Tọa đàm về “Cải cách tư pháp ở Việt Nam”;“Tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo & nghiên cứu luật học ở Việt Nam hiện nay”

Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là văn bản quan trọng định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam, đặc biệt là tư pháp hình sự. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của các văn bản này chỉ đến năm 2020, vì vậy những vấn đề lý luận và thực tiễn về cải cách tư pháp ở Việt Nam đã và đang được đặt ra đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Ngoài ra, việc tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật là hướng tiếp cận cần thiết trong xu hướng hội nhập.

Nhằm tạo một diễn đàn pháp lý cho các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên của Nhà Trường và một số nhà khoa học cập nhật những vấn đề mới, quan trọng đối với lĩnh vực chuyên ngành, Khoa Luật hình sự mời chuyên gia GS. TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội trao đổi chuyên đề về “Cải cách tư pháp ở Việt Nam” và “Tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong đào tạo và nghiên cứu luật ở Việt Nam”.

Đến tham dự buổi tọa đàm có các Thầy, Cô giáo là giảng viên của Khoa Luật Hình sự, Khoa Luật Hành chính và Khoa Luật Dân sự. Ngoài ra, chủ đề của Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo và giảng viên Khoa Luật của nhiều trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến tham dự. Có thể kể đến như: TS. Trần Thị Quang Vinh - Nguyên trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng; PGS.TS. Trần Ngọc Đức - Trưởng Bộ môn Pháp luật Trường Đại học Cảnh sát; NCS. ThS. Bùi Đình Tiến – Phó trưởng Bộ môn pháp luật Trường An ninh Nhân dân; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Phó trưởng Khoa Luật, Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; TS. Vũ Thế Hoài - Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn; NCS. Phạm Đăng Phú - Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Lao động và Xã hội; TS. GVC. Vũ Thị Thúy - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự Trường Đại học Văn Lang; NCS. Phạm Thanh Tú - Giảng viên Bộ môn Luật Hình sự Trường Đại học Mở TP.HCM. Về phía Ban tổ chức Tọa đàm, có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng Khoa Luật Hình sự; PGS.TS. Đỗ Minh Khôi – Phụ trách Nghiên cứu khoa học của Khoa Luật Hành chính - Nhà nước.

Toàn cảnh buổi tọa đàm ngày hôm nay

Mở đầu buổi tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội trao đổi về những kết quả đạt được, những nội dung còn hạn chế và những vấn đề tiếp tục đặt ra đối với cải cách tư pháp của Việt Nam. Các đại biểu đã trao đổi thảo luận sôi nổi nhiều khía cạnh của cải cách tư pháp ở Việt Nam trong suốt thời gian liên tục gần 4 giờ.

GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội

TS Vũ Thế Hoài – Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Sài Gòn (bên trái) đặt câu hỏi trao đổi về cải cách pháp lý ở Việt Nam hiện nay

Buổi chiều cùng ngày, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội trình bày quan điểm về tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật với những khái niệm cụ thể. Giáo sư cũng phân tích các kết quả bước đầu của tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật của Học viện khoa học xã hội và ý nghĩa của cách tiếp cận này. Giáo sư cũng cho rằng: “Khái niệm xuyên ngành là một khái niệm rất mới và cần được nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa”. Đồng thời, GS.TS. Võ Khánh Vinh cũng mong muốn trong thời gian tới cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành vào hoạt động nghiên cứu, đào tạo luật cần được lan tỏa hơn nữa.

GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng: “Việc nghiên cứu theo cách tiếp cận này giúp hình thành hệ thống lý luận về chính sách pháp luật. Có lý luận mới có cải cách. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, có giá trị và cần phải đẩy mạnh nghiên cứu”

TS. Trần Thị Quang Vinh - Nguyên trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng đây là một buổi tọa đàm rất hữu ích, tạo sự thay đổi trong tư duy cho các giảng viên ngành Luật Hình sự nói riêng và các chuyên ngành Luật khác nói chung. Thứ nhất, về cách tiếp cận đa ngành, đa chiều, không làm cho pháp lý thuần túy mà sẽ đặt trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác và quan trọng hơn cả là việc đánh giá về tư pháp được xem như là một thiết chế nhánh quyền lực. Tuy đây không phải là những chủ đề quá mới nhưng đây là một vấn đề mới cho mục tiêu và giai đoạn gần đây. Thứ hai, TS. Trần Thị Quang Vinh tin rằng các giảng viên mà vẫn còn tư duy thuần pháp lý thì sau buổi tọa đàm hôm nay sẽ có nhận thức khác hơn về sứ mạng của ngành và sẽ trao cho sinh viên những tư duy pháp lý mới.

TS. Trần Thị Quang Vinh - Nguyên trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những chia sẻ và đóng góp rất thiết thực cho buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm khơi gợi cách tiếp cận mới cho nghiên cứu và đào tạo luật

TS Đặng Thanh Hoa – Giảng viên Bộ môn Luật Tố tụng dân sự đã có chia sẻ rằng: “Buổi tọa đàm hôm nay thật sự vô cùng bổ ích, hiệu quả và cần thiết. Hơn thế nữa, việc mở rộng quy mô của buổi tọa đàm tương tự để hướng tới các chuyên ngành Luật khác cũng là một điều mà tôi vô cùng mong chờ”

Thông qua các nghiên cứu của GS.TS. Võ Khánh Vinh - Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, tọa đàm đã nhận được những phần trao đổi, tranh luận sôi nổi giữa các khách mời. Kết thúc buổi tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh mong rằng đây sẽ là những vấn đề quan trọng và gợi mở cho các buổi tọa đàm sắp tới.

Phiên thảo luận của buổi tọa đàm diễn ra rất sôi nổi và đặt ra nhiều vấn đề thách thức trong bối cảnh hiện nay

Buổi tọa đàm đã để lại nhiều cảm xúc và thuyết phục các đại biểu tham dự không chỉ về vấn đề cải cách tư pháp mà còn là việc tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong đào tạo và nghiên cứu luật học ở Việt Nam hiện nay

 

Nội dung: Nhã Tuyền

Hình ảnh: Trần Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top