Trường Đại học Luật Tp.HCM tổ chức hội thảo "Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học"

Với mong muốn đóng góp những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận, nâng cao hiệu quả tổ chức thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trên thực tiễn trước bối cảnh tự chủ đại học, vào ngày 30/11/2023, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học” tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Toàn cảnh Hội thảo “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học” do Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức

Tham dự buổi Hội thảo, về phía đại biểu, khách mời có TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Lê Văn Vương - Trưởng Phòng Nghiệp vụ I, Thanh tra Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Thanh tra Bộ GD&ĐT; TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Ngô Văn Khương – Phó Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ; Ông Lê Minh Nghĩa - Phó Trưởng cơ quan đại diện phía Nam, Báo Thanh tra; PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM; TS. Nguyễn Hoa Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội; TS. Hồ Viễn Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM; PGS.TS. Lê Minh Hùng - Trưởng khoa Luật Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; Bà Lê Minh Loan - Phó Chánh án Toà án nhân dân quận Gò Vấp; ThS. Trần Quốc Liêm - Phó Trưởng Học viện Tư pháp cơ sở TP.HCM và các Trưởng phòng, chuyên viên Phòng Thanh tra, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng thanh tra, Phòng Thanh tra giáo dục, đại diện cơ quan báo chí và giảng viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục trên cả nước.

Về phía trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Thùy Dương- Phó Tổng Biên tập Tạp chí KHPLVN, TS. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng Phòng Quản lý NCKH & HTQT; TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Luật Hành chính, Ths. Lê Văn Hiển- Phó trưởng phòng Phụ trách phòng Đào tạo, Ths.  Đặng Văn Thống- Giám đốc Trung tâm Học Liệu, Ths. Phan Lê Hoàng Toàn- Trưởng phòng Khảo thí, Ths. Trịnh Anh Nguyên- Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn, ThS. Đào Quốc Hùng- Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Ths. Nguyễn Tú Anh- P.Trưởng phòng phụ trách phòng Thanh tra các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học đang diễn ra sâu rộng tại Việt Nam, bên cạnh những cơ hội, các cơ sở giáo dục đại học cũng đối mặt với không ít thách thức, trong đó có khó khăn về công tác tổ chức thanh tra. Công tác thanh tra đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của Nhà trường. Nhận thấy được khó khăn và tầm quan trọng nêu trên, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã khẳng định địa vị pháp lý của thanh tra nội bộ tại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như trách nhiệm của Thủ trưởng, đồng thời hướng dẫn việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động này. Qua đó, buổi hội thảo sẽ là cơ hội để trao đổi, nâng cao hiệu quả áp dụng, triển khai các quy định liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra và các hoạt động liên quan khác tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

 

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh cơ chế tự chủ của các cơ sở đại học đã được Quốc hội xác định từ năm 2012 về công tác tổ chức nhân sự, kiểm định chất lượng, tài chính,…Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đặt nền móng cơ bản về cơ chế tự chủ giáo dục và tăng cường vai trò của đội ngũ thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Luật TP.HCM là cơ sở giáo dục tiên phong, đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học chuyên sâu về vấn đề này. Với mong muốn những ý kiến đóng góp, định hướng sửa đổi được bàn luận trong hội thảo sẽ được tiếp thu và điều chỉnh phù hợp trong tương lai, TS. Nguyễn Đức Cường kỳ vọng các diễn giả, nhà khoa học, hoạt động thực tiễn tham dự Hội thảo sẽ thẳng thắn, trung thực chỉ ra những bất cập còn tồn đọng đối với các chế định, thực tiễn tổ chức thanh tra nội bộ.

 

TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Ngô Văn Khương – Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ, phiên làm việc đầu tiên với 02 bài tham luận đã tập trung phân tích về cơ sở lý luận, hệ thống các quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập.

 

Phiên làm việc đầu tiên được chủ trì bởi (từ trái sang): PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Đức Cường – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Ngô Văn Khương – Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ

Mở đầu là bài tham luận “Tiếp cận chung về thanh tra, kiểm tra nội bộ và cơ sở pháp lý trong Luật Thanh tra 2022” do TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày. Bài tham luận đã khái quát về khung pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành về kiểm tra, thanh tra nội bộ, đồng thời, tác giả nhấn mạnh sự khác biệt giữa khái niệm thanh tra và kiểm tra để tránh sự nhầm lẫn thường gặp. TS. Trần Văn Long cũng đề cập đến vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

 

Bài tham luận “Tiếp cận chung về thanh tra, kiểm tra nội bộ và cơ sở pháp lý trong Luật Thanh tra 2022” do TS. Trần Văn Long - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ trình bày

Bài tham luận thứ hai với chủ đề “Nội dung và phạm vi hoạt động của thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập” của ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước phân tích 2 vấn đề chính: (i) Nội dung, phạm vi hoạt động của thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định hiện hành; (ii) Một số vấn đề đặt ra. Cụ thể, tác giả chỉ ra những vấn đề cần phải giải quyết về việc phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra; vai trò, trách nhiệm của tổ chức thanh tra nội bộ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; phân biệt thanh tra nội bộ với công tác pháp chế.

 

ThS. NCS. Nguyễn Văn Trí - Phó Trưởng Khoa Luật Hành chính - Nhà nước trình bày tham luận “Nội dung và phạm vi hoạt động của thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập”

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nêu quan điểm về việc áp dụng công nghệ trong mô hình tổ chức thanh tra nội bộ

 

TS. Ngô Văn Khương – Thanh tra viên cao cấp, Phó Cục trưởng Cục III, Thanh tra Chính phủ làm rõ các vấn đề trong tham luận do các tác giả trình bày

Đến với phiên làm việc thứ hai, với sự chủ trì của TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Lê Việt Sơn – Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, các vấn đề về thực tiễn áp dụng quy định tổ chức thanh tra nội bộ được tập trung bàn luận thông qua 4 bài tham luận của các tác giả.

 

Các đồng chủ trì phiên làm việc thứ hai (từ trái sang): TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Trần Văn Long – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ; TS. Lê Việt Sơn – Phó Trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước

Bài tham luận tiếp theo về “Hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học và quy định pháp luật mới về thanh tra” của TS. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã trình bày về cơ sở pháp lý của hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học với các nội dung tự chủ gồm (i) các quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn; (ii) tổ chức bộ máy và nhân sự; (iii) tài chính và tài sản. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu thực trạng các mô hình tổ chức thanh tra nội bộ của hơn 200 cơ sở giáo dục đại học không đồng nhất, thực hiện không đầy đủ các nội dung; công tác đào tạo nghiệp vụ cho người thực hiện thanh tra chưa bài bản; chức năng, nhiệm vụ các phòng chồng chéo,...Từ đó, tác giả phân tích nguyên nhân, đề ra những giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học và quy định pháp luật mới về thanh tra.

 

Bài tham luận “Hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học và quy định pháp luật mới về thanh tra” của tác giả TS. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng Nghiệp vụ II, Thanh tra Bộ GD&ĐT

Đối với bài tham luận “Phương hướng đổi mới, giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học” của ThS. NCS. Nguyễn Tú Anh - Phó Trưởng Phòng Thanh tra Nhà trường,  tác giả đã đưa ra  phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nội tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học theo đó việc xác định mô hình phù hợp cho tổ chức thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đào tạo là rất quan trọng bởi đó chính là tiền đề xác quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động thanh tra tại các đơn vị.. Đồng thời, ThS. NCS. Nguyễn Tú Anh đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học công lập nhằm đáp ứng yêu cầu tự chủ đại học, trong đó bao gồm nhóm giải pháp hoàn thiện hành lang  pháp lý ở ba cấp độ và nhóm giải pháp tác nghiệp cụ thể.

 

Bài tham luận “Phương hướng đổi mới, giải pháp hoàn thiện tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học” được trình bày bởi ThS. NCS. Nguyễn Tú Anh - Phó Trưởng Phụ trách Phòng Thanh tra Nhà trường

Nối tiếp chương trình là bài tham luận “Thực trạng hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị” của ThS. Võ Tấn Đào - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước của trường Đại học Luật TP.HCM. Tác giả tiến hành khái quát về thực trạng tổ chức hoạt động thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học, theo đó, hoạt động này chủ yếu dựa trên quy chế nội bộ, chưa có quy định về hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với đặc thù ngành giáo dục và các bất cập khác. Từ đó, tác giả kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành văn bản theo hướng quy định rõ về tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học; quy trình tổ chức phù hợp với lĩnh vực giáo dục; cơ sở giáo dục cần có cơ chế tuyển dụng người vào làm công tác thanh tra tại đơn vị mình, tích cực quán triệt nhận thức đúng đắn về hoạt động thanh tra nội bộ,...

 

ThS. Võ Tấn Đào - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước trình bày bài tham luận với chủ đề “Thực trạng hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị”

Bài tham luận cuối cùng với chủ đề “Thanh tra nội bộ với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập” do TS. Lê Việt Sơn - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước trình bày đã phân tích một số đặc thù, cơ sở lý luận và pháp lý của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, từ đó dẫn đến những thuận lợi và thách thức, bất cập của quy định pháp luật và giải pháp cải thiện công tác tổ chức các hoạt động nêu trên.

 

 Bài tham luận “Thanh tra nội bộ với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ sở giáo dục đại học công lập” do TS. Lê Việt Sơn - Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước trình bày

 

TS. Lâm Thị Kim Liên - Trưởng phòng Thanh tra, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM phát biểu trao đổi tại Hội thảo

 

TS. Nguyễn Hoa Tâm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội chia sẻ về khó khăn, kinh nghiệm thực tiễn tổ chức thanh tra nội bộ

 

 TS. Lê Văn Vương - Trưởng Phòng Nghiệp vụ I, Thanh tra Bộ GD&ĐT đề xuất giải pháp đối với mô hình hoạt động thanh tra nội bộ

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh vai trò quan trọng và tính cấp thiết của công tác thanh tra nội bộ đối với sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học. PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm tiến hành tổng kết, làm rõ lại các vấn đề lý luận và pháp lý, những bất cập trong thực tiễn và các kiến nghị đối với công tác tổ chức, đặc biệt đề xuất Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Thông tư mới hướng dẫn chi tiết, phù hợp các vấn đề dựa trên những hạn chế, cơ sở lý luận, gợi mở mà các tác giả, khách mời tham dự đã thẳng thắn chia sẻ trong buổi Hội thảo.  Với số lượng 20 bài viết được lựa chọn đưa và kỷ nhiều cùng nhiều bài viết khác, sự tham dự với số lượng đại biểu đến từ nhiều các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước và với chất lượng đóng góp ý kiến tại Hộ thảo, chất lượng của đoàn chủ tọa hai phiên, PGS.TS.Vũ Văn Nhiêm đã khẳng định hội thảo đã thành công tốt đẹp và đây là hội thảo đầy ý nghĩa tích cực gợi mở những cuộc hội thảo tiếp theo về chuyên đề thanh tra nội bộ đang được ngành giáo dục rất quan tâm đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học sâu rộng như hiện nay.

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu bế mạc Hội thảo

 

Lánh đạo Thanh tra Bộ giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Nhà trường , các đại biểu, khách mời và giảng viên cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học và  sinh viên tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Nội dung: Đình Quý, Thuỳ Vân

Hình ảnh: Khánh Linh, Thanh Hoàng

Ban Truyền thông Ulaw