Ngày 15/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 3847/QĐ-BGDĐT về việc cho phép Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đào tạo ngành Luật quốc tế trình độ tiến sĩ, mã số 9380108.
Theo đó, Trường thực hiện xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, cấp bằng theo các quy định hiện hành; đánh giá chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo quy định tại khoản 5, Điều 33 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung).
Như vậy đây là chuyên ngành thứ 5 của ngành Luật được Nhà trường đào tạo trình độ tiến sĩ gồm: luật kinh tế, luật dân sự và tố tụng dân sự, luật hiến pháp và luật hành chính, luật hình sự và tố tụng hình sự và luật quốc tế mới được Bộ cho phép đào tạo.
Là cơ sở trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của đất nước (theo Quyết định số 1156/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể "Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật"), hiện nay Nhà trường có đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ, chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật với gần 400 viên chức và người lao động, số lượng giảng viên cơ hữu chiếm 70,18%, trong đó có 1 giáo sư, 16 phó giáo sư, 67 tiến sĩ, 195 thạc sĩ.
Ngoài ra, Nhà trường còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật đã góp phần hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của sinh viên trước khi tốt nghiệp. Quy mô đào tạo hiện tại của Trường là khoảng 10.000 người học với khoảng 8.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 1.000 học viên cao học và gần 100 nghiên cứu sinh. Đồng thời, nhà trường chuyển từ trường đào tạo đơn ngành sang đào tạo đa ngành bằng việc mở thêm các ngành mới như ngành Luật Thương mại Quốc tế, ngành Quản trị - Luật, Quản trị Kinh doanh và Ngôn ngữ Anh chuyên ngành Anh văn pháp lý cũng như phát triển mạnh mẽ các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Mục tiêu của Trường Đại học Luật TP. HCM là trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, hiện đại; góp phần giải quyết những vấn đề quan trọng trong khoa học, nhất là khoa học pháp lý; có quan hệ quốc tế rộng rãi; giữ vai trò nòng cốt, là chỗ dựa đáng tin cậy trong quan hệ với các cơ sở đào tạo khác, đặc biệt là các cơ sở đào tạo Luật ở các tỉnh phía Nam.
Trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì vừa công bố thì Trường nằm trong danh sách 18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường Đại học Luật TP.HCM là trường đại học trọng điểm ngành luật pháp.