Hội thảo quốc tế “Phát triển kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hoá và chuyển đổi số” (IU-AGBA-ULAW 2025)

Với mục tiêu tạo ra diễn đàn trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, thương mại và pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia là nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước, hướng đến đánh giá sự tác động của toàn cầu hóa đến hoạt động kinh tế - xã hội, định hướng của nhà nước trong phát triển kinh tế trước bối cảnh toàn cầu hóa và chiến lược phát triển tổng thể cho Việt Nam cũng như chỉ ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong phát triển ngành thương mại,      dịch vụ, Logistic, vào sáng ngày 06/7/2025, Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Quốc tế phối hợp cùng Học viện Phát triển Kinh doanh Toàn cầu (AGBA, Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề “International Conference on Business and Entrepreneurship Development Across Vietnam in a Globalized and Digitalized Era” (Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp tại Việt Nam trong Kỷ nguyên Toàn cầu hóa và Chuyển đổi số) tại Khách sạn Saigon Prince, 59-73 Nguyễn Huệ, Phường Sài Gòn, TP. HCM. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay, các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia các hiệp định song phương và đa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội đặt ra các vấn đề liên quan đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển bền vững.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu, đồng thời quy tụ nhiều học giả, chuyên gia, doanh nhân từ các trường và Viện tại Việt Nam, Mỹ, châu Âu, và châu Á tham dự, chia sẻ nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn.

Toàn cảnh hội thảo quốc tế “Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp tại Việt Nam trong Kỷ nguyên Toàn cầu hóa và Chuyển đổi số”

Hội thảo quốc tế đã thu hút sự hơn 150 bài tham luận của các chuyên gia, diễn giả, doanh nhân từ các Trường và Viện

Về phía các chuyên gia, diễn giả tại hội thảo có sự hiện diện của Prof. Kyle S. Wells Professor of Finance and Former Dean School of Business, Utah Tech University; Dr. Christopher J. Marquette Managing Editor- Journal for Global Business Advancement AGBA's First  Vice President Assistant Professor of Finance-Tabor School of Business, Millikin University, State of Illinois, USA; Dr. Bahaudin G. Mujtaba Professor of Human Resources and International Management Department of Management, Huizenga College of Business and Entrepreneurship, Nova Southeastern University, State of Florida, USA; Prof. Cihan Cobanoglu Provost, Virscend University Irvine, State of California, USA; Prof. Dr. Zafar U. Ahmed Professor of Marketing and International Business Founder, President and CEO: Academy for Global Business Advancement Founder and Editor-in-Chief: Journal for Global Business Advancement Founder and Editor-in-Chief: Journal for International Business & Entrepreneurship Development; Mr. Francesco Tran Van Lieng CEO/President of Vinacacao, Vietnam. 

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng KHCN&HTPT; PGS.TS Cao Minh Trí - Trưởng khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS. TS. Hà Minh Trí - Trưởng Khoa Kinh doanh; TS. Hoàng Văn Long - Phó trưởng Khoa Quản trị; ThS. Lê Hoàng Phong - Phó Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính – Kế toán Khoa Quản trị; TS. Nguyễn Minh Đạt - Trưởng bộ môn Marketing Khoa Quản trị Trường Đại học Luật TP.HCM cùng các giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM. 

Về phía Trường Đại học Quốc tế TP.HCM - Đại học Quốc gia TP. HCM có sự hiện diện của PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Đình Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học. PGS.TS Phạm Tấn Nhật - Trưởng Bộ môn Nhà Hàng Khách Sạn, TS. Phan Triều Anh - Trưởng Bộ môn Quản trị Doanh nghiệp, TS. Alang Thớ - Trưởng Bộ môn Marketing, TS. Bùi Quang Thông - Trưởng Bộ môn Kinh Doanh Quốc Tế. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của đông đảo các học viên, sinh viên có quan tâm. 

Về doanh nghiệp đồng hành có sự hiện diện của Ông Hồ Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ANestLand Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều - Tổng Giám đốc, Công ty ANestLand Việt Nam. 

Hội thảo được Trường Đại học Luật TP.HCM và Trường Đại học Quốc tế phối hợp cùng Hiệp hội Phát triển Kinh doanh Toàn cầu (AGBA, Hoa Kỳ) đồng tổ chức

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - Đại học Quốc gia TP. HCM nhấn mạnh với sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, Nhà trường luôn chú trọng sự kết hợp giữa giáo dục, nghiên cứu và tinh thần khởi nghiệp. Đặc biệt, Trường ĐHQT - ĐHQG TP.HCM luôn khuyến khích sinh viên tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cùng giảng viên. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế, được xem là nền tảng quan trọng để sinh viên và các học giả kết nối với các nhà tư tưởng hàng đầu thế giới, trình bày nghiên cứu của mình và phát triển kỹ năng học thuật. 

PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế TP.HCM - Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo 

Tiếp nối phần phát biểu, Giáo sư Zafar U. Ahmed - Chủ tịch AGBA, Hoa Kỳ, Giáo sư về Tiếp thị và Kinh doanh Quốc tế; Người sáng lập và Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp Quốc tế (Scopus, Q2), Tạp chí Phát triển Kinh doanh Toàn cầu (Scopus, Q4) dành lời khen ngợi đến Trường Đại học Quốc tế TP.HCM - Đại học Quốc gia TP.HCM (IU) khi trong khuôn khổ Hội nghị AGBA diễn ra tại Thái Lan cách đây ít ngày, IU đã chính thức trở thành đơn vị đầu tiên trong mạng lưới hơn 200 quốc gia được trao quyền thành lập Chương đầu tiên (First Chapter) của AGBA tại một trường đại học quốc tế. Bên cạnh đó, Giáo sư Zafar U. Ahmed hy vọng hội thảo “Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp tại Việt Nam trong Kỷ nguyên Toàn cầu hóa và Chuyển đổi số” sẽ là một diễn đàn mà ở đó các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả thảo luận các phương pháp giải quyết vấn đề kinh doanh, khởi nghiệp trong thời đại chuyển đổi số, quan trọng, tập trung vào nền tảng cơ bản, phát triển công nghệ lý thuyết và các ứng dụng trên thế giới. 

Giáo sư Zafar U. Ahmed - Chủ tịch AGBA, Hoa Kỳ phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp tại Việt Nam trong Kỷ nguyên Toàn cầu hóa và Chuyển đổi số”, PGS.TS Trần Việt Dũng khẳng định Trường Đại học Luật TP.HCM - một cơ sở giáo dục pháp lý với hơn 40 năm hình thành và phát triển không chỉ chú trọng việc đào tạo nên những nhà luật học xuất sắc, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, chủ động của sinh viên trong việc phát triển năng lực bản thân, từ đó trực tiếp và gián tiếp góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái kinh tế và khởi nghiệp của đất nước. Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Việt Dũng đưa ra nhận định rằng khả năng đổi mới, duy trì giá cả cạnh tranh và không ngừng nâng cao chất lượng được xem là chìa khóa thành công trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Qua việc chỉ ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam, PGS.TS Trần Việt Dũng nhấn mạnh vai trò của mỗi chủ thể từ Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức đến cá nhân mỗi người nên có sự đổi mới liên tục đổi mới và thích ứng, đồng thời tích cực trong việc phát triển năng lực bản thân, từ đó, mở ra một tương lai đầy triển vọng cho phát triển kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam – không chỉ hòa nhập mà còn dẫn đầu trong thời đại toàn cầu hóa và số hóa.

PGS.TS Trần Việt Dũng nhấn mạnh vai trò của mỗi chủ thể trong việc đổi mới và thích ứng trong thời kỳ chuyển đổi số và toàn cầu hóa, từ đó mở ra một tương lai đầy triển vọng cho phát triển kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam


Buổi hội thảo được chia làm 02 phiên làm việc sáng chiều, quy tụ gần 150 bài tham luận chuyên sâu tập trung phân tích và đánh giá đa chiều về những tác động của toàn cầu hóa đến hoạt động kinh tế – xã hội, từ đó làm rõ vai trò điều tiết và định hướng của Nhà nước trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, các chiến lược phát triển tổng thể cho Việt Nam cũng được đặt lên bàn thảo luận, đi kèm là những bài học kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia khác. Đồng thời, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã tiến hành thảo luận sôi nổi sau mỗi phiên trình bày nhằm làm rõ những cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong tiến trình phát triển các ngành thương mại, dịch vụ và logistics. 

Trong khuôn khổ phiên làm việc buổi sáng của Hội thảo, nhiều bài tham luận chuyên sâu và giàu tính học thuật được trình bày, xoay quanh các chủ đề mang tính thời sự, thực tiễn và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số. Cụ thể, kể đến như: 

- “Artificial Intelligence (AI) Augmented Research: The Essential Role of Scholars” - Giáo sư Kyle Wells;

- “Navigating the "Publish or Perish" Landscape: Strategies for Academics to Succeed in High-Impact Journals: AGBA’s Perspective” - Tiến sĩ Christopher Marquette;

- “Writing and Publishing in Reputable Journals” - Giáo sư Bahaudin Mujtaba - Giáo sư về Quản trị, Quản trị nhân sự, Hành vi tổ chức và Quản lý Quốc tế, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Học viện Phát triển Liên kết và Giáo dục lãnh đạo Quốc tế, Hoa Kỳ;

- “Integrating Experiential Learning in Business Education” - Giáo sư Cihan Cobanoglu - Hiệu trưởng Trường Đại học Virscend, Hoa Kỳ;

- “Defining the Frontiers of World-Class Research on the Global Stage --- AGBA’s  Perspective” - Giáo sư Zafar U. Ahmed;

- “An Empirical Study on Vietnamese Chocolate Consumers’ Behaviors and Purchasing Paradigms: A New Approach with Innovation Resistance Theory (IRT) for Downstream Chocolate Businesses in Vietnam” - Ông Francesco Tran Van Lieng.

Với bài tham luận đầu tiên, GS. Kyle Wells đặt ra câu hỏi về vai trò của con người sẽ thay đổi như thế nào khi trí tuệ nhân tạo AI đang là một công cụ hỗ trợ con người trong mọi lĩnh vực, từ công việc đến đời sống thường ngày,  đặc biệt là sự hỗ trợ sâu rộng trong nghiên cứu. Bài tham luận của Giáo sư nhấn mạnh đến những khả năng đặc biệt của con người về mặt tư duy, cách đặt câu hỏi cũng như sự nhạy bén trong cách giải quyết vấn đề, phán đoán mang tính nhân văn sẽ là những đặc quyền duy nhất của các học giả dù AI có thể hỗ trợ đắc lực trong việc xử lý dữ liệu và đề xuất phương án giải quyết vấn đề. Theo Giáo sư, chính trong kỷ nguyên AI, vai trò của học giả sẽ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi học giả sẽ là người trực tiếp sử dụng công cụ AI, áp dụng AI một cách có hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, phục vụ đúng đắn lợi ích của con người.

Giáo sư Kyle Wells - Cựu Trưởng khoa Kinh Doanh, Giáo sư Tài chính Đại học Công nghệ Utah, Hoa Kỳ nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của học giả trong bối cảnh AI hỗ trợ nghiên cứu học thuật

Trong bối cảnh nền học thuật toàn cầu tăng cao về tính cạnh tranh, thì việc có sở hữu những công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, đặc biệt là những tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao là một thách thức lớn đối với nhiều nhà khoa học. Do đó, Tiến sĩ Christopher Marquette - Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển Kinh doanh Toàn cầu với kiến thức sâu rộng cùng nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn đã đưa ra những chiến lược then chốt giúp các học giả vượt qua áp lực để gặt hái thành công trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. 

Tiến sĩ Christopher Marquette - Tổng biên tập Tạp chí Phát triển Kinh doanh Toàn cầu, Đại học Millikin, Hoa Kỳ đưa ra chiến lược giúp vượt qua áp lực công bố quốc tế và đạt thành công tại các tạp chí học thuật có chỉ số ảnh hưởng cao

Tiếp nối phần trình bày, Giáo sư Bahaudin Mujtaba – Người sáng lập kiêm Chủ tịch Học viện Phát triển Liên kết và Giáo dục lãnh đạo Quốc tế, Hoa Kỳ – một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực khoa học, giáo dục đã chia sẻ những phương pháp trong cách viết và công bố nghiên cứu để đạt được kết quả cao trong các tạp chí khoa học uy tín. Giáo sư Bahaudin nhấn mạnh rằng quy trình công bố không chỉ dừng lại ở chất lượng nghiên cứu mà còn bao gồm chiến lược lựa chọn tạp chí, kỹ năng nhìn nhận và lựa chọn đề tài, từ đó đưa ra cách thức viết phù hợp. Đồng thời, giáo sư khẳng định việc có các bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín không chỉ là kết quả của một bài viết tốt mà còn thể hiện một quá trình tỉ mỉ, kiên nhẫn và nhận thức sâu sắc về đề tài cũng như phương pháp thực hiện đề tài.

  

Giáo sư Bahaudin Mujtaba - Người sáng lập kiêm Chủ tịch Học viện Phát triển Liên kết và Giáo dục lãnh đạo Quốc tế, Hoa Kỳ hướng dẫn về cách viết và công bố nghiên cứu trong các tạp chí khoa học uy tín

Tại hội thảo, Giáo sư Cihan Cobanoglu - Hiệu trưởng Trường Đại học Virscend, đồng thời là Tổng Biên tập nhiều tạp chí học thuật uy tín – đã đưa ra những đề xuất đột phá về các phương pháp học tập trải nghiệm. Giáo sư khẳng định việc kết hợp có chọn lọc các phương pháp học tập trải nghiệm vào chương trình giảng dạy, các trường đại học có thể tạo ra một thế hệ sinh viên không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn thành thạo trong thực hành, là chiếc chìa khóa trang bị cho thế hệ lãnh đạo kinh doanh tương lai những kỹ năng và tư duy cần thiết để thành công.

Giáo sư Cihan Cobanoglu - Hiệu trưởng Trường Đại học Virscend, Hoa Kỳ đề xuất các phương pháp học tập trải nghiệm trong giáo dục kinh doanh hiện đại

Trình bày tại Hội thảo, Giáo sư Zafar U. Ahmed - Chủ tịch AGBA khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa đang định hình lại mọi khía cạnh của đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, Học viện Phát triển Kinh doanh Toàn cầu (AGBA) luôn chú trọng đến việc nghiên cứu học thuật. Giáo sư Zafar U. Ahmed nhấn mạnh mục tiêu của AGBA không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn trau dồi, giữ gìn và phát triển nghiên cứu học thuật đẳng cấp thế giới, đồng thời cam kết AGBA luôn đề cao xây dựng một nền tảng toàn cầu để các học giả từ các quốc gia trên thế giới có cơ hội thể hiện năng lực, chia sẻ kiến thức trong quy mô toàn cầu. 

Giáo sư Zafar U. Ahmed - Chủ tịch AGBA, Hoa Kỳ nhấn mạnh quan điểm của AGBA đối với việc nghiên cứu học thuật đẳng cấp thế giới 

Với chủ đề “Phát triển Kinh doanh và Khởi nghiệp tại Việt Nam trong Kỷ nguyên Toàn cầu hóa và Chuyển đổi số”,  Ông Francesco Trần Văn Liêng – Chủ tịch Vinacacao nhận định thị trường sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sô-cô-la tại Việt Nam có mức tăng trưởng đáng kể và ngày càng đa dạng hóa. Do đó, việc các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh nhìn nhận và thấu hiểu rõ về mô hình và hình thức mua sắm của người tiêu dùng trong nước được xem là yếu tố then chốt cho sự thành công của các doanh nghiệp. Bài tham luận không chỉ đưa đến một cái nhìn tổng quan về thị trường tiêu dùng tại Việt Nam mà còn tập trung phân tích sâu vào các yếu tố thực tiễn ảnh hưởng đến quyết định mua sắm sô-cô-la của người Việt. 

Ông Francesco Tran Van Lieng - Chủ tịch Vinacacao, Việt Nam trình bày nghiên cứu thực nghiệm về hành vi và mô hình mua sắm của người tiêu dùng sô-cô-la tại Việt Nam

Không khí tại phần thảo luận mở diễn ra ngay sau đó vô cùng sôi nổi và cởi mở. Các chuyên gia, diễn giả không chỉ chia sẻ những góc nhìn đa chiều mà còn đưa ra các nhận định sắc sảo, những phản biện thẳng thắn và các đề xuất mang tính ứng dụng thực tiễn cao. 

Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ những góc nhìn đa chiều xoay quanh vấn đềphát triển kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam

 

Các chuyên gia, diễn giả chia sẻ những góc nhìn đa chiều xoay quanh vấn đề phát triển kinh doanh và khởi nghiệp tại Việt Nam

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên 

Đây là cơ hội để các diễn giả cùng các bạn sinh viên giao lưu với các chuyên gia hàng đầu, cập nhật xu hướng kinh doanh mới nhất, mở rộng mạng lưới kết nối và nâng cao thương hiệu cá nhân trên hành trình khởi nghiệp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và chuyển đổi số. 


(Phiên làm việc thứ hai sẽ tiếp tục được cập nhật liên tục)


Nội dung: Thùy Linh

Hình ảnh: Thanh Hoàng, Khánh Linh

Ban Truyền thông Ulaw