Trường Đại Học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”

Công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp là một trong những yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch trong nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và chuyển đổi số mạnh mẽ. Xác thực thông tin doanh nghiệp trở thành một nhu cầu quan trong trong việc hỗ trợ các chủ thể thực hiện giao dịch trên thị trường. Với mục đích tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà thực hành pháp luật trao đổi các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động xác thực thông tin doanh nghiệp và vai trò của các tổ chức có thẩm quyền công chứng, chứng thực ở Việt Nam và một số quốc gia, từ đó đề xuất những luận cứ khoa học và các kiến nghị phù hợp góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Sáng ngày 11/04/2024, tại hội trường A.1002 - cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội công chứng viên TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia”.

Hội thảo đón nhận sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật như thẩm phán, công chứng viên, luật sư và nhiều chuyên gia giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo pháp luật cùng học viên, sinh viên nhà trường

Về phía đại diện trường Đại học Luật TP. HCM có GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại; TS. Phan Phương Nam - Phó trưởng Khoa Luật thương mại; TS. Phan Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế.

Về phía đại biểu đến từ các cơ quan Nhà nước có Bà Trần Kim Yến - Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên BTV Thành uỷ TP. HCM, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra thành uỷ; bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; ông Nguyễn Thành Băng - Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp TP. HCM; bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương; ông Bùi Xuân Thống - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; ông Đỗ Huy Khánh - Đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Phó GĐ sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai.

Về phía các đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, công chứng viên và luật sư có bà Nguyễn Thị Thuỳ Dung - Phó Chánh án Toà án Nhân dân TP. HCM, CCV. Nguyễn Trí Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; bà Ngô Minh Hồng - Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. HCM; TS. CVV. Ninh Thị Hiền - Trưởng VPCC Ninh Thị Hiền; TS. LS Hà Hải - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM; bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM và các đại biểu đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng, công chứng viên và luật sư khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM mong muốn hội thảo có thể thảo luận các cơ sở khoa học và thực tiễn của việccần thiết xác minh thông tin doanh nghiệp, vai trò của cơ quan công chứng trong hoạt động này để có thể cân bằng lợi ích của các chủ thể liên quan, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo

Buổi hội thảo được chia thành 02 phiên với 05 bài tham luận chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến xác định thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia. Đồng thời, các đại biểu tham gia hội thảo đã tiến hành thảo luận sau mỗi phiên nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn và  nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xác thực thông tin doanh nghiệp.

Phiên làm việc đầu tiên về “Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia” được điều phối dưới sự chủ trì của GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM; CCV. Nguyễn Trí Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM.

Chủ tọa chủ trì phiên thứ nhất (từ trái sang): Bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM; GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM; CCV. Nguyễn Trí Hoà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam

Đến với bài tham luận của PGS. TS. Nguyễn Văn Vân với chủ đề “Thông tin doanh nghiệp và xác thực thông tin doanh nghiệp”. PGS. TS. Nguyễn Văn Vân - Trường Đại học Luật TP. HCM đã xác định và phân tích các đặc trưng pháp lý theo từng nhóm thông tin về doanh nghiệp, nhấn mạnh đến nội dung thông tin, hiệu lực và đánh giá mức độ tin cậy của thông tin do doanh nghiệp cung cấp dựa trên các văn bản pháp lý như hợp đồng, biên bản, nghị quyết, quyết định,... Hơn nữa, để phục vụ cho việc phân tích bản chất pháp lý và nhu cầu xác thực thông tin, bài tham luận đã tạm chia các loại thông tin doanh nghiệp thành các nhóm: (i) thông tin do cơ quan quản lý nhà nước cung cấp/ công nhận/ xác thực; (ii) thông tin do doanh nghiệp trực tiếp công bố cho công chúng theo quy định pháp luật hoặc theo các hình thức khác. Qua việc phân tích bản chất pháp lý thông tin doanh nghiệp, tác giả đã đề ra các giải pháp nhằm tăng mức độ tin cậy của thông tin và hạn chế rủi ro trong việc sử dụng thông tin doanh nghiệp. 

PGS. TS. Nguyễn Văn Vân - Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày tham luận “Thông tin doanh nghiệp và xác thực thông tin doanh nghiệp

Trong phiên làm việc đầu tiên, TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TP. HCM đã trình bày tham luận với chủ đề “Cơ chế đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp thông qua hoạt động công chứng - Kinh nghiệm của một số quốc gia Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam”. Bài tham luận phân tích kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia Châu Âu (Ba Lan và Đức) trong việc quy định bắt buộc công chứng đối với tài liệu, hồ sơ pháp lý doanh nghiệp nhằm xác minh tính hợp pháp, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ giao dịch. Từ mô hình này, nhóm tác giả đã đối chiếu với thực tiễn pháp luật Việt Nam hiện hành đồng thời gợi mở một số kiến nghị và giải pháp cho Việt Nam nhằm ngăn chặn những hậu quả pháp lý nghiêm trọng xuất phát từ sự thiếu sót của một cơ chế bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp trên thực tế.

TS. Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TP. HCM trình bày tham luận với chủ đề “Cơ chế đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp thông qua hoạt động công chứng - Kinh nghiệm của một số quốc gia Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam”

Thành phần chủ tọa của phiên thứ hai gồm: PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Bà Ngô Minh Hồng - Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. Hồ Chí Minh. Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. 

Chủ tọa phiên thứ hai (từ trái sang): PGS. TS. Hà Thị Thanh Bình - Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Bà Ngô Minh Hồng - Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. Hồ Chí Minh. Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Mở đầu phiên họp thứ 2, CCV Trần Thị Hằng - Trưởng Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc phát biểu bài tham luận “Xác thực thông tin khi thành lập công ty tại Luxembourg”. Bài tham luận phân tích, đánh giá các quy định pháp luật của Luxembourg về công ty có tính chất chịu trách nhiệm hữu hạn từ đó tìm ra những điểm phù hợp về quy định xác thực thông tin của công ty và gợi mở các đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam. 

CCV Trần Thị Hằng - Trưởng Văn phòng Công chứng Phan Thị Kim Cúc phát biểu bài tham luận “Xác thực thông tin khi thành lập công ty tại Luxembourg”

Tiếp tục chương trình của hội nghị, ThS. Tăng Thị Bích Diễm - Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Xác thực biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến - kinh nghiệm của Indonesia và gợi mở cho Việt Nam cho việc xây dựng khung pháp lý”. Diễn giả tập trung phân tích các quy định của Indonesia về xác thực thông tin trong biên bản cuộc họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến. Bài viết phân tích vai trò của công chứng viên trong việc xác thực cácbiên bản này, qua đó kiến nghị đề xuất một số gợi mở trong việc xây dựng khung pháp lý tại Việt Nam. Những gợi mở này hướng đến việc đảm bảo tính minh bạch và tin cậy trong xác thực thông tin doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với xu hướng số hóa và giao dịch điện tử ngày càng phát triển trên toàn cầu.

ThS. Tăng Thị Bích Diễm - Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tham gia phát biểu bài tham luận “Xác thực biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến - kinh nghiệm của Indonesia và gợi mở cho Việt Nam cho việc xây dựng khung pháp lý

Tiếp đó, TS.CCV. Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền trình bày tham luận “Công chứng điều lệ công ty - những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Trong phần trình bày của mình, tác giả đã phân tích về bản chất và các tiêu chuẩn của Điều lệ công ty; thực trạng pháp luật về xác lập, sửa đổi, bổ sung Điều lệ và thực tiễn áp dụng nội dung Điều lệ công ty trong quá trình hoạt động. Cùng với việc so sánh pháp luật một số các quốc gia khi Điều lệ được xác thực bởi công chứng viên, tác giả đã đề xuất một số kiến nghị cho việc đưa vào Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)những quy định cụ thể làm cơ sở cho việc công chứng Điều lệ và các tài liệu nội bộ quan trọng khác của công ty. 

TS.CCV. Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền phát biểu bài tham luận “Công chứng điều lệ công ty - những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Trong phần thảo luận được diễn ra rất sôi nổi, Hội nghị ghi nhận được nhiều quan điểm về các vấn đề được bàn luận từ phía các đại biểu.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia được diễn ra thành công tốt đẹp. Hội nghị không chỉ tạo ra môi trường để trao đổi nhiều nội dung về pháp luật liên quan đến việc xác thực thông tin doanh nghiệp mà còn là cơ sở để kiến nghị đến các nhà lập pháp nhằm sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nội dung: Anh Khang, Thục Quyên

Hình ảnh: Bảo Ngọc, Thanh Hoàng

Ban Truyền Thông Ulaw