Tổng thuật Hội thảo "Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hoà giải và trọng tài tại Việt Nam

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những bước tiến đáng kể trong các quy định về giải quyết tranh chấp lao động thông qua Hòa giải viên lao động và Trọng tài lao động. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp linh hoạt, nhanh chóng và chi phí thấp hơn so với giải quyết theo thủ tục tố tụng tại tòa án. Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thi hành BLLĐ năm 2019, các quy định về giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài vẫn bộc lộ một số hạn chế nhất định, tỷ lệ hòa giải thành tại Hòa giải viên lao động vẫn chưa cao, các bên tranh chấp vẫn chưa thực sự quan tâm lựa chọn Trọng tài lao động để giải quyết... Do đó, việc rà soát hoàn thiện các quy định về giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài đồng thời tăng cường tính hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp này là điều hết sức cần thiết.

Trên cơ sở đó, ngày 20 tháng 9 năm 2024 trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam”. Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ thẩm phán, luật sư, hòa giải viên lao động, trọng tài lao động, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật lao động, các doanh nghiệp… Cụ thể:

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị như:

-  Các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đại diện của ILO tại Việt Nam;

-  Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng LĐLĐ Việt Nam;

-  TS. Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An;

-  Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ;

-  Đại diện Hội đồng Trọng tài lao động thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Cần Thơ; Lâm Đồng;

-  Đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;

-  Đại diện Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Cần Thơ;

-  Đại diện Hòa giải viên lao động các quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương;

-  Đại diện Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC);

-  Các thẩm phán của Tòa án nhân dân một số quận/huyện tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam;

-  Đại diện một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam;

-  Quý thầy/cô, các nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn, các chuyên gia đến từ các trường Đại học, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành phố.

Về phía Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo có sự tham dự của:

-  TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường;

-  PGS.TS. Trần Việt Dũng – Hiệu phó Nhà trường;

-  TS.GVCC. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng Phòng KHCN&HTPT;

-  TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Khoa Luật Dân sự;

-  TS Nguyễn Văn Tiến – Phó Khoa Luật Dân sự;

-  TS. Nguyễn Thị Bích – Trưởng Bộ môn Luật Lao động;

-  Lãnh đạo các Khoa/Phòng Ban, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Giảng viên các Khoa, chuyên viên các Phòng Ban thuộc trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh;

-  Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và người có quan tâm.

Hội thảo diễn ra liên tục từ 8 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút tại hội trường A1002 trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 37). Theo đó, một trong năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng là vấn đề giải quyết tốt tranh chấp lao động, phát huy vai trò của các thiết chế hòa giải và thương lượng, ngăn ngừa và giảm thiểu các tranh chấp lao động. Sau hơn ba năm thực hiện Bộ luật lao động năm 2019, được sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ hòa giải viên lao động và trọng tài lao động ở các tỉnh đã từng bước được kiện toàn và bước đầu đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại. Do vậy việc tổng kết, đánh giá công tác triển khai các quy định về giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài, từ đó rút ra những kinh nghiệm, nhân rộng mô hình triển khai hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp này là hết sức cần thiết.

TS. Lê Trường Sơn mong rằng Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam” được tổ chức tại trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh dưới sự tài trợ của tổ chức lao động quốc tế (ILO) sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người làm thực tiễn… nhằm đưa ra những đánh giá đa chiều, đề xuất những giải pháp mang tính khoa học, thực tiễn để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động. Đồng thời, thông tin tại Hội thảo cũng nhằm phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của các cơ sở đào tạo khu vực phía Nam và trong công tác hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.

Với 29 bài tham luận đã được Ban chuyên môn và ILO thẩm định, Ban tổ chức đã chọn một số tham luận để trình bày tại Hội thảo và được chia thành bốn phiên:

PHIÊN 1:

Phiên 01 diễn ra dưới sự điều hành của: TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; Đại diện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); TS. GVCC Lê Thị Thuý Hương - Trưởng phòng KHCN&HTPT của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Với ba tham luận được trình bày tại phiên 01, nhiều vấn đề đã được các diễn giả gợi mở để đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận. 

Tham luận 01 được trình bày bởi ông Arun Kumar -Chuyên gia về Thương lượng tập thể và Đối thoại xã hội của ILO tại Bangkok với chủ đề “Phương pháp tiếp cận giải quyết tranh chấp và các nguyên tắc chính của ILO về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động”. Tham luận đã phân tích về sự cần thiết phải xây dựng các quy trình giải quyết tranh chấp lao động có thời hạn, công bằng, dễ tiếp cận và với chi phí hợp lý nhằm thúc đẩy quan hệ lao động mang tính xây dựng và hiệu quả. ILO không quy định một mô hình cụ thể để giải quyết tranh chấp, nhưng các tiêu chuẩn và nguyên tắc của ILO đem đến hướng dẫn cho các hệ thống, quy trình và quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.

Tham luận 02 được trình bày bởi TS. GVCC Lê. Thị Thuý Hương với chủ đề “Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng hòa giải và trọng tài: kinh nghiệm của Nhật Bản và Hoa Kỳ”. Tham luận đã phân tích những ưu điểm trong mô hình hòa giải tranh chấp lao động tại Nhật Bản. Bên cạnh đó tham luận phân tích những ưu điểm và tính hiệu quả của mô hình trọng tài lao động tại Hoa Kỳ. Từ đó tác giả đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam về thủ tục hòa giải tranh chấp lao động và vấn đề sử dụng trọng tài bắt buộc trong các thỏa thuận cá nhân.

Tham luận 03 được trình bày bởi nhóm tác giả ThS. Phạm Thị Thuý và ThS. Đặng Thái Bình với chủ đề: “Một số góp ý về giải quyết tranh chấp lao động thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động”. Nhóm tác giả phân tích về sự phù hợp/chưa phù hợp trong quy định của pháp luật hiện hành về quy trình tiến hành phiên họp hòa giải tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, nhóm tác giả phân tích về giá trị của biên bản hòa giải thành. Từ đó, nhóm đề xuất về việc công nhận giá trị của biên bản hòa giải thành và đề xuất về thời hạn hòa giải tranh chấp lao động.

PHIÊN 2:

Sau thời gian nghỉ giải lao ngắn và chụp hình lưu niệm, phiên 02 được bắt đầu dưới sự điều hành của PGS.TS Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng ban QHLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam; TS. Nguyễn Xuân Quang - Trưởng Khoa luật Dân sự của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Tham luận 04 được trình bày bởi ThS. Hoàng Thị Minh Tâm với chủ đề “Kinh nghiệm của một số quốc gia về giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động”. Tác giả phân tích bốn vấn đề mà pháp luật Việt Nam có thể tham khảo từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore về việc thành lập cơ quan quản lý hoạt động của hòa giải viên, thời hạn hòa giải, giá trị của biên bản hòa giải, bí mật thông tin về giải quyết tranh chấp lao động.  Từ đó tác giả đưa ra những khuyến nghị tương ứng nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động Việt Nam hiện hành.

Tham luận 05 được trình bày bởi nhóm tác giả Phạm Giang Phượng Thư và Hoắc Phú Cường với chủ đề “Bàn về phán quyết của trọng tài lao động trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo Bộ luật Lao động 2019 và kinh nghiệm từ một số quốc gia”. Nhóm tác giả phân tích thực trạng áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời từ việc tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia nhóm tác giả đã đề xuất những kiến nghị tương ứng về nội dung đồng thuận của các bên, thời hạn tối đa ra phán quyết, giá trị phán quyết của trọng tài lao động.

Tham luận 06 được trình bày bởi nhóm tác giả ThS. Lê Ngọc Anh và ThS. Phạm Tiến Dũng với chủ đề “Thực tiễn hoạt động của hội đồng trọng tài lao động tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị”. Với tham luận này nhóm tác giả chỉ ra những bất cập trong thực tiễn hoạt động của hội đồng trọng tài lao động tại Việt Nam. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, nhóm tác giả đã đưa ra một số đề xuất về việc hướng dẫn thi hành, cưỡng chế thực thi phán quyết của trọng tài lao động, bổ sung quyền của các bên trong tranh chấp lao động cá nhân yêu cầu thực thi quyết định giải quyết tranh chấp lao động cá nhân do trọng tài lao động tiến hành để hạn chế trường hợp các bên không thi hành phán quyết.

Kết thúc phần trình bày tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã có phần thảo luận, trao đổi rất sôi nổi. Bên cạnh việc phân tích, đánh giá về sự phù hợp, chưa phù hợp trong các quy định của pháp luật lao động hiện hành về giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài, đại biểu tham dự đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động hòa giải tranh chấp lao động, giải quyết tranh chấp lao động thông qua trọng tài.

PHIÊN 3:

Phiên thứ ba của Hội thảo bắt đầu vào lúc 13 giờ 30 phút chiều ngày 20/9/2024 dưới sự điều hành của ông Nguyễn Ngọc Triệu -  Cán bộ chương trình cấp cao Văn phòng ILO tại Việt Nam; TS. Trần Thị Hồng Liên – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Bích -Trưởng Bộ môn Luật Lao động của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Tham luận 07 được trình bày bởi chuyên gia ILO với chủ đề “Các sáng kiến hỗ trợ kỹ thuật của ILO tại Việt Nam – hỗ trợ kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động và phòng ngừa rủi ro tranh chấp lao động”. Tại tham luận này, chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn gặp phải trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cung cấp thông tin về thí điểm mô hình tại ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thiết lập bộ phận đầu mối, lựa chọn hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động, quy chế vận hành cơ chế hòa giải và hội đồng trọng tài lao động, vấn đề thiết kế chương trình tập huấn cho hòa giải viên lao động và trọng tài viên lao động…

Tham luận 08 được trình bày bởi nhóm tác giả ThS. Nguyễn Tất Năm và ThS. Nguyễn Chiến Thắng với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoài giải của hòa giải viên lao động tại thành phố Hồ Chí Minh”. Tác giả phân tích về quy trình tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, những hạn chế/bất cập gặp phải trong quá trình hòa giải tranh chấp lao động. Từ đó tác giả đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động.

Tham luận 09 được trình bày bởi nhóm tác giả ThS Phan Trọng Đạt, TS. Nguyễn Thị Thu Thảo và CN. Lê Phạm Hoàng Tâm với chủ đề “So sánh hoà giải đối với tranh chấp thương mại và lao động – kiến nghị giải pháp phát triển hòa giải lao động tại Việt Nam”. Bên cạnh việc chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong giải quyết tranh chấp giữa hòa giải đối với tranh chấp thương mại và hòa giải đối với tranh chấp lao động, nhóm tác giả đã có những kiến nghị tương ứng nhằm nâng cao năng lực của người hòa giải, đề xuất một số mô hình hòa giải có thể áp dụng đối với tranh chấp lao động.

PHIÊN 4:

Phiên 4 được tiếp nối với sự điều hành của TS. GVCC Lê Thị Thuý Hương - Trưởng phòng KHCN&HTPT của trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Thị Bích -Trưởng Bộ môn Luật Lao động của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Tất Năm - Trọng tài viên lao động, nguyên Trưởng phòng LĐ-TL của Sở LĐTBXH TP. HCM.

Tham luận 10 được trình bày bởi nhóm tác giả ThS. Trần Tuấn Cảnh và ThS. Phan Thị Hồng Ân với chủ đề “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam”. Với tham luận này, nhóm tác giả tập trung phân tích vai trò của người sử dụng lao động trong việc giải quyết tranh chấp lao động bằng phương thức trọng tài. Trên cơ sở tham khảo các quy định tương ứng của pháp luật Trung Quốc, Hoa Kỳ nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị về vai trò của người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức trọng tài.

Tham luận 11 được trình bày bởi ThS. GVC. NCS Đoàn Công Yên với chủ đề “Vai trò của Nhà nước trong việc thúc đẩy hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên lao động và trọng tài lao động”. Trên cơ sở tinh thần của Chỉ thị số 37, tác giả đã chỉ ra vai trò của Nhà nước đối với việc thúc đẩy hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động. Đồng thời tác giả cũng đánh giá vai trò của hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động trong việc hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.

Sau phần trình bày tham luận của các diễn giả, các đại biểu tham dự hội thảo đã có những trao đổi, chia sẻ về thực tiễn của quá trình giải quyết tranh chấp lao động tại hòa giải viên lao động, trọng tài lao động. Bên cạnh đó vai trò của thanh tra lao động đối với các bên trong quan hệ lao động cũng được các đại biểu chia sẻ cụ thể. Vấn đề thông tin đến người sử dụng lao động, người lao động về sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên, trọng tài lao động vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Ngoài ra, quy trình thực hiện việc giải quyết tranh chấp lao động tại hội đồng trọng tài lao động cũng là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm và thảo luận.

Trong toàn bộ thời gian diễn ra Hội thảo bắt đầu từ 8 giờ 00 phút sáng đến 17 giờ 00 chiều ngày 20 tháng 9 năm 2024, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết của các đại biểu tham dự. Phát biểu tổng kết, đánh giá kết quả của Hội thảo, TS.GVCC Lê Thị Thuý Hương khẳng định: Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều đóng góp và kiến nghị có giá trị tham khảo cao của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, những người làm thực tiễn… Tuy nhiên vì thời gian có hạn nên một số tham luận không thể trình bày trực tiếp tại Hội thảo, một số ý kiến trao đổi vẫn chưa thể được giải quyết trọn vẹn trong khuôn khổ thời gian của Hội thảo. Thay mặt Nhà trường, TS.GVCC Lê Thị Thuý Hương cảm ơn sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cảm ơn sự quan tâm và tham gia đông đủ của quý vị đại biểu, nhiều đại biểu dù ở xa nhưng vẫn rất nhiệt tình tham dự xuyên suốt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc Hội thảo. Hội thảo đã gợi mở rất nhiều vấn đề, đưa ra những góp ý thiết thực nhằm góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài lao động.

Hội thảo kết thúc vào lúc 17 giờ 00 phút cùng ngày./.