Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Cam kết lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đối với Việt Nam”

Nhằm tạo ra một diễn đàn để trao đổi, chia sẻ, đánh giá và đưa ra những đề xuất thúc đẩy việc thực thi cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới của Việt Nam, sáng ngày 26/04/2023, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc tế “Cam kết lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO đối với Việt Nam” tại Hội trường A.1002.


Buổi hội thảo được diễn ra với sự hiện diện của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước

Về phía khách mời, buổi hội thảo có sự góp mặt của ông Alain Pelce - Chuyên gia cao cấp của ILO về pháp luật lao động và tiêu chuẩn lao động quốc tế, Văn phòng ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Băng Cốc, Thái Lan; TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tọa; bà Nguyễn Thị Vân - Chuyên viên chính, theo dõi tiêu chuẩn lao động quốc tế - Vụ pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Vũ Hữu Tuyên - Chuyên viên chính - Cục quan hệ lao động và tiền lương - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đại diện nhiều cơ quan quản lý, công đoàn các Khu công nghiệp và những giảng viên đến từ hơn 20 trường Đại học khác.

Về phía trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh có sự hiện diện của PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng, Chủ tọa; TS. Nguyễn Văn Tiến - phó Trưởng Khoa Luật Dân sự; TS. Lê Thị Thúy Hương - Trưởng phòng Quản lý NCKH & HTQT, Chủ tọa; TS. Nguyễn Thị Bích - Trưởng Bộ môn Lao động, Khoa Luật Dân sự, Chủ tọa cùng toàn thể các giảng viên, sinh viên có quan tâm.

Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Nhà trường cho biết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể là những thử thách và khó khăn cho Việt Nam. Tuy nhiên, đây chính là nguồn động lực cho các doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục phấn đấu và phát triển sao cho phù hợp với tình hình thế giới hiện nay. Buổi Hội thảo quốc tế chính là một diễn đàn học thuật cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học cũng như những người có sự quan tâm nhất định được thảo luận chuyên môn sâu sắc.


PGS.TS. Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết FTA thế hệ mới không thuần túy là vấn đề của thương mại mà còn bao hàm nhiều vấn đề khác

Phát biểu tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết các nội dung cam kết lao động cần thực thi không chỉ có mối liên hệ trực tiếp với các quy chế về lao động mà nhiều lĩnh vực pháp lý khác tại Việt Nam. Việc trao đổi về các tiêu chuẩn lao động quốc tế không chỉ được thực hiện giữa các cơ quan nhà nước cấp Trung ương mà nay còn được mở rộng với các tổ chức xã hội, các nhà nghiên cứu học thuật tại nhiều cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc phối hợp này còn có nhiều rào cản, vì vậy, Hội thảo được diễn ra để các nhà nghiên cứu khoa học có cơ hội thảo luận và nghiên cứu nhằm chỉ ra những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cam kết quốc tế hiện nay và rút ra những bài kinh nghiệm cho Việt Nam.


TS. Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh xà Xã hội chia sẻ chúng ta chỉ cam kết nội dung khi nội dung đó phúc đáp một lợi ích nào đó của Việt Nam

Tại phiên thứ nhất với chủ đề “Tổng quan về các cam kết lao động trong các FTA thế hệ mới”, hội đồng đã thảo luận về các tham luận như sau:

- “Kinh nghiệm của một số quốc gia về việc thực hiện cam kết, thực thi tiêu chuẩn lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do Thế hệ mới” của TS. Phan Hoài Nam, ThS. Trần Ngọc Hà, ThS. Trần Thị Ngọc Hà;

- “Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam - Những thách thức trong lĩnh vực lao động” của ThS. Nguyễn Thị Hồng, NCS. Nguyễn Ngọc Tú Anh;

- “Tác động của việc thực thi tiêu chuẩn lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với lao động di trú” của ThS. Hoàng Thị Minh Tâm.


Theo ThS. Trần Thị Ngọc Hà, cần ý thức những bất cập còn tồn tại trong các hiệp định, tiến hành thỏa thuận rõ ràng hơn để quá trình thực thi được trôi chảy

Trong phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Việc thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO” có các bài tham luận như sau:

- “Các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và cơ chế đảm bảo thực thi” của PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm;

- “Vấn đề nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi của ILO vào hệ thống pháp luật Việt Nam” của Ths. Xa Kiều Oanh, CN. Nguyễn Văn Dương;

- “Hệ thống quản lý lao động và một số nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước lao động khi thực hiện các cam kết về lao động theo Hiệp định CPTPP và EVFTA” của ThS.Gvc Đoàn Công Yên.


PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm đưa ra các khuyến nghị trong việc thực thi tiêu chuẩn LĐQTCB ở Việt Nam bằng việc tiếp tục nội luật hóa cũng như lồng ghép, phối hợp theo dõi giám sát các công tác thực hiện”

ThS. Nguyễn Thị Hồng trình bày tham luận “Thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tại Việt Nam - Những thách thức trong lĩnh vực lao động”


ThS. Xa Kiều Oanh đại diện nhóm tác giả trình bày đề tài tham luận về các vấn đề liên quan đến nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế cốt lõi của ILO vào hệ thống pháp luật Việt Nam


ThS.Gvc Đoàn Công Yên cho rằng các quy định liên quan đến thanh tra cần sớm được hoàn thiện đồng thời phối hợp nâng cao tính sáng tạo, chủ động của chính quyền địa phương theo Hiệp định CPTPP và EVFTA

Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo ra một diễn đàn để trao đổi, đánh giá và đưa ra những kiến nghị thúc đẩy việc thực thi cam kết lao động ở Việt Nam

Sau khi các bài tham luận lần lượt được trình bày, các học giả, chuyên gia tiến hành thảo luận, trao đổi và đóng góp ý kiến liên quan đến vấn đề thực thi các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO nhằm mục đích cùng nhau khai thác và phát triển hoàn thiện cơ sở pháp lý theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế ILO ở Việt Nam.

Hội thảo khoa học đã đóng góp những giá trị vô cùng thiết thực cho chủ đề “Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”

Nội dung: Quỳnh Như, Anh Thy

Hình ảnh: Khánh Linh, Thanh Hoa

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top