Sáng ngày 10/7, tiếp nối phiên thứ nhất của Hội thảo quốc tế “Hài hòa hoá pháp luật giữa các quốc gia Asean hướng tới phát triển toàn diện và bền vững”, phiên thứ 2 của Hội thảo với chủ đề “Định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng” với 3 tham luận đã diễn ra sôi nổi.
Phiên thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam; GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Trường Đại học Sài Gòn và GS.TS. Pasha L. Hsieh, Trường Luật Yong Pung How, Trường Đại học Quản lý Singapore (Singapore Management University).
Mở đầu Phiên thứ 2, GS.TS. JosephTanega trình bày tham luận “An ninh hạt nhân ở ASEAN: từ các nguyên lý học thuyết đến thực thi trên thực tế”. Giáo sư đã trình bày cách thức một số nước ASEAN, cụ thể là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, phản ứng với các công ước quốc tế về an ninh hạt nhân và ý nghĩa của việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này. Với ý nghĩa to lớn về mặt địa chính trị, bề dày văn hóa lịch sử, những đặc thù của nền kinh tế và những thách thức an ninh đặc biệt, nhóm tác giả cho rằng nghiên cứu tác động của các nguyên lý học thuyết đối với an ninh hạt nhân ở Việt Nam, Indonesia và Malaysia sẽ giúp cung cấp cái nhìn toàn diện về cách mà các nền tảng lý luận khác nhau định hình quan điểm và hành vi an ninh hạt nhân của quốc gia mình. Từ đó, nghiên cứu hướng tới mục đích đề xuất các biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả an ninh hạt nhân ở các nước ASEAN.
GS.TS. JosephTanega trình bày tham luận tại hội thảo
Tiếp theo tham luận thứ nhất, TS. Nguyễn Quỳnh Anh, Trưởng Bộ môn Luật ASEAN và các Liên kết quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội, đã trình bày tham luận “Hài hòa hóa pháp luật về đầu tư hướng đến nền tảng pháp lý chung trong khuôn khổ ASEAN”. Tác giả đã phân tích, đánh giá tầm quan trọng của việc hài hòa hóa pháp luật đầu tư, nhấn mạnh việc tạo ra một khung pháp lý đồng nhất là yếu tố then chốt để thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh tế trong khu vực. Đồng thời, nhóm tác giả cũng tiến hành khảo cứu pháp luật đầu tư của một số quốc gia ASEAN như Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nhằm so sánh, đánh giá quy định hiện hành trong hệ thống pháp luật từng quốc gia. Từ đó, chỉ ra những cơ hội và thách thức trong quá trình hài hòa hóa pháp luật, bao gồm sự khác biệt về văn hóa pháp lý, mức độ phát triển kinh tế, và chính sách ưu tiên quốc gia… Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra các đề xuất chính sách và khuyến nghị thiết thực cho tiến trình hài hòa hóa pháp luật đầu tư tại ASEAN.
Tham luận thứ 3 của Phiên 2 với chủ đề “Đánh giá khả năng hài hoà hoá pháp luật của các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực Tư pháp quốc tế” được trình bày bởi Thạc sỹ Phùng Hồng Thanh, Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Tác giả khẳng định việc thúc đẩy hài hoá hoá pháp luật của các quốc gia Asean trong lĩnh vực tư pháp quốc tế là một nhu cầu hiện hữu nhằm giúp cho pháp luật của các quốc gia thành viên được xích lại gần nhau hơn, giảm thiểu các xung đột pháp luật. Tuy nhiên, ngoài lĩnh vực thương mại, hài hoà hoá pháp luật các quốc gia Asean trong các lĩnh vực khác của tư pháp quốc tế là vô cùng khó khăn đặc biệt là những lĩnh vực gắn liền với yếu tố nhân thân như hôn nhân và gia đình, thừa kế….Với thực trạng đó, bài viết hướng đến nghiên cứu, so sánh một cách khái quát về tư pháp quốc tế của một số quốc gia Asean điển hình bao gồm Singapore, Việt Nam, Thái Lan, đánh giá điểm tương đồng và khác biệt cơ bản trong việc điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Từ đó, đưa ra đánh giá về khả năng hình thành khung pháp lý chung về Tư pháp quốc tế của các quốc gia Asean.
Thạc sỹ Phùng Hồng Thanh trình bày tham luận tại hội thảo
Chiều cùng ngày sẽ diễn ra phiên thứ 3 của Hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững trong các lĩnh vực pháp luật cụ thể trong ASEAN và các quốc gia thành viên” với 5 tham luận.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức làm 3 phiên thảo luận với mỗi chủ đề khác nhau theo hình thức trực tiếp tại hội trường và online qua phần mềm zoom. Buổi sáng sẽ diễn ra Phiên thứ nhất với chủ đề “Hài hóa pháp luật trong ASEAN, cơ hội và thách thức” gồm 3 bài tham luận và Phiên thứ 2 với chủ đề “Định vị tương lai cho một ASEAN thống nhất trong đa dạng” với 3 tham luận.
(Ban Truyền thông Ulaw sẽ tiếp tục cập nhật)