Việc áp dụng pháp luật so sánh để xây dựng một lộ trình chiến lược công bố bài báo quốc tế là một chủ để đóng vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu pháp luật hiện đại. Trên cơ sở đó, vào ngày 06/12/2024 tại phòng họp A. 905, Cơ sở Nguyễn Tất Thành, Viện Luật So sánh Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức tọa đàm “Pháp luật so sánh trong việc xây dựng chiến lược công bố bài báo quốc tế”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức tại phòng họp A.905
Tham dự và chủ trì tọa đàm có GS. Marie Goré - Giám đốc Viện Luật So sánh - Đại học Paris-Panthéon-Assas và GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các khách mời là các luật sư, giảng viên, học viên, sinh viên.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thái Cường - Phụ trách Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật TP. HCM thay mặt ban tổ chức gửi lời cảm ơn đến các khách mời tham gia tọa đàm. Đồng thời, TS. Nguyễn Thái Cường thông tin các nội dung chính mà tọa đàm sẽ tiến hành chia sẻ và thảo luận như: (i) Vai trò của Luật So sánh trong nghiên cứu khoa học cũng như phương thức ứng dụng Luật So sánh trong một số lĩnh vực tiêu biểu: hợp đồng, sở hữu trí tuệ; (ii) Rào cản trong quá trình tiếp cận các bài nghiên cứu quốc tế trong chủ đề Luật So sánh: rào cản ngôn ngữ, sự khác nhau trong bộ nguyên tắc riêng chi phối hệ thống pháp luật các quốc gia; (iii) Chiến thuật cần thiết cho việc xuất bản một bài báo, công trình nghiên cứu trên tạp chí quốc tế.
TS. Nguyễn Thái Cường – Phụ trách Viện Luật So sánh thông tin về các nội dung tọa đàm sẽ trao đổi
Với chủ đề “Phương pháp nghiên cứu pháp luật so sánh thời kỳ cận đại”, GS. Marie Goré - Giám đốc Viện Luật So sánh - Đại học Paris-Panthéon-Assas đã làm rõ một số nội dung chính về vai trò của pháp luật So sánh. GS. Marie Goré đã chỉ rõ, Luật so sánh không được sử dụng để đánh giá hệ thống pháp luật của quốc gia là tốt hay xấu mà là để tìm ra điểm giống và khác nhau giữa các hệ thống pháp luật, vì vậy người làm công tác nghiên cứu trước tiên phải hiểu rõ hệ thống pháp luật của các quốc gia cũng như những đặc điểm riêng biệt giữa các hệ thống pháp luật tương ứng như chế định cơ bản, quy định pháp lý và phương thức giải quyết tranh chấp. Hiện nay, việc nghiên cứu pháp luật So sánh ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn hạn chế khi các nghiên cứu giữa hệ thống pháp luật các quốc gia trong khu vực này chưa được phong phú, bên cạnh đó rào cản về ngôn ngữ cũng là một yếu tố quyết định khi phần lớn các nghiên cứu thể hiện bằng tiếng Anh chưa được phổ biến. Qua bài phát biểu của mình, GS. Marie Goré hy vọng chủ đề này sẽ được phát triển và mở rộng hơn cũng như được thể hiện dưới những dạng ngôn ngữ phù hợp để tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn trong các hệ thống pháp luật khác nhau.
GS. Marie Goré - Giám đốc Viện Luật So sánh - Đại học Paris-Panthéon-Assas chia sẻ bài phát biểu với chủ đề “Phương pháp nghiên cứu pháp luật so sánh thời kỳ cận đại”
Sau quá trình thảo luân sôi nổi, buổi tọa đàm đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực mang tính xây dựng nhằm làm rõ hơn về vai trò của pháp luật so sánh. Đồng thời, tại tọa đàm, các trao đổi, cũng như giải đáp các khúc mắc liên quan đến việc xây dựng các bài nghiên cứu khoa học và tính khả thi trong quá trình công bố bài báo quốc tế cũng được diễn ra sôi nổi.
GS. Marie Goré cùng GS. TS. Đỗ Văn Đại chủ tọa tại buổi toạ đàm
PGS. TS. Trần Thị Thuỳ Dương - Trưởng khoa Luật Quốc tế mong muốn có sự giúp đỡ của GS. Marie Goré trong quá trình hoàn thiện Giáo trình môn Luật So sánh trường Đại học Luật TP. HCM
PGS. TS. Nguyễn Cảnh Hợp chia sẻ một số góc nhìn đối với chủ đề Luật so sánh trong việc xây dựng chiến lược công bố bài báo quốc tế
Đại diện Viện Luật So sánh trao thư cảm ơn đến GS. Marie Goré - Giám đốc Viện Luật So sánh - Đại học Paris-Panthéon-Assas
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Nội dung: Thục Quyên
Hình ảnh: Phương Nghi
Ban Truyền thông Ulaw