Tổng thuật Hội thảo: Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế và một số vấn đề về bảo hiểm y tế

Sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) (sau đây gọi là Luật BHYT) đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhâp quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT đã phát sinh một số bất cập về đối tượng tham gia, phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế… Do vậy việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BHYT là điều hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (Dự thảo) đã được xây dựng trên cơ sở tiếp thu tinh thần của Nghị Quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành trung ương khóa XII cùng với nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng khác của Đảng về phát triển y tế toàn dân, nhằm giải quyết các bất cập phát sinh trong quá trình thực thi Luật BHYT, tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa Luật BHYT với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Các nội dung sửa đổi này đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, người làm thực tiễn, người nghiên cứu…

Trên cơ sở đó, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2024 Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế và một số vấn đề về bảo hiểm y tế”. Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý, thực thi Luật BHYT và những người làm thực tiễn... Cụ thể:

Về phía Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – hai đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, có sự tham dự của:

  • TS. Lê Trường Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường;
  • GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Nhà trường;
  • PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường;
  • PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc Hội;
  • TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế;
  • TS. Nguyễn Xuân Quang – Trưởng Khoa Luật Dân sự;
  • TS. Lê Vĩnh Châu – Phó trưởng khoa Luật Dân sự;
  • TS. Nguyễn Thị Bích – Trưởng tổ bộ môn Luật Lao động;
  • Th.S Vũ Thị Thu Phương – Bác sĩ ngoại trú, phụ trách BHYT Bệnh viện Đại học Y Hà Nội;
  • Th.S Đào Thị Thanh Quỳnh – Phó trưởng phòng TCKT, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội;
  • Lãnh đạo các Khoa/Phòng Ban, Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Giảng viên các Khoa, chuyên viên các Phòng Ban thuộc trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh;
  • Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên và người có quan tâm.

    Về phía khách mời, Trường Đại Học Luật thành phố Hồ Chí Minh hân hạnh đón tiếp các đại biểu:

    Đến từ Sở Y Tế tp. Hồ Chí Minh:

  • Ông Phạm Ngọc Nam – Trưởng ban tuyên giáo Đảng ủy Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh;
  • Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh;
  • Bà Đinh Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh;
  • Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh;
  • Bà Trần Thị Thanh Phượng – Phó Chánh Thanh tra – Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh;

    Đến từ Bảo hiểm xã hội Tp. Hồ Chí Minh:

  • Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh;
  • Bà Phan Thị Mai – Trưởng Phòng quản lý sổ-thẻ Cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh;
  • Bà Đỗ Thu Hà – Trưởng Phòng GĐ Bảo hiểm Y tế 1 Cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh;

    Đến từ Bảo hiểm xã hội Tp. Hà Nội:

  • Nguyễn Thị Tám – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (tham dự online)

    Đại diện các đơn vị tài trợ cho Hội thảo:

  • Bà Phan Thanh Uyên – Giám đốc Marketing FPT Retail Nhà thuốc Long Châu
  • Phan Thị Minh Thùy - Phụ trách PR Retail Nhà thuốc Long Châu;
  • Ông Lê Quang Hùng - Trưởng ban Giám sát, Pháp chế và tuân thủ Tập đoàn FPT;
  • Bà Trần Thị Huyền - Trưởng phòng Pháp chế FPT Retail;
  • Bà Nguyễn Đỗ Quyên - Giám đốc FPT Retail Nhà thuốc Long Châu;
  • Bà Trần Thanh Hà - Phó Giám đốc VCB Thủ Thiêm;

Cùng với đó là đại diện lãnh đạo, các chuyên gia thực tiễn tại các Bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn tỉnh Bình Dương như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương; Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Bệnh viện đa Khoa khu vực Củ Chi; Bệnh viện Trưng Vương; Bệnh viện Quốc tế Family Medical Practice; Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện truyền máu huyết học, Bệnh viện Tâm Anh

Cùng với sự tham dự đại diện của các giảng viên, các nhà nghiên cứu, người làm thực tiễn, các chuyên gia đến từ các trường Đại học, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành phố.

Hội thảo diễn ra liên tục từ 8 giờ 00 phút đến 12 giờ 30 phút tại hội trường A1002 trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh vai trò của bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội, sự đúng đắn của việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. TS. Lê Trường Sơn mong rằng Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người làm thực tiễn… nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân. Do đó, việc lắng nghe các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế là điều hết sức cần thiết.  

Với 25 bài tham luận đã được Ban chuyên môn thẩm định, Ban tổ chức đã chọn 06 tham luận để trình bày tại Hội thảo và được chia thành hai phiên:

PHIÊN 1: Chủ đề “Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế”

Phiên 01 diễn ra dưới sự điều hành của: TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Với ba tham luận được trình bày tại phiên 01, nhiều vấn đề đã được các diễn giả gợi mở để đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận. 

Tham luận 01 với chủ đề Kinh nghiệm phát triển các loại hình bảo hiểm y tế khác nhau tại một số quốc gia Châu Á – Gợi mở cho Việt Nam”, TS. Phan Hoài Nam đã khái lược mô hình BHYT của một số quốc gia như: Thái Lan, Malaysi, Trung Quốc. Đồng thời, tác giả phân tích, so sánh và đưa ra một số kiến nghị về việc xây dựng mô hình bảo hiểm với nhiều cấp độ, kết hợp giữa sự hỗ trợ của Chính Phủ và đầu tư của tư nhân; xây dựng mô hình BHYT bổ sung bên cạnh BHYT quốc gia, đề xuất hoàn thiện về đối tượng tham gia BHYT…

Tham luận 02 được trình bày bởi ThS.GVC Đoàn Công Yên với chủ đề: “Điều chỉnh pháp luật đối với nhóm tự đóng bảo hiểm y tế”. Trên cơ sở phân tích các đối tượng thuộc nhóm tự đóng BHYT, tác giả kiến nghị bổ sung và làm rõ một số trường hợp cụ thể thuộc nhóm tự đóng BHYT như: người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, người sinh sống và làm việc trong các cơ sở tín ngưỡng, người lao động nghỉ việc không hưởng lương…

Tham luận 03 được trình bày bởi TS. Hồ Xuân Dũng với chủ đề: “Một số góp ý về bảo hiểm y tế bổ sung trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế”. Tác giả phân tích lợi ích của BHYT bổ sung, kinh nghiệm thực hiện mô hình BHYT bổ sung ở một số quốc gia. Từ đó, tác giả đề xuất quy định khung pháp lý cho các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận, bổ sung bảo hiểm 100% cho người có thu nhập thấp, xác định quyền và trách nhiệm chia sẻ thông tin giữa BHYT và BHYT bổ sung.

PHIÊN 2: Chủ đề “Một số vấn đề khi triển khai thực hiện Bảo hiểm y tế”

Sau thời gian nghỉ giải lao ngắn và chụp hình lưu niệm, phiên 02 được bắt đầu dưới sự điều hành của GS.TS Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Tham luận 04 với chủ đề “Đề xuất giải pháp để người dân được chi trả quyền lợi BHYT ngoài cơ sở khám chữa bệnh” được trình bày bởi bà Trần Thị Huyền - Phó Giám đốc pháp chế - Tập đoàn FPT và FPT Retail Nhà thuốc Long Châu. Tác giả cho rằng nên chi trả quyền lợi BHYT ngoài cơ sở khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở khám chữa bệnh với cơ sở cung ứng thuốc và vật tư y tế.

Tham luận 05 chủ đề “Chuyển đổi số tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Nền tảng để triển khai thực hiện tốt hơn các chính sách BHYT được trình bày bởi đại diện của nhóm tác giả gồm PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, ThS. Đào Thanh Quỳnh và BSNT Vũ Thị Phương Thảo thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tác giả phân tích tính ưu việt của chuyển đổi số trong việc thực hiện các chính sách của BHYT. Trên cơ sở đánh giá các quy định về thanh toán của BHYT đối với mô hình chuyển đổi số trong Luật BHYT còn chưa phù hợp, nhóm tác giả đã có những đề xuất tương ứng nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và khuyến khích cơ sở y tế chuyển đổi số.

Tham luận 06 với chủ đề “Vai trò của thanh tra đối với công tác quản lý nhà nước về BHYT do đại diện nhóm tác giả ThS.NCS Nguyễn Văn Trí và ThS.NCS Nguyễn Tú Anh trình bày. Nhóm tác giả phân tích và chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong thanh tra về BHYT. Từ đó, nhóm tác giả kiến nghị cần sửa đổi Điều 46 Luật BHYT theo hướng ghi nhận thêm hoạt động thanh tra hành chính về BHYT để bảo đảm tính thống nhất với Luật Thanh tra năm 2022. Đồng thời phải có sự viện dẫn đến Luật Thanh tra về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra về BHYT.

Kết thúc phần trình bày tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã có phần thảo luận, trao đổi rất sôi nổi. Bên cạnh việc phân tích, đánh giá về sự phù hợp, chưa phù hợp trong một số quy định của Dự thảo, các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều ý kiến góp ý, đề xuất cụ thể như: Hiện nay BHYT nhân văn nhưng chưa công bằng giữa người mới đóng với người tham gia lâu năm, mức chi trả cần tương xứng với thời gian đóng, mức phí đóng; Việc thực hiện BHYT bổ sung là thực sự cần thiết và rất có lợi cho người dân… Tiếp nối ý kiến của đại biểu trước đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chính sách BHYT tại Việt Nam là một chính sách an sinh thực tế vẫn xảy ra tình trạng người bị bệnh mới mua BHYT, hoặc chuẩn bị sinh con mới mua BHYT; nên cần nâng mức đóng BHYT để đảm bảo phù hợp với mức chi phí chi trả; hiện nay chúng ta cũng đang vướng mắc về cơ chế cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh; giá chi phí khám, chữa bệnh chưa cấu thành chi phí phần mềm trong quá trình khám bệnh,…

Qua hơn 04 giờ là việc liên tục và hiệu quả, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý rất tâm huyết của các đại biểu tham dự. Phát biểu tổng kết, đánh giá kết quả của Hội thảo, GS.TS Đỗ Văn Đại khẳng định: Hội thảo đã ghi nhận rất nhiều đóng góp và kiến nghị có giá trị tham khảo cao của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, những người làm thực tiễn… Về các nội dung được tranh luận, sau khi kết thúc Hội thảo trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh nhanh chóng tổng hợp bản kiến nghị, góp ý tại Hội thảo để gửi tới các cơ quan có thẩn quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Ngoài ra, GS.TS Đỗ Văn Đại cảm ơn sự quan tâm và tham gia đông đủ của quý vị đại biểu, quý nhà tài trợ và đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hội thảo đã gợi mở rất nhiều vấn đề, đưa ra những góp ý thiết thực và có giá trị tham khảo cao nhằm góp phần hoàn thiện nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên một số tham luận không thể trình bày trực tiếp tại hội thảo, một số vấn đề đại biểu đưa ra chưa thể giải quyết hết tại Hội thảo. Hy vọng những Hội thảo sắp tới được tổ chức tại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia nhiệt tình của quý vị đại biểu. Ban tổ chức cũng sẽ chọn lọc các kiến nghị trong các tham luận của Hội thảo để chuyển đến cơ quan soạn thảo có thẩm quyền trong thời gian sớm nhất, mong rằng sẽ góp phần hoàn thiện Dự thảo để có thể thông qua theo đúng chương trình làm việc của Quốc hội.

Hội thảo kết thúc vào lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày./.
--%>
Top