Tổng thuật: Ngày làm việc thứ nhất của Hội thảo quốc tế về ảnh hưởng của hiện tượng xoay trục hoạt động thương mại sang Châu Á - Thái Bình Dương (Phần 1)

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hiện tượng xoay trục hoạt động sang Châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh hưởng đối với chính sách của các đối tác kinh tế bên trong và bên ngoài khu vực trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường” đã kết thúc ngày đầu tiên với nhiều dấu ấn được ghi nhận.

Hội thảo do Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trường Đại học Tours (Pháp) với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam trong ngày đầu tiên đã thu hút hơn 500 chuyên gia, diễn giả, giảng viên, sinh viên tham dự qua 4 phiên trình bày và thảo luận thông qua 2 hình thức trực tiếp tại hội trường A.1002 - cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến thông qua phần mềm trực tuyến (Zoom Meeting).

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại ngày làm việc thứ nhất của hội thảo

Tham gia Hội thảo trong ngày đầu tiên có sự góp mặt của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trọng tài viên tại VIAC cùng nhiều thầy cô giáo là lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm, thành viên Ban tổ chức, ban hậu cần và đông đảo giảng viên các khoa, học viên các lớp cao học và sinh viên các lớp chính quy của Nhà trường.

Về phía các chuyên gia quốc tế có GS. Michel Trochu, Giáo sư danh dự tại Trường Đại học Tours, Cựu chuyên gia pháp lý của Nghị viện Châu Âu; ông Christian Deblock, Giáo sư của Khoa Khoa học chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Québec, Montréal, Trung tâm Nghiên cứu Hội nhập và Toàn cầu hóa cùng đông đảo các diễn giả đến từ nhiều quốc gia như: Canada, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ,...

Về phía đại diện các đơn vị tài trợ có: ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Tài chính, Giám đốc điều hành Công ty CP phần mềm FPT (FPT Soft Ware); ông Trần Quang Định, Giám đốc Khách hàng doanh nghiệp hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long; ông Trần Cao Nghĩa, Luật sư cố vấn cao cấp Công ty luật Nishimura and Asahi; ông Nguyễn Vinh Quang, Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Huy Đức và đại diện Công ty luật Hoàng Thu.

Hội thảo còn thu hút đông đảo các chuyên gia pháp lý, chuyên gia kinh tế, giảng viên các trường đại học, các thẩm phán, công chứng viên, luật sư,… và các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội thảo được khai mạc với bài phát biểu chào mừng của TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường về các mục tiêu và ý nghĩa của hội thảo. Hiệu trưởng Nhà trường cũng nhấn mạnh: “Để tổ chức được buổi hội thảo, Nhà trường đã được sự hỗ trợ rất lớn từ phía các trường đại học, viện nghiên cứu và chuyên gia trong mạng lưới hợp tác của trường, đặc biệt từ ê kip của Đại học Tours, đứng đầu là Giáo sư Michel Trochu và Giáo sư Abdelkhaleq Berramdane; ê kip của Đại học Nantes, đứng đầu là Giáo sư Emilie Delcher.

Nhà trường cũng vô cùng biết ơn trước sự nhiệt tình của các chuyên gia không quản đường xa đến góp chung trí tuệ và tiếng nói với chúng tôi từ Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Pháp, Nhật Bản, Hàn quốc, Ma-rôc, Thái Lan, Indonesia, Singapore và các đồng nghiệp, các chuyên gia đến từ Hà Nội; hoặc không quản giờ giấc, sức khỏe, thức dậy từ 2-3 giờ sáng để hỗ trợ, theo dõi chúng tôi từ châu Âu, châu Mỹ.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo và gửi lời chúc Hội thảo sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp

Chúng tôi chân thành cảm ơn ê-kip của Đại học Ngoại thương – đối tác thân thiết của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là TS. Vũ Kim Ngân và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà, đã hỗ trợ chúng tôi rất tận tình và hiệu quả trong quá trình tổ chức hội thảo.

Chúng tôi cũng xin cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM, Sở Thông tin truyền thông TP. HCM đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội thảo.

Khi được biết đến chương trình hội thảo, Công ty CP phần mềm FPT (FPT Soft Ware), Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long, Công ty Huy Đức, Công ty luật Nishimura and Asahi, Công ty luật Hoàng Thu đều rất nhanh chóng và nhiệt tình hỗ trợ, tài trợ cho chúng tôi. Điều này thể hiện tình cảm của các quý công ty đối với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cộng đồng nghiên cứu, đồng thời cũng cho thấy sự năng động, hiểu biết, quan tâm, nhanh nhạy nắm bắt bối cảnh thương mại - đầu tư quốc tế của quý công ty. Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, những doanh nghiệp khai thác được nhiều lợi ích nhất trong quá trình đất nước thực hiện tự do hóa thương mại – đầu tư chính là những doanh nghiệp quan tâm, hiểu biết nhiều nhất về các hiệp định”.

Phát biểu chúc mừng Hội thảo, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chủ tịch cấp cao, CFO & COO, FPTSOFTWARE cho biết: Nếu như các chuyên gia tới hội thảo là những nhà nghiên cứu tổng kết về lý thuyết và thực tiễn xoay trục thương mại thì FPT là minh chứng thực tiễn của Việt Nam cho việc đón nhận việc xoay trục thương mại quốc tế sang Châu Á - Thái Bình Dương bởi tính đến thời điểm hiện tại FPT là tập đoàn đi đầu ở Việt Nam có ký kết hợp đồng thương mại quốc tế với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã đóng góp rất lớn vào tiến trình thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực thương mại. Tập đoàn FPT có nguồn nhân lực 65.000 người trong đó FPT Soft Ware là 28.000 nhân sự, đồng thời có số lượng lớn pháp nhân và nhân sự lao động là người Việt Nam ở nước ngoài là rất lớn. Với số lượng lớn các hợp đồng thương mại đã được ký kết và lực lượng pháp nhân cũng như nguồn nhân lực lớn như vậy FPT đặc biệt coi trọng những vấn đề pháp lý đặc biệt việc vận dụng các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế vào đàm phán, ký kết hợp đồng với các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Chủ tịch cấp cao, CFO & COO, FPTSOFTWARE phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong ký kết hợp đồng thương mại quốc tế của FPT, ông Khải Hoàn kỳ vọng trong tương lai việc hợp tác giữa Trường Đại học Luật TP.HCM và FPT sẽ có ý nghĩa quan trọng về việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn vận dụng pháp luật vào hoạt động thương mại quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo diễn ra sâu rộng như hiện nay tại Việt Nam thì việc hợp tác nhằm chia sẻ nguồn lực hỗ trợ lẫn nhau về pháp lý và các nền tảng công nghệ số là yêu cầu tất yếu và vô cùng quan trọng góp phần vào sự thành công của các bên. Thay mặt Tập đoàn FPT và FPT Soft Ware nói riêng, ông Khải Hoàn trân trọng gửi tới Hiệu trưởng Lê Trường Sơn lời cảm ơn sâu sắc đã dành cơ hội để đại diện FPT tham dự hội thảo đầy ý nghĩa này với sự quy tụ lực lượng hùng hậu các nhà khoa học trên thế giới đến với Việt Nam.

Ông Nguyễn Khải Hoàn và TS. Lê Trường Sơn tại Hội thảo

Sau phiên khai mạc, Hội thảo trong ngày đầu tiên được được chia ra làm 04 phiên với hơn 10 bài tham luận đến từ các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và môi trường trong và ngoài nước. Ở 02 phiên thảo luận đầu tiên vào buổi sáng, Hội thảo lần lượt được chủ trì bởi Ông Christian Deblock - Giáo sư của Khoa Khoa học chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Québec, Montréal, Trung tâm Nghiên cứu Hội nhập và Toàn cầu hóa và Bà Yumiko Nakanisshi - Giáo sư, Trường Đại học Hitotsubashi Tokyo. Ở phiên thảo luận này, “Tác động của môi trường đến phát triển kinh tế” là vấn đề được các học giả tập trung thảo luận.

Ông Christian Deblock - Giáo sư của Khoa Khoa học chính trị và Pháp luật, Trường Đại học Québec, Montréal, Trung tâm Nghiên cứu Hội nhập và Toàn cầu hóa chủ trì phiên thứ nhất của Hội thảo

Tại phiên thảo luận đầu tiên, nhiều vấn đề được các chuyên gia phân tích như: - Những khía cạnh kinh tế và chính trị của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP);

- Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Tác động đối với tiểu vùng Mê-Kông Mở rộng;

- (RCEP), những điểm mạnh và giới hạn;

- Sự khác biệt và điểm đồng nhất của các hiệp định RCEP và ACFTA dưới góc nhìn cải cách IIA và hệ thống ISDS;

- Hiệp định về trợ cấp nghề cá mới của WTO và tác động đến các cam kết thủy sản trong các hiệp định thương mại khu vực của Việt Nam – hướng tới sự phát triển bền vững ngành thủy sản ở Việt Nam.

Ông Nicolas Audier, Luật sư điều hành của APFL & Partners trình bày tham luận “(RCEP), những điểm mạnh và giới hạn”

Ông Cao Trần Nghĩa – Luật sư cố vấn cao cấp Công ty Luật NISHIMURA & ASHAHI đại diện các nhà tài trợ vàng cho Hội thảo chia sẻ

Ông Pornchai Wisuttisak - Phó Giáo sư, Khoa Luật, Trường Đại học Chiang Mai, Trợ lý Hiệu trưởng trường đại học (Thaïland) đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tham luận “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP): Tác động đối với tiểu vùng Mê-Kông Mở rộng”

Ông Ali Kairouani - Giáo sư, Trường Đại học Mohammed V, Rabat (Morocco) trình bày tham luận “Sự khác biệt và điểm đồng nhất của các hiệp định RCEP và ACFTA dưới góc nhìn cải cách IIA và hệ thống ISDS”

ThS. Nguyễn Phượng An - Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) trình bày tham luận “Hiệp định về trợ cấp nghề cá mới của WTO và tác động đến các cam kết thủy sản trong các hiệp định thương mại khu vực của Việt Nam – hướng tới sự phát triển bền vững ngành thủy sản ở Việt Nam”

Đến với phiên thứ hai, Hội thảo đã đón nhận những tham luận xoay quanh các vấn đề:

- Các quốc gia đang phát triển và “tô mì spaghetti” (“spaghetti bowl”): Mua hay bỏ – Trường hợp của Việt Nam;

- Vấn đề bảo vệ môi trường trong quy định của CPTPP: Liệu rằng việc bảo vệ môi trường trong khu vực đã có tiến triển;

- Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến những chính sách về môi trường của Việt Nam.

Phiên thứ hai của Hội thảo quốc tế được chủ trì bởi Bà Yumiko Nakanisshi - Giáo sư, Trường Đại học Hitotsubashi Tokyo

PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương - Phó Tổng biên tập, Tạp chí khoa học pháp lý Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Các quốc gia đang phát triển và “tô mì spaghetti” (“spaghetti bowl”): Mua hay bỏ – Trường hợp của Việt Nam”

Bà Kanami Ishibashi, Phó Giáo sư, Đại học Ngoại ngữ Tokyo (Nhật Bản) trình bày tham luận “Vấn đề bảo vệ môi trường trong quy định của CPTPP: Liệu rằng việc bảo vệ môi trường trong khu vực đã có tiến triển”

Bà Lý Vân Anh - Chủ tịch Nghiên cứu về Những thách thức mới của toàn cầu hóa kinh tế, Trường Đại học Laval, Canada, Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao Việt Nam trình bày tại Hội thảo bài tham luận “Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến những chính sách về môi trường của Việt Nam”

(còn tiếp)

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top