Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa “Điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án năm 2024”

Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp khoa “Điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án năm 2024” vào sáng ngày 15/01/2025 tại hội trường A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu pháp luật và những người làm thực tiễn trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động của Tòa án.

Toàn cảnh buổi hội thảo diễn đàn tại hội trường A. 905 - cơ sở Nguyễn Tất Thành

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của quý khách mời gồm Ông Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP. HCM; LS. Tạ Minh Trình - Tổng giám đốc Công ty Ocean Stars Lawyers; LS. Nguyễn Trương Tín - Phó giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tri Ân; LS. Hàm ZiCo - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Luật QHN; LS. Huỳnh Minh Vũ - Trưởng văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ; LS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng Phòng Luật sư Tư vấn - Công ty Luật TNHH Ta Pha; LS. Trần Văn Dầu - Công ty Luật Nam Sơn; LS. Nguyễn Sơn Lâm - Giám đốc Công ty Luật Nam Trí Việt; ThS. Nguyễn Phúc Thiện - Khoa Luật Trường Đại học Mở TP. HCM; Nghiên cứu sinh Hồ Thị Thanh Trúc - Giảng viên Khoa Kinh tế - Luật Trường Đại học Tài chính – Marketing; Bà Đặng Thị Tám - Thẩm phán TAND quận Gò Vấp; ThS. LS. Nguyễn Nguyện Xuân Thảo - Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Sài Gòn Shield và ThS. Lê Duy Bảo Chinh - Kiểm sát viên, VKSND quận Gò Vấp.

Về phía Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. HCM có sự tham dự của TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự; ThS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật lao động và TS. Nguyễn Phương Thảo - Trưởng Bộ môn Luật Dân sự cùng sự tham gia của các giảng viên khoa Luật dân sự cũng như các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh có quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. HCM nhấn mạnh những cải tiến nổi bật của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) 2024 so với năm 2014. TS. Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, các nội dung cải cách được xây dựng trên nền tảng tổng hợp các vấn đề đã đặt ra trước thềm Đại hội XIV, trong đó, việc cải tổ và phân quyền nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong giai đoạn sắp tới đóng vai trò quan trọng. Hội thảo là dịp để các đại biểu thảo luận, đề xuất các ý kiến thực tiễn nhằm kiến nghị với các cơ quan tư pháp trong việc ban hành và triển khai hiệu quả các quy định mới.

TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. HCM phát biểu khai mạc buổi hội thảo

ThS. Phan Nguyễn Bảo Ngọc - Trường Đại học Luật TP. HCM đã trình bày tham luận đầu tiên với chủ đề “Một số điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND theo Luật Tổ chức TAND 2024”. Nội dung bài tham luận nhấn mạnh rằng Luật mới làm rõ nội hàm quyền tư pháp, quyền xét xử, xử lý tranh chấp, vi phạm pháp luật và các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức, qua đó đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật xét xử. Luật 2024 cũng điều chỉnh nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án, bổ sung thêm hai nhiệm vụ mới, bao gồm xét xử vi phạm hành chính và giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Điểm đáng chú ý là quyền khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa đã bị loại bỏ, điều này được đánh giá là phù hợp nhằm đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra, tổ chức bộ máy của Tòa án cũng được cải cách với việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, kiện toàn cơ cấu tổ chức của TAND tối cao và tái cấu trúc bộ máy giúp việc của TAND tối cao và TAND cấp cao. Tác giả nhận định, những thay đổi này không chỉ nâng cao tính chuyên môn hóa mà còn giúp xác định rõ hơn vai trò và thẩm quyền xét xử của Tòa án trong bối cảnh mới.

Ths. Phan Nguyễn Bảo Ngọc - Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày bài tham luận đầu tiên với chủ đề “Một số điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án nhân dân theo Luật Tổ chức TAND 2024”

Tiếp nối buổi Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng phòng Luật sư Tư vấn, Công ty Luật TNHH Ta Pha trình bày tham luận về chủ đề “Tòa án hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự, nhìn từ Luật Tổ chức TAND 2024”. Tác giả phân tích rằng, so với Luật Tổ chức TAND năm 2014, nội dung này đã được cụ thể hóa trong một điều khoản riêng thay vì chỉ được nhắc đến chung chung trong nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án. Theo đó, Tòa án không còn nghĩa vụ thu thập tài liệu, chứng cứ mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ đương sự trong trường hợp pháp luật quy định. Điểm mới này khác biệt đáng kể so với pháp luật của một số quốc gia khác, nhưng lại phù hợp với xu hướng hiện đại và các nguyên tắc pháp luật hiện hành. Tác giả nhấn mạnh, việc không bắt buộc Tòa án thu thập chứng cứ trong các vụ án dân sự là một bước tiến quan trọng, đảm bảo tính khách quan và phản ánh sự tiệm cận các chuẩn mực pháp luật quốc tế.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng phòng Luật sư Tư vấn - Công ty Luật TNHH Ta Pha trình bày về chủ đề “Toà án hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự, nhìn từ Luật Tổ chức TAND năm 2024”

Trong chuyên đề “Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính theo Luật Tổ chức TAND năm 2024 và những vấn đề đặt ra về tổ chức và hoạt động”, TS. Lê Việt Sơn - Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. HCM tập trung phân tích các quy định mới trong Luật Tổ chức TAND 2024 về Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính và những thách thức về tổ chức, hoạt động khi mô hình này được triển khai. TS. Lê Việt Sơn cũng đề xuất cân nhắc bỏ các tòa chuyên trách để tinh gọn bộ máy và tăng cường thẩm quyền thông qua việc phân quyền rõ ràng. Dù còn nhiều khó khăn cần khắc phục, việc thay đổi này được kỳ vọng sẽ giải quyết những hạn chế trong xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính hiện nay.

TS. Lê Việt Sơn - Trưởng bộ môn Luật Tố tụng hành chính Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày chuyên đề “Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính theo Luật Tổ chức TAND năm 2024 và những vấn đề đặt ra về tổ chức và hoạt động”

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm trình bày bài tham luận về những điểm mới đối với Thẩm phán theo Luật Tổ chức TAND 2024. ThS. Nguyễn Thị Hoài Trâm nêu bật các thay đổi quan trọng, bao gồm quy định về ngạch Thẩm phán, nhiệm kỳ của Thẩm phán và chế độ, chính sách đối với họ. Cụ thể, Luật 2024 chỉ còn hai ngạch Thẩm phán: Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán TAND, thay thế cho ba ngạch trước đây. Thay đổi này giúp giảm tâm lý so sánh và tập trung vào đào tạo chuyên môn. Nhiệm kỳ Thẩm phán TAND tối cao kéo dài từ khi bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc luân chuyển, trong khi Thẩm phán TAND lần đầu có nhiệm kỳ năm năm, sau đó kéo dài đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Đây là một cải tiến so với Luật 2014. Ngoài ra, luật mới còn bổ sung các chế độ, chính sách nhân văn, trong đó Thẩm phán được hưởng chế độ như thương binh và có thể được công nhận là liệt sĩ trong trường hợp đặc biệt. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ quyền lợi Thẩm phán mà còn góp phần xây dựng một đội ngũ liêm chính, chuyên nghiệp, củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp.

Bà Đặng Thị Tám - Thẩm phán TAND quận Gò Vấp đánh giá và nêu ra quan điểm cá nhân về những điểm mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024 thông qua những bài tham luận cũng như các vị đại biểu đã trình bày

Sau phần trình bày các tham luận, các đại biểu đã sôi nổi trao đổi và thảo luận về những điểm mới của Luật Tổ chức TAND năm 2024. Nhiều ý kiến đã tập trung phân tích các vấn đề thực tiễn, như việc tinh gọn bộ máy, tăng cường tính độc lập và khách quan trong xét xử, cũng như những thách thức trong việc triển khai các quy định mới. Những trao đổi tích cực không chỉ phản ánh sự quan tâm sâu sắc mà còn cho thấy sự kỳ vọng lớn đối với những thay đổi mang tính cải cách của Luật Tổ chức TAND năm 2024.

ThS. Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP. HCM trình bày ý kiến cá nhân trong việc quy định Toà án là cơ quan hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ

LS. Huỳnh Minh Vũ - Trưởng văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ trình bày ý kiến cá nhân trong việc quy định Toà án là cơ quan hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ 

TS. Nguyễn Xuân Quang hoàn toàn đồng tình với việc bỏ quy định Toà án thu thập tài liệu, chứng cứ để xét xử. Đã trả lại cho Toà án đúng chức năng là thực hiện quyền xét xử

Hội thảo “Điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024” đã diễn ra thành công, tạo diễn đàn sôi nổi để các chuyên gia, luật sư, và giảng viên trao đổi quan điểm, đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật. Những nội dung được thảo luận không chỉ làm sáng tỏ các điểm mới của Luật Tổ chức TAND 2024 mà còn mở ra nhiều hướng tiếp cận mới trong việc cải cách và phát triển hệ thống tư pháp tại Việt Nam. Hội thảo khép lại với kỳ vọng rằng các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận và trở thành nguồn tham khảo quan trọng cho các cơ quan tư pháp trong thời gian tới.

Các vị đại biểu cùng chụp hình lưu niệm

Nội dung: Bảo Thy

Hình ảnh: Phương Thảo, Quang Anh

Ban Truyền thông Ulaw