Nhằm mục đích ghi nhận ý kiến khoa học của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực đầu tư quốc tế cho Đề cương Giáo trình Luật Đầu tư quốc tế của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, vào chiều ngày 24/9/2024, tại phòng A.803 cơ sở Nguyễn Tất Thành đã diễn ra Tọa đàm góp ý xây dựng Đề cương Giáo trình Luật đầu tư quốc tế.
Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia được mời đóng góp ý kiến: PGS.TS. Nguyễn Bá Bình - Trưởng khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế ĐH Luật Hà Nội; TS. Nguyễn Quốc Vinh - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).
Về phía ban biên soạn giáo trình có sự tham gia của: PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ pháp lý (Đồng chủ biên) và các thành viên biên soạn.
Buổi tọa đàm hướng đến việc nâng cao đề cương giáo trình bằng cách tập trung vào các ý kiến đóng góp, giúp tối ưu hóa nội dung và phù hợp với nhu cầu đào tạo thực tế
Mở đầu buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ pháp lý đã trình bày chi tiết quá trình hình thành và cơ sở xây dựng đề cương giáo trình Luật Đầu tư Quốc tế. PGS.TS. Trần Thăng Long nhấn mạnh rằng giáo trình này đã được hiệu chỉnh để phù hợp với thực tiễn giảng dạy, đồng thời vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức với tính phân hóa rõ rệt. Song song đó, giáo trình được thiết kế dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng và các nội dung mang tính ứng dụng cao với những vấn đề nền tảng và bám sát các nguyên tắc cơ bản của lĩnh vực. Ngoài ra, PGS.TS. Trần Thăng Long cũng đã nêu rõ tổng quan nội dung của từng chương, đồng thời giải thích bố cục và các mục tiêu mà đề cương hướng tới. Bên cạnh việc cung cấp các kiến thức nền tảng và các nguyên tắc cơ bản, đề cương còn lồng ghép các vấn đề thời sự và các xu hướng hiện đại.
PGS.TS. Trần Thăng Long trình bày cơ sở hình thành và cấu trúc của đề cương
Tiếp tục buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình - Trưởng khoa Pháp luật Thương mại Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội đã có những nhận xét tích cực cho đề cương. Cụ thể, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình cho rằng đề cương có cấu trúc hợp lý và phù hợp với chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật TP.HCM cũng như tạo được sự cân đối giữa nội dung lý thuyết và bài tập thực hành. Những góp ý của PGS.TS. Nguyễn Bá Bình không chỉ tập trung vào việc cải thiện tính rõ ràng và chính xác của các thuật ngữ chuyên ngành, mà còn chú trọng đến tính ứng dụng trong bối cảnh pháp lý Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Bá Bình cho rằng một trong những yếu tố cơ bản nhất khi xây dựng đề cương là phải bám sát chương trình đào tạo của trường
Cũng tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Vinh - Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá cao sự đa dạng và phong phú trong cách trình bày của đề cương. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Vinh nhấn mạnh rằng việc tham khảo thêm các tình huống pháp lý thực tế nhằm làm rõ cách thức các giao dịch quốc tế đang được thực hiện trong bối cảnh pháp lý và kinh tế của Việt Nam sẽ làm tăng chiều sâu về mặt nội dung. Điều này không chỉ giúp sinh viên nắm vững lý thuyết mà còn trang bị cho họ một cái nhìn toàn diện về việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
TS. Nguyễn Quốc Vinh cho rằng sự có mặt của các nội dung liên hệ từ thực tiễn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên
Buổi tọa đàm mang lại giá trị thiết thực trong việc thảo luận và hoàn thiện đề cương giáo trình, góp phần đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Luật TP.HCM.
Buổi tọa đàm đã khép lại với sự nhất trí cao từ phía các chuyên gia về tính khả thi và giá trị thực tiễn của Đề cương Giáo trình Luật Đầu tư Quốc tế. Những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia không chỉ giúp tối ưu hóa cấu trúc và nội dung của giáo trình, mà còn mở ra các hướng tiếp cận mới nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo chuyên sâu trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Nội dung: Anh Thy
Hình ảnh: Mai Khánh
Ban Truyền thông Ulaw