Hội thảo quốc tế “Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” (Các Phiên buổi chiều)

Chiều ngày 10/5/2025, Hội thảo quốc tế “Thị trường Carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” tiếp tục với 03 phiên làm việc song song, đồng thời diễn ra tại các phòng: Hội trường A.1002, Hội trường A.905 và A.803, cơ sở Nguyễn Tất Thành. 

Phiên thứ 03 diễn ra tại Hội trường A.1002 với chủ đề “Quản lý Nhà nước trong thị trường Carbon, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong thị trường Carbon”.

Chủ tọa phiên làm việc thứ 3 từ trái sang: PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS.  Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo - Trường Đại học Ngoại thương


Ông Nguyễn Thành Công - Phó Trưởng thị trường Các-bon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày tham luận “Hành lang pháp lý và lộ trình phát triển thị trường Các-bon tại Việt Nam”

Mở đầu phiên thứ 3, ông Nguyễn Thành Công – Phó Trưởng phòng thị trường Các-bon, Cục Biển đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trình bày tham luận về “Hành lang pháp lý và lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam”. Bài tham luận trình bày lộ trình xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2020), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, (DỰ THẢO) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. 

Đóng góp tiếng nói từ thực tiễn vận hành doanh nghiệp, bà Phạm Thị Trúc Thanh - Giám đốc Phát triển bền vững, Heineken Việt Nam trình bày tham luận “Hành trình phát thải ròng bằng không trên chuỗi giá trị”. HEINEKEN Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất vào năm 2030 và trong toàn bộ chuỗi giá trị vào năm 2040. Là nhà sản xuất bia đầu tiên toàn cầu có cam kết Net Zero & FLAG được SBTi phê duyệt, HEINEKEN triển khai nhiều giải pháp như sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, không chôn lấp chất thải và tái chế nước thải. Với chuỗi giá trị, doanh nghiệp áp dụng chiến lược cung ứng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và hợp tác với nhà cung cấp. Việc đo lường và báo cáo phát thải được thực hiện theo chuẩn quốc tế và kiểm toán độc lập, cho thấy cam kết mạnh mẽ trong hành trình phát triển bền vững của Heineken.

Bà Phạm Thị Trúc Thanh - Giám đốc Phát triển bền vững, Heineken Việt Nam trình bày tham luận “Net zero journey in value chain”

Trong bài tham luận “Risk management and dispute resolution in the carbon market: international trends, regulatory developments, and best practices”, TS. Lê Thị Kiều Vân - ĐH Văn Hiến cho biết hiện nay, thị trường carbon toàn cầu đã phát triển vượt bậc và trở thành một cơ chế then chốt nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và thúc đẩy các mục tiêu khí hậu quốc tế. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với nhiều rủi ro dai dẳng, bao gồm sự bất định về pháp lý, biến động thị trường, kém hiệu quả trong vận hành và các tranh chấp pháp lý. Bài tham luận đã phân tích một cách chuyên sâu các chiến lược quản lý rủi ro và cơ chế giải quyết tranh chấp trong thị trường carbon toàn cầu, với trọng tâm điều chỉnh theo bối cảnh thị trường carbon đang hình thành của Việt Nam. Nghiên cứu của các tác giả cũng đề ra các tình huống nhằm phân tích về thị trường carbon tự nguyện và bắt buộc, với mục đích nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý được thiết kế chặt chẽ và các cơ chế xác minh độc lập trong việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp.

 TS. Lê Thị Kiều Vân - ĐH Văn Hiến đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Risk management and dispute resolution in the carbon market: international trends, regulatory developments, and best practices”

TS. Phạm Hồng Hạnh – Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày phân tích các hình thức vi phạm phổ biến trên thị trường carbon như: giao dịch tín chỉ không hợp pháp, gian lận trong đo đạc, đánh cắp tín chỉ qua tấn công mạng, và gian lận tài chính. Tác động của các hành vi này làm suy giảm hiệu quả giảm phát thải và gây rủi ro tài chính. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật hiện hành (Luật BVMT 2020, Nghị định 06/2022, Bộ luật Hình sự...) còn thiếu các quy định cụ thể để xử lý vi phạm trong thị trường carbon. Bài viết đề xuất hoàn thiện pháp luật qua việc ban hành hệ thống đăng ký quốc gia, điều chỉnh thẩm quyền kiểm kê KNK, tăng mức phạt và bổ sung các hành vi vi phạm cụ thể.


TS. Phạm Hồng Hạnh – Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Phòng chống vi phạm trên thị trường carbon - pháp luật một số quốc gia và kinh nghiệm đối với Việt Nam”

ThS. Phan Thị Kim Ngân - Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận “Kiểm soát gian lận trong thị trường carbon: bài học từ quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”


ThS. Nguyễn Thị Khánh - Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật, ĐHQG Hà Nội đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Hiện tượng treaty shopping trước sự phát triển của thị trường carbon”

TS. Lê Thị Thảo - Trường ĐH Luật, ĐH Huế trình bày tham luận “Khung pháp lý về đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải Carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”

Tại phiên làm việc thứ 04 tại Hội trường A905 với chủ đề “Thị trường carbon – góc nhìn từ kinh tế học và quản trị, tài chính”.

TS. Vũ Kim Ngân - Đồng Chủ tịch Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương trình bày bài tham luận

TS. Vũ Kim Ngân - Đồng Chủ tịch Chương trình WTO Chair tại Trường Đại học Ngoại thương trình bày bài tham luận Comparative legal approaches to carbon market design in compatibility with border carbon adjustment mechanisms and recommendations for Vietnam (Các cách tiếp cận pháp luật so sánh về thiết kế thị trường carbon phù hợp với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và các khuyến nghị đối với Việt Nam). Bài trình bày tập trung vào việc thiết kế thị trường carbon phù hợp với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Border Carbon Adjustment – BCA), cụ thể là Cơ chế CBAM của EU. CBAM yêu cầu nhà nhập khẩu khai báo lượng phát thải carbon trong sản phẩm và mua chứng chỉ tương ứng với giá EU ETS, nhằm tránh rò rỉ carbon và khuyến khích áp dụng định giá carbon toàn cầu. Tác giả phân tích mức độ tương thích giữa thị trường carbon Việt Nam và CBAM, nhấn mạnh việc cần chuẩn hóa hệ thống đo đạc – báo cáo – thẩm tra (MRV), điều chỉnh cơ chế phân bổ tín chỉ carbon (hạn chế miễn phí), mở rộng phạm vi ngành theo tiêu chí của CBAM (thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện...).


TS. Mạc Thị Hải Yến – Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã nghiên cứu dưới góc độ từ quản lý nhà nước, vĩ mô

ThS. Lê Thị Thanh Thanh - Trường Đại học Yersin Đà Lạt đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài “Tác động của các cơ chế tài chính và chính sách thuế đến thị trường tín chỉ carbon tự nguyện”. Trong đó, cơ sở lý luận của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện là không ràng buộc pháp lý, các bên có thể tự nguyện mua tín chỉ, việc tham gia góp phần phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính cũng có nhiều tác động đến thị trường tín chỉ carbon với các điều kiện cần thiết để phát triển một hệ sinh thái thị trường tín chỉ carbon tự nguyện hiệu quả: (1) các mô hình tài chính xanh giúp giảm rào cản đầu tư, tăng khả năng tiếp cận vốn cho các dự án carbon, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của VCM trong quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu; (2) cơ chế định giá đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành động lực tài chính và thu hút nhà đầu tư tham gia VCM; (3) các quỹ đầu tư và hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp tham gia nhằm giảm bớt các rào cản tài chính ban đầu, nhiều quỹ đầu tư công và tư đã được thiết lập. 

Đối với chính sách thuế, nếu các nguồn tài chính hỗ trợ đóng vai trò khơi thông dòng vốn đầu tư cho các dự án giảm phát thải, thì chính sách thuế lại trực tiếp ảnh hưởng đến chi phí cận biên của phát thải carbon, từ đó định hình hành vi môi trường của doanh nghiệp trong dài hạn. Việc này không chỉ giúp nội luật hóa giá trị của carbon mà còn tạo động lực tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện hoặc bắt buộc tham gia vào thị trường carbon.

ThS. Lê Thị Thanh Thanh - Trường Đại học Yersin Đà Lạt đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài “Tác động của các cơ chế tài chính và chính sách thuế đến thị trường tín chỉ carbon tự nguyện”

PGS.TS.GVCC. Cao Minh Trí – Trưởng Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh điều hành phiên thảo luận

Tại phòng họp A.803 đã diễn ra phiên thứ 05 với chủ đề “Hạn ngạch phát thải và tín chỉ Carbon”.

Chủ tọa phiên làm việc thứ 05 từ trái sang: TS. Phùng Thị Yến - Trưởng ban Hợp tác và Chuyển giao, Viện Nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương; PGS.TS. Trần Thăng Long – Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý; giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Ths. Lê Minh Nhựt – Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Trong bài tham luận “Standards on emission reductions payment agreements by the international emissions trading association - Lessons for Vietnam (Các tiêu chuẩn về thỏa thuận thanh toán giảm thải của Hiệp hội giao dịch phát thải quốc tế (IETA) - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam)”, TS. Vũ Thị Diệu Thúy - Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Việt Nam có thể lấy Hiệp hội Thương mại Khí thải Quốc tế là một tổ chức quốc tế làm hình mẫu để học hỏi các bài học, những vấn đề quan trọng như: Thứ nhất, tầm quan trọng của việc xác định bản chất pháp lý của tín chỉ Carbon, bởi khi giao dịch, cần phải xác định liệu tín chỉ đó có phải là tài sản hay không. Thứ hai, cần có các quy định rõ ràng về thỏa thuận mua bán tín chỉ Carbon. Các nguyên tắc cốt lõi mà Hiệp hội áp dụng bao gồm đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch và công khai thông tin trong các giao dịch. Ngoài ra, cần xác định thứ tự ưu tiên trong việc giảm phát thải, hạn chế yếu tố tự do hợp đồng. Đồng thời, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là trách nhiệm của bên bán trong việc cung cấp tín chỉ carbon hợp lệ. Hướng tới, cần xây dựng một khung pháp lý chung cho khu vực ASEAN.

TS. Vũ Thị Diệu Thúy trình bày bài tham luận “Standards on emission reductions payment agreements by the international emissions trading association - Lessons for Vietnam (Các tiêu chuẩn về thỏa thuận thanh toán giảm thải của Hiệp hội giao dịch phát thải quốc tế (IETA) - Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam)”


TS. Trần Nguyễn Thị Tâm Đan, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình bày tham luận “Bản chất của hợp đồng Carbon và một số kiến nghị trong việc xây dựng khung pháp lý cho thị trường Carbon tại Việt Nam”

TS. Võ Nguyên Hoàng Phúc trình bày tham luận tại phiên thứ 5

Bài tham luận của TS. Võ Nguyên Hoàng Phúc và CN. Võ Đoàn Khánh Đăng phân tích các rào cản pháp lý trong triển khai hệ thống tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: thiếu cơ chế MRV (đo lường, báo cáo, thẩm định) đáng tin cậy; nguy cơ phát triển thị trường carbon tự nguyện đi lệch mục tiêu phát triển bền vững; và xung đột tiềm ẩn với chính sách hỗ trợ nông nghiệp chung (CAP) của EU. Để khắc phục, EU đã triển khai các giải pháp như xây dựng hệ thống MRV chuẩn hóa, áp dụng công nghệ cao (AI, viễn thám, dữ liệu lớn), thiết lập cơ chế loại trừ tài trợ kép và thiết kế chính sách hài hòa giữa mục tiêu carbon và bảo vệ sinh thái. Trên cơ sở đó, bài tham luận đề xuất các hàm ý chính sách cho Việt Nam như: phát triển các mô hình thử nghiệm MRV; tăng cường đầu tư công vào nông nghiệp công nghệ cao; mở rộng tín dụng xanh; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, chống “greenwashing” và khuyến khích phát triển nông nghiệp hấp thụ carbon nhưng vẫn bảo tồn đa dạng sinh học.


Ths. Trần Quang Huy – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế tham gia đặt câu hỏi và thảo luận 


Ths.NCS. Nguyễn Tú Anh Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thành tra – Pháp chế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Ths.NCS. Nguyễn Tú Anh Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thành tra – Pháp chế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu phát biểu về hoạt động thanh tra, kiểm tra với vai trò là công cụ quản lý của Nhà nước trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trong quá trình xây dựng, vận hành và phát triển thị trường carbon trên cơ sở quy luật thị trường đồng thời đảm bảo thống nhất trong quản lý nhà nước theo định hướng công khai minh bạch tối ưu hoá quyền, lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan.

Sau thời gian trao đổi tích cực trong cả 05 phiên làm việc, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm phong phú trong và ngoài nước. Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thành quả đạt được tại Hội thảo là bước đệm quan trọng, mở ra những hướng đi tích cực và tạo tiền đề cho những trao đổi sâu hơn trong tương lai.

PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu bế mạc Hội thảo

Các vị đại biểu, khách quý chụp ảnh lưu niệm tại Phòng họp A. 905

Nội dung: Bảo Thy, Thanh Hảo, Quỳnh Như, Khánh Linh

Hình ảnh: Nhật Nam, Mai Khánh

Ban Truyền thông Ulaw