Nhằm đánh giá những cơ hội và thách thức trong việc ứng dụng công nghệ số vào quá trình nghiên cứu & giảng dạy ngôn ngữ và các khoa học liên ngành, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số” vào ngày 16/11/2024, tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số”
Tham dự buổi hội thảo, về phía Nhà trường có PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ Pháp lý Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Về phía khách mời tham dự có các học giả, nhà khoa học và chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực ngôn ngữ và khoa học liên ngành. Đặc biệt Hội thảo có sự tham dự của Ông Dieter Bruhn - Giảng viên cao cấp thuộc chương trình Giảng viên Anh ngữ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; TS. Trần Trương Huỳnh Lê - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó là các sinh viên, giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý, giảng viên các khoa khác của trường Đại học Luật TP.HCM và nhiều cơ sở giáo dục đại học khu vực phía Nam.
Hội thảo “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số” là diễn đàn học thuật cho các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về các cơ hội, thách thức trong việc áp dụng công nghệ số trong giáo dục đào tạo. Hội nghị được chia ra làm phiên toàn thể và các phiên song song của tiểu ban Khoa học liên ngành và tiểu ban Ngôn ngữ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường đã có những chia sẻ, đánh giá chung về tình hình nghiên cứu, tính cấp thiết của vấn đề số hoá trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học. PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm nhận định: Kỷ nguyên số hay cách mạng công nghiệp 4.0 là một chủ đề mang tính thời sự, là một dòng chảy tất yếu được Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định sẽ là cơ hội phát triển cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm phát biểu khai mạc tại Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số”
Về mặt chuyên môn, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm cho biết, buổi hội thảo đặt ra rất nhiều vấn đề quan trọng cần giải quyết. Trong đó, phải kể đến cách thức áp dụng công nghệ vào giảng dạy như thế nào để đảm bảo tính tối ưu, hiệu quả, có hệ thống. Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh với định hướng phát triển đa ngành cũng rất quan tâm, kỳ vọng việc nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật số vào phương thức giảng dạy Ngôn ngữ pháp lý và Khoa học liên ngành. Để thực hiện hiệu quả định hướng này, Nhà trường đã và đang tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, từ đó đánh giá toàn diện các cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Thông qua việc phân tích thực trạng và nhận diện các vấn đề tồn tại, Nhà trường hướng đến xây dựng một lộ trình số hóa hoạt động giảng dạy một cách khoa học, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện đại.
Chủ toạ của phiên toàn thể tại Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ và các Khoa học Liên ngành trong Kỷ nguyên số”
Tiếp tục hội nghị, phiên toàn thể diễn ra dưới sự điều hành của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; Ông Dieter Bruhn - Giảng viên cao cấp thuộc chương trình Giảng viên Anh ngữ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ Pháp lý. Các học giả đã trình bày 3 tham luận với các chủ đề:
- “Innovative approaches to language teaching: Bridging AI and interactive learning” – Diễn giả Dieter Bruhn;
- “Economic activities and linguistic adaptation of Arab people in Ho Chi Minh City” - Diễn giả NCS. Phan Thanh Huyền;
- “Phân tích mức độ tương đương về mặt cấu trúc giữa bản dịch tự động và bản dịch thủ công: Nghiên cứu trường hợp bản dịch từ Tiếng Việt sang tiếng Trung của Luật Công ty 1990” - Diễn giả TS. Trần Trương Huỳnh Lê.
Tác giả Dieter Bruhn trình bày tham luận tại Hội thảo
NCS. Phan Thanh Huyền trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Trần Trương Huỳnh Lê trình bày tham luận tại hội thảo
Sau phần trình bày tham luận, các diễn giả, chuyên gia và các nhà nghiên cứu đã có cơ hội thảo luận về vấn đề áp dụng các công cụ AI vào hoạt động dạy-học một cách hiệu quả, đồng thời trao đổi quanh vấn đề về hoạt động kinh tế và thích nghi ngôn ngữ của người nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh v.v.. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng đã mạnh dạn trao đổi các ý kiến thắc mắc về chủ đề tham luận, được các diễn giả trả lời và cung cấp bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích xoay quanh các chủ đề tham luận.
Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp từ các học giả
Sinh viên tham dự hội thảo đặt câu hỏi cho các diễn giả
Diễn giả trả lời câu hỏi liên quan đến phần trình bày tham luận
Các học giả, chuyên gia và giảng viên chụp hình lưu niệm tại phiên toàn thể
Kết thúc phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục diễn ra với hai phiên tham luận song song thuộc các Tiểu ban Ngôn ngữ và Tiểu ban Khoa học liên ngành. Phiên tham luận của Tiểu ban Ngôn ngữ được điều hành bởi các thành viên chủ toạ gồm: ông Dieter Bruhn, TS. Lý Ngọc Toàn – Phụ trách Bộ môn Anh văn Tổng quát Khoa Ngoại ngữ Pháp lý và TS. Trần Thị Thanh Trúc – Phụ trách Bộ môn Anh văn Pháp lý Khoa Ngoại ngữ Pháp lý. Ba tham luận được trình bày tại Phiên này bao gồm:
- “The teacher’s role in English writing assessment in technology-aid contexts” - diễn giả TS. Huỳnh Thị Bích Phượng;
- “Battling the pandemic: An analysis of war metaphors in Korean media discourse on COVID-19” - diễn giả ThS. Kim Seon Jong;
- “Ứng dụng ngữ cảnh trong giảng dạy ngôn ngữ” - diễn giả TS. Phan Thị Hà.
Chủ toạ của Tiểu ban Ngôn ngữ trong phiên làm việc
TS. Huỳnh Thị Bích Phượng trình bày báo cáo tại hội thảo
Sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả trong phần thảo luận
Phiên làm việc của Tiểu ban Khoa học liên ngành được chủ trì bởi PGS.TS. Trần Thăng Long, TS. Đinh Lư Giang và TS. Phan Tuấn Ly. Các chuyên gia cũng tập trung thào luận, đánh giá phần trình bày các tham luận:
- “Incorporating cultural conceptualizations of linguistic landscapes in the TEIL materials to develop learners’ meta-cultural competence” – diễn giả NCS. Phạm Ngọc Trường Linh;
- “Công nghệ trong giảng dạy ngôn ngữ: Tiềm năng, lợi ích và những thách thức phát sinh” - diễn giả TS. Nguyễn Minh Đạt;
- “The effectiveness of plain language rule on legal comprehensibility: A preliminary evaluation on machine translated texts” - diễn giả Lê Trịnh Khánh Linh;
- “Ứng dụng phương pháp đóng vai và động não trong phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Trung cho sinh viên” - diễn giả TS. Nguyễn Thị Thanh Mai.
Toàn cảnh phiên làm việc của Tiểu ban Khoa học liên ngành
Chủ toạ của Tiểu ban Khoa học liên ngành trong phiên làm việc
TS. Nguyễn Minh Đạt – Giảng viên khoa Quản trị trình bày báo cáo tại Tiểu ban Khoa học liên ngành
TS. Nguyễn Thị Thanh Mai trình bày báo cáo tại phiên làm việc của tiểu ban Khoa học liên ngành
TS. Phan Tuấn Ly (Chủ toạ phiên tham luận) phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu bế mạc hội thảo
Các học giả, chuyên gia, chụp hình lưu niệm kết thúc Hội thảo
Trải qua các phiên làm việc hiệu quả với những thảo luận sôi nổi và gợi mở, Hội thảo đã khép lại thành công với những ý kiến đóng góp, đánh giá quan trọng và thiết thực về các vấn đề nghiên cứu, đồng thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần hoàn thiện quá trình tích hợp công nghệ số trong việc giảng dạy ngôn ngữ và khoa học liên ngành một cách thiết thực và hiệu quả.
Nội dung: Thảo Nguyên
Hình ảnh: Dạ Thảo
Ban Truyền thông Ulaw