Hội thảo cấp Quốc gia "Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025”

Sáng ngày 28/03/2025, tại hội trường C.302, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia với chủ đề: “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Thi hành án dân sự năm 2025”.

Toàn cảnh buổi hội thảo tại hội trường C.302, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Về phía khách mời, tham dự hội thảo gồm có: Ông Nguyễn Văn Lực - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; Ông Đặng Văn Huy - Vụ trưởng Vụ 1 Tổng cục THADS; Ông Trần Văn Dũng - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hòa Bình; Ông Nguyễn Văn Hòa - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM cùng lãnh đạo các đơn vị của Cục THADS TP.Hồ Chí Minh, đại diện các chi cục THADS trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa án, Viện kiểm sát, Thừa phát lại, Công ty Luật và đại diện các Trường đại học có giảng dạy chuyên ngành Luật.

Về phía nhà trường có sự tham dự của: TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng khoa Luật Dân sự cùng giảng viên các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm trong trường và sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có quan tâm.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện Luật THADS trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật THADS hiện hành tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Theo đó, việc góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật THADS năm 2025 là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Buổi hội thảo sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật THADS, tạo cơ hội cho các giảng viên, những người làm thực tiễn, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tiếp tục nghiên cứu mở rộng về vấn đề này.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phiên thứ nhất của Hội thảo bao gồm 03 tham luận:

- “Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thi hành án dân sự” - Văn phòng Cục Thi hành án dân sự TPHCM;

- “Mối liên hệ giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự thông qua Luật THADS và Luật Tố tụng dân sự”  - ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước;

- “Bàn về thẩm quyền của Thừa phát lại trong Dự thảo 2 Luật Thi hành án dân sự” - ThS. Nguyễn Tiến Pháp.

Ban chủ tọa điều hành phiên 1 tại Hội thảo

Mở đầu phiên thứ nhất của hội thảo, Văn phòng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh đã trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thi hành án dân sự”. Về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống các cơ quan THADS, tác giả cho biết Thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian tới bao gồm số hoá hồ sơ, tài liệu tổ chức thi hành án, sử dụng phần mềm phục vụ quá trình thụ lý và tổ chức thi hành án. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất một số kiến nghị quan trọng đối với Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

ThS. Đặng Thị Thương Hoài - Chấp hành viên trung cấp Cục Thi hành án dân sự TP.HCM trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thi hành án dân sự”

Tiếp theo, ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án Tòa án Nhân dân Quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh đã có tham luận với chủ đề “Mối liên hệ giữa Tòa án Nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự thông qua Luật THADS và Luật Tố tụng dân sự”. Trong bài trình bày, tác giả đã làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến thẩm quyền ra quyết định thi hành án, việc yêu cầu Tòa án xác định và phân chia tài sản của người phải thi hành án theo thủ tục tố tụng rút gọn, cùng với sự phối hợp trong quá trình THADS. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất các phương án xử lý phù hợp và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện một số nội dung trong Dự thảo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS.

ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước - Chánh án Toà án nhân dân Quận Bình Tân, TP.HCM trình bày về tham luận “Mối liên hệ giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan Thi hành án dân sự thông qua Luật THADS và Luật Tố tụng dân sự.

Tiếp nối phiên 1, ThS. Nguyễn Tiến Pháp - Phó Chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM đã trình bày tham luận “Bàn về thẩm quyền của thừa phát lại trong Dự thảo 2 Luật Thi hành án dân sự”. ThS. Nguyễn Tiến Pháp đã chỉ ra một số hạn chế và vướng mắc liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại trong công tác THADS. Trong tham luận của mình, tác giả đã tiếp tục trao đổi sâu về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thừa phát lại trong lĩnh vực THADS, đồng thời làm rõ những thay đổi quan trọng về địa vị pháp lý và thẩm quyền của Thừa phát lại theo Dự thảo 2 và Dự thảo 3 Luật THADS. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến nội dung của Dự thảo và kiến nghị bổ sung một chương riêng về Văn phòng Thừa phát lại và Thừa phát lại trong Luật THADS, nhằm hoàn thiện các quy định về Thừa phát lại trong Dự thảo.

ThS. Nguyễn Tiến Pháp - Phó Chủ tịch Hội Thừa Phát Lại TP.HCM trình bày tham luận “Bàn về thẩm quyền của thừa phát lại trong Dự thảo 2 Luật Thi hành án dân sự”

Phiên thứ 02 của Hội thảo bao gồm các tham luận:

- “Một số vấn đề về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự theo Dự thảo Luật THADS” - ThS. Lê Duy Bảo Chinh;

- “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật THADS liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS” - PGS. TS Vũ Thị Hồng Yến;

- “Công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế - những thách thức trong giai đoạn hiện nay” - Phòng Nghiệp vụ 2 Cục THADS TP.Hồ Chí Minh.

Ban chủ tọa điều hành phiên 2 của Hội thảo

Trong phiên thảo luận thứ hai, ThS. Lê Duy Bảo Chinh - VKSND Quận Gò Vấp, TP.HCM trình bày về tham luận “Một số vấn đề về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự theo Dự thảo “Luật Thi hành án dân sự”. Trong đó, tác giả phân tích về những điểm mới trong quy định về cung cấp thông tin về tài sản thi hành án của người phải thi hành án, quy định về xác minh điều kiện thi hành án, quy định về phân loại việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện. Để đảm bảo tính khả thi của điều luật, tác giả cho rằng cần phải có quy định hướng dẫn cụ thể sẽ xử lý thế nào nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức không thực hiện “trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu” khi được yêu cầu. Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng phân loại việc thi hành án một cách hợp lý hơn, có sự phân biệt đối với loại án không có điều kiện thi hành.

ThS. Lê Duy Bảo Chinh - VKSND Quận Gò Vấp, TP.HCM trình bày về tham luận “Một số vấn đề về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự theo Dự thảo “Luật Thi hành án dân sự”

Tiếp nối, PGS.TS. Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn đã trình bày tham luận “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật thi hành án dân sự liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong thi hành án dân sự, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong thi hành án dân sự”. Theo đó, tác giả phân tích những hạn chế, khó khăn trong hoạt động thi hành án và đề xuất kiến nghị hoàn thiện. Về hoạt động THADS liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, tác giả kiến nghị cần phải quy định rõ thời điểm người có thẩm quyền kháng nghị được yêu cầu hoãn thi hành án và cần có quy định cụ thể về hệ quả pháp lý của hoãn THADS. Về hoạt động THADS liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án, tác giả kiến nghị cần phải có những quy định rõ ràng về bản chất của những giao dịch khiến cho những quan hệ pháp luật được minh bạch ngay từ ban đầu.

PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến - Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Sài Gòn trình bày tham luận  “Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật THADS liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS”

ThS. Ngô Minh Thuận - Phó Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Thi hành án dân sự TP.HCM trình bày tham luận “Công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế những thách thức trong giai đoạn hiện nay”. Tác giả cho biết kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của toàn ngành THADS và của thành phố. Tuy nhiên hiện nay, việc thu hồi tài sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trước tình hình thực tế đó, tác giả đề xuất một vài giải pháp và đề xuất, kiến nghị bao gồm thực hiện nghiêm các quy định thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý dứt điểm tài sản kê biên, đảm bảo thi hành án và thu hồi tài sản cho Nhà nước; tăng cường xác minh, truy tìm tài sản, nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền trong các vụ tham nhũng, kinh tế; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức thi hành án và tháo gỡ khó khăn.

ThS. Ngô Minh Thuận - Phó Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục THADS TP.HCM trình bày tham luận “Công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế những thách thức trong giai đoạn hiện nay”

GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng nhà trường trình bày ý kiến tại hội thảo

PGS. TS. Vũ Thị Hồng Yến -  Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Sài gòn chia sẻ, góp ý trong phiên thảo luận thứ nhất

LS. Nguyễn Đức Thắng Ý trình bày ý kiến tại hội thảo

Sau nhiều giờ làm việc tích cực, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, đóng góp tích cực. Hội thảo không chỉ là diễn đàn khoa học nhằm tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu pháp luật trao đổi mà còn thông qua đó tiếp tục đặt nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu về sau.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm tại hội thảo

Nội dung: Thùy Linh, Quỳnh Như

Hình ảnh: Mai Hương

 Ban Truyền Thông Ulaw