Phiên thứ 3 và bế mạc Hội thảo quốc tế về Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia Asean

Chiều 10/7 đã diễn ra Phiên thứ 3 của Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên” của Hội thảo quốc tế “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia Asean hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”

Phiên thứ 3 với 5 tham luận được chủ trì bởi GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh; TS. Phan Hoài Nam, Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh; GS.TS. Joseph Tanega, Trường Đại học Tự do Brussels (Vrije Universiteit Brussel), Vương Quốc Bỉ.

Chủ tọa Hội thảo Phiên 3

Mở đầu Phiên 3, TS. Narender Nagarwal, Trường Đại học New Dehli, Ấn Độ trình bày tham luận “Hướng tới hài hòa pháp luật về lao động ở ASEAN - góc nhìn từ Việt Nam”. Tiến sỹ đưa ra nhận định trong quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa để hội nhập hơn với thế giới nói chung và ASEAN nói riêng, việc thành lập thêm các nhà máy, doanh nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đã dẫn đến tình trạng di cư lao động trong ASEAN. Điều này đặt ra vấn đề đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tất cả các điều khoản an sinh xã hội cho người lao động di cư theo như quy định của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế). Do đó, một quy hoạch tổng thể gắn kết, hài hòa và hợp tác bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khối ASEAN là rất quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

TS. Narender Nagarwal - Trường ĐH New Dehli, Ấn Độ trình bày tham luận “Hướng tới hài hòa pháp luật về lao động ở ASEAN - góc nhìn từ Việt Nam”

Tiếp sau tham luận thứ nhất, tham luận thứ 2 với chủ đề “Xây dựng khung pháp lý chung ASEAN về chuyển dữ liệu quốc tế: kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu” được trình bày bởi PGS.TS Trần Thăng Long, Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. PGS.TS cho rằng: Hội nhập kinh tế khu vực ASEAN ngày càng sâu rộng thúc đẩy quá trình kết nối giữa các quốc gia ASEAN hướng đến một Cộng đồng ASEAN toàn diện về hợp tác phát triển kinh tế, đáp ứng những thách thức của nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, hài hòa hóa pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển giao dữ liệu ra nước ngoài trở nên cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu (EU), bài viết thảo luận những bài học cho ASEAN trong tiến trình này, nghiên cứu khung pháp lý hiện hành của ASEAN về chuyển giao dữ liệu; (iv) phân tích những thách thức và cơ hội cho ASEAN trong việc áp dụng kinh nghiệm của EU; và (v) đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy hài hóa hóa pháp luật ASEAN về chuyển dữ liệu quốc tế.

PGS.TS Trần Thăng Long - Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận “Hài hoà hoá pháp luật ASEAN về chuyển giao dữ liệu cá nhân quốc tế: Kinh nghiệm từ Liên minh Châu Âu”

Tham luận thứ 3 với chủ đề “Hài hoà hoá pháp luật về nhãn hiệu trong khu vực ASEAN: Thách thức và tiến triển” được trình bày bởi ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư Viện, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Theo tác giả, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (“ASEAN”) đã xác định xây dựng các cấu trúc pháp luật có khả năng điều chỉnh các vấn đề trọng tâm hướng đến đến mục tiêu chung đó. Việc hợp tác liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ (IP) đã có sự tăng trưởng ổn định, tác động đến sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ trong từng quốc gia và thúc đẩy tiến bộ kinh tế xã hội chung của khu vực. Cụ thể trong lĩnh vực nhãn hiệu, các doanh nghiệp đã đối mặt với những khó khăn về thủ tục, chính sách liên quan do cần phải hài hòa hệ thống pháp luật giữa các quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này và xây dựng các giải pháp khả thi là cần thiết, trên tinh thần chung của ASEAN là xóa bỏ sự khác biệt trong luật pháp các nước và thiết lập các nguyên tắc chung, bài viết này nhằm xác định những thách thức và đề xuất các khuyến nghị nhằm hài hòa hóa pháp luật nhãn hiệu trong khu vực ASEAN.

ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư Viện, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM trình bày tham luận “Hài hoà hoá pháp luật về nhãn hiệu trong khu vực ASEAN: Thách thức và tiến triển”

Tham luận thứ 4 được trình bày bởi Thạc sỹ Railla Puno, Trung tâm Luật Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) với chủ đề “Vấn đề về chính sách và quản trị năng lượng để ứng biến với biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Á: Những bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu”. Bài tham luận phân tích nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, xem xét phản ứng của châu Âu và so sánh chúng với những rủi ro và thách thức mà thị trường năng lượng ASEAN phải đối mặt. Bài viết cũng phân tích, so sánh giữa EU và ASEAN với tư cách là các tổ chức quốc tế, đặc biệt là phương pháp quản trị khu vực của ASEAN và xem xét mức độ ASEAN có thể thực hiện các chính sách năng lượng chống chịu với biến đổi khí hậu. Bài viết này sẽ kết luận bằng các khuyến nghị về chính sách năng lượng chống chịu với biến đổi khí hậu của ASEAN và quản trị khu vực để thúc đẩy đầu tư xanh bởi các nhà đầu tư và cơ chế thị trường. Điều này sẽ cho phép các quốc gia thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giá cả phải chăng và bền vững, đồng thời duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

ThS. Railla Puno - Trung tâm Luật Quốc tế, Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) trình bày tham luận “Vấn đề về chính sách và quản trị năng lượng để ứng biến với biến đổi khí hậu khu vực Đông Nam Á: Những bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng ở Liên minh Châu Âu”

Cuối Phiên thứ 3, TS. Boualaphiane Sisouk, Trưởng bộ môn Luật quốc tế, Khoa Luật và Khoa học Chính trị, Trường Đại học Quốc gia Lào (NUOL) đã trình bày tham luận “Thực thi các công ước quốc tế trong bối cảnh của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) tại ASEAN: Nghiên cứu điển hình từ CHDCND Lào”. Tác giả đề cập đến việc thực thi các điều ước quốc tế trong bối cảnh của CEDAW tại ASEAN, với trọng tâm cụ thể là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, nêu ra những thách thức mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào phải đối mặt trong việc thực thi CEDAW và các điều ước quốc tế khác, nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống pháp luật rõ ràng và hiệu quả để thúc đẩy quá trình hội nhập và áp dụng các điều ước quốc tế ở cấp độ quốc gia.

TS. Boualaphiane Sisouk - Trưởng bộ môn Luật quốc tế, Khoa Luật và Khoa học Chính trị, Trường ĐH Quốc gia Lào (NUOL) trình bày tham luận “Thực thi các công ước quốc tế trong bối cảnh của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) tại ASEAN: Nghiên cứu điển hình từ CHDCND Lào”

Ở các phiên thảo luận, các đại biểu tham dự cũng như các chuyên gia chuyên ngành cũng đã đưa ra những lời nhận xét, góp ý đến các bài tham luận của các tác giả, nhóm tác giả.

Các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo

Kết thúc ba phiên thảo luận, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đưa ra những lời nhận xét, chia sẻ, tổng kết đến các bài tham luận được trình bày trong hội thảo.

Bế mạc hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá các bài nghiên cứu có chất lượng rất tốt, không chỉ tập trung vào các vấn đề lý luận thuần tuý mà còn phân tích những vấn đề mang tính thời sự liên quan tới hài hoà hoá pháp luật giữa các quốc gia ASEAN. Khu vực ASEAN là một khu vực giàu có về văn hoá, do đó, quá trình hài hoà hoá cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc cốt lõi của ASEAN: “Thống nhất trong đa dạng”.

Những lĩnh vực có thể được lựa chọn để ưu tiên hài hoà pháp luật là những vấn đề không quá gắn bó với văn hoá của các quốc gia như an ninh hạt nhân, bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư, lao động. Rất nhiều ý tưởng được đưa ra tại Hội thảo có thể được phát triển trở thành các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ.

Về cách thức thực hiện hài hoà hoá pháp luật, có thể xây dựng các quy định mang tính chất khuyến nghị hướng dẫn; các quy định mang tính chất bắt buộc áp dụng; khai thác kinh nghiệm của các thiết chế có sẵn, kinh nghiệm của EU. Hài hoà nhưng không hoà tan và vẫn giữ gìn bản sắc của các quốc gia là cốt lõi của quá trình này.

Phó Hiệu trưởng Nhà trường cũng đánh giá công tác tổ chức chuyên nghiệp của hội thảo cũng được các chuyên gia, học giả, khách mời đánh giá rất cao, đây là điều đáng tự hào, góp phần cho sự thành công của Hội thảo. GS.TS. Đỗ Văn Đại cũng thay mặt ban tổ chức và nhà trường bày tỏ sự cảm ơn đối với các Nhà tài trợ đã góp phần vào thành công của Hội thảo.

GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu bế mạc Hội thảo

Xem toàn bộ diễn biến của Hội thảo tại đây: https://hcmulaw.edu.vn/vi/hoi-thao-quoc-te-nam-2024

Thực hiện: BTC Hội thảo và Ban Truyền thông Ulaw

 

 

--%>
Top