Hội thảo khoa học quốc tế “Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Đây được coi là nền tảng cho chiến lược phát triển quan trọng trong giai đoạn tới để biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính đến nay, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác quan trọng như Anh, Canada, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc,... và đang tiếp tục đàm phán hai hiệp định thương mại tự do với Israel và khối EFTA. Bên cạnh những cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, các quy định trong các hiệp định thương mại tự do đồng thời đặt ra nhiều thách thức mới cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt như lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ.

Trong khuôn khổ hợp tác hàng năm giữa Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung Đông Nam Á từ năm 2014 đến nay, đặc biệt trong hai năm qua, Trường đã chú trọng khuyến khích nghiên cứu các lĩnh vực phi thương mại trong các hiệp định thương mại tự do có sự tham gia của Việt Nam. Nhằm tạo diễn đàn khoa học cho các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, vào ngày 05/11/2021, tại Hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam: Những thách thức trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ”. Hội thảo quốc tế lần này là sự tiếp nối cho thành công của Hội thảo quốc tế “Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại” được tổ chức vào tháng 10/2020.

Hình thức hội thảo được tổ chức kết hợp giữa phương thức offline tại hội trường và online qua nền tảng Zoom với các chuyên gia đến từ Đại học Monash – Úc, Khoa Luật, Đại học Chiangmai – Thái Lan, Đại học Eastern Finland, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Luật Hà Nội,... Đây là phương thức Nhà trường đổi mới để ứng phó với tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID–19. Phương thức kết hợp này vừa tạo nên nét mới lạ, thu hút người tham dự, vừa đảm bảo sự trao đổi về khoa học với các chuyên gia quốc tế được diễn ra an toàn trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay.


Hội thảo kết hợp cả hai hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch

Hội thảo đón nhận sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế. Về phía Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á, có sự tham gia của ông Philip Degenhardt – Tổng Giám đốc Quỹ Chính trị Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á; ông Nguyễn Văn Tùng - Giám đốc dự án Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á.

 

Ông Philip Degenhardt – Tổng Giám đốc Quỹ Chính trị Rosa-Luxemburg-Stiftung Khu vực Đông Nam Á chia sẻ trực tuyến về hội thảo thông qua phần mềm Zoom

Về phía các chuyên gia ngoài trường, có sự góp mặt của ông Nguyễn Quốc Trí – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; bà Kim Thị Hạnh – Phó Ban Thường trực Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Tây Ninh; ThS. Trương Lâm Danh – Nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh, Nguyên Trưởng ban pháp chế Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Đoàn Khánh Trần – Liên đoàn Lao động Quận 7; TS. Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh; Thẩm phán Hoàng Hữu Thanh – Thẩm phán Trung cấp, Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh; Bà Phạm Thị Mỹ Hiền – Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Danny Duy Võ – Luật sư thành viên, Tổ hợp Sama Legal Partnership; Bà Linda Nguyễn – Luật sư thành viên, Tổ hợp Sama Legal Partnership; Ông Jackie Slotkin – Giáo sư Khoa Luật, Trường Đại học California Western; ThS. Nguyễn Hoàng Dũng – Chủ tịch Công ty đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững; Bà Trần Thị Thanh Nguyên – Công ty Luật TNHH Nguyễn và Brothers; cùng các giảng viên, học giả đến từ các Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn, Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng,…

Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM gồm có PGS.TS. Trần Hoàng Hải – Q. Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Trường Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm sở hữu trí tuệ; TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng QL NCKH&HTQT; ThS. GVC. Huỳnh Thị Thu Trang -  Giám đốc Trung tâm Đào tạo chất lượng cao, Phó Trưởng phòng NCKH&HTQT; TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Đào tạo Sau đại học; ThS.GVC.Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngắn hạn; ThS. Nguyễn Tú Anh – Phó trưởng phòng Thanh tra; ThS. Nguyễn Văn Trí – Phó trưởng Khoa Luật Hành chính Nhà nước; TS. Lê Thế Tài –Phó Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên; TS. Phan Hoài Nam – phó Trưởng khoa Luật Quốc tế cùng các giảng viên, học viên và sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải đã đánh giá cao về sự hợp tác giữa Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung và Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trong suốt gần một thập kỷ qua. Đồng thời, PGS.TS Trần Hoàng Hải bày tỏ hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp. Đối với Hội thảo quốc tế lần này, PGS.TS Trần Hoàng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, để có thể tổ chức được Hội thảo này vừa đáp ứng chất lượng chuyên môn, vừa đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn về phòng chống dịch là sự nỗ lực tổng thể từ công tác chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Ban tổ chức cùng sự phối kết hợp của các phòng ban, đặc biệt là sự chủ trì về chuyên môn của Khoa Luật Quốc tế, cùng với sự đóng góp về nghiên cứu của các thầy cô, các diễn giả và các đại biểu tham dự. Quyền Hiệu trưởng cũng kỳ vọng các vấn đề được trao đổi tại hội thảo, ban tổ chức và các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài trường có thể tổng hợp được nhiều ý kiến quý giá trong việc nghiên cứu và hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật của Việt Nam trong thời gian tới.


PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM đại diện Ban chủ trì phát biểu khai mạc Hội thảo

Nối tiếp bài phát biểu khai mạc, ông Phillip Degenhardt cũng nêu những đánh giá về tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với các vấn đề phát triển xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Đây là những lĩnh vực quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai và hi vọng rằng hội thảo sẽ đem lại nhiều đóng góp hữu ích cho các quy định của pháp luật Việt Nam.


PGS.TS. Trn Vit Dũng – Trưng Khoa Lut Quc tế m đu phiên Hi tho qua tham lun “Vn đ thc hin các cam kết v môi trưng và lao đng t các hip đnh thương mi chiến lưc ca Vit Nam thi k hu gia nhp WTO”

Phiên 01 của Hội thảo được diễn ra với sự chủ trì trực tiếp của PGS.TS. Trần Hoàng Hải, PGS.TS Trần Việt Dũng và PGS.TS Trần Thị Thủy Dương. Mở đầu cho phiên thảo luận buổi sáng, PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã khái quát về vấn đề thực thi cam kết về môi trường và lao động từ các hiệp định thương mại chiến lược của Việt Nam thời kỳ hậu gia nhập WTO. Trước sự bế tắc trong vòng đàm phán Doha, Việt Nam đã thay đổi chiến lược khi mở rộng hợp tác kinh tế khu vực nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đặt ra các thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong các lĩnh vực phi thương mại nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp nối bài tham luận trên là chuỗi tham luận của các diễn giả đến từ các đơn vị ngoài trường như Khoa Luật, Đại học Chiangmai - Thái Lan, Khoa Luật - Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. Kết thúc phần đầu của phiên thứ nhất là bài tham luận “Xu thế lồng ghép cam kết lao động vào các hiệp định thương mại: Góc nhìn từ Hoa Kỳ” của ThS. Nguyễn Xuân Mỹ Hiền đến từ Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Ch ta phiên tho lun đu tiên (t trái qua): PGS.TS. Trn Th Thùy Dương, PGS.TS. Trn Hoàng Hi, PGS.TS. Trn Vit Dũng

PGS.TS. Usanee Aimsiranun - Khoa luật - Đại học Chiangmai (hình ảnh tư liệu Hội thảo quốc tế: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại 2020)

Phần thứ hai của phiên 01 tập trung vào phân tích quy định liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn lao động quốc tế trong các FTA thế hệ mới, bao gồm phần trình bày của các diễn giả: TS. Nguyễn Thị Bích (Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh), ThS. Trần Thị Kiều Trang (Đại học Monash), ThS. Lường Minh Sơn (Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) và ThS. Đinh Thị Chiến (Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh). Phiên 01 nhận được nhiều sự quan tâm của các khách mời trong và ngoài trường với phần thảo luận, trao đổi hết sức sôi nổi.

Bài tham luận của TS. Nguyễn Thị Bích - giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM tập trung phân tích vấn đề liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn lao động quốc tế trong các FTA thế hệ mới (hình ảnh tư liệu Hội thảo quốc tế: Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề phi thương mại 2020)

Mở đầu buổi chiều là phiên 02 về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các vấn đề pháp lý chung về môi trường, tập trung vào hai vấn đề đang nhận được sự quan tâm của xã hội bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu. Với các tham luận của TS. Võ Trung Tín (Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh), TS. Phan Hoài Nam (Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh), PGS.TS Trần Thăng Long (Phó Trưởng Khoa Phụ trách Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh) và TS. Phạm Hồng Hạnh (Trường Đại học Luật Hà Nội), các thách thức trong việc thực thi những cam kết về môi trường của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới chiến lược như CPTPP, EVFTA, VN-EAEU FTA, UKVFTA đã được phân tích và thảo luận.

Phiên 03 là những trao đổi về các vấn đề thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ với 08 tham luận được trình bày. Qua đó, bức tranh toàn cảnh về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hậu gia nhập WTO của Việt Nam đã được khái quát, đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Những kết luận của Hội thảo được đánh giá là những tham khảo có giá trị, góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Các khách mời đều hi vọng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo hơn nữa, để các chuyên gia, nhà nghiên cứu có cơ hội phân tích, trao đổi, thảo luận những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng gửi lời cảm ơn đến Quỹ Rosa-Luxemburg-Stiftung đã luôn đồng hành với Trường Đại học Luật TP.HCM những năm vừa qua trong việc đã tạo ra và hỗ trợ các dự án hữu ích cho khoa học và cho cộng đồng. Đồng thời, PGS.TS. Trần Việt Dũng cũng bày tỏ sự trân trọng cảm ơn đến các diễn giả, nhà khoa học cùng các khách mời đã góp phần tạo nên thành công của buổi hội thảo.

Sau ba phiên thảo luận diễn ra sôi nổi trong suốt 9 giờ đồng hồ với 19 bài tham luận được trình bày tại hội thảo của các diễn giả cả trong và ngoài nước, buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp, thành công, đặt ra những vấn đề pháp lý về thực thi các cam kết trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ được quy định tại các FTA thế hệ mới chiến lược mà Việt Nam là thành viên cũng như đi sâu phân tích sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam nhằm đảm bảo các cam kết được thực thi có hiệu quả trên thực tế.

Buổi hội thảo kết thúc tốt đẹp, thành công, đặt ra những vấn đề pháp lý về thực thi các cam kết trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ

Nội dung: Ban tổ chức Hội thảo

Hình ảnh: Phương Trinh, Quang Huy, Tân Hưng, Cảnh Toàn

Ban Truyền thông Ulaw