Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”

Vào lúc 8h30 ngày 14/11/2024 tại hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)” thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.


Toàn cảnh buổi hội thảo

Đến tham dự buổi hội thảo, về phía các cơ quan có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Quyên -  Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc BHXH Tp. Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Hồng Thảo – Trưởng phòng Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội Tp. Hồ Chí Minh; bà Trần Thị Úc – Giám đốc BHXH Quận 12; bà Đoàn Thị ,Mỹ Hiệp – Giám đốc BHXH huyện Hóc Môn; bà Trần Thị Ngọc Dung – Giám đốc BHXH Quận 4; bà Đỗ Thị Thu – Giám đốc BHXH Quận 6; bà Nguyễn Thị Minh Hòa – Giám đốc Tp. Thủ Đức;  bà Nguyễn Văn Hạnh Thục – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Tp. Hồ Chí Minh; ông Phạm Văn Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm tư vấn pháp luật – Liên đoàn Lao động Tp. HCM; ông Trần Văn Tiếng – Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm tỉnh Long An; ông Nguyễn Đức Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hiệp hội doanh nghiệp Tp. HCM; ông Nguyễn Đức Phước – Chánh án Tòa án nhân dân Quận Bình Tân; ông Nguyễn Chí Hiếu - Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận 7, Tp. HCM; ông Nguyễn Triệu Lực – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn; ông Trương Văn Dựa – Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh; thẩm phán đến từ Tòa án nhân dân Quận 5, TAND Quận Bình Tân, TAND quận Gò Vấp; đại diện Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM; đại diện các nhà khoa học đến từ các cơ sở đào tạo Luật phía nam; đại diện Liên đoàn lao động tỉnh Long an; đại diện các doanh nghiệp và luật sư.

Về phía trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh có TS. Lê Trường Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triển; TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa luật Dân sự; TS. Võ Văn Tiến – Phó trưởng khoa Luật Dân sự; TS. Nguyễn Thị Bích – Trưởng bộ môn Luật lao động cùng với các giảng viên của các trường đại học giảng dạy về luật và các bạn học viên, sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, bên cạnh những thành tựu mà Luật Việc làm năm 2013 đã đạt được  thì vẫn còn một số bất cập, hạn chế không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, việc tổ chức buổi hội thảo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Nhà trường và nhận được sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia có chuyên môn cao. Buổi hội thảo sẽ là dịp để các chuyên gia, các tổ chức và các cơ quan chuyên môn cùng góp ý, xem xét, đưa ra những đề xuất, sửa đổi bổ sung thích hợp cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).


TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc buổi hội thảo

Tiếp đó, TS. Nguyễn Thị Quyên – Phó Cục trưởng Cục Việc làm mong muốn chia sẻ, cung cấp các thông tin, sự cần thiết về việc thay đổi cơ chế của Luật Việc làm năm 2013 dựa trên các cơ sở của Luật Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất của Luật Lao động năm 2019 và Luật BHXH năm 2014. Qua đó, TS. Quyên cũng đề xuất cũng như định hướng những vấn đề liên quan đến việc sửa đổi Luật Việc làm năm 2013.


TS. Nguyễn Thị Quyên có những định hướng sửa đổi, bổ sung trong bài Dự thảo

Buổi hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận về những vấn đề hết sức cấp thiết trong thị trường việc làm hiện nay. Ở phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Bảo hiểm thất nghiệp và chính sách giải quyết việc làm” với sự chủ trì của PGS.TS. Trần Việt Dũng, TS. Nguyễn Thị Quyên, TS. Lê Thị Thúy Hương.


Chủ trì phiên thảo luận thứ nhất gồm TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác phát triểnPGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Quyên– Phó Cục trưởng Cục Việc làm (từ trái sang phải)

Đến với bài tham luận đầu tiên, ThS.NCS. Trần Nguyễn Quang Hạ - Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Tp. Hồ Chí Minh đã trình bày bài tham luận mang tên “Điểm mới của Dự thảo Luật Việc làm về Bảo hiểm thất nghiệp – Phân tích và bình luận”. Tại đây, diễn giả đã trình bày những nội dung như vị trí của Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong hệ thống ASXHVN, các chế độ BHTN, đối tượng tham gia BHTN qua đó diễn giả đề xuất mức trợ cấp thất nghiệp phù hợp nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người thất nghiệp. Đối với dự thảo mới, bản chất của BHTN đã được bổ sung một cách đầy đủ cũng như hoàn chỉnh hơn, người thất nghiệp không chỉ được bù đắp một khoản tiền cần thiết mà còn được Nhà nước hỗ trợ duy trì, tìm kiếm việc làm, dự thảo cũng đề xuất mức đóng linh hoạt, những điểm mới về điều kiện hưởng BHTN đối với người lao động.


ThS.NCS. Nguyễn Trần Quang Hạ đã trình bày bài tham luận đầu tiên ở buổi hội thảo

Bàn về Quy định của pháp luật Việt Nam về đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng và Một số góp ý đối với Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ThS.Lê Ngọc Anh, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TPHCM cho biết thực trạng nhiều người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn không có đủ khả năng tài chính để trang trải các chi phí ban đầu như phí dịch vụ, đào tạo, ký quỹ, khiến cơ hội ra nước ngoài làm việc trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, chính sách cho vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài đã ra đời, giúp người lao động tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, vượt qua rào cản tài chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chính sách này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong các quy định tại Luật Việc làm năm 2013. Để tạo điều kiện hỗ trợ hơn cho hoạt động này, Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi với các quy định mới về đối tượng và điều kiện vay vốn, đã mở rộng phạm vi hỗ trợ và ưu tiên cho nhiều nhóm lao động hơn. Đồng thời, các điều kiện vay vốn cũng được quy định rõ ràng, từ yêu cầu ký hợp đồng đến bảo đảm tiền vay, giúp tạo ra một cơ chế vay vốn minh bạch và linh hoạt hơn. Tác giả đã phân tích những điểm mới trong Dự thảo và đưa ra các góp ý nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ vay vốn, đảm bảo tính khả thi và công bằng trong việc tiếp cận vay vốn của NLĐ Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài.

ThS Lê Ngọc Anh trình bày chủ đề “Quy định của pháp luật Việt Nam về đối tượng và điều kiện vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng và Một số góp ý đối với Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”

Ở bài tham luận cuối phiên thảo luận thứ nhất, TS. Hồ Xuân Dũng – Giảng viên Khoa Luật Dân sự Tp. Hồ Chí Minh trình bài bài tham luận với chủ đề “Lao động lớn tuổi – Đối tượng cần được hỗ trợ việc làm trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”. Từ các kinh nghiệm của các tổ chức trên thế giới, tác giả đề xuất ra những đặc điểm nhận dạng người lao động lớn tuổi như độ tuổi, sức khỏe, yếu tố đào tạo và khả năng tham gia thị trường lao động, tác giả cũng định hướng những chính sách hỗ trợ người lao động dựa trên kinh nghiệm của các các quốc gia như Singapore, Pháp, Đức. Đối tượng lao động lớn tuổi chưa từng xuất hiện trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào từ trước đến nay tại Việt Nam từ đó cần có quy định bổ sung chính sách đối với nhóm đối tượng này.  


TS. Hồ Xuân Dũng trình bày bài tham luận trong buổi hội thảo

Kết thúc phần trình bày của các diễn giả tại phiên thảo luận thứ nhất, các khách mời cũng như các chuyên gia đã tham gia cùng thảo luận các bài tham luận trên. Người nước ngoài có thể tham gia đóng BHTN được hay không là vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hiện nay cũng như tại Điều 56, Điều 57 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) còn nhiều bất cập. Một số chuyên gia cũng đề xuất rằng cần có những chính sách ưu đãi đối với những người chưa từng hưởng chế độ chính sách BHTN trước đó và không nên giới hạn thời gian đăng ký BHTN đối với người lao động để tránh sự áp lực đối với người lao động.

Đến phiên thảo luận thứ hai với những bài tham luận chuyên sâu xoay quanh chủ để “Những vấn đề về thị trường lao động và việc làm”.


Chủ trì phiên thảo luận thứ 2 gồm TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng bộ môn Luật lao động; PGS.TS. Trần Việt Dũng– Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng khoa luật Dân sự (từ trái sang phải)

Ở bài tham luận đầu tiên trong phiên thứ hai, ThS. Hồ Thị Thanh Trúc – Trường Đại học Tài chính – Marketing đã trình bày bài tham luận với tên gọi “Góp ý nội dung đăng ký lao động trong dự thảo luật việc làm sửa đổi”, tác giả cho rằng cần phải lược bỏ những thông tin không cần thiết khi đăng ký như thông tin về tôn giáo. Thay vào đó là những thông tin cần thiết, trọng tâm hơn đối với nội dung đăng ký doanh nghiệp.


ThS. Hồ Thị Thanh Trúc trình bày chủ đề “Góp ý nội dung đăng ký lao động trong dự thảo luật việc làm sửa đổi”

Đến với bài tham luận tiếp theo, chủ đề “Một số góp ý đối với quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)” được ThS. Đoàn Công Yên – Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh trình bày. Tác giả có một số góp ý về nội dung thông tin thị trường lao động (LMI), thu thập LMI cần đồng nhất giữa các địa phương trên toàn quốc, công bố phổ biến LMI ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động nên cần lưu ý cũng như bảo mật thông tin người lao động và LMI.


Bài tham luận cuối được ThS. Đoàn Công Yên trình bày mang tên “Một số góp ý đối với quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động trong Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)”

Kết thúc phần trình bày là phần thảo luận góp ý tại phiên hai, các khách mời, chuyên gia đã nêu đưa ra nhiều nội dung trong Dự thảo để trao đổi, như: cần bổ sung chủ thể cung cấp thông tin thị trường lao động là doanh nghiệp; xem xét lại đối với trường hợp hộ nghèo của dân tộc thiểu số được hỗ trợ; xem xét lại điều 60, điều 61, điều 64, điều 66; điều 73; xem xét lại thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để phù hợp với nguyên tắc “đóng – hưởng”; cần bổ sung một số đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp; và nhiều nội dung khác được trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội thảo.

Buổi hội thảo cũng có những đóng góp đến từ các khách mời, chuyên gia

Buổi hội thảo đã diễn ra với những bài tham luận có chiều sâu, đúng trọng tâm và có những đề xuất, đóng góp có giá trị trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Việc làm trong thời gian tới.


Các khách mời, chuyên gia chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà trường

Nội dung: Huyền Diệu

Hình ảnh: Khánh Linh

Ban Truyền thông Ulaw