Chương trình giao lưu, trao đổi học thuật với Hôi sinh viên Châu Á (ALSA) chủ đề "The Comparative view of Malaysian and Vietnamese Legal system"

Vào sáng ngày 02/10/2024 tại phòng họp A.905 Trường Đại học Luật TP. HCM cơ sở Nguyễn Tất Thành, chương trình giao lưu và trao đổi học thuật với Hội Sinh viên châu Á (ALSA) cùng chủ đề “The Comparative view of Malaysian and Vietnamese Legal system” đã được diễn ra thành công. Đây là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng giữa Hội Sinh viên Châu Á (ALSA) và sinh viên trường Đại học Luật TP. HCM nhằm thúc đẩy sự giao lưu học thuật và hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên các nước trong khu vực.

 

Chương trình có sự tham gia của ThS. Khairun-Nissa Binti Asari - Đại diện đến từ Trường Đại học Pensyarah (Malaysia) cùng nhiều đại diện, các bạn sinh viên đến từ ALSA Malaysia. Về phía Trường Đại học Luật TP. HCM có sự tham gia của ThS. Nguyễn Mai Anh – Giảng viên khoa Luật Hành chính Nhà nước cùng các sinh viên có quan tâm. Chương trình được thiết kế nhằm tạo cơ hội cho sinh viên hai nước tiếp cận và so sánh hệ thống pháp luật Malaysia và Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau. Nội dung thảo luận bao gồm các khía cạnh như hệ thống tư pháp, pháp luật dân sự, hình sự, cũng như các quy định về kinh doanh, thương mại…

 

Chương trình có những phần thảo luận và trao đổi sôi nổi, đại diện đến từ hai Trường đã có một phiên thảo luận sôi nổi về các khía cạnh nổi bật trong hệ thống pháp luật của Malaysia và Việt Nam, từ cơ cấu hệ thống tư pháp, luật hình sự, dân sự cho đến các quy định về thương mại và kinh doanh. ThS. Nguyễn Mai Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm hiểu và so sánh các hệ thống pháp luật, điều này không chỉ giúp chúng ta nắm rõ hơn về quy định của nước mình mà còn mở rộng kiến thức về cách thức các quốc gia khác giải quyết các vấn đề pháp lý tương tự. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa, nơi mà sự giao thoa giữa các hệ thống pháp luật ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, hệ thống pháp luật Việt Nam là sự kết hợp giữa truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Qua nhiều giai đoạn cải cách, hệ thống pháp luật nước ta ngày càng tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và bảo vệ quyền con người.

 

ThS. Nguyễn Mai Anh – Giảng viên khoa Luật Hành chính Nhà nước trao đổi về những đặc điểm của hệ thống pháp luật Việt Nam

 

Tiếp tục chương trình, ThS. Khairun-Nissa Binti Asari - Đại diện đến từ Trường Đại học Pensyarah (Malaysia) đã có bài giới thiệu về hệ thống pháp luật Malaysia cùng giải thích về tính đa dạng về hệ thống pháp luật tại đây. Đây cũng là một điểm khác biệt lớn so với hệ thống pháp luật Việt Nam. Qua đó, ThS. Khairun-Nissa Binti Asari cho rằng Malaysia là một quốc gia đa dạng về văn hóa, tôn giáo, và sắc tộc. Điều này được phản ánh trực tiếp trong hệ thống pháp luật đất nước - nơi mà luật Hồi giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Hồi giáo, trong khi luật tục và luật chung Anh vẫn có ảnh hưởng lớn đến hệ thống tư pháp và quy định pháp lý.

 

ThS. Khairun-Nissa Binti Asari - Đại diện đến từ Trường Đại học Pensyarah (Malaysia) chia sẻ về đặc tính đa dạng của hệ thống pháp luật Malaysia và so sánh

Trong khuôn khổ buổi giao lưu, sinh viên của hai nước đã trình bày những nghiên cứu, góc nhìn riêng về các vấn đề pháp lý đặc thù của từng quốc gia cùng những trò chơi kết hợp giữa sinh viên hai nước. Cuộc thảo luận giữa hai trường đã mở ra nhiều cơ hội để sinh viên hai nước hiểu rõ hơn về sự khác biệt cũng như các yếu tố tương đồng giữa hệ thống pháp luật Malaysia và Việt Nam.

 

Sinh viên hai nước chụp hình kỷ niệm sau khi kết thúc Chương trình

 

Buổi giao lưu khép lại với lễ trao quà lưu niệm và chụp hình kỷ niệm, tạo dấu ấn về sự hợp tác và gắn kết giữa hai trường đại học. Những hoạt động như thế này không chỉ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa và học thuật giữa sinh viên quốc tế mà còn là cơ hội để sinh viên Việt Nam tiếp cận với những thay đổi và tiến bộ trong hệ thống pháp luật các nước trong khu vực, tạo sân chơi học thuật bổ ích và cơ hội giao lưu quốc tế cho sinh viên, đồng thời nâng cao vị thế của Nhà trường trong việc hội nhập giáo dục toàn cầu.

Nội dung: Hạnh Nhi

Hình ảnh: Vy Vy

Ban Truyền thông Ulaw