Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp Trường "Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)"

Ngày 16/11/2023, tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, luật sư, luật gia, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực BHXH, các doanh nghiệp, cơ quan xét xử và những người làm thực tiễn ở khu vực phía Nam có thể trao đổi, chia sẻ và đưa ra các góp ý, đề xuất nhằm hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).   

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học cấp Trường “Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” tại hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành

Buổi Hội thảo đón nhận sự tham gia của các khách mời: Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội; Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, Cơ quan BHXH Việt Nam; Ông Phạm Đình Cúc - Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM; Ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc, BHXH TP.HCM; Bà Nguyễn Thị Minh Hoà - Giám đốc, BHXH TP.Thủ Đức;  Bà Trần Thị Út - Giám đốc BHXH Quận 12; Bà Đoàn Thị Mỹ Hiệp - Giám đốc BHXH Huyện Hóc Môn; Bà Nguyễn Thị Hồng Thảo - Giám đốc BHXH Quận 3; Bà Trần Thị Ngọc Dung - Giám đốc BHXH Quận 4; Bà Đỗ Thị Thu - Giám đốc BHXH Quận 6; Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc BHXH Quận 10; Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM; Ông Trần Ngọc Văn - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Bình Dương; Ông Nguyễn Tất Năm - Nguyên Trưởng phòng Tiền lương, Sở LĐTBXH TP.HCM; Ông Phan Văn Cảnh - Thẩm phán TAND Quận 1; Thẩm phán Phạm Thị Thanh Trúc – Thẩm phán Tòa Lao động – Tòa án nhân dân TP. HCM;, Thẩm phán Lê Thị Đào – Tòa án nhân dân Quận Bình Thạnh; đại diện đến từ Hội Luật gia Quận Gò Vấp; Hội luật gia Quận 12; các doanh doanh; chi cục Thuế Quận 3; cùng với các chuyên gia, nhà làm việc thực tiễn, các giảng viên đến từ các cơ sở đào tạo Luật địa bàn TP.HCM .

Về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của: PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường; TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS.GVC. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế; TS. Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Vĩnh Châu - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS.GVC. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật Lao động của Khoa Luật Dân sự cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên quan tâm đến Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh an sinh xã hội được xem là một trong những cấu thành quan trọng để mọi quốc gia phát triển việc làm bền vững. Đại diện Ban Lãnh đạo Nhà trường chia sẻ: “Qua hơn bảy năm thi hành đến nay, một số quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên phải tiến hành nội luật hóa các văn bản pháp luật lao động cho phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế”. PGS. TS. Vũ Văn Nhiêm hy vọng thông qua hội thảo cùng thảo luận và đưa ra một số kiến nghị giúp Ban soạn thảo hoàn thiện hơn các quy định trong Dự thảo luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Luật TP.HCM đã lựa chọn chủ đề mang tính thời sự đang nhận được nhiều sự quan tâm trong các kỳ họp Quốc hội. Theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW đã được ban hành, hệ thống bảo hiểm xã hội cần phải xây dựng để có thể phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân với hàm ý mọi người dân trong độ tuổi lao động đều được tham gia và khi đến tuổi về hưu sẽ được đảm bảo an sinh xã hội. Cũng từ đó, Việt Nam cần có những chính sách sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng được về vấn đề an sinh xã hội đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phù hợp với các hiệp định, tổ chức mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập làm thành viên.  

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội phát biểu tại Hội thảo

Từ trái sang phải: Bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, Cơ quan BHXH Việt Nam; PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường và TS. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế đồng chủ trì phiên hội thảo đầu tiên

Hội thảo đã tiếp nhận nhiều tham luận đến từ các tác giả và nhóm tác giả với các đề tài đa dạng, phong phú xoay quanh chủ đề Hội thảo. Từ đó, Ban Chuyên môn đã thẩm định, biên tập và lựa chọn ra 04 bài tham luận trình bày tại hai phiên của buổi Hội thảo.

Mở đầu phiên làm việc, TS.GVC. Nguyễn Thị Bích với tham luận: “Kinh nghiệm pháp luật quốc tế và một số quốc gia về chính sách bảo hiểm xã hội một lần - đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho Việt Nam”. Theo tác giả, tình hình thực thi Luật bảo hiểm xã hội hiện hành năm 2014 cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần và không quay lại hệ thống còn tương đối cao. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề suất một số góp ý hoàn thiện dự thảo luật bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội một lần như tham khảo kinh nghiệm của Đức trong việc hạn chế quyền lợi NLĐ khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tham khảo Singapore trong việc bổ sung các chính sách giải quyết vấn đề tối thiểu trước mắt cho NLĐ khi không có việc làm; giảm điều kiện về tuổi hưởng hưu trí xã hội để tăng phạm vi tiếp cận của người lao động với chính sách này; tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của toàn dân về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước…..

TS.GVC. Nguyễn Thị Bích với tham luận về “Kinh nghiệm pháp luật quốc tế và một số quốc gia về chính sách bảo hiểm xã hội một lần - đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho Việt Nam”

Tham luận “Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nông dân theo pháp luật một số quốc gia - gọi mở cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải và CN. Trần Bảo Khanh - Công ty Cổ phần Tư vấn Sài Gòn Group đã tập trung đến lao động tại nông thôn, khi số lượng lao động tại nông thôn vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn nhưng tỷ lệ tham gia BHXH vẫn còn hạn chế. Thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay đã đạt thành tích tăng trưởng tốt nhưng tỷ lệ lao động không có hợp đồng lao động và không được hưởng BHXH đầy đủ vẫn còn tương đối cao. Công việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn có tính nguy hiểm, những người nông dân phải đối mặt với rủi ro sức khỏe, tuy nhiên lại thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như các chế độ BHXH. Trong bài tham luận này, nhóm tác giả đã tiến hành so sánh các chính sách BHXH cho người nông dân tại Ba Lan và Pháp để so sánh với các chính sách BHXH tại Việt Nam, từ đó nêu ra một số góp ý cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng này.

 

ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải đề xuất các chính sách Bảo hiểm xã hội cho nông dân và những người lao động không có hợp đồng lao động chính thức

Hội thảo tiếp tục với phiên thứ hai dưới sự điều hành của TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa Luật Dân sự; Ông Trần Hải Nam -  Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và xã hội và TS.GVC. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Luật Lao động (từ trái sang phải)

Đến với phiên làm việc thứ hai, các bài tham luận, nghiên cứu đã tập trung đưa ra một số vấn đề về những điểm còn bất cập, hạn chế, từ đó, đưa ra kiến nghị, đề xuất các điểm cần sửa đổi, bổ sung cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dưới nhiều góc độ như sau:

- “Một số góp ý cho Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về trợ cấp hưu trí xã hội” của TS.GVC. Lê Thị Thuý Hương - Trưởng Phòng Quản lý Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác quốc tế đã nêu rõ điểm đặc biệt của trợ cấp hưu trí xã hội là nhằm cung cấp khoản trợ giúp cho những người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và nguồn tài chính thực hiện việc trợ cấp không phải từ sự đóng góp của các bên tham gia BHXH mà là từ ngân sách Nhà nước.

- “Bổ sung cơ chế xử lý trốn đóng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - Giải pháp đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội” của nhóm tác giả ThS. Ngô Khánh Tùng - Giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM và ThS. Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Trưởng Phòng Pháp lý, Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha đã phân tích những điểm mới của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) về cơ chế xử lý hành vi trốn đóng BHXH dưới góc nhìn so sánh với Luật BHXH 2014. Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra một số nhận xét về tính hợp lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, góp phần vào việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ và thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật về BHXH.

 

Nhóm tác giả ThS. Ngô Khánh Tùng và ThS. Nguyễn Thị Thu Sương mang đến Hội thảo bài tham luận “Bổ sung cơ chế xử lý trốn đóng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - Giải pháp đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội”

Các quý đại biểu tham dự tích cực đưa ra các ý kiến nhằm đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trở nên phù hợp và hoàn thiện

 

Các quý đại biểu tham dự tích cực đưa ra các ý kiến nhằm đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trở nên phù hợp và hoàn thiện

 

Các quý đại biểu tham dự tích cực đưa ra các ý kiến nhằm đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trở nên phù hợp và hoàn thiện

Các quy định về Bảo hiểm xã hội là một trong những nội dung trọng tâm được quan tâm sửa đổi trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).  Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm phương án tối ưu tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Luật BHXH được sửa đổi là một kỳ vọng lớn, bước đột phá mới có nhiều giải pháp nhằm thực hiện được lộ trình cải cách, biến BHXH trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc, toàn diện và bao phủ toàn dân. Thông qua hội thảo, các ý kiến góp ý, đề xuất của các diễn giả, khách mời tham dự Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, được gửi đến các đoàn Đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo, tham vấn trong quá trình hoàn thiện nội dung của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

                           

Hội thảo đã tạo diễn đàn pháp lý tiếp thu nhiều ý kiến mang tính xây dựng và kiến tạo nhằm hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn

Nội dung: Mai Chi, Thục Quyên

Hình ảnh: Thanh Hoàng, Hứa Thảo

Ban Truyền thông Ulaw

 

 

--%>
Top