Tổng thuật Hội thảo khoa học "Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế"

Nhằm nhìn nhận, đánh giá thực trạng và định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP.HCM, đồng thời tạo diễn đàn để giảng viên của khoa có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu khoa học, Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế” vào lúc 8h00 ngày 28/07/2021. Hội thảo được điều hành bởi PGS.TS.Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM; NCS.ThS.Lê Hoàng Phong – Phó Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Luật TP.HCM; TS.Ngô Thái Hưng – Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing.

Ngoài các giảng viên Khoa Quản trị – Trường Đại học Luật TP.HCM, hội thảo vinh dự nhận được sự tham gia của các giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài trường:

- PGS.TS.Đỗ Minh Khôi – Phụ trách nghiên cứu khoa học Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM

- PGS.TS.Phan Nhật Thanh – Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM

- ThS.Nguyễn Thanh Khương – Tổ trưởng, Trung tâm công nghệ thông tin, Trường Đại học Luật TP.HCM

- NCS.ThS.Phạm Minh Luân – Phó Trưởng khoa Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

- TS.Nguyễn Kiên Bích Tuyền – Trưởng Bộ môn, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

- ThS.Nguyễn Quỳnh Nga – Phó Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế - Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM)

- NCS.ThS.Võ Hồng Sơn – Trưởng Bộ môn, Trường Đại học Văn Lang

- ThS.Phạm Thị Bích Hạnh – Trưởng Bộ môn, Trường Đại học Hùng Vương

- TS.Ngô Thái Hưng – Trường Đại học Tài chính – Marketing

- TS.Nguyễn Vĩnh Khương – Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM)

- ThS.Phan Lê Ngọc Châu – Trường Đại học An ninh nhân dân TP.HCM

- TS.Trần Quang Minh – Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM

- ThS.Vòng Chánh Kiếu – Trường Đại học Hoa Sen

- ThS.Đỗ Hiền Hoà – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM

- NCS.ThS.Trần Ngọc Tuấn – Trường Đại học Sài Gòn

- ThS.Võ Ngọc Tùng – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM

- ThS.Vũ Mạnh Cường – Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM

- ThS.Đinh Nguyệt Bích – Trường Đại học Văn Hiến

- ThS.Nguyễn Thị An Nhàn – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

- ThS.Nguyễn Thị Thơm – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định

- ThS.Nguyễn Lê Phúc – Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

- ThS.Nguyễn Thị Ngọc Huệ – Cục Thuế tỉnh Long An

- ThS.Trần Phán Lịnh – Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng

Bên cạnh, còn có sự tham gia của nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ, học viên cao học, sinh viên từ trường Đại học Luật TP.HCM, trường Đại học Kinh tế TP.HCM, trường Đại học Mở TP.HCM,….

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Thủy – Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP.HCM thông tin mặc dù kế hoạch hội thảo được chuẩn bị kỹ lưỡng từ tháng 02/2021 và hội thảo cũng đã dự kiến được tổ chức vào tháng 05/2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid nên hội thảo đã được dời lại và tổ chức trực tuyến vào ngày 28/07/2021. Tuy gặp một số khó khăn và với quy mô chỉ là hội thảo cấp khoa, nhưng hội thảo vẫn được sự quan tâm và nhận được các bài tham luận có giá trị từ các giảng viên trong trường. Không những vậy, hội thảo cũng vinh dự nhận được sự quan tâm và đóng góp quý báu từ các giảng viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu là các Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ đến từ các đơn vị như: Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM; Trường Đại học Tài chính – Marketing; Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc Gia TP.HCM; Trường Đại học Quốc Tế Sài Gòn; Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM; Trường Đại học Văn Hiến; Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc. Ban chuyên môn đã phản biện và chọn lọc được 25 bài tham luận đăng trong kỷ yếu, trong đó có 08 bài tham luận được mời trình bày và thảo luận trực tiếp tại hội thảo. Nội dung các bài tham luận xoay quanh ba chủ đề lớn: (1) Nghiên cứu khoa học của giảng viên: tầm quan trọng, động lực và các nhân tố ảnh hưởng; (2) Phương pháp, công cụ và kỹ năng trong nghiên cứu khoa học; (3) Nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế. PGS.TS.Nguyễn Thị Thủy hy vọng hội thảo sẽ diễn ra thật sôi nổi và chất lượng, là diễn đàn giao lưu học thuật bổ ích và góp phần kết nối cũng như mở ra cơ hội hợp tác về NCKH giữa các giảng viên của Khoa Quản trị với các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường.

Trình bày đầu tiên là bài tham luận “Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Quản trị đến năm 2030” của PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ và NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đến từ trường Đại học Luật TP.HCM. Mở đầu, PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ đã khái quát quá trình phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Quản trị trong thời gian qua. Theo đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên trong khoa đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu như từ năm 2014 trở về trước, khoa không có bài báo nào thì từ năm 2017 trở đi, trung bình mỗi năm có đến hơn 20 bài báo được công bố. Trong giai đoạn 2017-2020 có sự phát triển quan trọng về số lượng lẫn chất lượng công bố khoa học với 81 bài báo được đăng, trong đó có 21 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế. Đặc biệt, khoa nhiều bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus: 03 bài báo quốc tế vừa thuộc danh mục ISI (SCI & SCIE; ESCI) vừa thuộc danh mục Scopus (nằm trong top 25% tạp chí tốt nhất, xếp hạng Q1), 01 bài báo Scopus (xếp hạng Q1), 02 bài báo Scopus (xếp hạng Q2), 03 bài báo Scopus (xếp hạng Q3) và 01 bài báo Scopus (xếp hạng Q4). Bên cạnh, khoa cũng nỗ lực trong việc tổ chức hội thảo khoa học có chất lượng, trong đó, có 03 hội thảo khoa học cấp khoa có kỷ yếu hội thảo được xuất bản (có chỉ số ISBN) bởi các nhà xuất bản uy tín như: Nhà xuất bản Kinh tế TP.HCM, Nhà xuất bản Tài chính, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, giảng viên của khoa còn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học khác như viết sách chuyên khảo, tăng cường thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, tham gia tọa đàm, hội thảo cũng như tổ chức tọa đàm học thuật và hợp tác trao đổi nghiên cứu. Qua đó, PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ cũng trình bày những định hướng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học của Khoa Quản trị trong thời gian tới và khẳng định Khoa Quản trị sẽ không ngừng nỗ lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy để có những đóng góp cho Nhà trường nói riêng và nền kinh tế nói chung.

- PGS.TS.Đỗ Minh Khôi – Trường Đại học Luật TP.HCM đánh giá cao những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Khoa Quản trị – Trường Đại học Luật TP.HCM trong thời gian vừa qua cũng như những định hướng phát triển trong thời gian tới của khoa. Bên cạnh đó, PGS.TS.Đỗ Minh Khôi cũng khẳng định vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học liên ngành và đề xuất thúc đẩy các hội thảo có sự kết hợp giữa khoa Quản trị và các khoa luật tại trường cũng như giữa trường Đại học Luật TP.HCM và các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn TP.HCM.

Bài tham luận tiếp theo với chủ đề “Chọn đề tài trong nghiên cứu thực nghiệm” được trình bày bởi TS.Ngô Thái Hưng đến từ Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing. TS.Ngô Thái Hưng là tiến sĩ ngành tài chính tốt nghiệp từ Corvinus University of Budapest, Hungary và là nhà nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm với hơn 20 bài báo được đăng trên nhiều tạp chí quốc tế xếp thứ hạng cao thuộc danh mục ISI/Scopus. TS.Ngô Thái Hưng chia sẻ định hướng cách chọn đề tài nghiên cứu trong nghiên cứu thực nghiệm cho những nhà nghiên cứu mới bắt đầu nhằm tăng khả năng được đăng tải trên các tạp chí uy tín quốc tế. TS.Ngô Thái Hưng đã chỉ ra những khó khăn của giảng viên khi mới làm quen với công việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lựa chọn đề tài để có thể được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế. Để có thể xác định tính khả thi của đề tài, người nghiên cứu cần chú ý đến 03 yếu tố quan trọng bao gồm khung lý thuyết, khoảng trống trong nghiên cứu và đóng góp của đề tài; khả năng thu thập dữ liệu nghiên cứu; và phương pháp nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần phải đọc các nghiên cứu trước đó một cách kỹ lưỡng từ đó xác định được khoảng trống nghiên cứu, khung lý thuyết và những đóng góp của đề tài về mặt lý thuyết và thực tiễn. Những đóng góp về mặt khoa học của nghiên cứu là một trong những cơ sở quan trọng để các tạp chí đánh giá chất lượng bài báo nghiên cứu. Đối với những nhà nghiên cứu mới bắt đầu, những đề tài nghiên cứu cổ điển với nguồn dữ liệu dễ dàng tiếp cận có thể là một lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, vì có nhiều tác giả đã thực hiện các nghiên cứu dạng này, đề tài cần chỉ ra phương pháp tiếp cận mới có thể sự đa dạng về dữ liệu hoặc những cải tiến về mô hình nghiên cứu. Thế nhưng, nghiên cứu những đề tài mang tính cấp thiết hay đột phá cũng có thể là một sự lựa chọn tiềm năng. Mặc dù với những nhà nghiên cứu mới bắt đầu, những đề tài này dường như tạo ra nhiều khó khăn liên quan đến nguồn dữ liệu, mô hình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu, tuy nhiên khả năng được đăng tải trên các tạp chí uy tín khá cao nếu như đề tài thực sự giải quyết được vấn đề cấp thiết đó. Trên cơ sở những khoảng trống nghiên cứu và khung lý thuyết, nhà nghiên cứu sẽ xây dựng được các giả thuyết nghiên cứu và thu thập dữ liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cần lưu ý những nguồn lực hiện có khi đánh giá khả năng tiếp cận và sử dụng được những dữ liệu này. Nhà nghiên cứu mới bắt đầu có thể xem xét đến những nguồn dữ liệu có sẵn, miễn phí để tiết kiệm chi phí và thời gian thu thập dữ liệu. Cuối cùng, phương pháp nghiên cứu nào định tính hay định lượng nên được sử dụng cho đề tài nghiên cứu cũng cần được đánh giá một cách thận trọng.

- NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đặt câu hỏi về những áp lực và khó khăn mà chính TS.Ngô Thái Hưng gặp phải trong quá trình đăng tải các bài viết trên các tạp chí khoa học uy tín. TS.Ngô Thái Hưng cho rằng quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu đáp ứng tiêu chuẩn để được đăng trên các tạp chí có uy tín gặp phải rất nhiều áp lực về thời gian, khó khăn, thử thách và không ít lần gặp phải thất bại. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu phải trân quý những khó khăn, thử thách và những lần thất bại ấy vì chỉ có như vậy nhà nghiên cứu mới có thể tự hoàn thiện và nâng cao năng lực bản thân. Các tác giả mới phải nhìn nhận một cách tích cực những lý do bị từ chối và những góp ý của những người phản biện.

- PGS.TS.Đỗ Minh Khôi cũng khẳng định vấn đề lựa chọn tên đề tài nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và quyết định đến tính khả thi, sự thành công của công trình nghiên cứu. Bên cạnh những lưu ý của TS.Ngô Thái Hưng, PGS.TS.Đỗ Minh Khôi còn nhấn mạnh khi lựa chọn đề tài nghiên cứu, tác giả cần nắm vững được mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu và chỉ ra được đề tài đã bổ sung khoảng trống nào trong tri thức nhân loại. Muốn làm được điều này, những nhà nghiên cứu phải đọc rất nhiều các nghiên cứu trước đó và phát hiện ra các khoảng trống nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả cũng cần đọc thêm những bài báo thông thường để phát hiện những vấn đề đang được xã hội quan tâm và liệu rằng chúng ta có thể giải quyết khía cạnh nào của vấn đề thông qua nghiên cứu của mình. Tác giả nên gắn với thực tiễn và xuất phát từ thực tiễn để có thể đưa ra những đề tài hấp dẫn, đặc sắc và giải quyết được các vấn đề hiện hữu của xã hội.

- NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đặt câu hỏi đối với TS.Ngô Thái Hưng về những nguyên nhân chủ yếu nào khiến cho các bài viết gửi đến các tạp chí bị từ chối đăng. TS.Ngô Thái Hưng cho rằng việc từ chối các bài viết có thể xảy ra ở hai giai đoạn bao gồm từ chối tại bàn và từ chối sau khi được phản biện. Những nguyên nhân khiến cho một bài báo bị từ chối tại bàn có thể do tác giả chưa nghiên cứu kỹ lĩnh vực nghiên cứu chính của tạp chí mà mình dự kiến đăng bài, chất lượng bài viết chưa đạt yêu cầu về hình thức và nội dung, nghiên cứu chưa chỉ ra rõ những đóng góp về mặt lý thuyết và thực tiễn. Đối với giai đoạn phản biện bài viết, các bài viết thường sẽ bị từ chối vì những lý do như bài viết không chứa đựng đủ hàm lượng khoa học, có nhiều lỗi về diễn đạt. Trong trường hợp bài viết được những người phản biện góp ý để điều chỉnh, các tác giả cần lưu ý và giải quyết các vấn đề mà người phản biện đưa ra, tránh tình trạng thiếu sót hay chưa điều chỉnh bài viết theo những góp ý của người phản biện. Đồng tình với TS.Ngô Thái Hưng, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đã chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình với vai trò là tác giả và người phản biện của nhiều tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus thì một trong những nguyên nhân hàng đầu mà một bài báo khoa học bị các tạp chí từ chối đó là không đủ tính mới (hay sự đóng góp của bài báo).

Nối tiếp chủ đề về tính mới, TS.Lương Công Nguyên – Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Bàn về tính mới trong nghiên cứu khoa học”. Bài tham luận chia sẻ các luận điểm về tính mới, những cách thức để tìm được tính mới trong nghiên cứu và trình bày tính mới trong công bố nghiên cứu. TS.Lương Công Nguyên trình bày có nhiều định nghĩa về tính mới trong nghiên cứu khoa học, tuy nhiên tính mới thường bao hàm 03 nội dung cơ bản như sau: ý tưởng mới, phương pháp mới và kết quả nghiên cứu (được thể hiện qua dữ liệu mới và phương pháp mới). Như vậy, nhà nghiên cứu phải lưu ý đến sự giao thoa của 03 yếu tố bao gồm ý tưởng, phương pháp và dữ liệu để cấu thành tính mới trong nghiên cứu. Từ đó, tác giả chỉ ra tính mới của nghiên cứu có thể được thể hiện các nội dung như sau: phát triển một lí thuyết mới, mô hình mới; thực hiện những giả thuyết mới về một vấn đề mà chưa công bố trước đây; phát triển một công cụ nghiên cứu mới hay một kĩ thuật phân tích mới; thực hiện nghiên cứu về một vấn đề mới trong bối cảnh hiện tại; phát triển một mô hình mới để tiếp cận và giải quyết một vấn đề đã công bố; cung cấp dữ liệu mới hay kết luận mới cho vấn đề đã công bố trước đây; đánh giá lại tác động của một lí thuyết hoặc mô hình trong bối cảnh mới. TS.Lương Công Nguyên cũng trình bày các cách thức để tìm tính mới trong nghiên cứu khoa học bao gồm đọc và đánh giá nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố; đánh giá ý nghĩa của công trình nghiên cứu; tìm ra tính mới trong các bài nghiên cứu đó. Ngoài ra, tính mới phải được trình bày một cách chiến lược trong phần tóm tắt, phần mở đầu và phần kết luận cũng như trong nội dung chính của công trình nghiên cứu. TS.Lương Công Nguyên lưu ý những quy tắc chung thường sử dụng trong việc làm nổi bậc tính mới ở phần mở đầu của công trình nghiên cứu bao gồm mô tả bối cảnh tổng thể và sự cần thiết thực hiện nghiên cứu; đánh giá ngắn gọn nhưng toàn diện về các nghiên cứu trước đó có liên quan; chỉ rõ các đóng góp của nghiên cứu phù hợp với bức tranh tổng thể của vấn đề nghiên cứu. Phần kết luận trong công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần cho người đọc biết nghiên cứu này giải quyết vấn đề như thế nào. Và, nó đã bổ sung gì vào khoảng trống kiến thức hiện tại. Thêm một số điểm trong phần thảo luận về những phát hiện mới của công trình nghiên cứu và những phát hiện đó có thể giúp ích như thế nào cho các nghiên cứu tiếp theo.

- TS.Nguyễn Kiên Bích Tuyền – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM khẳng định tầm quan trọng của việc tập trung đọc những nội dung kiến thức chuyên môn để tìm ra tính mới, tuy nhiên, trong trường hợp nhà nghiên cứu không thể tìm hiểu ý tưởng nghiên cứu thì có thể đọc sang mảng kiến thức khác để tìm kiếm ý tưởng.

- TS.Ngô Thái Hưng nêu quan điểm lưu ý nên tập trung chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu và đọc có sự dự tính kỹ lưỡng, tránh lạc hướng và lưu ý về thời gian đối với nghiên cứu là rất quý báu.

- PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ đồng ý với cả hai quan điểm trên vì đối với từng nhà nghiên cứu ở từng giai đoạn khác nhau có thể đọc ở nhiều mảng nội dung khác.

- PGS.TS.Đỗ Minh Khôi khẳng định vai trò của việc lựa chọn tài liệu để đọc, những tài liệu này phải có chất lượng và được chọn lọc theo chủ đề để tránh tình trạng đọc lan man mà không có chất lượng. 

Tham luận thứ tư là “Phương pháp thu thập dữ liệu trong nghiên cứu khoa học” của nhóm tác giả TS.Nguyễn Minh Đạt và ThS.Vũ Đức Nghĩa Hưng – Trường Đại học Luật TP.HCM được trình bày bởi TS.Nguyễn Minh Đạt. Bài viết tổng hợp một số nghiên cứu liên quan đến phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp và thứ cấp phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam, cung cấp một số thông tin cũng như lưu ý khi thực hiện các phương pháp thu thập dữ liệu khi thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học hay một bài viết nghiên cứu khoa học. TS.Nguyễn Minh Đạt trình bày các phương pháp thu thập số liệu phổ biến bao gồm phương pháp bảng khảo sát, phương pháp quan sát và ghi chép trong nhật ký, phương pháp phỏng vấn, phương pháp nghiên cứu lý thuyết. Phương pháp bảng khảo sát được áp dụng nhằm thu thập dữ liệu cực lớn nhưng có tính lặp lại liên tục về câu hỏi. TS.Nguyễn Minh Đạt nhấn mạnh việc sắp xếp các câu hỏi nghiên cứu cần phải theo mức độ từ khái quát đến chi tiết và phải tuân thủ theo quy trình thực hiện bảng khảo sát để tránh sai sót. Quy trình thực hiện bảng khảo sát thường bao gồm: xác định mục tiêu thiết kế câu hỏi, khảo sát thử, điều chỉnh, khảo sát chính thức và xử lý số liệu. Phương pháp quan sát và ghi chép có thể áp dụng cho những chủ thể phức tạp (tâm lý, đối tượng có hạn chế về thực hiện bảng hỏi,…). Nhà nghiên cứu cần xác định rõ mục đích, thời gian thực hiện và tuân thủ quy trình quan sát. Phương pháp phỏng vấn được sử dụng nhằm khai thác thông tin thường nhỏ ví dụ như việc phỏng vấn đối tượng là chủ tập đoàn hay chuyên gia đầu ngành nhằm khai thác thông tin theo chiều sâu. TS.Nguyễn Minh Đạt cho rằng phương pháp này có thể được phân chia thành phương pháp phỏng vấn hệ thống hóa (structured) và không hệ thống hóa (unstructured). Phương pháp phỏng vấn hệ thống hoá yêu cầu người phỏng vấn chỉ hỏi các câu hỏi liên quan trực tiếp đến chủ đề cần khai thác tuy nhiên phương pháp phỏng vấn không hệ thống hóa thì người phỏng vấn bên cạnh các câu hỏi được chuẩn bị trước có thể có những câu hỏi mở rộng phạm vi tìm hiểu của mình. Phương pháp nghiên cứu lý thuyết là việc sử dụng các dữ liệu, thông tin có sẵn từ nhiều nguồn khác nhau, nhà nghiên cứu sẽ hệ thống hóa các nguồn thu thập có sẵn và áp dụng những thông tin liên quan đến đề tài. Sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết giúp người nghiên cứu hệ thống theo mô hình định sẵn hoặc mở rộng ra trong một bối cảnh mới hay áp dụng trong môi trường hoàn toàn mới so với lý thuyết nền có sẵn. Tuy nhiên, TS.Nguyễn Minh Đạt cũng lưu ý các tác giả khi lựa chọn nguồn dữ liệu phải lựa chọn các nguồn thông tin mang tính chính thống. Ngoài ra, nhà nghiên cứu khi đọc các tài liệu cần lưu ý đến những nội dung sau từ khoá, tiêu đề, tóm tắt và kết luận để tìm ra sự phù hợp của bài báo với đề tài nghiên cứu rồi sau đó mới đọc chi tiết hoá. 

- NCS.ThS.Lê Hoàng Phong bổ sung thêm vai trò của khảo sát thử không chỉ bao gồm kiểm tra những sai sót mà còn kiểm tra tính logic của bảng hỏi để đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của dữ liệu thu thập được.

- TS.Ngô Thái Hưng đặt câu hỏi về những nguyên nhân nào làm cho những đề tài nghiên cứu sử dụng bảng hỏi khó công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới. TS.Nguyễn Minh Đạt cho rằng quy mô khảo sát có thể ảnh hưởng đến tính đại diện và chất lượng mẫu từ đó ảnh hưởng đến khả năng công bố quốc tế.

- TS.Nguyễn Vĩnh Khương – Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) cho rằng vấn đề công bố quốc tế đối với nhóm đề tài sử dụng khảo sát phải đáp ứng được hai nội dung quan trọng bao gồm giả thuyết nghiên cứu mới và lý thuyết này phù hợp để giải thích kết quả nghiên cứu.

Tham luận thứ năm với chủ đề “Trình bày bài báo khoa học theo hướng định lượng trong lĩnh vực kinh tế” được trình bày bởi NCS.ThS.Nguyễn Bá Hoàng. Trong khuôn khổ một bài tham luận, NCS.ThS.Nguyễn Bá Hoàng đã trao đổi và chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc trình bày một bài báo khoa học tiếp cận theo hướng định lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu cơ bản của các tạp chí chuyên ngành trong nước thuộc lĩnh vực kinh tế. Phần lớn các tạp chí khoa học uy tín thuộc lĩnh vực kinh tế đều áp dụng một dạng thức chuẩn cho các bài báo bao gồm những mục chính sau: (1) Tiêu đề bài báo; (2) Tóm tắt và từ khóa; (3) Giới thiệu; (4) Cơ sở lý thuyết; (5) Phương pháp nghiên cứu; (6) Kết quả nghiên cứu; (7) Kết luận và gợi ý chính sách; (8) Tài liệu tham khảo. Mỗi mục được trình bày trong bài báo đều có chủ đích và đòi hỏi người viết phải đáp ứng yêu cầu nhất định. Trên cơ sở tham khảo thể lệ trình bày của một số tạp chí uy tín trong lĩnh vực kinh tế (Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng châu Á, Tạp chí Phát triển và Hội nhập), tác giả đã khái quát một số nội dung cơ bản cần lưu ý khi trình bày bài báo khoa học theo hướng nghiên cứu định lượng trong lĩnh vực kinh tế. Cụ thể: (1) Tiêu đề bài báo phải nói lên được nội dung chính của bài viết. Tiêu đề không chỉ dừng lại ở mục đích lôi cuốn hấp dẫn người đọc mà còn để nêu bật vấn đề muốn giải quyết. Nhà nghiên cứu nên quan tâm đến những vấn đề cần tránh: Không nên đặt tựa đề một cách mơ hồ; Không bao giờ sử dụng chữ viết tắt; Không đặt tựa đề quá dài; Không nên đặt tựa đề như một bài phát biểu; Tựa đề bài báo nên có yếu tố mới. (2) Phần giới thiệu của bài báo phải trả lời được câu hỏi: Tại sao làm nghiên cứu này?. Việc quan trọng trong phần này là phải thuyết phục được người đọc quan tâm đến bài báo và kết quả của nghiên cứu, xác định được tầm quan trọng của đề tài. Phần giới thiệu hợp lý khi thể hiện được: (i) Tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu; (ii) Xác định vấn đề nghiên cứu, đặc biệt làm rõ cái mới của nghiên cứu; (iii) Nội dung chính mà bài báo sẽ tập trung giải quyết. (3) Cơ sở lý thuyết cần được mô tả chi tiết và mang tính hệ thống nhằm chỉ ra những lý thuyết nào sẽ được nói đến và sử dụng trong đề tài nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, thể hiện sự uyên bác, thấu hiểu của tác giả về lĩnh vực nghiên cứu thông qua lược khảo các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến đề tài trong thời gian gần đây. (4) Phương pháp nghiên cứu cần phải gắn chặt với câu hỏi nghiên cứu và khung phân tích. Đối với cách tiếp cận định lượng, nội dung của mục phương pháp nghiên cứu cần thể hiện được ba khía cạnh chính, bao gồm: Mô hình định lượng sử dụng trong nghiên cứu; Phương pháp thu thập dữ liệu; Phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu. (5) Kết quả nghiên cứu nên được trình bày theo dạng bảng. Bên cạnh đó, cần thảo luận và so sánh kết quả của bài báo với các phát hiện của những nghiên cứu trước đó. Những sự tương đồng hay khác biệt về kết quả nghiên cứu của bài báo cũng cần được diễn giải và làm rõ. Đây là phần thể hiện sự đóng góp của nhà nghiên cứu bổ sung cho lý thuyết và các nghiên cứu trước. (6) Gợi ý chính sách chỉ nên tập trung trình bày những gợi ý chính sách từ kết quả nghiên cứu đã trình bày. Các gợi ý chính sách cần phải nhất quán và gắn kết với các bằng chứng từ kết quả nghiên cứu được thể hiện trong bài báo.

- NCS.ThS.Lê Hoàng Phong khẳng định tầm quan trọng của việc trình bày bài báo khoa học theo đúng chuẩn mực về bố cục và nội dung khoa học, thể lệ của các tạp chí là hết sức cần thiết và gia tăng cơ hội được chấp nhận đối với các bài báo.

Tham luận thứ sáu của NCS.ThS.Lê Hoàng Phong và NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo với đề tài “Viết và trình bày bài báo khoa học để xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín”. Trong tham luận này, đại diện nhóm tác giả, NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo đã chia sẻ một số kinh nghiệm viết và trình bày bài báo khoa học để xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín dựa trên quá trình làm việc của các tác giả với vai trò là tác giả và người phản biện của 20 tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Với sự minh họa thông qua các nhận xét phản biện và phân tích hai bài báo cụ thể của giảng viên Khoa Quản trị, trường Đại học Luật TP.HCM đã được xuất bản trong năm 2020 trên tạp chí Energy Reports [NXB Elsevier; ISI (SCIE, IF=6.870); Scopus (Q1)] và Environmental Science and Pollution Research [NXB Springer; ISI (SCIE, IF=4.223); Scopus (Q1)], tác giả đã cung cấp một số thông tin hữu ích mà các nhà nghiên cứu có thể áp dụng trong quá trình viết và công bố bài báo quốc tế. Cụ thể: (1) Tiêu đề: NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo cho rằng tác giả bài báo phải thể hiện tên gọi của câu chuyện mình kể sao cho ấn tượng. Tiêu đề phải thể hiện thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, có thể bao gồm đối tượng nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hoặc kết quả dự kiến/ hàm ý chính sách. (2) Tóm tắt: Phần tóm tắt cung cấp những mô tả ngắn gọn về lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, dữ liệu được sử dụng, kết quả nghiên cứu và đóng góp của bài báo. Đây là phần được những người phản biện và những người đọc quan tâm trước tiên bên cạnh tiêu đề của bài báo. Vì thế, nếu các tác giả không viết tốt phần tóm tắt thì chất lượng và khả năng được chấp nhận xuất bản của bài báo có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo cũng lưu ý các tác giả cần cân bằng giữa việc cung cấp đầy đủ thông tin và số lượng từ giới hạn của mỗi tạp chí. Thông thường, phần tóm tắt không nên vượt quá 250 từ. Bên cạnh đó, sau phần tóm tắt, rất nhiều tạp chí còn yêu cầu tác giả phân loại chủ đề nghiên cứu dựa theo mã JEL của Hiệp hội Kinh tế Mỹ (American Economic Association) và cung cấp các từ khóa (key words) nổi bật liên quan đến bài báo. (3) Giới thiệu: Phần giới thiệu mô tả bối cảnh và tầm quan trọng của chủ đề nghiên cứu, mục đích nghiên cứu, đóng góp của nghiên cứu,.... Phần giới thiệu giúp người đọc có thể hiểu được bài báo cũng như mục đích, động lực hoặc lý do của tác giả khi thực hiện nghiên cứu. Thông thường, trong phần giới thiệu, người viết cần làm nổi bật những điểm mới hoặc điểm nổi trội của bài báo so với các nghiên cứu trước đây. NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo cũng lưu ý rằng cần tránh thực hiện việc lược khảo các nghiên cứu trong phần giới thiệu nếu tạp chí yêu cầu tách riêng phần giới thiệu (introduction) và tổng quan tình hình nghiên cứu (literature review). (4) Tổng quan tình hình nghiên cứu: Phần tổng quan tình hình nghiên cứu cung cấp cho người đọc những gì đã được nghiên cứu và đặc biệt là những gì chưa được nghiên cứu trong một lĩnh vực cụ thể. Do đó, các nhà nghiên cứu có thể so sánh, phân tích và phát hiện các khe hở trong nghiên cứu để làm nổi bật sự đóng góp về mặt khoa học của bài báo họ đang viết. Tùy thuộc vào yêu cầu của từng tạp chí mà việc trích dẫn, trình bày, phân tích các công trình nghiên cứu có liên quan đến chủ đề của bài báo có thể được thực hiện dưới dạng đoạn văn hoặc dạng bảng. NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo lưu ý rằng khi viết literature review cần gắn kết với mục tiêu nghiên cứu và đóng góp của nghiên cứu (trong cùng chủ đề, lĩnh vực). Nhóm theo chủ đề gắn với các giả thuyết nghiên cứu & phương pháp nghiên cứu. (5) Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu: Trong lĩnh vực kinh tế, phương pháp nghiên cứu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc làm nên chất lượng học thuật của bài báo và các tạp chí đều yêu cầu trình bày phương pháp nghiên cứu rõ ràng, logic, có cơ sở và phải phù hợp để giải quyết các mục tiêu nghiên cứu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, chất lượng của dữ liệu cũng ảnh hưởng đáng kể đến tính chính xác của kết quả nghiên cứu. (6) Kết quả và thảo luận: NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo cho rằng việc sử dụng các bảng thể hiện kết quả ước lượng là rất phổ biến và gần như bắt buộc. Nhà nghiên cứu cần xem hướng dẫn của tạp chí để định dạng các bảng cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cần viết những đoạn văn để mô tả, phân tích, giải thích và thảo luận các kết quả của bài báo. Cần tránh việc chỉ liệt kê kết quả của bài báo mà thiếu đi sự so sánh với các nghiên cứu khác. (7) Kết luận: Phần kết luận tổng kết các điểm chính (chủ đề, mục đích, phương pháp, dữ liệu, kết quả, điểm mới, đóng góp, v.v.) của một bài báo. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu có thể cung cấp thêm một số hàm ý chính sách, và cần đảm bảo rằng các kiến nghị dựa trên cơ sở kết quả của bài báo kết hợp với các lập luận chặt chẽ và hợp lý, không dựa trên suy nghĩ chủ quan, cảm tính. Độ dài ngắn của các gợi ý chính sách phụ thuộc vào cách viết của các nhà nghiên cứu và số lượng từ tối đa của toàn bộ bài báo mà tạp chí cho phép. (8) Tài liệu tham khảo: Các tạp chí khác nhau đều có những yêu cầu khác nhau về trích dẫn, và các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu và tuân thủ quy tắc trích dẫn của tạp chí. Nhìn chung, các thông tin về tên tác giả, năm xuất bản, tên bài báo, tên tạp chí, số trang phải được cung cấp trong phần tài liệu tham khảo. NCS.ThS.Hồ Hoàng Gia Bảo lưu ý các tác giả trước khi nộp bản thảo vào tạp chí, cần kiểm tra để chắc rằng các tài liệu được sử dụng trong bài báo đã được liệt kê đầy đủ ở phần tài liệu tham khảo.

Tiếp theo là tham luận thứ bảy “Quy trình quản lý, bình duyệt bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế & lưu ý quan trọng cho tác giả” của NCS.ThS.Lê Hoàng Phong và TS.Bùi Quốc Việt. Thay mặt nhóm tác giả, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đã giới thiệu một cách cơ bản về quy trình quản lý bài viết và xử lý bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, đồng thời đề cập một số lưu ý quan trọng cho các tác giả trong việc tuân thủ và đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt từ phía tạp chí và các bên liên quan của tạp chí. Dựa trên kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu với tư cách là độc giả, tác giả, nhà phản biện trên một số tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus của các nhà xuất bản lớn như Elsevier, Springer, Taylor & Francis, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đã giới thiệu quy trình quản lý bài của tạp chí nhằm giúp đọc giả hiểu rõ hơn về trạng thái của một bài viết cũng như thời gian quản lý theo các giai đoạn trong quy trình quản lý của các tạp chí. Bên cạnh đó, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong cũng trình bày các mô hình đánh giá bài viết của các tạp chí nhằm giúp đọc giả hiểu rõ hơn về các loại hình đánh giá trong quy trình phản biện. Cuối cùng, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong nêu ra một số lưu ý quan trọng đối với các tác giả như đảm bảo tuân thủ các yêu cầu được hướng dẫn của tạp chí, hiểu rõ quy trình quản lý bài và việc xem xét đề nghị can thiệp, nắm rõ nguyên tắc và áp lực làm việc của biên tập viên và người phản biện, giải pháp làm hài lòng biên tập viên và người phản biện.

- PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ nhận xét tham luận của NCS.ThS.Lê Hoàng Phong rất chi tiết và hữu ích cho các nhà nghiên cứu được hiểu rõ sự vận hành trong quy trình quản lý và bình duyệt bài viết của các tạp chí uy tín quốc tế cũng như những chiến thuật để làm hài lòng biên tập viên và người phản biện sẽ giúp ích cho các tác giả nhằm tìm kiếm giải pháp gia tăng khả năng bài viết được chấp nhận.

Cuối cùng, TS.Nguyễn Vĩnh Khương đến từ Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) trình bày tham luận “Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong công bố quốc tế khối khoa học xã hội”. Mở đầu bài tham luận, TS.Nguyễn Vĩnh Khương đề cập đến hai nhiệm vụ quan trọng nhất của một trường đại học nghiên cứu là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu), trong đó nhiệm vụ sáng tạo tri thức là cốt lõi. Thêm vào đó, đào tạo và phát triển đội ngũ có thể thông qua việc xây dựng vai trò của các nhóm nghiên cứu, cụ thể là đào tạo sau đại học. Trong giai đoạn, khi nhóm nghiên cứu đã đủ mạnh về nhân lực và các nguồn lực khác, có thể tự xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu các bên liên quan. Bên cạnh đó, thông qua sự phát triển của các nhóm nghiên cứu cũng sẽ tăng các công bố quốc tế, từ đó nâng được thứ bậc và xếp hạng của trường đại học. Dựa trên kết quả của nhóm tác giả Vương Quân Hoàng thuộc Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR (trường ĐH Thành Tây, Hà Nội), TS.Nguyễn Vĩnh Khương đã khái quát thực trạng công bố bài báo quốc tế tại Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể: 75% các tác giả chưa từng có bài nghiên cứu độc lập nào trong 10 năm qua; Số nhà khoa học giữ vai trò chủ đạo trong ít nhất 1 bài chiếm 56%, nhưng trong ít nhất 3 bài chỉ chiếm 19%, trong ít nhất 5 bài chỉ chiếm 9%; Số kết nối trung bình của mỗi nhà nghiên cứu là 1,95 (nghĩa là cứ mỗi nhà khoa học xã hội Việt Nam sẽ là đồng tác giả với khoảng hai nhà khoa học xã hội Việt Nam khác), mật độ kết nối giữa các thành viên trong một nhóm (tức tỷ lệ số kết nối trên thực tế so với số kết nối có thể có) đạt 47%, theo nhóm nghiên cứu như vậy là thấp. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, TS.Nguyễn Vĩnh Khương cũng đưa ra một số đề xuất về định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh dựa vào năng lực hiện có và nhu cầu phát triển của trường trong mối quan hệ với định hướng phát triển của đất nước. Kết hợp phát triển các nhóm nghiên cứu thành lập trước đó trong đơn vị với việc hình thành và phát triển những nhóm nghiên cứu mới.

- NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đánh giá cao đề xuất về định hướng xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành của TS.Nguyễn Vĩnh Khương. NCS.ThS.Lê Hoàng Phong cho rằng việc thiết lập và xây dựng được những mối quan hệ hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực ở trong và ngoài nước cũng rất quan trọng. Nhất là khi nhóm nghiên cứu đã hình thành, vận hành trong thời gian nhất định, và đã có sản phẩm công bố quốc tế. Công việc này sẽ giúp phát triển nhóm nghiên cứu ở giai đoạn cao hơn và mang tính dài hạn. Vì vậy, có thể tận dụng các mối quan hệ cá nhân trong nhóm nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu sinh đang tham gia tại trường đến từ các cơ sở đào tạo khác. Điều này, giúp liên kết các cá nhân trong chung khối ngành và cơ hội thực hiện các nghiên cứu đa ngành. Mang tính cụ thể, NCS.ThS.Lê Hoàng Phong đề xuất sự kết nối và xây dựng nhóm nghiên cứu liên trường với cá nhân TS.Nguyễn Vĩnh Khương–người cũng có nhiều công bố quốc tế và quý vị khách mời cũng như mở rộng sự hợp tác với các nhà nghiên cứu các trường khác.

- TS.Nguyễn Vĩnh Khương chia sẻ thêm về cách thức lựa chọn các Tạp chí quốc tế uy tín phù hợp với tiêu đề, ý tưởng từ bản thảo bài báo của tác giả.

Phát biểu bế mạc hội thảo, thay mặt Ban chủ nhiệm Khoa Quản trị và Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ trân trọng cảm ơn sự tham gia và đóng góp quý báu của các tác giả và quí vị khách mời dành cho Hội thảo. Trải qua 04 giờ làm việc với 08 bài tham luận được trình bày, cùng các tranh luận và chia sẻ sôi nổi của các nhà nghiên cứu tại hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Thuỷ khẳng định hội thảo khoa học “Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế” thực sự là một cơ hội quý giá để các giảng viên khoa Quản trị, quý vị khách mời, các bạn học viên, sinh viên tích luỹ được các kinh nghiệm và định hướng về nghiên cứu khoa học trong tương lai. Bên cạnh đó, hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác trong hoạt động nghiên cứu khoa học giữa các giảng viên của Khoa Quản trị - Trường Đại học Luật TP.HCM với các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường.

Xem thêm về kỷ yếu Hội thảo tại đây

Bài: ThS.Nguyễn Bá Hoàng & ThS.Đỗ Nguyễn Hữu Tấn

 

--%>
Top