Ngày 12/11/2022, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Quốc tế với chủ đề “TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ TRONG ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO: THỰC TIỄN QUỐC TẾ VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Phòng A905 – Trường Đại học Luật TP.HCM và kết hợp livestream trên nền tảng Zoom Webinar. Đây là thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề pháp luật và trí tuệ nhân tạo nói chung, và cụ thể là thiết lập các quy định riêng rẽ về trách nhiệm pháp lý liên quan tới ứng dụng AI trong đời sống xã hội nói riêng.
Toàn cảnh buổi Hội thảo quốc tế tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực với các cấp độ sử dụng khác nhau nhằm mang lại sự tối ưu và tiện lợi cho cuộc sống con người. Trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng phổ biến hơn trong hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống con người. Các vấn đề mới mẻ phát sinh liên quan đến AI đã và sẽ tạo ra rất nhiều tình huống pháp lý mới đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp. Trong đó, trách nhiệm pháp lý là một vấn đề rất quan trọng và cần có quy định cụ thể.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước với hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới, như Canada, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan Singapore, … đang nghiên cứu về lĩnh vực trên, cũng như đại diện của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, và nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, công ty luật, trường đại học, viện nghiên cứu khác trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Luật TP.HCM) và Bà Lê Thị Hoàng Thanh (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) đã nêu ra sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI, kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật. Đây cũng là định hướng của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo quốc tế
Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội thảo quốc tế
PGS. TS. Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa Luật Quốc tế - Trưởng ban chuyên môn của Hội thảo phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo gồm 03 phiên với các chủ đề lần lượt về: (i) Tổng quan về địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo & trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến trí tuệ nhân tạo; (ii) Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực kinh doanh; và (iii) Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Phiên thứ nhất, với sự điều hành của PGS.TS Bùi Xuân Hải, Bà Lê Thị Hoàng Thanh và PGS.TS Trần Việt Dũng, được mở đầu với tham luận “Diễn giải các mô hình trí tuệ nhân tạo: Cơ sở kỹ thuật và thách thức pháp lý” của tác giả Jake van der Laan (CIO, Ủy ban dịch vụ tài chính và tiêu dùng (FCNB), Canada). Việc hiểu rõ các mô hình trí tuệ nhân tạo từ cơ sở kỹ thuật có thể giúp xác định bản chất của AI: AI hoạt động trên cơ chế tiếp nhận các dữ liệu từ nguồn cung và xử lý các dữ liệu đó. Chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm pháp lý của AI nên được xem xét dựa trên đặc điểm này.
Tiếp nối phần trình bày của tác giả Jake van der Laan, tham luận về “Các nguyên tắc cho khung pháp lý điều chỉnh trí tuệ nhân tạo” của Luật sư Derek Ho (Cố vấn pháp lý về Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, Mastercard khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi) đã đề cập đến những nguyên tắc cơ bản để xây dựng khung pháp lý đối với AI. Theo ông Derek Ho, triết lý điều chỉnh pháp luật đối với AI nên là luật mềm và nên căn cứ vào tính trục lợi để xác định trách nhiệm pháp lý phát sinh khi ứng dụng AI trong các lĩnh vực; AI rất dạng và khác biệt trong các ngành cụ thể vì vậy khung pháp lý về AI không nên dựa trên một đạo luật duy nhất, mà dựa trên nhiều quy định trong từng lĩnh vực cụ thể.
ThS Nguyễn Tấn Hoàng Hải (Giảng viên khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TP.HCM), thông qua tham luận của mình, đã tham khảo pháp luật của các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga…và đề xuất xác định địa vị pháp lý của AI để từ đó, có cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
TS.Nguyễn Thị Hoa (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM) lại tiếp cận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do AI gây ra từ pháp luật của Liên minh Châu Âu, từ đó rút kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng khung pháp lý liên quan đến AI. Theo tiến sĩ Hoa, cần có quy định khái niệm “chủ thể vận hành AI” – khác với chủ thể sử dụng và chủ thể sản xuất AI. Đây là cơ sở để xác lập trách nhiệm pháp lý cho AI mà pháp luật EU đang sử dụng để xác định chủ thể chịu trách nhiệm dân sự do các thiệt hại từ nguồn AI; bên cạnh đó, Việt Nam nên có quy định cụ thể về trường hợp mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại và nên nghiên cứu triết lý của Liên minh Châu Âu trên tinh thần tạo điều kiện phát triển hơn là chế tài.
Phiên thứ nhất kết thúc với phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc về vấn đề “Quyền sở hữu trí tuệ của sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật Hoa Kỳ”. Tác giả đề xuất cần rà soát cơ sở pháp lý hiện hành của Việt Nam kết hợp đan xen những quy định mới, đề cao khía cạnh đạo đức cần đặt lên hàng đầu, đảm bảo an toàn và tin cậy. Ngoài ra, nên sử dụng luật mềm thay vì ban hành một đạo luật độc lập đối với ứng dụng AI.
TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Luật TP. HCM đại diện trình bày tham luận “Quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế liên quan đến AI và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ”
Phiên thứ hai bao gồm 04 tham luận liên quan đến trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực kinh doanh, cụ thể:
(i) Tham luận “Áp dụng “lẽ công bằng” nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên bị thiệt hại do lỗi sai lệch dữ liệu của sàn giao dịch tài sản mã hóa– kinh nghiệm từ tranh chấp Quoine Pte v B2C2 Ltd.” của ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM) và NCS.ThS Lê Tấn Phát (NCS Khoa Luật, Đại học Montréal)
(ii) Tham luận “Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và trách nhiệm bồi thường do cẩu thả tại Singapore” do Giáo sư Gary K Y Chan (Phó Hiệu Trưởng, Đại học Quản trị Singapore (SMU)) trình bày
(iii) Tham luận “Trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm dân sự: Trường hợp của phần mềm hỗ trợ quyết định và chẩn đoán y tế - Kinh nghiệm từ pháp luật Cộng hòa Pháp” của ThS. Nguyễn Phượng An và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy (Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)
(iv) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do phương tiện tự lái gây ra-Nhìn từ thực tiễn pháp luật Đức và Hoa Kỳ-Một số kinh nghiệm cho Việt Nam của ThS. Phạm Thị Hiền ((Giảng viên khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)
Phần thảo luận của phiên thứ hai đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi đến từ các đại biểu tham dự trực tiếp và online liên quan đến các tham luận. GS. Gary Chan nhận định cần có quy định về trách nhiệm cẩn trọng của người phát triển máy móc có AI và người vận hành máy móc có AI; các bài kiểm tra và tiêu chuẩn đánh giá trách nhiệm cẩn trọng (duty of care). Diễn giả Nguyễn Phượng An trình bày về các quy định liên quan đến TNPL liên quan tới nhà sản xuất thiết bị y tế sử dụng AI của Pháp, trong nhấn mạnh cơ chế miễn trách cho họ nếu chứng minh được là AI đã tự học và phát triển ra ngoài phạm vi thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Vấn đề trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuât ô tô tự lái cũng được bàn trong phần tham luận của ThS. Phạm Thị Hiền.
Kết thúc phiên thứ hai, PGS. TS Trần Việt Dũng kết luận: Từ các tham luận về trách nhiệm pháp lý liên quan đến ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, có thể nhận thấy, không có và cũng không thể quy định một đạo luật chung nhất điều chỉnh trách nhiệm pháp lý khi ứng dụng AI. Bởi lẽ, trong mỗi lĩnh vực khác nhau, tuỳ theo mức độ ứng dụng khác nhau, trách nhiệm pháp lý của các chủ thể khi ứng dụng AI là không giống nhau. Do đó, mỗi lĩnh vực cần xây dựng các quy định chuyên biệt để điều chỉnh.
Buổi chiều, phiên thứ ba của hội thảo tập trung các tham luận liên quan đến vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu với 04 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Mở đầu phiên này là tham luận “Trí tuệ nhân tạo và GDPR: làm sao để hài hòa cả hai từ góc nhìn của pháp luật châu Âu” của Tiến sĩ Mathias Artzt (Cố vấn pháp lý cao cấp, Deutsche Bank). Cùng quan tâm đến vấn đề xử lý dữ liệu cá nhân, NCS.ThS Hồ Minh Thành trình bày tham luận “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu cá nhân - pháp luật Liên minh châu Âu và gợi mở cho Việt Nam”. Luật sư Murata Tomonobu (đến từ Công ty luật Nishimura Asahi) lại tiếp cận trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuận nhân tạo đối với bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân từ góc nhìn pháp luật Nhật Bản. Kết thúc phiên thứ ba là tham luận “Những bước đệm cơ bản để cải thiện khung pháp lý của Việt Nam về Bảo vệ Dữ liệu: So sánh với Dự luật C-27 của Canada về Đạo luật Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo và Quy định Chung về Bảo vệ Dữ liệu của Châu Âu về trí tuệ nhân tạo” của ông Sébastien Lafrance (Công tố viên Liên bang của Canada; GS thỉnh giảng của Universitas Airlangga và Trường Đại học Luật TP. HCM).
TS. Matthias Artzt - Cố vấn pháp lý cao cấp, Deutsche Bank và NCS. ThS. Hồ Minh Thành - Giảng viên, Trường Đại học Luật, Đại học Huế trình bày tham luận thông qua nền tảng trực tuyến Zoom
Thời gian thảo luận giữa các phiên đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ, đề xuất các giải pháp đến từ các học giả, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp (đang tham dự trực tiếp hoặc online).
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Dũng (Trưởng khoa, Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP. HCM) cho biết hiện đã có hơn 350 đại biểu tham dự (trực tuyến và trực tiếp), 36 bài tham luận gửi tới, trong đó có 22 bài tham luận được đưa vào kỷ yếu và 13 tham luận được chọn trình bày trực tiếp để trao đổi tại Hội thảo, trong đó có 06 bài tham luận của các chuyên gia từ Canada, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore.
Với sự phát triển khoa học-công nghệ, pháp luật Việt Nam nói riêng và pháp luật các nước nói chung đang phải đối mặt với những vấn đề chưa từng có tiền lệ liên quan đến trách nhiệm pháp lý phát sinh từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tất cả những vấn đề này hoàn toàn chưa được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Từ đó khiến cho các hoạt động liên quan đến AI gặp khó khăn và dễ xảy ra nhiều bất cập. Hội thảo đã thành công khi tạo cơ hội để các nhà hoạt định chính sách, các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp…chia sẻ, trao đổi những ý tưởng, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức, vấn đề pháp lý. Ban tổ chức hy vọng những nội dung được trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện quy định liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo của pháp luật Việt Nam.
Ban chủ trì chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời đến tham dự hội thảo