Hội thảo Quốc tế "Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong"

Vào ngày 07/06/2024, tại hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong".

Hội thảo vinh dự có sự hiện diện các vị khách quý: TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp; Ths. Nguyễn Hữu Phú - Phó Vụ Trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao; GS.TS. Nguyễn Hồng Thao – Thành viên Uỷ ban pháp luật quốc tế Liên hợp quốc; Ông Phan Văn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh; Ông Lê Trường Hận - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, cùng đại diện các cơ quan, đơn vị như:

- Phòng Hợp tác quốc tế, biên giới và lãnh sự, Sở Ngoại vụ tỉnh An Giang;

- Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh;

- Phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An;

- Phòng Tài Nguyên nước, khoáng sản và Biển đảo,  Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh;

- Công ty cổ phần Cấp thoát nước tỉnh Long An;

- Trung tâm Phát triển Bền vững và Đa dạng sinh học - Viện Môi Trường và Tài Nguyên - Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh;

- Trung tâm khai thác tài nguyên biển và đới bờ Thuộc Viện Kỹ thuật Biển;

- Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ;

- Khoa Luật, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành;

- Bộ môn Luật, Trường Đại học Tài nguyên & Môi trường TP. Hồ Chí Minh;

- Bộ môn Công Pháp quốc tế, Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Về phía nhà tài trợ, Hội thảo được sự hưởng ứng và đồng hành của: Thạc sĩ. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - Tổng Giám Đốc CTY CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation); TS.LS. Nguyễn Thị Huyền Trang – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Viên An; Ông Thành Phi Long – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thái Long Sơn; Bà Trần Tuấn Anh – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

Về phía Trường Đại học Luật TP. HCM, Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và lãnh đạo các đơn vị thuộc trường, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Các vị khách quý tham dự Hội thảo 

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp phát biểu chúc mừng Hội thảo

Hội thảo được chia làm 03 phiên, phiên thứ 1 và thứ 2 được diễn ra vào buổi sáng và phiên thứ 3 được diễn ra vào buổi chiều.

Phiên thứ nhất với chủ đề: Mekong và mục tiêu phát triển bền vững trên sông Mekong, gồm 04 bài tham luận và được chủ trì bởi TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM; TS. Nguyễn Hữu Huyên - Vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp và PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM.

Mở đầu phiên thứ nhất, GS.TS. Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Uỷ ban pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc đã trình bày bài tham luận “Phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong theo quy định của luật quốc tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu” với các nội dung xoay quanh về vai trò to lớn của sông Mekong và việc áp dụng khung pháp lý về nguồn nước quốc tế cho lưu vực sông Mekong.

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Uỷ ban pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc mở đầu phiên thứ nhất của Hội thảo

Tiếp tục với phiên đầu tiên, PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ đã trình bày bài tham luận thứ hai “Thách Thức Biến Đổi Khí Hậu Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long: Chiến Lược Quản Lý Tài Nguyên Nước và Bảo Vệ Sự Bền Vững Của Cộng Đồng” với những vấn đề thiết thực về sự biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sự đa dạng sinh học. Theo đó, ông đưa ra những dẫn chứng về xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó đã chịu tác động sự thay đổi về điều kiện khí hậu, tạo ra sự thay đổi làm mất đi những đặc tính tốt của đồng bằng. Ông tiếp tục đưa ra những giải pháp, chính sách nhằm thiết lập hệ thống chống ngập mặn, đặc biệt cần sự chung tay của cộng đồng.

PGS.TS. Văn Phạm Đăng Trí – Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ trình bày tham luận (online)

Bài tham luận thứ ba “Kết nối thúc đẩy Phát triển Chất lượng cao của Hợp tác Tiểu vùng Mekong” được trình bày bởi TS. CHHOEUN Bun Chha - Chủ tịch Ban Tham mưu Cố vấn Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (Cambodia) cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong khu vực. Việc này đòi hỏi sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia và sự tham gia của nhiều bên liên quan để đạt được những mục tiêu chung.

TS. CHHOEUN Bun Chha, Chủ tịch Ban Tham mưu Cố vấn Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (Cambodia) chia sẻ những yếu tố quan trọng trong việc Kết nối thúc đẩy Phát triển Chất lượng cao của Hợp tác Tiểu vùng Mekong

Thông qua thực tiễn tại tỉnh Hậu Giang, bài tham luận thứ tư “Vận dụng chính sách, pháp luật để chuyển đổi sinh kế cho nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu - từ thực tiễn tỉnh Hậu Giang”  được trình bày bởi ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu, tập trung vào 04 nội dung chính: thực trạng, nhận diện khó khăn và thách thức, chính sách pháp luật. Qua đó, bà nhấn mạnh những thực trang gần đây ở sông Mekong như lũ thực nguồn, xâm nhập mặn cùng nhận diện những khó khăn trong việc chuyển đổi sinh kế. Lấy điển hình nghiên cứu của Hậu Giang, bà đưa ra những kiến nghị nhằm bảo đảm hiệu quả của việc chuyển sinh kế cho nông dân tại ĐBSCL như: xây dựng chính sách phù hợp, nâng cao nhận thức, năng lực cho nông dân, đánh giá tác động, vận dụng các quy định mới…

ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất Động sản TP.HCM; Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang trình bày những vấn đề thực tiễn từ tỉnh Hậu Giang

Phiên Hội thảo thứ hai với chủ đề: Khai thác tài nguyên nước trên sông Mêkong bao gồm 03 bài tham luận và được chủ trì bởi: GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM; GS. Nguyễn Hồng Thao - Thành viên Ủy ban pháp luật quốc tế Liên Hợp quốc và PGS.TS. Pornchai Wisuttisak – Khoa Luật, Đại học Chiang Mai (Thái Lan).

Mở đầu với bài tham luận đầu tiên với đề tài “Cơ chế quản lý nguồn nước xuyên biên giới: các vấn đề lý luận chung” được trình bày bởi PGS. TS. Soltnsev Alexandr Mikhanovich - Phó Trưởng Khoa Luật, Viện Luật, Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (Liên bang Nga), là một lĩnh vực phức tạp và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia có chung nguồn nước. Các cơ chế quản lý này nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả, bền vững và công bằng nguồn tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu xung đột và bảo vệ môi trường.

PGS. TS. Soltnsev Alexandr Mikhanovich - Phó Trưởng Khoa Luật, Viện Luật, Trường Đại học Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga (Liên bang Nga) trình bày tham luận

Tiếp tục với phiên thứ hai, ông Visoulinh NAMMOUNTRY - Phó Trưởng Phòng Quản lý hành chính, Văn phòng Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã trình bày bài tham luận “Chính sách và định hướng phát triển bền vững của sông Mekong - Phân tích thách thức và giải pháp chiến lược”, xoay quanh phân tích những thách thức, rào cản như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, quản lý tài nguyên thiếu hiệu quả cùng với những giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển thuỷ điện bền vững,...

Ông Visoulinh NAMMOUNTRY - Phó Trưởng Phòng Quản lý hành chính, Văn phòng Hành chính Thủ đô Viêng Chăn (Lào) trình bày tham luận

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, vào lúc 13h30 tại Hội trường A.1002 diễn ra phiên thảo luận thứ ba với 7 bài tham luận chuyên sâu xoay quanh vấn đề đẩy mạnh hoạt động tại tiểu vùng sông Mekong với chủ đề: “Đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế, đầu tư, bảo đảm quyền con người nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững tại tiểu vùng sông Mekong”. Chủ tọa phiên thảo luận thứ ba gồm PGS.TS. Trần Thăng Long – Trưởng Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại

học Luật TP.HCM (Việt Nam); PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật TP.HCM (Việt Nam); TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM (Việt Nam).

Chủ tọa phiên thảo luận thứ 3

Bài tham luận thứ nhất với chủ đề: “Phát triển bền vững và đầu tư tại các quốc gia Mekong” do PGS.TS. Pornchai Wisuttisak – Khoa Luật, Đại học Chiang Mai (Thái Lan) trình bày. Diễn giả đã trình bày về tình trạng phát triển cụ thể của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong qua đó định hướng cũng như đề ra các giải pháp cụ thể về vấn đề phát triển bền vững tại các quốc gia nơi đây.

PSG.TS. Pornchai Wisuttisak trình bày bài tham luận thứ nhất

Bài tham luận thứ hai, TS. Apila Sangtam - Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi (Ấn Độ) đã trình bày bài tham luận với chủ đề: “Mở Khóa Tiềm Năng Kinh Tế: Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài (FDI) và Kết Nối Vùng trong Quan Hệ Ấn Độ - Tiểu vùng Mekong”. Diễn giả cũng đưa ra những minh chứng cụ thể, đưa ra những nét tương đồng giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh những thuận lợi, diễn giả cũng đề cập đến các thách thức mà chúng ta đang gặp phải như chưa xác định quốc tịch cụ thể của các tàu hàng hóa của Ấn Độ, quá trình đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ đó đề xuất ra các giải pháp cụ thể như cải thiện kết nối, quản lý thời gian hiệu quả, giảm chi phí thương mại,...để có thể mở khóa được tiềm năng kinh tế giữa Ấn Độ và các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Bài tham luận 2 được TS. Apila Sangtam - Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi (Ấn Độ) trình bày

Tiếp nối Hội thảo, TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp.HCM (Việt Nam) trình bày bài tham luận của mình mang tên: “Sức mạnh tập thể của các quốc gia nhỏ: Trường hợp của các quốc gia tiểu vùng Mekong và quy định chống phá rừng mới của Liên minh châu Âu”. Sau khi đưa ra những lược sử, dẫn chứng về sức mạnh tập thể của các quốc gia từ đó rút ra những bài học cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong như bảo vệ và tăng cường các thiết chế đa phương, thúc đẩy các tổ chức vùng như ASEAN, tăng cường vấn đề an ninh Uỷ ban sông Mekong,...

Bài tham luận “Sức mạnh tập thể của các quốc gia nhỏ: Trường hợp của các quốc gia tiểu vùng Mekong và quy định chống phá rừng mới của Liên minh châu Âu” được TS. Đào Gia Phúc trình bày

Trong khuôn khổ Hội thảo, từ phía Khoa Luật Quốc tế và Bộ môn Công pháp quốc tế có sự tham gia trình bày của ThS. Lê Minh Nhựt với bài tham luận: “Triển vọng phát triển thị trường carbon chung tại tiểu vùng sông Mekong”. ThS. Lê Minh Nhựt gợi mở hình thành thị trường carbon chung trên tiểu vùng sông Mekong với những đề xuất cụ thể như chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về quy trình cấp phép dự án và tín chỉ carbon; hình thành thị trường carbon tự nguyện chung; hình thành cơ chế hợp tác để thống nhất giữa các thị trường với nhau.

ThS. Lê Minh Nhựt trình bày bài tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận thứ 5 mang tên: “Thách thức và cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long với xu thế hạn mặn trong tương lai” - được TS. Đào Phú Quốc - Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Đa dạng sinh học - Viện Môi Trường và Tài Nguyên - Đại Học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) trình bày. Diễn giả chia sẻ về hiện trạng nông nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối diện với tình trạng hạn, mặn từ đó nêu ra những thách thức và cơ hội. Thách thức về khía cạnh canh tác cây ăn trái, diện tích đất lúa có nguy cơ giảm, cùng với đó là thách thức lên ngân sách địa phương. Về cơ hội, nước lợ là cơ hội phát triển cho ngành canh tác thủy, hải sản...Từ đó đề xuất ra những kiến nghị như các giải pháp về kỹ thuật, giải pháp thay đổi cây trồng, vật nuôi hướng đến thị trường xuất khẩu, giải pháp về tài chính....

TS. Đào Phú Quốc trình bày về bài tham luận thứ năm

Bài tham luận thứ sáu trình bày về vấn đề: “Bảo vệ quyền con người của người di cư khí hậu ở Tiểu vùng sông Mekong” do TS. Đỗ Việt Cường, University of Law, Vietnam National University, Hanoi (Vietnam) trình bày. Nhóm tác giả đã đưa ra cơ sở pháp lý về quyền con người của người di cư khí hậu. Chính sách và pháp luật về vấn đề người di cư do do biến đổi khí hậu ở các quốc gia tiểu vùng sông Mekong. Từ đó nhóm tác giả đề xuất các giải pháp pháp lý như công nhận, hợp tác hỗ trợ, lập kế hoạch hành động cụ thể.

Bài tham luận thứ sáu “Bảo vệ quyền con người của người di cư khí hậu ở Tiểu vùng sông Mekong” được TS. Đỗ Việt Cường trình bày

Bài tham luận cuối tại Hội thảo được Tiến sĩ Leony Sondang Suryani - Trung tâm Nghiên cứu Djokosoetono, Đại học Indonesia; SHAPE-SEA – Trường Đại học Mahidol - Thái Lan (Thái Lan – Indonesia) trình bày với chủ đề “Một Thế Giới Mới không có bóc lột con người bởi con người (exploitation de l'homme par l'homme) và bóc lột quốc gia bởi quốc gia (exploitation de nation par nation): Bài học kinh nghiệm từ ngành khai thác cát của Indonesia cho khai thác cát ở Đồng bằng Sông Mekong”. Đưa ra những giải pháp nhằm thực thi trên thực tế, từ đó đưa ra những bài học áp dụng cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và bài học kinh nghiệm từ ngành khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long.

Bài tham luận cuối được Leony Sondang Suryani trình bày

Ở các phiên thảo luận, các đại biểu tham dự cũng như các chuyên gia chuyên ngành cũng đã đưa ra những lời nhận xét, góp ý đến các bài tham luận của các tác giả, nhóm tác giả. Các chuyên gia cho rằng các bài tham luận đều mang tính thực thi cao, đúng tình trạng thực tế hiện nay và những bài tham luận này chính là nguồn tư liệu tham khảo quý báu trong quá trình phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong hiện nay.

Ths. Nguyễn Hữu Phú - Phó Vụ Trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao tham gia bình luận và đặt câu hỏi cho các diễn giả tại Hội thảo

Các chuyên gia, đại biểu cũng có ý kiến đóng góp về buổi hội thảo

Bế mạc buổi hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường thể hiện niềm vinh hạnh cũng như sự biết ơn sâu sắc đối với sự có mặt của các chuyên gia cũng như các đại biểu trong buổi hội thảo ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để các chuyên gia của các quốc gia ngồi lại thảo luận, xem xét các vấn đề còn tồn đọng từ đó đưa ra những phương hướng phát triển hiệu quả, bền vững nhất.

PSG.TS. Trần Việt Dũng phát biểu bế mạc buổi hội thảo

Nội dung: Hạnh Nhi, Diệu Huyền

Hình ảnh: Minh Tú, Mai Hương, Thanh Hoàng, Mai Khánh

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top