Với mục tiêu tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi chuyên sâu trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại, vào buổi chiều ngày 14/12/2022, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi trao đổi chuyên môn với GS. Stéphane Gerry-Vernières về chủ đề: “Thiệt hại vật chất và tinh thần được bồi thường khi tài sản bị xâm phạm”.
Buổi trao đổi chuyên môn về chủ đề “Thiệt hại vật chất và tinh thần được bồi thường khi tài sản bị xâm phạm”
Tham dự buổi trao đổi với vai trò khách mời là GS. Stéphane Gerry-Vernières. Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự hiện diện của GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phụ trách Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Văn Tiến – Phó trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên khoa Luật Dân sự cùng các giảng viên khoa Luật Dân sự, nghiên cứu sinh và học viên cao học.
Đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM trao tặng bó hoa biểu hiện cho lời cảm ơn về sự tham dự của GS. Stéphane Gerry-Vernières trong buổi trao đổi
Đến với nội dung đầu tiên của chủ đề, GS. Stéphane Gerry-Vernières đã giới thiệu khái quát lịch sử phát triển của pháp luật về lĩnh vực bồi thường thiệt hại của Pháp thông qua các điều khoản trong Bộ luật Dân sự Pháp, sự bổ sung trong các Luật liên quan và tính án lệ của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này đã thể hiện hướng phát triển của các dự thảo, nghiên cứu pháp lý nổi bật và cách nhìn nhận tiến bộ về khái niệm, đối tượng bồi thường, phương pháp phân loại một cách đa dạng và bao quát của hệ thống pháp luật Pháp. Theo GS, cho đến nay, các dự thảo vẫn đang được tiếp tục đề xuất nhằm cải tiến và hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại.
GS. Stéphane Gerry-Vernières cùng với GS.TS. Đỗ Văn Đại bàn luận về pháp luật bồi thường thiệt hại của nước Pháp
TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Luật Dân sự đặt câu hỏi về các tiêu chí xác định những thiệt hại về mặt tinh thần
Giảng viên khoa Luật Dân sự lắng nghe phần trình bày của GS. Stéphane Gerry-Vernières
Tiếp nối buổi trao đổi, GS. Stéphane Gerry-Vernières đưa ra những phân tích cụ thể về cách phân loại các thiệt hại cần phải bồi thường bao gồm tài sản – phi tài sản (vật chất – tinh thần). Qua đó, giáo sư đã trình bày về các cách thức bồi thường thiệt hại, chủ thể giải quyết và mức bồi thường đối với từng đối tượng. Bằng những bài học lịch sử sống động và ví dụ thiết thực, GS đã truyền đạt và giải thích rõ ràng các vấn đề, giải đáp thắc mắc được đặt ra.
Dựa trên các nội dung đã được chia sẻ, các khách mời tham dự buổi trao đổi đã tiến hành thảo luận và so sánh những điểm khác biệt nổi bật trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại giữa pháp luật Pháp và pháp luật Việt Nam nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm, cũng như tiếp thu những quan điểm tiến bộ cho nước ta.
Các khách mời lắng nghe phần giải đáp thắc mắc chi tiết và cụ thể nhằm làm rõ vấn đề về quy định của pháp luật đối với lĩnh vực bồi thường thiệt hại
Buổi giao lưu diễn ra sôi nổi với những quan điểm hoàn thiện và cải tiến pháp luật về bồi thường thiệt hại
Sau hơn hai giờ giao lưu trong bầu không khí sôi nổi, buổi trao đổi chuyên môn đã kết thúc với nhiều sự gặt hái về kiến thức. Có thể nói, quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại là một trong những nền tảng quan trọng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung do đó việc giao lưu học hỏi với các quốc gia là xu hướng tất yếu nhằm tiếp cận nền tảng pháp lý tiến bộ và xây dựng hệ thống pháp luật vững mạnh, hiệu quả.
Buổi trao đổi kết thúc sau nhiều giờ bàn luận sôi nổi và hiệu quả
Nội dung: Thuỳ Vân
Hình ảnh: Huỳnh Như
Ban Truyền thông Ulaw