Với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu liên ngành cùng những cơ hội và thách thức trong việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực vào Luật học, sáng ngày 26/9/2024, Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực Luật học" tại phòng họp A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của GS.TS. Võ Khánh Vinh - Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; GS. TS. Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM cùng lãnh đạo các Khoa và các giảng viên của Nhà trường.
Toàn cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực Luật học"
Tại tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã trình bày về chủ đề “Đổi mới tư duy tiếp cận trong nghiên cứu và đào tạo Luật học ở Việt Nam hiện nay”. GS.TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh rằng việc đổi mới này cần dựa trên cách tiếp cận đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, thể hiện qua 09 yếu tố tương ứng với 09 vòng tròn nhỏ, hợp thành một vòng tròn lớn của các phương pháp tiếp cận khác nhau. Các yếu tố bao gồm: tư duy triết học pháp luật; tư duy luật học thực định; tư duy xã hội học pháp luật, tư duy chính sách pháp luật; tư duy dựa trên quyền; tư duy tâm lý học pháp luật; tư duy luật học so sánh; tư duy kinh tế học pháp luật và tư duy văn hóa, lịch sử…
GS.TS. Võ Khánh Vinh trao đổi tại buổi tọa đàm
GS.TS. Võ Khánh Vinh tiếp tục chương trình với đề tài “Triển khai thực hiện tư duy tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật”. Với chủ đề này, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã đề cập đến 08 hướng triển khai cụ thể:
- Đổi mới tư duy nghiên cứu và đào tạo luật học;
- Hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu và đào tạo pháp luật;
- Hình thành các tổ chức nghiên cứu và đào tạo tương ứng trong các tội chức nghiên cứu và đào tạo pháp luật;
- Xây dựng hệ thống các đề tài nghiên cứu mang tính chất đa ngành, liên ngành, xuyên ngành về nhà nước và pháp luật;
- Xây dựng hệ thống các đề tài luận án, luận văn mang tính chất đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo luật học;
- Xây dựng các chương trình đào tạo có nội dung độc lập, lồng ghép, tích hợp, thống hợp các kiến thức chuyên ngành, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành luật học;
- Tổng kết thực tiễn nghiên cứu và đào tạo dựa trên cách tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong lĩnh vực luật học;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo luật học.
Buổi toạ đàm kết thúc thành công tốt đẹp mở ra nhiều cơ hội trong việc nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực Luật học
Buổi tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi sôi nổi giữa các diễn giả và chuyên gia, hứa hẹn thúc đẩy nhiều dự án nghiên cứu hợp tác liên ngành trong tương lai. Qua đó, Trường Đại học Luật TP.HCM tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong đổi mới nghiên cứu và giảng dạy, đóng góp vào sự phát triển của khoa học pháp lý hiện đại.
Nội dung: Hạnh Nhi
Hình ảnh: Phương Nghi
Ban Truyền thông Ulaw