Nhằm tạo diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận về các vấn đề xoay quanh tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó biến đối khí hậu tại Việt Nam hiện nay, vào lúc 8h00 ngày 15/12/2021, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra” với sự kết hợp giữa hình thức trực tiếp tại Hội trường A1002 và trực tuyến qua phần mềm Zoom, cũng như phát sóng trực tiếp trên các nền tảng xã hội.
Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra” được tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị – Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; TS.GVC. Nguyễn Văn Phương - Trưởng Bộ môn Luật Môi trường, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội; TS. Chu Thị Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với khách mời là các chuyên gia, quản lý thực tiễn một số địa phương và các giảng viên, học viên đến từ các cơ sở đào tạo luật trên cả nước.
Về phía Nhà trường, có sự tham gia của TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế; PGS.TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại; TS. Phan Phương Nam – Phó trưởng khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Nguyễn Văn Vân - Nguyên Trưởng Khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Phan Huy Hồng – Nguyên Phó trưởng khoa Luật Thương mại; TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi Trường, Khoa Luật Thương mại; TS. Phan Thị Thành Dương – Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng; TS. Nguyễn Thị Thư – Phó phụ trách Bộ môn Luật Thương mại cùng các giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Thị Thúy Hương đã giới thiệu khái quát về các diễn biến của biến đổi khí hậu ở thế giới và Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động nhằm cải thiện vấn đề này, tuy nhiên vẫn còn gặp phải một số trở ngại nhất định. Hội thảo là một diễn đàn để các học giả, nhà nghiên cứu và chuyên gia chia sẻ, trao đổi về các chính sách, quy định pháp luật trong nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu tăng cường hiệu quả trong công tác tại Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với cam kết quốc tế và xu hướng chung của thế giới về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hiện nay.
TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo
Mở đầu phiên thứ nhất, TS. Phạm Văn Võ – Phó Trưởng Khoa Luật Thương Mại, Trường Đại học Luật TP.HCM đã đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam. Đồng thời, TS. Phạm Văn Võ cũng đặc biệt chú trọng việc xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng nhằm khắc phục những thiếu sót trong công tác thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của khí hậu biến đổi trong bối cảnh các quy định về thích ứng khí hậu biến đổi tại Việt Nam còn thiếu tính hệ thống, chưa rõ ràng và hạn chế áp dụng vào thực tế.
Các khách mời lắng nghe phần trình bày của TS. Phạm Văn Võ về tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam trên khía cạnh pháp lý
Trong bài tham luận của mình, TS. Chu Thị Thanh Hương - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày về hiện trạng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải và đề ra các biện pháp giảm nhẹ vấn đề này. Theo đó, Việt Nam đã có những nỗ lực trong lĩnh vực quản lý chất thải bằng việc xây dựng và ban hành các văn bản chính sách liên quan theo cấp quốc gia, ngành và địa phương. TS. Chu Thị Thanh Hương cho rằng các giải pháp cần phải phù hợp với chính sách quốc gia, có tiềm năng giảm thải khí nhà kính và đảm bảo được tiêu chí cân bằng lợi ích.
PGS.TS. Nguyễn Văn Vân đưa ra nhận xét và góp ý về một số nội dung của các bài tham luận tại Hội thảo
Kết thúc phiên thứ nhất, TS.GVC. Nguyễn Văn Phương - Trưởng Bộ môn Luật Môi trường, Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội đã giới thiệu vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và nhấn mạnh việc nghiên cứu, đánh giá các quy định về kinh tế tuần hoàn trong mối quan hệ với việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là việc làm cần thiết và có ý nghĩa để lồng ghép hiệu quả hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong tiến trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nhằm đạt được cả hai mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Bài tham luận của TS.GVC. Nguyễn Văn Phương tập trung vào vấn đề giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn
Đến với phiên tham luận thứ hai, TS. Võ Trung Tín - Trưởng Bộ môn Luật Đất đai - Môi Trường Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TP.HCM đã mang đến cho Hội thảo một cái nhìn tổng quan về cơ sở hình thành những quy định về thị trường carbon tại Việt Nam theo Luật Môi trường và những thách thức trong việc triển khai thị trường carbon tại Việt Nam dưới góc độ pháp lý qua bài tham luận về quy định pháp luật môi trường về thị trường carbon và những thách thức khi triển khai tại Việt Nam.
TS. Võ Trung Tín đã có phần trình bày ấn tượng với bài tham luận “Quy định pháp luật môi trường về thị trường carbon và những thách thức khi triển khai tại Việt Nam”
Bên cạnh đó, bài tham luận của ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền – Giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TP.HCM đã đề cập đến vai trò và các quy định của thuế carbon tại nước ta hiện nay. Cụ thể, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá việc áp dụng thuế carbon ở nước ta là phù hợp, có tính khả thi và cần thiết nhằm khắc phục hạn chế của công cụ thị trường carbon và bổ sung thêm cho thuế bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền đặc biệt quan tâm về thuế carbon và việc xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực mới mẻ này
Ngoài ra, bài tham luận của TS. Đào Gia Phúc - Viện trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đã thu hút được sự quan tâm tại cuối phiên Hội thảo. Qua đó, tham luận lần lượt đề cập đến các vấn đề như: Chính sách chống biến đổi khí hậu và hiện tượng rò rỉ khí carbon; Biện pháp kiểm soát carbon tại biên giới và các thách thức đặt ra cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tất cả nội dung tại từng vấn đề đều được TS. Đào Gia Phúc phân tích kỹ càng với những liên hệ tình hình thực tế tại Việt Nam và cả nước ngoài.
TS. Đào Gia Phúc với bài tham luận “Các biện pháp kiểm soát carbon tại biên giới: Những thách thức đặt ra đối với các quốc gia đang phát triển và Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm của Hội thảo
Sau mỗi bài tham luận, Hội đồng chủ tọa tiến hành tường thuật vắn tắt nội dung mà các diễn giả đã trình bày, cũng như gợi mở một số vấn đề cần thảo luận chuyên sâu nhằm mở rộng vấn đề trong các bài tham luận. Do đó, cả 02 phiên tham luận đều diễn ra hết sức sôi nổi với những ý kiến đóng góp từ các khách mời và các giảng viên, học viên của các khoa.
Các khách mời tham dự Hội thảo tích cực đóng góp ý kiến và thảo luận vô cùng sôi nổi về các vấn đề trong các bài tham luận
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Vân đã tổng kết lại các kết quả đạt được sau hơn 04 giờ làm việc đầy hiệu quả, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến khách mời đã dành thời gian tham dự và Ban tổ chức chương trình vì những đóng góp trong công tác tổ chức Hội thảo. Những nội dung, giải pháp về nhiều khía cạnh trong vấn đề biến đổi khí hậu được thảo luận tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu và những vấn đề pháp lý đặt ra” sẽ là nguồn tư liệu quý giá trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật trong nước về ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Ngoài ra, Ban tổ chức Hội thảo sẽ chọn lọc một số kiến nghị để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền trong việc góp ý các nội dung liên quan đến chủ đề hội thảo.
Tất cả khách mời tham gia Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Nội dung: Thanh Thảo, Phương Thảo
Hình ảnh: Thùy Linh, Ngọc Thắng, Hồng Ngọc
Ban Truyền thông Ulaw