Hội thảo “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại”

Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 20/11/2019 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Nhiều nội dung trong Bộ luật Lao động năm 2019 đã được điều chỉnh, thay đổi so với các quy định trước đây. Đặc biệt là Bộ luật Lao động năm 2019 có hướng đến việc áp dụng cho cả những đối tượng lao động không có hợp đồng lao động. Do vậy, việc nhận diện được các loại hợp đồng có yếu tố lao động cả ở góc độ lý luận lẫn thực tiễn để làm cơ sở xác định việc áp dụng pháp luật chuyên ngành, từ đó bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích của các bên tham gia vào các hợp đồng này là một điều cần thiết.

Nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, những người làm công tác quản lý doanh nghiệp, công tác thực tiễn, luật sư, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trao đổi về các vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại, vào sáng ngày 12/01/2022, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng có yếu tố lao động trong các quan hệ dân sự và thương mại” trực tiếp tại Phòng họp A905 Trường Đại học Luật TP.HCM và trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Hội thảo đón tiếp sự hiện diện của Ông Nguyễn Tất Năm - Nguyên Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương - Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội TP.HCM; PGS.TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Văn Lang; TS. Nguyễn Hải An - Phó Vụ trưởng vụ Giám đốc kiểm tra dân sự kinh doanh Tòa án nhân dân tối cao; Bà Châu Kim Anh – Thẩm Phán, Phó Chánh Tòa Dân sự - TAND TP.HCM; Bà Phạm Thị Thanh Trúc - Thẩm phán Tòa Lao động - Tòa án nhân dân TP.HCM; Thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, TP.HCM; Ông Phan Văn Cành - Thẩm phán Tòa án nhân dân Quận 1 TP.HCM; Thẩm phán Trương Thị Phương Anh - Phó Chánh tòa Dân sự Tòa án nhân dân TP Thanh Hóa; TS. Phạm Thị Thúy Nga - Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật Việt Nam; ThS. Phạm Thị Quỳnh Nga - Trưởng ban Thư ký Tạp chí Tòa án nhân dân- Tòa án nhân dân tối cao; Bà Nguyễn Lê Trúc Hà - Giám đốc nhân sự Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn; Luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền - Giám đốc điều hành BAVN Lawfirm; ThS.LS Trần Ngọc Thích - Luật sư điều hành văn phòng luật sư “Thích và các cộng sự”; TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm - Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Lao Động và Xã Hội; TS. Đinh Văn Liêm - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Vinh; TS. Trần Thị Sáu - Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng; TS. Đoàn Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM; PGS.TS. Dư Ngọc Bích - Trưởng khoa Luật Trường Đại học Mở TP.HCM; TS. Nguyễn Thị Thu Thoa - Trưởng khoa Chính trị - Luật Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm; Ông Tô Huệ Tri - Trưởng phòng Đầu tư Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh; Bà Tô Hồng Hà - Phó chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu và hơn 100 khách mời là các diễn giả đến từ các cơ sở đào tạo Luật lớn trên cả nước, các chuyên gia, nhà quản lý, các thẩm phán, luật sư, những người làm thực tiễn…

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham gia của PGS.TSTrần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu Trưởng Nhà trường; PGS.TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng NCKH & HTQT; TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích – Trưởng Bộ môn Luật Lao độngvà các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

 

Hội thảo được diễn ra vào sáng ngày 12/01/2022 trực tiếp tại phòng họp A905 trường Đại học Luật TP.HCM và trực tuyến trên nền tảng Zoom

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh vai trò của vấn đề nhận diện các loại hợp đồng có yếu tố lao động cả ở góc độ lý luận lẫn thực tiễn. Với sự vận hành của nền kinh tế thị trường nhiều quan hệ lao động mới đã phát sinh, có sự đan xen giữa Luật Lao động, Dân sự và Thương mại. Đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP và EVFTA), đòi hỏi cần có sự nội luật hoá các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu để có những đề xuất kịp thời, nhằm từng bước hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo

Với 43 bài tham luận được đưa vào kỷ yếu sau khi thẩm định, Ban tổ chức đã chọn 06 tham luận để trình bày tại Hội thảo và được chia thành hai phiên. Phiên tham luận đầu tiên diễn ra với sự điều hành của hội đồng chủ tọa bao gồm: PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM; PGS. TS. Bùi Anh Thủy – Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Văn Lang; Thẩm phán, ThS. Châu Kim Anh – Phó Chánh Tòa Dân sự - TAND TP.HCM.

Trong phiên thứ nhất, 03 bài tham luận được trình bày xoay quanh các vấn đề về các quan hệ lao động phát sinh từ một số hợp đồng được giao kết trong bối cảnh kinh tế số, phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dân sự, người làm việc không có quan hệ lao động.

Với bài tham luận, “Bàn về tính chất lao động trong một số các hợp đồng được giao kết trong bối cảnh kinh tế số”, TS. Đoàn Thị Phương Diệp (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) trình bày ngắn gọn về tính chất lao động trong các hợp đồng được giao kết trong bối cảnh kinh tế sốBên cạnh việc phân tích các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về nhận diện quan hệ lao động, tác giả có sự so sánh với quy định trong pháp luật một số quốc gia, trên cơ sở đó đề xuất một số cơ sở để xác định một quan hệ lao động thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Với những phân tích từ góc độ những dấu hiệu đặc trưng của quan hệ lao động, nhóm tác giả bao gồm ThS. Đặng Thái Bình và ThS. Lê Ngọc Anh (Trường Đại học Luật TP. HCM) đã trình bày các tiêu chí để phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng dân sự, đồng thời nhấn mạnh tính quan trọng của việc phân biệt rõ tính chất của 02 loại hợp đồng này.

ThS. Đặng Thái Bình trình bày bài tham luận với chủ đề “Phân biệt Hợp đồng lao động và Hợp đồng dân sự - Nhìn từ góc độ những dấu hiệu đặc trưng của quan hệ lao động”

Tiếp nối phiên tham luận thứ nhất, những vấn đề về nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới được TS. LS Nguyễn Bình An (Khoa Luật – Trường ĐH Bình Dương) đề cập và làm rõ trong phần trình bày của mình. Bài tham luận của TS. An tập trung nghiên cứu các tiêu chí nhận diện người lao động và “người làm việc không có quan hệ lao động” trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, các quốc gia Châu Âu… và Bộ luật Lao động năm 2019 của Việt Nam; từ đó phân tích, đánh giá, đồng thời chỉ ra những bất cập trong pháp luật Việt Nam và đề xuất gợi ý hoàn thiện pháp luật.

TS. Nguyễn Bình An- Khoa Luật – Trường ĐH Bình Dương với bài tham luận “Nhận diện người làm việc không có quan hệ lao động tại doanh nghiệp trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và một số gợi mở hoàn thiện pháp luật Việt Nam”

Sauphần trình bày ba tham luận đầu tiên là phần thảo luận đến từ các đại biểu tham dự. TS. Đỗ Ngân Bình – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Chuyên gia tư vấn pháp lý cao cấp về nhân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội đã đặt ra câu hỏi về các tiêu chí nhận diện đã được quy định trong Điều 13 Bộ Luật Lao Động và cách xác định chứng cứ chứng minh khi xảy ra tranh chấp trong hợp đồng. Trước câu hỏi được đặt ra, TS. Đoàn Thị Phương Diệp và LS. Nguyễn Thị Minh Huyền đã đưa ra những ý kiến trao đổi, minh chứng thực tiễn một số vụ việc trên thực tế, tuy nhiên việc xác định các chứng cứ chứng minh là điều mà trên thực tiễn cũng còn gặp những khó khăn nhất định đối với những người làm thực tiễn. TS Đỗ Hải Hà cũng đưa ra một số kiến nghị về nhận diện các tiêu chí nêu trên cần nghiên cứu, tham khảo thêm Khuyến nghị 198 của ILO về quan hệ việc làm. Đối với vấn đề liên quan đến “văn bản lao động” và “tiêu chí người lao động” trong các bài tham luận, PGS.TS. Đỗ Văn Đại cũng đã đưa ra các ý kiến góp ý hoàn thiện. Ngoài ra, rất nhiều vấn đề khác cũng đã được các nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn trao đổi, thảo luận để mở rộng và phân tích.

Kết thúc phiên thứ nhất, PGS.TS Bùi Anh Thuỷ đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo. Xác định yếu tố quan trọng để nhận diện quan hệ lao động là sự quản lý điều hành, chú trọng đến việc thực hiện quan hệ lao động trên thực tiễn, hơn là xác định có hay không có ký kết hợp đồng lao động.

TS. Đỗ Ngân Bình và LS. Nguyễn Thị Minh Huyền thảo luận sau phiên tham luận thứ nhất

Phiên thứ hai tiếp tục diễn ra với hội đồng chủ tọa gồm: TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng NCKH & HTQT; TS. Nguyễn Xuân Quang – Phó Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích – Trưởng Bộ môn Luật Lao động. Trong phiên thứ hai có 03 bài tham luận được trình bày:

Mở đầu phiên tham luận thứ hai là phần trình bày của ThS.NCS Lê Thị Ngọc Yến (Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) bàn về kinh nghiệm của Pháp trong việc xác định quyền kiểm tra, điều hành, giám sát đối với các hợp đồng có yếu tố lao động. ThS.NCS Lê Thị Ngọc Yến đã đưa ra kết quả phân tích những quy định pháp luật và án lệ có liên quan về quan hệ lao động trong pháp luật Pháp đồng thời đưa ra những nghiên cứu xoay quanh kinh nghiệm của Pháp về việc xác định các dấu hiệu của sự phụ thuộc pháp lý của các bên nhằm công nhận một mối quan hệ là quan hệ lao động. Từ đó, tác giả đã đưa ra những gợi ý cho việc xác định yếu tố quản lý, điều hành, giám sát trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.

ThS.NCS Lê Thị Ngọc Yến trình bày bài tham luận của mình

Tiếp nối phiên tham luận thứ hai, ThS. Trần Nhân Chính (Trường Đại học Luật TP. HCM) trình bày tham luận với chủ đề: “Trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại ngoài hợp đồng do người lao động gây ra - So sánh với Pháp luật Anh và Hoa kỳ”. ThS. Chính đã khái quát về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra trong pháp luật Việt Nam; đồng thời trình bày kết quả nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra trong pháp luật Anh và Hoa Kỳ. Từ đó, bài tham luận đã đưa ra một số kiến nghị về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại do người lao động gây ra cho bên thứ ba.

Tham luận 5 của ThS. Trần Nhân Chính (Trường Đại học Luật TP. HCM) với chủ đề: “Trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động đối với thiệt hại ngoài hợp đồng do người lao động gây ra - So sánh với Pháp luật Anh và Hoa kỳ”

Bài tham luận cuối cùng liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động tại Tòa án do ThS. Phạm Thị Thúy (Trường Đại học Luật TP.HCM) trình bày, phân tích về xác định thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động. Ngoài ra, tham luận cũng phân tích trình tự, thủ tục giải quyết đối với các tranh chấp hợp đồng có yếu tố lao động, chỉ ra điểm đặc trưng trong trình tự, thủ tục giải quyết đối với loại tranh chấp này.

Bài tham luận số 6 của ThS. Phạm Thị Thúy- Giảng viên khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM

Bàn về những vấn đề được đưa ra trong bài tham luận của ThS. Phạm Thị Thúy, TS. Nguyễn Hải An - Phó Vụ trưởng vụ Giám đốc kiểm tra dân sự- kinh doanh Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra những ý kiến bổ sung về vấn đề “hợp đồng ủy quyền” cùng với những ví dụ thực tiễn để xây dựng hoàn thiện tham luận. Ngoài ra, ThS. Châu Kim Anh – Thẩm Phán, Phó Chánh Tòa Dân sự - TAND TP.HCM đã đưa ra những vụ án thực tiễn nhằm làm rõ hơn nội dung hội thảo và các vấn đề xoay quanh “hợp đồng lao động” “an toàn lao động”.

Tại phiên trao đổi, ông Phan Văn Cành - Thẩm phán Tòa án nhân dân Quận 1 TP.HCM và bà Phạm Thị Thanh Trúc - Thẩm phán Tòa Lao động Tòa án nhân dân TP.HCM cũng đưa ra những chia sẻ về vấn đề thụ lý án dân sự hoặc lao động của tòa khi xảy ra tranh chấp. Kết thúc phiên thảo luận là những chia sẻ đến từ ông Nguyễn Tất Năm - Nguyên Trưởng Phòng Lao động, Tiền lương - Sở Lao Động, Thương Binh và Xã hội TP.HCM xoay quanh vấn đề thực tiễn của việc phân biệt hai loại hợp đồng (hợp đồng lao động và hợp đồng dân sự). Phần thảo luận diễn ra sôi nổi, với sự chia sẻ của các thẩm phán, các luật sư, nhà nghiên cứu thông qua những vụ việc cụ thể.

Ông Phan Văn Cành - Thẩm phán Tòa án nhân dân Quận 1 TP.HCM đưa ra những chia sẻ về vấn đề thụ lý án dân sự hoặc lao động của tòa khi xảy ra tranh chấp

Ông Nguyễn Tất Năm - Nguyên Trưởng Phòng phòng Lao động – Tiền lương - Sở Lao Động, Thương Binh & Xã hội TP.HCM đưa ra ý kiến về các bài tham luận

Kết thúc buổi Hội thảo, TS. Lê Thị Thuý Hương cảm ơn sự quan tâm, tham gia đông đủ và thảo luận rất sôi nổi của quý vị đại biểu trong suốt 4 giờ đồng hồ diễn ra Hội thảo. Hội thảo đã gợi mở rất nhiều vấn đề về nhận diện quan hệ lao động, về các vấn đề pháp lý của hợp đồng có yếu tố lao động, các thỏa thuận khác có liên quan trong các hợp đồng này… Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên vẫn còn một số vấn đề chưa thể được đưa ra trao đổi hết tại Hội thảo. Ban Tổ chức dự kiến sẽ tổ chức tiếp các Hội thảo chuyên đề để có thể thảo luận chuyên sâu về các hợp đồng có yếu tố lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Hy vọng những Hội thảo sắp tới được tổ chức tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của quý vị đại biểu. Ban tổ chức cũng sẽ tổng hợp các kiến nghị trong các tham luận và từ các ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất.

Hội thảodiễn ra thành công tốt đẹp

Nội dung: Tường Vi và BTC Hội thảo

Hình ảnh: Ngọc Thắng, Khánh Linh

Ban Truyền thông ULaw

--%>
Top