Vào lúc 14:00 ngày 16/12/2024, tại Trường ĐH Luật Tp. HCM (phòng A905, 02 Nguyễn Tất Thành, P.13, Q.4) sẽ diễn ra buổi họp Hội đồng nghiệm thu chính thức đối với đề tài NCKH cấp Bộ "Kiểm soát tập trung kinh tế đối với các giao dịch thực hiện ngoài lãnh thổ theo pháp luật một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam", mã số B2022 - LPS - 03, do PGS TS Hà Thị Thanh Bình làm chủ nhiệm. Đây là đề tài nghiên cứu thuộc Bộ GD&ĐT và Trường ĐH Luật Tp. HCM là tổ chức chủ trì.
Công trình nghiên cứu đã đề xuất các kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của Luật Cạnh tranh 2018 và các văn bản hướng dẫn dựa trên các luận cứ khoa học đúc rút từ việc nghiên cứu (i) các lý thuyết, học thuyết làm cơ sở cho việc hình thành cơ chế kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ nhưng có tác động hoặc nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường trong nước; (ii) kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn thực thi ở Hoa Kỳ, Liên minh Châu và Trung Quốc; và (iii) thực trạng và thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam.
Các kiến nghị chính của đề tài bao gồm: (i) hoàn thiện các quy định về nội hàm khái niệm “tập trung kinh tế”, về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, về việc xác định thị trường liên quan và thị phần của các doanh nghiệp, về cơ chế thẩm tra quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong quá trình kiểm soát tập trung kinh tế; (ii) xác lập cụ thể và minh thị thẩm quyền kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ; (iii) xây dựng tiêu chí xác định đối tượng kiểm soát đối với các giao dịch tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ; (iv) bổ sung các quy định về các trường hợp miễn trừ thông báo tập trung kinh tế, thủ tục thẩm định tập trung kinh tế rút gọn; (v) hoàn thiện cơ sở pháp lý để trao quyền cho cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia ban hành những hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện hoạt động kiểm soát phù hợp nhất đối với diễn biến luôn “động” của thị trường; và (vi) tăng cường hợp tác quốc tế để nâng cao hiệu quả thực thi các quy định kiểm soát tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ. Thông qua dự báo tác động của các đề xuất, có thể thấy các kiến nghị góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động tập trung kinh tế nói chung và tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ nói riêng tiệm cận hơn với các quy định của các quốc gia có nền pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này phát triển, nâng cao tính minh bạch của pháp luật. Các kiến nghị này cũng góp phần đưa các quy định pháp luật của Việt Nam điều chỉnh lĩnh vực này vào việc kiểm soát thực chất, có chọn lọc, tập trung vào các giao dịch thực sự có nguy cơ, tránh việc kiểm soát dàn trải gây lãng phí nguồn lực trong điều kiện nhân lực và vật lực của cơ quan quản lý cạnh tranh của nước ta còn hạn chế.
Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được nhóm tác giả công bố dưới nhiều hình thức, bao gồm 01 bài viết trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Scopus, xếp hạng Q1; 05 bài viết đăng trên các tạp chí uy tín trong nước thuộc danh mục tạp chí được Hội đồng Giáo sư ngành Luật công nhận với điểm khoa học đến 1 điểm. Nhóm nghiên cứu cũng dự kiến sẽ xuất bản 01 sách chuyên khảo với tên gọi dự kiến “Kiểm soát tập trung kinh tế ngoài lãnh thổ” tại các nhà xuất bản uy tín của Việt Nam.
Nội dung: Phòng KHCN&HTPT