Đoàn trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức chương trình Legal Talk với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Kinh nghiệm từ một số quốc gia”

Nhằm tạo cơ hội cho các bạn sinh viên có thể tiếp cận thông tin về vấn đề pháp lý trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống, ngày 22/5/2024 tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Đoàn Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức chương trình Legal Talk với chủ đề “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Kinh nghiệm từ một số quốc gia”.

Chương trình được diễn ra tại phòng họp A.905

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự góp mặt của PGS. TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Nguyễn Phượng An - Giảng viên khoa Luật Quốc tế; Đ/c Nguyễn Ngọc Minh Phúc - Uỷ viên BCH Đoàn trường cùng đông đảo các sinh viên.

Về phía khách mời có sự tham dự của Luật sư Danny Quah - Luật sư thành viên của CHP Lawyer (Singapore) và Luật sư Hồ Thuỵ Ngọc Trâm - Luật sư thành viên Công ty Luật Frasers.

Mở đầu chương trình, PGS. TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội trong thời gian gần đây. Việc xem xét và tìm hiểu về các vấn đề này đang là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của người dân nói chung và những nhà nghiên cứu pháp luật nói riêng. Thông qua chương trình Legal Talk, PGS.TS. Trần Việt Dũng mong muốn các sinh viên có được góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về chủ đề trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng như có cơ hội lắng nghe những chia sẻ thực tiễn từ các chuyên gia trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống.

PGS. TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu mở đầu chương trình

Tại phần chia sẻ của mình, Luật sư Danny Quah - Luật sư thành viên của CHP Lawyer (Singapore) đã đề cập đến một số ứng dụng phổ biến của trí tuệ nhân tạo tại Singapore. Luật sư Danny Quah cũng nhấn mạnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống không còn là một điều quá xa lạ đối với người dân nơi đây. Do đó, Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xây dựng khung pháp lý toàn diện và hiệu quả cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Luật sư Danny Quah - Luật sư thành viên của CHP Lawyer (Singapore) trao đổi với các bạn sinh viên về vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo và kinh nghiệm từ Singapore

Cũng tại buổi trao đổi, Luật sư Hồ Thuỵ Ngọc Trâm - Luật sư thành viên Công ty Luật Frasers đã chia sẻ lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại trong việc tìm kiếm những hợp đồng mẫu nhằm phục vụ cho việc soạn thảo hợp đồng và một số công việc pháp lý khác. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến những ảnh hưởng không tốt, vì vậy những nhà làm luật cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ở các lĩnh vực trong cuộc sống.

Luật sư Hồ Thuỵ Ngọc Trâm - Luật sư thành viên Công ty Luật Frasers đã cụ thể hoá và bổ sung một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng phổ biến mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thông qua chương trình Legal Talk, các bạn sinh viên đã có thêm được những góc nhìn cụ thể hơn về các vấn đề xoay quanh trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực này. Đây sẽ là một nguồn tham khảo quý báu cho công việc nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM.

ThS. Nguyễn Phượng An - Giảng viên khoa Luật Quốc tế trao quà cho các khách mời

Khách mời cùng giảng viên và sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Đình Quý

Hình ảnh: Hứa Thảo

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top