Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Khung Pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển - Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực"

Hợp tác trên biển trong khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, là cơ sở để xử lí các thách thức đặt ra hiện nay như suy thoái môi trường biển, cướp biển, khủng bố, buôn lậu, biến đổi khí hậu... Đặc biệt, trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, việc kết nối và giao thông biển, bảo đảm chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam. Nhằm thông tin, bình luận về các hoạt động hợp tác song phương và khu vực trên biển trong khu vực ASEAN với mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung phát triển, ngày 24/6/2022, Khoa Luật Quốc tế tổ chức hội thảo cấp khoa với chủ đề: “Khung pháp lý ASEAN về hợp tác trên biển - Giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Hội thảo đã thu hút sự đón nhận và phản hồi rất tích cực của gần 200 Quý khách mời, Thầy Cô cùng các Học viên, Sinh viên trong và ngoài trường với những nội dung chia sẻ hữu ích của  các diễn giả đến từ các cơ sở đào tạo luật khác nhau trên cả nước như: Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hội thảo cũng được lắng nghe những trao đổi thực tiễn đến từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.

Hội thảo được diễn ra với hai phiên thảo luận, tập trung xoay quanh 6 chủ đề về hợp tác trên biển của ASEAN; nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ hàng hải; an ninh trên biển; đánh bắt cá giữa các nước ASEAN; phát triển điện gió ngoài khơi và rác thải nhựa ngoài đại dương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế chia sẻ về tầm quan trọng trong việc hợp tác trên biển trong khu vực ASEAN và mong muốn việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương và đa phương khu vực trên biển trong khối ASEAN ngày càng được các quốc giaquan tâm với cùng mục tiêu xây dựng ngôi nhà chung phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo diễn ra tại phòng họp A905

Buổi hội thảo diễn ra trên hai nền tảng, trực tiếp tại phòng họp A.905 và trực tuyến qua phòng họp Zoom

Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Thăng Long đã làm rõ tầm quan trọng đặc biệt trong việc hợp tác trên biển đối với ASEAN, đồng thời, chỉ ra những thách thức đối với vấn đề hợp tác trên biển. Qua đó, gợi ý một số giải pháp cho việc tăng cường hợp tác trên biển. 

PGS.TS. Trần Thăng Long trình bày tổng quan về vấn đề hợp tác trên biển của ASEAN

ThS. Phạm Công Đức - Phó Trưởng phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã trình bày bài tham luận “Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn hàng hải thông qua sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên ASEAN”. Đặc biệt, ThS. Phạm Công Đức đã đề xuất mô hình phối hợp hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và tìm kiếm cứu trợ điện tử... Đây được đánh giá là một trong những bài tham luận mang tính thực tế cao, đặc biệt hữu ích cho các giảng viên thuộc các cơ sở đào tạo luật có thể vận dụng trong việc giảng dạy các vấn đề trong pháp luật hàng hải hiện nay.

ThS. Hà Thị Hạnh – Giảng viên Bộ môn Công pháp quốc tế với tham luận “Hợp tác giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề an ninh biển” cho rằng, hiện nay, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; khủng bố, cướp biển, buôn lậu, tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên biển gây ô nhiễm môi trường… đang diễn biến ngày càng phức tạp, tạo ra thách thức mới đối với an ninh và ổn định khu vực, đe dọa đến sự phát triển của các quốc gia. Những hành vi này đã vi phạm các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật quốc tế của khu vực và thế giới mà các quốc gia đã cam kết, đặc biệt là vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn, ThS. Hà Thị Hạnh đã phân tích, bình luận một số biện pháp trên thực địa để giải quyết các vấn đề an ninh trên Biển Đông.

ThS. Hà Thị Hạnh – Giảng viên Bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày quan điểm của mình về vấn đề an ninh trên biển Đông

PGS.TS. Ngô Hữu Phước – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM với tham luận: “Hợp tác nghề cá trên các vùng biển chồng lấn: Thực tiễn trên thế giới - Kinh nghiệm cho Việt Nam và các quốc gia ASEAN”. Qua bài tham luận, PGS.TS. Ngô Hữu Phước đã làm rõ khái niệm “vùng biển chồng lấn”; nhận diện các “vùng biển chồng lấn” chưa phân định giữa Việt Nam và các quốc gia trên Biển Đông; thực trạng tranh chấp vùng biển giữa các quốc gia trên thế giới và cuối cùng luận giải tầm quan trọng của hợp tác đánh bắt cá trên vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với các quốc gia.

PGS.TS. Ngô Hữu Phước tạo sức nóng cho buổi hội thảo với những vấn đề trên biển đang được quan tâm

TS.GVC. Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng Viện Luật So Sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã làm rõ quy định về hành vi khai thác thủy sản trái phép, không khai báo, không theo quy định (IUU) trong một số văn kiện quốc tế; những lưu ý trong áp dụng Điều 73 của UNCLOS đối với hành vi IUU và thực tiễn áp dụng của một số quốc gia trong ASEAN; cũng như đề cập đến những khó khăn, thách thức của ASEAN trong phòng, chống hành vi IUU và một số hàm ý thúc đẩy quá trình hợp tác giữa các quốc gia trong ASEAN.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chia sẻ nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề như: hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á; hợp tác trong việc chống rác thải nhựa đại dương; hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi… rất được quan tâm trong hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thăng Long thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các giảng viên và diễn giả đến từ các trường Đại học đã có những đóng góp tích cực cho buổi hội thảo.

Các giảng viên và học viên, sinh viên tham dự hội thảo cùng chụp hình lưu niệm

Nội dung: Khoa Luật Quốc tế, Ngọc Minh

Hình ảnh: Thanh Hoa, Vân Anh

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top