Trong bối cảnh biến đổi khí hậu trở thành mối quan ngại toàn cầu, khu vực Tiểu vùng sông Mekong đang đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, vượt qua mọi dự báo và kịch bản ứng phó. Các vấn đề như suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, hạn hán kéo dài và lũ lụt gia tăng đang trở nên nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu toàn cầu và tình trạng khai thác tài nguyên nước không kiểm soát của các quốc gia ven sông. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế nặng nề mà còn kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng khác liên quan đến an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng, và sự di dân do biến đổi khí hậu. Sự biến mất của các nền văn hóa của các nhóm thiểu số sống dọc lưu vực cũng là một hệ quả đáng lo ngại.
Các quốc gia lưu vực sông Mekong có những “khác biệt cơ bản” về chính sách khai thác nguồn tài nguyên nước, đặt ra nhiều thách thức không chỉ về mặt pháp lý mà còn trên mặt trận chính trị và ngoại giao khu vực.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi để quý thầy cô, nhà nghiên cứu, các chuyên gia, học giả có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên, tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong, ngày 7/6/2024 tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong”.
Các vị khách quý tham dự Hội thảo
Ban tổ chức hân hạnh nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia, học giả đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực: TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ tư pháp; ThS. Nguyễn Hữu Phú – Phó Vụ trưởng, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế; GS.TS. Nguyễn Hồng Thao – Thành viên Uỷ ban pháp luật quốc tế Liên hợp quốc; PGS.TS. Pornchai Wisuttisak – Khoa Luật, Đại học Chiang Mai; PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí - Viện trưởng, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ; Ông Viện sĩ Sum Chhum Bun – Nhà sáng lập Viện nghiên cứu Hoàng gia Campuchia, TS. Chhoeun Bun Chha – Thành viên nội các Viện nghiên cứu hoàng gia Campuchia ,ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Phúc Khang; PGS.TS. Soltnsev Alexandr Mikhailovich – Phó trưởng Khoa Luật, Viện Luật, Trường ĐH Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (liên bang Nga); Ông Visoulinh Nammountry – Phó Trưởng phòng Quản lý hành chính, Văn phòng Hành chính Thủ đô Viên Chăn; TS. Apila Sangtam - Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi; TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; TS. Đào Phú Quốc – Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững và Đa dạng sinh học, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM; Bà Leony Sondang Suryani – Thành viên Trung tâm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Indonesia, Trường Đại học Thái Lan Shape-Sea; TS. Đỗ Việt Cường - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía trường Đại học Luật TPHCM có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng phòng Quản lý NCKH; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý; PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương – Phó Tổng Biên tập, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, TS. Phan Hoài Nam – phó Trưởng khoa Luật quốc tế cùng với sự có mặt đông đảo của các giảng viên, NCS, học viên, sinh viên có quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Tiểu vùng sông Mekong trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, địa chính trị, môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, đảm bảo sinh kế cho hàng chục triệu người sống dọc lưu vực con sông này. Tuy nhiên, sự khai thác quá mức, thiếu cơ chế quản lý và hợp tác toàn diện giữa các quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở nên ngày càng nghiêm trọng kéo theo những hậu quả hết sức nặng nề cho con sông, như: sạt lở dòng chảy, suy giảm đa dạng sinh học, lũ lụt, hạn hán. Sự quan tâm rộng rãi của quý chuyên gia trong và ngoài nước thể hiện rõ nét ý nghĩa đặc biệt quan trọng của khu vực Tiểu vùng sông Mekong.
TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo
Thông qua hội thảo, Lãnh đạo Nhà trường hy vọng các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước và những người làm thực tiễn tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm góp phần đề xuất các sáng kiến tăng cường cơ chế hợp tác giữa các quốc gia với mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiếu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Tiếp theo đó, TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ tư pháp phát biểu chúc mừng Hội thảo. Với tầm quan trọng và vị trí địa chiến lược của mình, hợp tác giữa các quốc gia ven sông từ những năm 1995 cần dựa trên 3 từ khóa chính: hợp lý, công bằng và bền vững. Đây là cơ sở để các quốc gia có thể đồng thời bảo vệ quyền lợi của mình và tôn trọng lợi ích của quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa khoa học của Hội thảo nghiên cứu chuyên sâu về phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong, đồng thời đánh giá cao công tác tổ chức chuyên nghiệp của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Vụ trưởng đề nghị Ban tổ chức chia sẻ rộng rãi kết quả của Hội thảo tới đông đảo các cơ quan Nhà nước, các cơ sở đào tạo giáo dục nhằm phục vụ cho công tác tăng cường cơ chế hợp tác giữa các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong.
TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp phát biểu chúc mừng Hội thảo
Sau một ngày làm việc vô cùng khẩn trương và hiệu quả, Hội thảo diễn tổ chức thành công ba phiên với 14 bài tham luận chuyên sâu tập trung vào ba mảng nội dung chính, cụ thể:
- Phiên thứ nhất: Mekong và mục tiêu phát triển bền vững trên sông Mekong, chủ toạ phiên thứ nhất bao gồm: TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM; TS. Nguyễn Hữu Huyên – Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ tư pháp.
Mở đầu phiên thứ nhất, GS.TS. Nguyễn Hồng Thao trình bày tham luận: “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong phù hợp với luật quốc tế trong điều kiện biến đổi khí hậu”. Vai trò của sông Mekong thể hiện qua 7 điểm chính: tập trung nhiều dân cư, vị trí địa chính trị chiến lược, đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, thu hút đầu tư nước ngoài, có nhiều cơ chế hợp tác, các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong chưa tuân thủ nguyên tắc của luật quốc tế. GS.TS. Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh nguyên tắc “tiếp cận đề phòng” là nòng cốt của cơ chế hợp tác tại Tiểu vùng sông Mekong – phát triển nhưng không ảnh hưởng tới quyền lợi của các quốc gia khác.
Khung pháp lý hiện tại vẫn dựa trên nguyên tắc thiện chí giữa các quốc gia là chính, điều này phù hợp với tình thần của các quốc gia, tuy nhiên hạn chế đáng kể tính hiệu quả của cơ chế này.
GS.TS. Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Uỷ ban pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc mở đầu phiên thứ nhất của Hội thảo
Tiếp theo đó, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí trình bày tham luận: “Thách thức biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long: Chiến lược quản lý tài nguyên nước và bảo vệ sự bền vững của cộng đồng”. Tham luận nhấn mạnh rằng đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu cùng với những thay đổi về địa chất chưa từng có trong lịch sử như: ngập mặn, lũ do triều dâng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn tại của con sông và sinh kế của hàng triệu người sống tại lưu vực này.
Tham luận đề xuất một số gợi mở về chính sách để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại lưu vực sông này, nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế hợp tác quốc tế. Trong đó, áp dụng xu hướng phát triển “thuận thiên” là một trong những điểm sáng.
PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ trình bày tham luận (online)
Phiên 1 tiếp diễn với phần trình bày của Viện sĩ Sum Chhum Bun, Viện sĩ sáng lập, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa địa chính trị quan trọng của khu vực này. Trong đó, cơ chế hợp tác tập trung vào 4 vấn đề chính: kết nối, công nghiệp, an ninh nguồn nước, bền vững.
Viện sĩ Sum Chhum Bun cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác ở khu vực Tiểu vùng sông Mekong đối với kinh tế quốc gia Campuchia.
TS. CHHOEUN Bun Chha, Chủ tịch Ban Tham mưu Cố vấn Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (Cambodia) chia sẻ những yếu tố quan trọng trong việc Kết nối thúc đẩy Phát triển Chất lượng cao của Hợp tác Tiểu vùng Mekong
Kết thúc phiên 1, ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM, Tổng GĐ CTCP Đầu tư&Xây dựng Phúc Khang trình bày tham luận: “Vận dụng chính sách, pháp luật để chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu - từ thực tiễn tỉnh Hậu Giang.
Tham luận chỉ ra rằng tỉnh Hậu Giang đang tập trung vào ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp là vô cùng lớn trong việc chuyển đổi sinh kế cho nông dân sống tại lưu vực sông Mekong. Đồng thời, bà cũng bày tỏ lời cảm ơn đối với Ban Tổ chức đã dành cơ hội để đơn vị tham gia tài trợ và tham dự hội thảo rất ý nghĩa về phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong.
ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM; Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang trình bày những vấn đề thực tiễn từ tỉnh Hậu Giang
Phiên thứ hai: Khai thác tài nguyên nước trên sông Mekong, chủ toạ phiên thứ hai bao gồm: GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM; PGS.TS. Pornchai Wisuttisak – Khoa Luật, Đại học Chiang Mai; GS. Nguyễn Hồng Thao – Thành viên Uỷ ban Pháp luật quốc tế Liên hợp quốc.
Phiên 2 bắt đầu với tham luận của PGS.TS. Soltnsev Alexandr Mikhailovich – Phó Trưởng Khoa luật, Viện Luật, Trường ĐH Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga: “Cơ chế quản lý nguồn nước xuyên biên giới: các vấn đề lý luận chung”. Trong đó, tác giả nhấn mạnh về chính sách nguồn nước liên quan đến quản lý nguồn nước xuyên biên giới quốc tế nói chung và ở lưu vực sông Mekong nói riêng. Trong đó, Uỷ hội sông Mekong được đánh giá là một trong những cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả trong lĩnh vực điều chỉnh chia sẻ các nguồn nước xuyên biên giới.
PGS. TS. Soltnsev Alexandr Mikhanovich - Phó Trưởng Khoa Luật, Viện Luật, Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (Liên bang Nga) trình bày tham luận
Phiên 2 tiếp tục với tham luận của Ông Visoulinh Nammountry: “Chính sách và định hướng phát triển bền vững của sông Mekong – Phân tích thách thức và giải pháp chiến lược. Tham luận tập trung phân tích vai trò của sông Mekong đối với Lào, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Tác giả đề xuất các giải pháp liên quan đến giảm thiểu khí thải nhà kính, cân bằng dòng chảy dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Ông Visoulinh NAMMOUNTRY - Phó Trưởng Phòng Quản lý hành chính, Văn phòng Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) trình bày tham luận
Kết thúc phiên thứ 3, nhóm tác giả TS. Phạm Hồng Hạnh, TS. Hà Thanh Hoà – ĐH Luật Hà Nội trình bày tham luận: “ Cơ chế hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững nguồn nước sông Mekong theo quy định của Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong”. Tham luận tập trung phân tích cơ sở pháp lý hiện có điều chỉnh hợp tác giữa các quốc gia lưu vực sông Mekong, bao gồm Hiệp định sông Mekong 1995 và các văn bản thủ tục hướng dẫn đi kèm. Nhóm tác giả đưa ra một số nhận định điểm yếu của các quy định này, bao gồm: nguyên tắc thông qua quyết định, thẩm quyền trong thu thập thông tin dữ liệu, thời điểm thực hiện cung cấp thông tin trong hoạt động trao đổi và chia sẻ thông tin.
Phiên thứ ba: Đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư, bảo đảm quyền con người nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại Tiểu vùng sông Mekong, các chủ toạ của phiên này bao gồm: PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương – Phó Tổng Biên tập, Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; PGS.TS. Trần Thăng Long – Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý, trường ĐH Luật TP.HCM; TS. Phan Hoài Nam – phó Trưởng khoa Luật quốc tế.
Chủ tọa phiên thảo luận thứ 3
PGS.TS. Pornchai Wisuttisak – Khoa Luật, Đại học Chiang Mai mở đầu phiên thứ 3 với tham luận: “Sustainable Development and Investment Mekong countries”, tập trung vào 3 vấn đề chính: toàn cầu hoá và phát triển toàn cầu; thách thức dài hạn của phát triển; nghiên cứu về phát triền bền vững tiểu vùng sông Mekong. Tham luận nhấn mạnh rằng phát triển là xu thế tất yếu của xã hội, tuy nhiên các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Mekong cần có chính sách quản lý phù hợp, xoá bỏ các “legal concern” để đảm bảo “bền vững” cho các thế hệ tương lai.
PSG.TS. Pornchai Wisuttisak trình bày bài tham luận thứ nhất
TS. Apila Sangtam - Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi (Ấn Độ) tiếp tục phiên thảo luận thứ 3 với tham luận: “Mở Khóa Tiềm Năng Kinh Tế: Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài (FDI) và Kết Nối Vùng trong Quan Hệ Ấn Độ - Tiểu vùng Mê Công”.
Bài tham luận 2 được TS. Apila Sangtam - Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi (Ấn Độ) trình bày
TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM (Việt Nam) tiếp nối chương trình Hội thảo với tham luận: “Sức mạnh tập thể của các quốc gia nhỏ: Trường hợp của các quốc gia tiểu vùng Mekong và quy định chống phá rừng mới của Liên minh châu Âu”. Tham luận tập trung phân tích vị thế của các quốc gia nhỏ và “sức mạnh tập thể” của các quốc gia này; ảnh hưởng của EUDR lên khu vực Tiểu vùng sông Mekong. Theo đó, quốc gia “nhỏ” không được hiểu theo kích thước lãnh thổ hay dân số mà được định nghĩa dựa vào khả năng “cưỡng chế” đối với các quốc gia khác. Các quốc gia lưu vực Mekong có thể được xem là “quốc gia nhỏ”. Do đó, việc tuân thủ quy định của luật quốc tế, thực hiện các nghĩa vụ cần thiết, tăng cường “sức mạnh tập thể” là bước đi phù hợp để phát triển bền vững, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Bài tham luận “Sức mạnh tập thể của các quốc gia nhỏ: Trường hợp của các quốc gia tiểu vùng Mekong và quy định chống phá rừng mới của Liên minh châu Âu” được TS. Đào Gia Phúc trình bày
Nhóm tác giả TS. Nguyễn Hữu Huyên – Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp (Việt Nam), Ths. Lê Minh Nhựt - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam), Ths. Nguyễn Đào Phương Thúy - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) tiếp tục chương trình Hội thảo với tham luận: “Triển vọng phát triển thị trường carbon chung tại tiểu vùng sông Mekong”. Tham luận tập trung vào các sáng kiến gợi mở nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon chung tại Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm: chia sẻ thông tin về kinh nghiệm, giải pháp, trao đổi kỹ thuật giữa các quốc gia; thống nhất về cơ chế đo lường, báo cáo, kiểm tra; hình thành thị trường carbon tự nguyện chung.
ThS. Lê Minh Nhựt trình bày bài tham luận tại Hội thảo
Nhóm tác giả TS. Đào Phú Quốc - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Đa dạng sinh học - Viện Môi Trường và Tài Nguyên - Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam); TS. Vũ Thị Bắc - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Việt Nam); TS. Nguyễn Thị Thùy Liên – Đại học Quốc gia TP.HCM (Việt Nam) tiếp tục phiên 3 với tham luận: “Thách thức và cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với xu thế hạn mặn trong tương lai”. Hạn mặn tại các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến việc suy thoái nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ hải sản. Khuynh hướng đặt ra là có thể thay đổi trong việc nuôi trồng thuỷ hải sản và phát triển nông nghiệp thích ứng với nước mặn hoặc nước lợ.
TS. Đào Phú Quốc trình bày về bài tham luận thứ năm
Chương trình tiếp tục với phần trình bày của TS. Đỗ Việt Cường, University of Law, Vietnam National University, Hanoi (Vietnam): “Bảo vệ quyền con người của người di cư khí hậu ở Tiểu vùng sông Mekong”. Tham luận nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu làm tăng mức độ tổn thương của các nhóm dân cư. Theo đó, khung pháp lý điều chỉnh vấn đề di cư do biến đổi khí hậu được điều chỉnh bởi các công ước quốc tế, toàn cầu và hệ thống pháp luật của các quốc gia. Nhóm tác giả đưa ra 3 đề xuất: công nhận nhóm người di cư do biến đổi khí hậu là nhóm yếu thế; tăng cường hợp tác hỗ trợ; lập kế hoạch bảo vệ quyền nhóm người này trong pháp luật quốc gia.
Bài tham luận thứ sáu “Bảo vệ quyền con người của người di cư khí hậu ở Tiểu vùng sông Mekong” được TS. Đỗ Việt Cường trình bày
Phiên 3 khép lại với tham luận: “Một Thế Giới Mới không có bóc lột con người bởi con người (exploitation de l'homme par l'homme) và bóc lột quốc gia bởi quốc gia (exploitation de nation par nation): Bài học kinh nghiệm từ ngành khai thác cát của Indonesia cho khai thác cát ở Đồng bằng Sông Mekong” đến từ diễn giả Leony Sondang Suryani - Trung tâm Nghiên cứu Djokosoetono, Đại học Indonesia; SHAPE-SEA – Trường Đại học Mahidol - Thái Lan (Thái Lan – Indonesia). Tham luận chỉ ra các lỗ hổng pháp lý trong điều chỉnh khai thác cát của Indonesia, điều gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và hệ sinh thái. Trên cơ sở đó, tác giả cho rằng mọi hoạt động phát triển kinh tế cần đảm bảo cân bằng giữa: bảo vệ môi trường, đánh giá các tác động kinh tế-xã hội, điều chỉnh các hạn chế về mặt pháp lý, chống lại các hành vi tham nhũng và vi phạm khác, thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Bài tham luận cuối được Leony Sondang Suryani trình bày
Kết thúc ba phiên thảo luận, PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra những lời nhận xét, chia sẻ, tổng kết đến các bài tham luận được trình bày trong hội thảo. Bên cạnh đó, Thầy khẳng định các bài nghiên cứu có chất lượng rất tốt, không chỉ tập trung vào các vấn đề lý luận thuần tuý mà còn phân tích những vấn đề mang tính thời sự liên quan tới cơ chế hợp tác quốc tế ở Tiểu vùng sông Mekong. Ngoài ra, công tác tổ chức chuyên nghiệp cũng được các chuyên gia, học giả, khách mời đánh giá rất cao, đây là điều đáng tự hào, góp phần cho sự thành công của Hội thảo.
PSG.TS. Trần Việt Dũng phát biểu bế mạc buổi hội thảo
Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong” được đánh giá thành công tốt đẹp với 14 bài tham luận có chất lượng được trình bày tại Hội thảo. Đồng thời hội thảo là dịp để các chuyên gia, khách mời thảo luận, góp ý, đề xuất những ý tưởng cũng như giải pháp để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý về hợp tác quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững Tiểu vùng sông Mekong./.
Nội dung: Ban Tổ chức Hội thảo
Hình ảnh: Minh Tú, Mai Hương, Thanh Hoàng, Mai Khánh
Ban Truyền thông Ulaw