Hội thảo khoa học “10 năm áp dụng Bộ Luật Dân sự 2015 về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản”

Sáng ngày 2/7, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "10 năm áp dụng Bộ Luật Dân sự năm 2015 về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản" thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên và người hành nghề thực tiễn tham dự.

Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, giảng viên, người hành nghề thực tiễn tham dự

Về phía các chuyên gia, khách mời có sự tham dự của ông Tống Anh Hào - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao; Thẩm phán Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP. HCM cùng đại diện lãnh đạo các khoa đào tạo ngành luật của các cơ sở có đào tạo ngành luật tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam; lãnh đạo các công ty luật, Văn phòng công chứng, các cơ quan tư pháp,...

Về phía Nhà trường có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng KHCN&HTPT; TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự cùng với các giảng viên và đông đảo các học viên, sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Dũng nhấn mạnh: Kể từ khi được ban hành, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đã đóng vai trò nền tảng trong việc điều chỉnh và định hướng cho các quan hệ về nhân thân và tài sản ở nước ta. Trong đó, chế định về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản luôn giữ vị trí trung tâm – không chỉ phản ánh các nguyên tắc cốt lõi của pháp luật dân sự, mà còn thể hiện sự phát triển về tư duy lập pháp và nhu cầu điều chỉnh các quan hệ tài sản ngày càng đa dạng, phức tạp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

PGS.TS. Trần Việt Dũng phát biểu khai mạc hội thảo

Qua gần một thập kỷ triển khai, có thể khẳng định rằng BLDS năm 2015 đã góp phần quan trọng trong việc củng cố cơ sở pháp lý cho các thiết chế về quyền đối với tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể. Trong đó, không ít các quy định lần đầu được ghi nhận đã có những đóng góp then chốt trong việc bảo vệ và tăng cường khả năng khai thác triệt để các quyền đối với tài sản – mà cụ thể là quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng cho thấy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc xác lập, thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, thị trường và sự đa dạng của các loại tài sản mới.

Chính vì vậy, hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, người hành nghề thực tiễn cùng nhìn lại một chặng đường 10 năm triển khai các quy định của BLDS năm 2015 về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản, từ đó trao đổi, thảo luận và đề xuất hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Qua quá trình làm việc nghiêm túc, khách quan, Ban chuyên môn Hội thảo đã thống nhất lựa chọn 05 bài trong số 37 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài trường để trình bày tại Hội thảo với hai phiên làm việc.

Phiên thảo luận thứ nhất được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Tống Anh Hào - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao; Thẩm phán Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP. HCM và PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Mở đầu phiên thảo luận là bài tham luận “Bàn về khái niệm quyền tài sản theo Bộ Luật Dân sự 2015 và kinh nghiệm từ một số quốc gia” do TS. Vũ Thị Diệu Thuý -Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP. HCM đại diện nhóm tác giả trình bày. Nhóm tác giả nhận thấy sau một thập kỷ áp dụng BLDS 2015, khái niệm “quyền tài sản” đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển của công nghệ trong một số lĩnh vực như số hoá, sở hữu trí tuệ và đầu tư. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất định hướng hoàn thiện quy định tại Điều 115 BLDS 2015, đồng thời ghi nhận các đối tượng mới của quyền tài sản (quyền đối với dữ liệu, quyền đối với tài khoản mạng xã hội, quyền phát thải) nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

TS. Vũ Thị Diệu Thuý -Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP. HCM trình bày tham luận tại Hội thảo

Bàn về “Thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là bất động sản trong giao dịch dân sự”, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng Phòng Pháp lý Công ty Luật TNHH TAPHALAW đại diện nhóm tác giả đã chỉ ra những điểm chưa thống nhất giữa BLDS 2015 và các quy định của pháp luật chuyên ngành khi quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với tài sản là quyền sử dụng đất hay nhà ở trong giao dịch dân sự. Qua đó, nhóm tác giả nhận thấy cần thiết phải xây dựng một cơ chế pháp lý phù hợp để điều chỉnh thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với bất động sản trong giao dịch dân sự, đặc biệt trong những trường hợp có sự giao thoa với Luật Nhà ở 2023 và Luật đất đai 2024.

ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng Phòng Pháp lý Công ty Luật TNHH TAPHALAW trình bày tham luận

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 không quy định. Luật Đất đai 2024 chỉ quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (theo khoản 21 Điều 3). Vì vậy, việc xác định thời điểm đối với quyền sở hữu quyền sử dụng đất được áp dụng theo Điều 161 BLDS 2015. Do đó, theo TS Quang, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất là thời điểm chuyển giao quyền chứ không phải thời điểm đăng ký và đề xuất một số nội dung để hoàn thiện quy định này.

TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự phát biểu tại hội thảo

Bài tham luận thứ ba về “Tồn tại nhưng chưa định danh: Quyền hưởng dụng và khoảng trống vật quyền trong BLDS 2015” được trình bày bởi TS. Trần Ngọc Tuấn - GV Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM. Theo đó, quyền hưởng dụng đã được BLDS 2015 ghi nhận, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phạm vi các quyền tài sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS. Trần Ngọc Tuấn đánh giá từ thực tiễn áp dụng cùng việc nghiên cứu pháp luật (Pháp, Đức, Trung Quốc), quyền hưởng dụng tại Việt Nam còn yếu về tính áp dụng, thiếu cơ chế đăng ký, hiệu lực với bên thứ ba, và chưa phát huy được giá trị kinh tế - xã hội vốn có. Do vậy, tác giả cho rằng cần thiết việc xây dựng một khái niệm vật quyền nhằm tạo cơ chế đầy đủ và nhất quán cho sự phát triển của các lĩnh vực liên quan.

TS. Trần Ngọc Tuấn - GV Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP. HCM trình bày tham luận

Phiên thảo luận thứ hai được tiến hành dưới sự chủ trì của ông Tống Anh Hào - Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao; Thẩm phán Quách Hữu Thái - Phó Chánh án TAND TP. HCM và TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Luật Dân sự. 

Thảo luận về bài tham luận “Luận bàn về “lối đi hợp lý” trong quyền về lối đi qua trong BLDS 2015 thông qua thực tiễn xét xử - nghiên cứu so sánh với pháp luật CHLB Đức” do nhóm tác giả PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật và ThS. Nguyễn Diễm Thuý - TAND TP Bến Tre đã nhận được nhiều đóng góp từ các chuyên gia tại hội thảo. Theo các chuyên gia, việc xây dựng một quy định thế nào là “lối đi hợp lý” theo nhóm tác giả đã đề xuất từ nghiên cứu của CHLB Đức là chưa phù hợp bởi hệ thống và cơ sở hạ tầng, kết cấu xây dựng ở Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, trước hết cần ưu tiên bảo vệ quyền sở hữu trước còn quyền mở lối đi chỉ là quyền phái sinh.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật trình bày tham luận

Khép lại phiên tham luận thứ hai về “Nhận diện quyền bề mặt theo pháp luật Việt Nam và tham khảo pháp luật Cộng hoà Pháp” do ThS. Vũ Anh Sao - GV Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM trình bày. Tác giả cho rằng quyền bề mặt là một chế định có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển bất động sản bền vững, sử dụng hiệu quả phân tầng bề mặt của đất theo không gian ba chiều, việc BLDS 2015 ghi nhận chế định này là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng cho thấy quyền bề mặt chưa phát huy triệt để vai trò do thiếu vắng cơ chế pháp lý cụ thể. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất Việt Nam cần có: quy định cụ thể về hợp đồng cấp quyền bề mặt, trình tự thủ tục đăng ký, biểu mẫu kỹ thuật và cơ sở dữ liệu thông tin đất đai có tích hợp yếu tố không gian. Đồng thời, việc đầu tư hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, áp dụng mô hình bản đồ ba chiều, cũng như đẩy mạnh đào tạo chuyên môn cho các cơ quan đăng ký và quản lý là những điều kiện thiết yếu để quyền bề mặt có thể trở thành một công cụ pháp thực chất, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

ThS. Vũ Anh Sao - GV Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. HCM trình bày tham luận

Bên cạnh các tham luận, trong các phiên thảo luận nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo đã cung cấp cái nhìn đa chiều, sâu sắc về những vấn đề lý luận và thực tiễn trong 10 năm áp dụng Bộ luật Dân sự 2015 về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật dân sự ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo

Với vai trò là cơ sở trọng điểm về đào tạo pháp luật, Trường Đại học Luật TP.HCM thường xuyên tổ chức các hội thảo, diễn đàn trao đổi, góp ý hoàn thiện pháp luật để khẳng định vai trò tiên phong của trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý và đóng góp vào sự phát triển của pháp luật Việt Nam.

Nội dung: Thanh Vi

Hình ảnh: Nhật Nam

Ban Truyền thông Ulaw