Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Đất đai"

Sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã bắt đầu bộc lộ nhiều điểm hạn chế và không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhằm tạo ra một diễn đàn pháp lý với mục đích trao đổi về những vấn đề mang tính lý luận, thực tiễn áp dụng, từ đó rút ra các kiến nghị, góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 16/12/2022, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Trường “Góp ý sửa đổi Luật đất đai (sửa đổi)” tại hội trường  A.1002 - cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo được tiến hành dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến

Hội thảo có sự tham dự PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Phạm Văn Võ - Phó Trưởng khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. HCM; TS. Phan Phương Nam Phó Trưởng khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. HCM; ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - nguyên Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền Trưởng khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ; Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai; Bà Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chi cục Trưởng Cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơcùng các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh sự cần thiết và khẳng định những kết quả to lớn mà Luật Đất đai năm 2013 mang lại đã góp phần hình thành thị trường Bất động sản, các khu đô thị văn minh - hiện đại và đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng,... Sau gần 10 năm thực thi, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ tính thiếu thống nhất, vướng mắc đã gây ảnh hưởng đến đời sống và các doanh nghiệp. Chính vì vậy, yêu cầu dứt khoát vào năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai một cách toàn diện, sâu sắc và tiến hành lấy ý kiến nhân dân để góp thêm phần rành mạch, thuyết phục.

PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ là diễn pháp lý hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai

Hội thảo tiếp nhận gần 40 tham luận của tác giả, nhóm tác giả. Từ đó, Ban Chuyên môn đã biên tập, lựa chọn ra 28 bài tham luận chất lượng của các chuyên gia và nhà nghiên cứu thực tiễn dành sự quan tâm cho Hội thảo.

Hội thảo được chia thành hai phiên với sự trình bày của 06 bài tham luận. Mở đầu phiên làm việc đầu tiên bài tham luận “Một số ý kiến về cơ chế điều phối đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” của TS. Phạm Văn Võ - Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. HCM.  Bài viết đưa ra một số góp ý về cơ chế điều phối đất đai dựa trên hai cách: cưỡng bức và tự nguyện. Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; các quy định, điều kiện về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các quy định về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư đã được tác giả trình bày cụ thể.

Tham luận “Một số ý kiến về cơ chế điều phối đất đai trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” do TS. Phạm Văn Võ - Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày

Thông qua tham luận “Góp ý quy định về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra một số phân tích, đánh giá về các nội dung: (i) Khái quát về Dự án nhà ở thương mại; (ii) Pháp luật hiện hành về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại; (iii) Một số điểm của Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại so với Luật Đất đai 2013; (iv) Một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại; cần làm rõ nội hàm của dự án đô thị, đề xuất bỏ quy mô đấu thầu, đấu giá khi đất chưa được giải phóng mặt bằng.

ThS. Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng giám đốc Phúc Khang Corporation, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đưa ra một số đề xuất liên quan đến quy định về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

Với tham luận “Bàn về thời hạn sử dụng đất theo dự thảo Luật Đất đai”, nhóm tác giả gồm ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và LS. Lê Thị Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM tập trung so sánh, phân tích những điểm mới giữa Dự thảo Luật Đất đai và quy định pháp luật đất đai hiện hành liên quan đến thời hạn sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất. Đồng thời, qua việc đánh giá những khó khăn trong thực tế, nhóm tác giả đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện quy định của Dự thảo Luật đất đai như kiến nghị thêm khái niệm “thời hạn sử dụng đất”, giữ nguyên một số quy định pháp luật hiện hành.

Nhóm tác giả ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan và LS. Lê Thị Minh Châu trao đổi tại Hội thảo về thời hạn sử dụng đất theo dự thảo Luật Đất đai

Ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến về thời hạn sử dụng đất, góp vốn, góp quyền và giá trị sử dụng, cách sử dụng đất

Bà Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chi cục Trưởng Cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ tham gia trao đổi tại Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến

PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM đặt ra một số vấn đề gia hạn của đất nông nghiệp

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Nguyên Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật trao đổi một số nội dung xoay quanh các quy định về đất tôn giáo, đất tín ngưỡng

Bàn về vấn đề “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai”, TS. Lưu Quốc Thái - Giảng viên khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM đã làm rõ những đặc trưng trong nội hàm của tranh chấp đất đai, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần xác định rõ tranh chấp đất đai là tranh chấp quyền sử dụng đất. Thông qua đó, TS. Thái đã đưa ra một số kiến nghị, sửa đổi những điều khoản trong quy định về hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cụ thể nên hạn chế đối tượng tham gia và rút ngắn thời gian hòa giải.

TS. Lưu Quốc Thái - GV khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP.HCM nêu ra vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai

Cũng tại phiên tham luận thứ hai, PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày tham luận về “Kinh nghiệm về chuyển dịch đất bắt buộc của một số quốc gia và những gợi ý về sửa đổi Luật Đất đai Việt Nam”. Thông qua việc tham khảo kinh nghiệm về vấn đề đất đai ở một số quốc gia, bài viết đã có sự chọn lọc những điểm tiến bộ có khả năng “cấy ghép” vào hệ thống pháp luật đất đai Việt Nam; đồng thời kiến nghị sửa đổi về việc thu hồi đất và nâng cao nhận thức, tầm nhìn để xây dựng các quy phạm pháp luật trước yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai.

PGS.TS.GVCC. Phan Trung Hiền - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ tham dự Hội thảo bằng phương thức trực tuyến

CCV. Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền đưa ý kiến với các bài tham luận đã được trình bày

Thông qua những trao đổi hết sức thẳng thắn và cởi mở, buổi Hội thảo đã thu nhận nhiều ý kiến có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn hướng đến hoàn thiện bản dự thảo. Với kỳ vọng sẽ khắc phục, tháo gỡ những nút thắt chồng chéo, chưa thống nhất của các quy định của Luật Đất đai, kết quả Hội thảo sẽ được gởi đến các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM và một số Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh.

Các khách mời tham gia chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Mai Chi

Hình ảnh: Quang Huy

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top