Ngày 20/10/2023, tại Trường Đại học Luật TP.HCM tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ hai của Hội thảo quốc tế về chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường”.
Ngày thứ hai của buổi Hội thảo “Hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương
Buổi hội thảo có sự góp mặt của các quý khách mời là Ông Béla Hégédus – Phó Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Bà Inès Saad - Cán bộ phụ trách Hợp tác Pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Luật sư Trần Vĩ Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng khen thưởng và kỷ luật, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM, tham dự hội thảo có TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường, Trọng tài viên VIAC; GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phụ trách Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Trưởng Khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Trần Thị Thuỳ Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam; TS. Lê Thị Thuý Hương – Trưởng Phòng Quản lý NCKH&HTQT; ThS. Huỳnh Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm Quản lý ĐTCLC&ĐTQT; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế; ThS. Nguyễn Tú Anh – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM cũng như các cơ sở đào tạo luật khác.
Ông Béla Hégédus – Phó Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phát biểu mở màn ngày thứ hai của Hội thảo
Phát biểu mở đầu ngày làm việc thứ hai của Hội thảo, Ông Béla Hégédus – Phó Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam chia sẻ đây là lần thứ hai Đại sứ quán Pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM cùng hợp tác trong hoạt động tổ chức hội thảo quốc tế. Những hoạt động hợp tác giữa Đại sứ quán Pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM vừa qua trong lĩnh vực đào tạo pháp lý là minh chứng cho thiện chí hợp tác, tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa hai bên. Theo Ông, buổi hội thảo chỉ vừa mới bắt đầu vào hôm qua (19/10) nhưng đã chứng minh được sức ảnh hưởng của hội thảo trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và tiêu biểu là môi trường. Đồng thời, Ông Béla Hégédus cũng gửi lời cảm ơn đến các đơn vị đồng tổ chức, các chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều quốc gia đã chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, qua đó tạo nên góc nhìn khách quan và bao quát về chính sách của các quốc gia trước hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang châu Á – Thái Bình Dương tại buổi Hội thảo.
TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ sự biết ơn đến Đại sứ quán Pháp đã quan tâm và hỗ trợ Nhà trường trong các hoạt động học thuật, pháp lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo quốc tế.
Đại diện Ban Lãnh đạo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường cũng bày tỏ sự biết ơn đến Đại sứ quán Pháp đã quan tâm và hỗ trợ Nhà trường trong các hoạt động học thuật, pháp lý, nghiên cứu khoa học và tổ chức hội thảo quốc tế. Lãnh đạo Nhà trường hy vọng với nền tảng là buổi hội thảo lần này, các đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng trường tổ chức chuỗi các chương trình hội thảo trong tương lai.
PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam thay mặt GS. Michel Trochu - Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Tours, Cựu chuyên gia pháp lý của Nghị viện Châu Âu đọc bài phát biểu
PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam cũng thay mặt GS. Michel Trochu - Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Tours, Cựu chuyên gia pháp lý của Nghị viện Châu Âu đọc bài phát biểu. Theo đó, phiên thảo luận hôm qua với các tham luận viên đến từ 12 quốc gia đã trình bày về các vấn đề liên quan đến hiện tượng xoay trục, hoạt động của FTA, định hướng đầu tư hoạt động thương mại và môi trường. Đến với ngày thứ hai, các chuyên gia sẽ tập trung phân tích về chính sách của các cường quốc như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc,…
Ông Béla Hégédus – Phó Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hoá, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bà Inès Saad - Cán bộ phụ trách Hợp tác Pháp luật, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tại buổi Hội thảo
Sau ngày làm việc đầu tiên thảo luận về tác động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến những chính sách phát triển kinh tế trong khu vực, ngày thứ hai của Hội thảo với 04 phiên làm việc cuối cùng tiếp tục được diễn ra xoay quanh các chính sách, chiến lược kinh tế của những cường quốc trong và ngoài khu vực đối với sức hấp dẫn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như đối với các châu lục khác.
Khách mời, chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước tham dự Hội thảo
Khách mời, chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước tham dự Hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại ngày làm việc thứ hai của Hội thảo
[Ban Truyền thông Ulaw sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo]