS.LS. Nguyễn Thị Thu Trang cũng đưa ra một số kiến nghị về việc cung cấp cơ chế cho phép HĐTT thu thập chứng cứ từ bên thứ ba và áp dụng các biện pháp tạm thời đối với bên thứ ba; cung cấp hướng dẫn rõ ràng (ghi chú thực hành) cho trọng tài nhiều bên và nhiều hợp đồng nhằm hạn chế các trường hợp bên thứ ba có thể tham gia vào quá trình xét xử trọng tài đang diễn ra và nâng cao quyền quyết định/quyền lực của trọng tài trong việc xác định bên tham gia của bên không ký kết.
TS.LS. Nguyễn Thị Thu Trang - Trưởng phòng Trọng tài Dzungsrt & Associates LLC trình bày tham luận “Những thuận lợi và bất lợi khi bổ sung cơ chế tham gia của bên thứ ba trong quy trình tố tụng trọng tài”
Tiếp đến, GS. Sebastien Manciaux - Phó Khoa Luật, Đại học Burgundy (Bourgogne) - Thành viên của CREDIMI đã đưa ra một số đề xuất về việc mở rộng quyền tham gia của bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài. GS. Sebastien Manciaux nhận định theo luật pháp Pháp, một bên chỉ có thể bị ràng buộc bởi thỏa thuận trọng tài nếu bên đó có sự đồng ý, do đó, Bên thứ ba có thể tham gia vào quy trình tố tụng trọng tài nếu bên này bị ràng buộc bởi điều khoản nêu trên. Tác giả đồng thời chỉ ra sự khác nhau trong cách tiếp cận của pháp luật Pháp và pháp luật Anh về quyền tham gia của bên thứ ba cũng như dẫn giải một số các tình huống thực tế về ảnh hưởng của bên thứ ba đến hợp đồng, từ đó, khẳng định việc việc mở rộng sự tham gia của bên thứ ba có thể góp phần đảm bảo tính thống nhất trong quá trình ra quyết định của HĐTT.
GS. Sebastien Manciaux - Phó Khoa Luật, Đại học Burgundy (Bourgogne) - Thành viên của CREDIMI đã đưa ra cái nhìn về việc mở rộng quyền tham gia của bên thứ ba trong quá trình tố tụng trọng tài
Đến với diễn đàn, Bà Earl Rivera-Dolera - Luật sư, Trọng tài viên ICC, SIAC cũng đã cung cấp góc nhìn từ thực tiễn quốc tế, cụ thể là Singapore về vị thế và cách thức tham gia của bên thứ ba trong mô hình tố tụng trọng tài qua tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tố tụng trọng tài nhiều bên – Một số ưu và nhược điểm”. Tại phần trao đổi, LS. Dolera đã trình bày một số chuẩn mực được rút từ các quyết định khác nhau của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) bao gồm: (i) Sự tham gia của người không ký kết trong việc hình thành hợp đồng là một yếu tố quan trọng; (ii) Một phương án hợp đồng duy nhất được cấu thành từ nhiều văn bản; (iii) Sự chấp nhận ngụ ý hoặc thể hiện thỏa thuận trọng tài của bên không tham gia người ký kết cho dù trong chính cơ quan trọng tài cụ thể hay trong một diễn đàn khác; (iv) Sự vắng mặt của tư cách công ty của người ký kết; (v) Lừa đảo lạm dụng hình thức công ty giống như lừa đảo. Đánh giá tầm quan trọng về sự tham gia của bên thứ ba trong hợp đồng trong các kết luận trên, LS. Earl Rivera-Dolera cho rằng nhà làm luật cần đặt ra các quy định hợp lý về quyền lợi của bên thứ ba để tránh tình trạng ảnh hưởng đến quá trình tố tụng trọng tài.
Tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tố tụng trọng tài nhiều bên – Một số ưu và nhược điểm” do Bà Earl Rivera-Dolera - Luật sư, Trọng tài viên ICC, SIAC trình bày
Sau cùng, Luật sư Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên VIAC dưới góc nhìn thực tiễn là một Trọng tài viên đã đưa ra quan điểm về tính khả thi khi áp dụng mô hình tố tụng trọng tài đa bên thông qua tham luận “Đối chiếu với quy định pháp luật tại Việt Nam và đánh giá về mức độ khả thi khi áp dụng mô hình tố tụng trọng tài nhiều bên”. LS. Đỗ Khôi Nguyên đã chỉ ra các cơ sở pháp lý trong Luật Trọng tài thương mại Việt Nam về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, về căn cứ hủy phán quyết trọng tài,..., trong đó, có sự xem xét, đánh giá về tính hiệu quả của việc có nhiều bên tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp.
Luật sư Đỗ Khôi Nguyên - Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Trọng tài viên VIAC trình bày tham luận “Đối chiếu với quy định pháp luật tại Việt Nam và đánh giá về mức độ khả thi khi áp dụng mô hình tố tụng trọng tài nhiều bên”
Tại phần thảo luận sau mỗi tham luận, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đã tiến hành tổng hợp, tóm tắt nội dung các bài tham luận, quan điểm của các tác giả và điều phối phần tranh luận, trao đổi, đóng góp ý kiến giữa các quý đại biểu tham dự diễn đàn.
Các chuyên gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề xoay quanh chủ đề “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài”
Các chuyên gia, diễn giả, khách mời chụp hình lưu niệm tại Diễn đàn khoa học
Sau quá trình làm việc nghiêm túc và tranh luận sôi nổi, Diễn đàn thảo luận “Hoàn thiện các cơ chế về bên thứ ba, thuận lợi hóa quá trình tố tụng trọng tài” đã thu nhận nhiều ý kiến có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Hai phiên thảo luận hôm nay đã khép lại Diễn đàn Khoa học về Trọng tài năm 2024 thuộc khuôn khổ AMS 2024. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng giúp khắc phục, tháo gỡ những nút thắt chồng chéo, chưa thống nhất của các quy định về các cơ chế của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài, từ đó, góp phần tạo nên một thay đổi tích cực về khung pháp lý trọng tài. Kết thúc ngày làm việc, đại diện Trường Đại học Luật TP. HCM, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu ghi nhận các đóng góp của những vị chuyên gia, diễn giả, các nhà nghiên cứu và tuyên bố bế mạc diễn đàn.
Nội dung: Thùy Linh, Thùy Vân
Hình ảnh: Khánh Linh, Phương Nghi
Ban Truyền Thông Ulaw