Tội phạm là những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, khi quy định những hành vi bị coi là tội phạm, Bộ luật hình sự cũng đồng thời quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS). Việc xem xét một cách hệ thống các quy định về TNHS, bao gồm các quy định về miễn và giảm TNHS là vấn đề rất quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự và áp dụng hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Trước tầm quan trọng của vấn đề trên, vào ngày 19/10/2024 Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo cấp Quốc gia “Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự” trực tiếp tại Hội trường A.1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành và trực tuyến thông qua phần mềm zoom với sự tham dự đông đảo của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Toàn cảnh Hội thảo cấp Quốc gia “Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự” tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành
Về phía các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), PGS.TS Trịnh Tiến Việt - Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Khoát - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, PGS.TS Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Công chứng viên, Luật sư và nhiều chuyên gia giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo pháp luật tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Về phía đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM có sự tham dự của: PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng Khoa Luật Hình sự; GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa – GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự; TS. Phạm Thái - Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự; TS.GVC. Nguyễn Thị Ánh Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Hình sự cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên Nhà trường.
Hội thảo đón nhận sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của đông đảo đại biểu là các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhận định về tính quan trọng và cấp thiết của việc xem xét một cách hệ thống các quy định về trách nhiệm hình sự trong bối cảnh phòng chống tội phạm ở Việt Nam hiện nay. PGS.TS Trần Việt Dũng mong rằng thông qua việc phân tích, đánh giá luật hình sự của nước ngoài và đối chiếu với quy định của Việt Nam, các bài viết sẽ luận giải và chứng minh được tính hợp lý của các quy định hiện hành của Việt Nam, đồng thời đề xuất được những giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp hình sự và áp dụng hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án hình sự.
PGS.TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Buổi hội thảo được chia thành 02 phiên với 06 tham luận khai thác chuyên sâu nhiều khía cạnh về trách nhiệm hình sự như tính hệ thống của các quy định của Bộ luật hình sự về TNHS, xu hướng phân hóa TNHS hoặc phương thức hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về TNHS trước xu hướng phát triển luật hình sự trên thế giới. Đồng thời, các chuyên gia, diễn giả, đại biểu tham dự hội thảo đã tiến hành thảo luận sau mỗi phiên nhằm làm rõ các vấn đề lý luận, thực trạng quy định về các biện pháp miễn, giảm hình phạt, thủ tục áp dụng các biện pháp miễn, giảm TNHS và giải pháp khắc phục các hạn chế trong quá trình áp dụng các quy định của BLHS hiện nay.
Chủ tọa chủ trì phiên thứ nhất (từ trái sang): PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS. TS. Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM; GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa – GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM
Đến với bài tham luận đầu tiên, GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa - GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM phân tích hệ thống các quy định của Bộ luật hình sự về trách nhiệm hình sự, bao gồm cấu trúc dọc và cấu trúc ngang của TNHS. GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa nhận định việc quy định về TNHS không đơn thuần chỉ là quy định về các trường hợp có TNHS, các trường hợp bị áp dụng các biện pháp TNHS mà còn quy định về các trường hợp không có hoặc được loại trừ TNHS; các trường hợp được miễn/hoãn áp dụng biện pháp TNHS và các trường hợp được miễn/hoãn/giảm chấp hành biện pháp này. Từ việc so sánh thực tiễn lập pháp hình sự của Việt Nam, Trung Quốc và Nga, diễn giả bày tỏ quan điểm về việc chấp hành các biện pháp TNHS một cách chọn lọc, hiệu quả để tạo thành một hệ thống thống nhất.
GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa - GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Trách nhiệm hình sự và tính hệ thống của các quy định về trách nhiệm hình sự”
Trong phiên làm việc thứ nhất, GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cho biết cách tiếp cận chính sách về trách nhiệm hình sự là cách tiếp cận mới, cùng đồng hành với cách tiếp cận pháp luật hình sự thực định về trách nhiệm hình sự. Chính sách về trách nhiệm hình sự là hệ quan niệm về mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, công cụ, phương tiện thực hiện trách nhiệm hình sự và những vấn đề khác có liên quan. Hệ quan niệm đó được thể hiện cả trong tri thức khoa học về trách nhiệm hình sự, trong học thuyết quốc gia về trách nhiệm hình sự và trong hoạt động thực tiễn xây dựng và thực hiện trách nhiệm hình sự.
GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Trách nhiệm hình sự: Tiếp cận chính sách”
Đến với Hội thảo “Trách nhiệm hình sự, miễn và giảm trách nhiệm hình sự”, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng đưa ra định nghĩa về “hình phạt cộng đồng” (Community punishments/Community penalties). Từ đó lý giải ý nghĩa của những hình phạt mang tính cộng đồng là các hình phạt đề cao việc giáo dục, cải tạo người phạm tội dựa trên sự hỗ trợ từ cộng đồng với mục đích giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người phạm tội, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong tư pháp hình sự. Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận và quy định của Hoa kỳ và Châu Âu, thực trạng quy định và áp dụng BLHS năm 2015 về hình phạt cải tạo không giam giữ - được xem là hình phạt cộng đồng, tác giả rút ra các kinh nghiệm và gợi mở các hướng hoàn thiện pháp luật cho Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật hình sự Khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu bài tham luận “Hình phạt cộng đồng trong luật hình sự một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”
Sau thời gian giải lao, Hội thảo được tiếp tục diễn ra với phiên họp thứ 02 xoay quanh các vấn đề về biện pháp miễn, giảm TNHS và giải pháp khắc phục các hạn chế trong quy định của BLHS khi áp dụng các biện pháp này. Thành phần chủ tọa của phiên thứ hai gồm: GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa – GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM.
Chủ tọa chủ trì phiên thứ hai (từ trái sang): GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa – GVCC Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự, Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM
Mở đầu phiên làm việc thứ hai, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày bài tham luận “Quy định về hình phạt tù chung thân trong luật hình sự một số nước và kiến nghị cho Việt Nam”. Bài tham luận nhấn mạnh hình phạt tù chung thân là hình phạt rất nghiêm khắc, hạn chế nghiêm ngặt tự do của người bị kết án đến hết cuộc đời hoặc cho đến khi họ được ân giảm và tha trước hạn. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa thông qua phân tích quy định về hình phạt tù chung thân không ân giảm và có ân giảm trong Luật hình sự của Trung Quốc và Bang New South Wales (Úc) đề xuất những kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt là sự đánh giá toàn diện về ảnh hưởng của việc tha người phạm tội trước hạn đối với cộng đồng nhằm đảm bảo cân bằng giữa việc trả tự do cho người bị kết án với sự an toàn của cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM đặt vấn đề về thực tiễn áp dụng các hình phạt tù chung thân không ân giảm và có ân giảm trong Luật hình sự của Trung Quốc và Bang New South Wales (Úc)
Tiếp tục phiên họp, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhận định “tha tù trước thời hạn” là một quy định mới trong BLHS 2015 được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo quan điểm của diễn giả, việc thi hành quy định này tại thực tiễn Việt Nam đã cho thấy chủ trương đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện thông qua quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm, giáo dục và cải tạo người phạm tội trước yêu cầu mới. Tuy nhiên, diễn giả nhận định thực tế vẫn còn tồn đọng một số vướng mắc trong việc áp dụng nên cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể và thống nhất.
PGS.TS Nguyễn Tất Viễn - Nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trình bày tham luận “Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”
Ở tham luận cuối cùng được trình bày tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng dẫn ra lịch sử hình thành và phát triển chế định về miễn trừ truy tố đối với nhân chứng tại Hoa Kỳ. Từ đó, diễn giả đánh giá lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Bên cạnh đó, trên cơ sở tham khảo các quy định của pháp luật Hoa Kỳ, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng chỉ ra tính hiệu quả khi Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng các quy định về miễn trừ truy tố đối với người làm chứng để tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án hình sự và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm tại Việt Nam.
ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng - Giảng viên Khoa Luật hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Miễn trừ truy tố đối với nhân chứng theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa Kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam”
PGS.TS Trần Văn Độ - Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đặt vấn đề về thực tiễn áp dụng các biện pháp miễn, giảm TNHS trong quá trình giải quyết vụ án
PGS.TS Trịnh Tiến Việt Phó Hiệu trưởng phụ trách, Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà thực tiễn giàu kinh nghiệm của Tòa án, Viện kiểm sát thảo luận tại Hội thảo
Các chuyên gia, diễn giả, nhà nghiên cứu từ các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước và các nhà thực tiễn giàu kinh nghiệm của Tòa án, Viện kiểm sát, các văn phòng luật sư chụp hình lưu niệm
Bế mạc Hội thảo, đại diện Trường Đại học Luật TP.HCM, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng Khoa Luật Hình sự gửi lời cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của những vị chuyên gia, diễn giả, các nhà nghiên cứu từ các cơ sở đào tạo lớn trong cả nước và các nhà thực tiễn giàu kinh nghiệm của Tòa án, Viện kiểm sát, các văn phòng luật sư tại Hội thảo. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định những tham luận được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện pháp luật hình sự, tố tụng hình sự của Việt Nam và áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Nội dung: Thùy Linh
Hình ảnh: Nhật Nam, Mai Khánh
Ban Truyền Thông Ulaw