10 sự kiện nổi bật của Trường Đại học Luật TP.HCM trong năm 2024

Năm 2024 đánh dấu một năm Trường Đại học Luật TP.HCM tiếp tục gặt hái thêm các thành công trên chiến lược phát triển của Nhà trường, cùng Ban Truyền thông Ulaw điểm lại những thành tựu nổi bật của Nhà trường trong năm qua.

1. Duy trì ổn định, hiệu quả tuyển sinh đào tạo các hệ, loại hình và đa dạng hoạt động tư vấn tuyển sinh

Trong năm 2024, Nhà trường tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh các trình độ và hình thức đào tạo như đào tạo trình độ đại học, trình độ sau đại học với hình thức chính quy, hình thức vừa học vừa làm và hình thức văn bằng 2,... Duy trì đảm bảo tuyển đúng chỉ tiêu theo đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt, lần đầu tiên Nhà trường triển khai chương trình liên kết đào tạo Cử nhân Luật song bằng Luật với Đại học Arizona (Hoa Kỳ).

Bên cạnh đó, các khóa đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu xã hội cũng được các đơn vị tổ chức đa dạng, tăng cả về quy mô lẫn chất lượng.

Đối với công tác tư vấn tuyển sinh, hoạt động diễn ra trên đa dạng nền tảng với nhiều hình thức như chương trình Về trường, Một ngày làm sinh viên Ulaw, chuỗi livestream tư vấn, các ngày hội tuyển sinh,… đã tạo cơ hội tiếp cận thông tin tuyển sinh một cách chính xác, nhanh chóng dành cho các bạn học sinh, học viên trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.


Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh


Ngày hội thông tin về chương trình cử nhân Luật song bằng giữa Trường Đại học Luật TP.HCM và Đại học Arizona (Hoa Kỳ)

2. Mở rộng hợp tác với các đối tác

Nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển, phát huy và sử dụng nguồn lực của các bên để đạt được hiệu quả cao trong các chương trình chuyên môn, chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực và phục vụ cộng đồng trên đa dạng các lĩnh vực, Trường Đại học Luật TP. HCM đã ký kết hợp tác toàn diện với các đối tác là các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế như: Ủy Ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Cục thi hành án dân sự Tp.HCM, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Đoàn Luật sư TP.HCM, Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn FPT, Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng Agribank, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM;… Các công ty luật trong và ngoài nước, các Văn phòng Công chứng, Thừa phát lại,…

Bên cạnh đó, nhà trường đã có nhiều buổi làm việc, bàn bạc về các cơ hội hợp tác phát triển với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Đại học Canterbury (Christchurch, New Zealand); Trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc (ECUPL); Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam; Trường Đại học Camosun, Victoria BC, Canada…

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Luật TP.HCM và Tập đoàn FPT

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Luật TP.HCM và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)

Trường Đại học Luật TP.HCM ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore

3. Kiện toàn bộ máy kịp thời và tái cấu trúc bộ máy

Đầu năm 2024, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Lễ trao nghị quyết bổ nhiệm GS.TS. Đỗ Văn Đại và PGS.TS. Trần Việt Dũng giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng. Đồng thời, xuyên suốt trong năm đã thực hiện các quy trình, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhân sự lãnh đạo các đơn vị thuộc trường và các bộ môn thuộc các khoa. Cũng trong năm này, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Trường Đại học Luật TP.HCM đã thông qua Đề án tái cấu trúc bộ máy quản trị và công bố các Nghị quyết về việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị thuộc trường cũng như quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị.  

Lễ trao nghị quyết bổ nhiệm GS.TS. Đỗ Văn Đại và PGS.TS. Trần Việt Dũng giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng

Nhà trường công bố và trao các quyết định về công tác nhân sự lãnh đạo các đơn vị thuộc trường và các bộ môn thuộc các khoa

Lễ ra mắt Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo

4. Khẳng định vị thế trong nghiên cứu khoa học pháp lý

Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Nhà trường, kế thừa kết quả đã được những năm qua, xuyên suốt năm 2024, công tác nghiên cứu khoa học đã đạt được những kết quả đang ghi nhận.

Nhà trường đã tổ chức 06 hội thảo quốc tế gồm: “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và các khoa học liên ngành trong kỷ nguyên số”, “Quản lý Vụ kiện Trọng tài với Vai trò của Luật sư Trưởng trong Doanh nghiệp”, “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam”, “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia Asean hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”, “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong”, “Chính sách, pháp luật về Dự án Công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”. Nhà trường cũng tổ chức nhiều hội thảo quốc gia, cấp trường và cấp khoa thu hút được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn vị và những người làm thực tiễn và được rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên và viên chức, người lao động có sự tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn trước. Trong sinh viên đã có 279 công trình NCKH sinh viên hoàn thành và được nghiệm thu, tăng 78% so với năm học trước.

Đối với các cuộc thi học thuật, Nhà trường đã cử nhiều đội sinh viên tham gia các cuộc thi Phiên tòa giả định quốc gia và đạt được những giải thưởng cao. Cụ thể là: Quý quân cuộc thi phiên tòa trọng tài quốc tế giả định “XI M. G. Rosenberg International Commercial Arbitration Moot 2024”; Á quân 1 và Á quân 2 cuộc thi diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế Giả định lần thứ 22 bằng tiếng Anh - “Vietnam National Round of the 22nd International Humanitarian Law Moot Court Competition; Giải nhất Phiên toà giả định cấp Quốc gia VMoot lần thứ VIII năm 2024;…

Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và các khoa học liên ngành trong kỷ nguyên số” diễn ra vào tháng 11

Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong”

Hội thảo quốc tế “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia Asean hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”

Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang tổ chức Hội thảo quốc tế “Chính sách, pháp luật về Dự án Công trình xanh ở Việt Nam và một số quốc gia”

Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam” với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)

Sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM đạt giải thưởng tại các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế

5. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ủy và các tổ chức Đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Luật gia,…) trong hoạt động

Trong năm 2024, Đảng ủy trường tiếp tục phát huy tính dân chủ trong công tác lãnh đạo và quản trị Nhà trường, chú trọng các nhiệm vụ chính trị là đào tạo và nghiên cứu khoa học, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt để tập hợp và phát huy sức mạnh tập thể cũng như truyền thống đoàn kết, gắn bó của Nhà trường. Đảng ủy đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương, hoạt động lớn của trường luôn bám sát theo các nội dung của Đảng và Nhà nước, cũng như Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045,…

Đảng ủy đã duy trì việc tổ chức hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền hàng quý, thực hiện đa dạng các hoạt động tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, hội viên, giảng viên, sinh viên về kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) và đón Tết Nguyên đán 2024; Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 – 01/5/2024); Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Ngày truyền thống của trường, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11,…

Đối với công tác Đoàn - Hội của sinh viên, Đại hội Đoàn trường lần thứ XII nhiệm kỳ 2024 – 2027 tổ chức thành công với 200 đại biểu là đoàn viên đại diện cho hơn 9000 đoàn viên của trường và bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 đồng chí. Bên cạnh đó, các hoạt động Đoàn - Hội của sinh viên diễn ra sôi nổi, góp phần kiến tạo môi trường học tập, rèn luyện và vui chơi bổ ích dành cho sinh viên.

Trường Đại học Luật TP.HCM dâng hương tưởng niệm55 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hành trình về nguồn năm 2024 kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024

Đại hội Chi hội Luật gia Trường Đại học Luật TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2029

Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Luật TP. HCM Trường Đại học Luật TP. HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2027

6. Chú trọng chăm lo cho viên chức, người lao động, người học

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng nhiều kế hoạch để đầu tư phát triển về đội ngũ chất lượng giảng viên, tăng cường cơ sở vật chất và đặc biệt xác định lấy người học là trung tâm để đầu tư, thực hiện đa dạng các hoạt động chăm lo cho người học.

Trong năm 2024, Nhà trường đã phối hợp đưa vào hoạt động ký túc xá dành cho sinh viên tại 195/25 QL1A, phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức với 239 phòng, sức chứa lên đến 956 sinh viên. Ngoài ra, Nhà trường duy trì tổ chức hội nghị đối thoại với sinh viên nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp, giải đáp thắc mắc của các sinh sinh viên đang học tập tại trường, tiếp thu kiến nghị từ phía sinh viên và nỗ lực phát triển, khắc phục, đảm bảo một môi trường giáo dục toàn diện để sinh viên có thêm cơ hội học tập, rèn luyện và nghiên cứu trong điều kiện tốt nhất có thể.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, sinh viên còn được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Chế độ học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách, Học bổng chính sách trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhà trường duy trì việc trích lập quỹ học bổng tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí để lập các quỹ học bổng, hỗ trợ sinh viên để đa dạng các loại hình học bổng với các mức học bổng cao. Như đối với học bổng khuyến khích học tập, tổng mức trích lập dành cho Quỹ học bổng của Nhà trường hàng năm lên tới gần 28 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ phát triển hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên và sinh viên cũng sẽ được tăng lên (trích lập tối thiểu 5% trên nguồn thu học phí tương đương với 20 tỷ đồng hàng năm) để đầu tư phát triển các công trình nghiên cứu và các loại hình học thuật của giảng viên và sinh viên và mời các giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến giao lưu và giảng bài cho sinh viên. Trường duy trì việc xét các loại học bổng “Tiếp sức đến trường” và “Thắp sáng ước mơ” dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sinh viên (được hình thành từ nguồn lãi gửi tiết kiệm và nguồn tài trợ).

Ngoài các loại học bổng, Nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ cho sinh viên có chứng chỉ tin học quốc tế MOS, chương trình Asean Tour để sinh viên tăng cường hoạt động trao đổi học thuật. Nhà trường tiến hành hợp tác, liên kết các doanh nghiệp để trao học bổng, phối hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hình thành các quỹ học bổng cho sinh viên vay, bên cạnh việc sinh viên vay ngân hàng chính sách như hiện nay.

Đối với hoạt động chăm lo cho viên chức, người lao động, lãnh đạo trường và Công đoàn trường đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công đoàn viên như: tổ chức tân niên, hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam, du lịch hè, du lịch mùa thu, hội thao cho viên chức, người lao động,…Chú trọng đầu tư cải thiện các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và giải trí của đội ngũ viên chức, người lao động.

Ký túc xá dành cho sinh viên với sức chứa lên đến 956 sinh viên

Chế độ học bổng khuyến khích học tập dành cho sinh viên

Các loại học bổng “Tiếp sức đến trường”, “Bồ câu trắng” và “Thắp sáng ước mơ” dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sinh viên

Công đoàn trường tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công đoàn viên

7. Truyền thông hiệu quả về vị thế, thương hiệu của nhà trường

Hoạt động truyền thông của Trường Đại học Luật TP.HCM đã có nhiều bước tiến bộ trong năm vừa qua. Đảng ủy duy trì việc tổ chức hội nghị giao ban công tác thông tin các quý trong năm, đề ra những chủ trương, nhiệm vụ cho các đơn vị phụ trách và tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông, quản trị, phát triển các trang mạng xã hội. Nhà trường chủ động kết nối, ký kết hợp tác với các cơ quan báo chí như Báo Pháp luật, Báo Tuổi trẻ. Duy trì mối quan hệ gắn bó với phóng viên của các cơ quan báo chí… nhằm thực hiện công tác thông tin chính xác, nhanh chóng về các hoạt động, khẳng định vị thế và thương hiệu của Nhà trường.

Bên cạnh truyền thông về các hoạt động của nhà trường, Trường Đại học Luật TP.HCM còn tiến hành phối hợp hiệu quả các chuyên đề như “Chat với chuyên gia” với Báo Pháp luật TP.HCM, qua đó thực hiện mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng, tuyên truyền phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho cộng đồng.

Hội nghị giao ban công tác thông tin, tuyên truyền được tổ chức vào các quý trong năm

Chuyên mục “Chat với chuyên gia” do Báo Pháp luật TP.HCM phối hợp với Trường Đại học Luật TP.HCM thực hiện

8. Chú trọng xây dựng các quy chế, quy định nội bộ

Nhằm hoàn thiện cơ chế quản trị Nhà trường theo hướng hiện đại, đảm bảo các quy định. Nhà trường đã chú trọng thành lập các tổ công tác tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy; quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản, có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của pháp luật,…

9. Đầu tư tổ chức các sự kiện quy mô lớn tạo tiếng vang

Trong năm 2024, Nhà trường đầu tư tổ chức các sự kiện quy mô lớn như Lễ tốt nghiệp cử nhân hệ chính quy năm 2024 tại Nhà thi đấu Quân khu 7, Ngày hội việc làm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, sự kiện tạo mạng lưới kết nối các thế hệ cựu sinh viên của trường và gây quỹ như Giải bóng đá nam nữ cựu sinh viên, Giải Golf mở rộng lần 1,…Đặc biệt, Trường Đại học Luật TP.HCM còn là nơi đăng cai tổ chức các sự kiện khoa học cấp thành, cấp quốc gia như Vòng bán kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu Khoa học- Euréka lần thứ 26 năm 2024, “Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học” do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng về kế toán và đấu thầu cho các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và miền Nam do Cục Báo chí phối hợp cùng Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức,…

Trường Đại học Luật TP.HCM đăng cai tổ chức “Tọa đàm về rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại họccủa Bộ Giáo dục & Đào tạo

Ngày hội hướng nghiệp, tuyển dụng và tư vấn tuyển sinh

Lễ tốt nghiệp và trao bằng cử nhân hệ chính quy năm 2024 tại Nhà thi đấu Quân khu 7

10. Đầu tư cải thiện các cơ sơ vật chất, điều kiện học tập và làm việc

Nhà trường chú trọng cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập và làm việc cho sinh viên, viên chức, người lao động. Đầu tư khu Ulaw Top View Educafé cho viên chức, người lao động; khánh thành Khu tự học khối nhà C tại cơ sở Nguyễn Tất Thành, sửa chữa, nâng cấp các phòng học nhằm tạo không gian thoáng mát, hiện đại và tiện lợi, giúp sinh viên tập trung nghiên cứu và học tập.

Đối với thư viện, tính tới thời điểm tháng 6/2024 thư viện số Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã đưa lên kho số tổng cộng 19532 tài liệu, bao gồm các dạng tài liệu truy cập mở, tài liệu nội sinh và các tạp chí chuyên ngành, sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình đã xin phép bản quyền. Đồng thời, cập nhật các tính năng mới của thư viện số nhằm hỗ trợ học tập, nghiên cứu.

Các hoạt động của sinh viên cũng được tổ chức đa dạng tại ký túc xá cũng như tại cơ sở 3 của Nhà trường tại phường Long Phước, TP. Thủ Đức.

Khu tự học khối nhà C

Ban Truyền thông Ulaw