Nhằm đóng góp những cơ sở lý luận đối với quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, vào sáng ngày 14/10/2022, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý” tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.
HỘI THẢO CẤP KHOA “PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM – NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ”
Nhằm đóng góp những cơ sở lý luận đối với quá trình hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, vào sáng ngày 14/10/2022, Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp khoa “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý” tại Hội trường A1002, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với quyết tâm chính trị rất cao và gặt hái được nhiều kết quả. Vậy nên, quá trình ban hành, sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Ban chủ tọa Hội thảo khoa học cấp khoa “Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam – Những vấn đề pháp lý”
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài và việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp… Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là sự bất cập của những quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Ban chủ tọa điều hành Hội thảo gồm TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước; TS. Đặng Tất Dũng – Phó trưởng khoa Luật Hành chính – Nhà nước và TS. Lê Việt Sơn – Phó trưởng bộ môn Luật Tố tụng hành chính. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút sự tham gia của nhiều các tác giả, giảng viên trong và ngoài khoa, cùng đông đảo hơn 100 sinh viên có quan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Khoa Luật Hành chính – Nhà nước tiến hành báo cáo những kết quả mà Đảng và Nhà nước đạt được trong công tác phòng ngừa, xử lý tham nhũng trong thời gian vừa qua. Hơn thế nữa, TS. Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ đó hy vọng buổi Hội thảo sẽ là một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá, thảo luận về thực trạng phòng ngừa tham nhũng và các biện pháp Chính phủ đang triển khai phòng, chống hiện nay.
Hội thảo đón nhận 20 tham luận phân tích nhiều vấn đề, khía cạnh về việc nhận diện tham nhũng và phòng, chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực nhà nước với việc phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tham nhũng trên thế giới; kinh nghiệm cho Việt Nam về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và những vấn đề pháp lý liên quan.

ThS. Nguyễn Thanh Quyên – Giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước trình bày tham Luận “Hành vi tham nhũng và các giải pháp phòng chống tham nhũng”
Phiên thảo luận bắt đầu với bài tham luận của ThS. Nguyễn Thanh Quyên với chủ đề “Hành vi tham nhũng và các giải pháp phòng chống tham nhũng”. Trong bài tham luận này, tác giả đã làm rõ khái niệm tham nhũng và liệt kê các hành vi tham nhũng. Đồng thời, tác giả cũng nêu khái quát về vấn đề phòng, chống tham nhũng ở một số quốc gia khác trên thế giới như Trung Quốc, Phần Lan, Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số phương hướng cũng như kiến nghị mang tính khái quát để hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Bài tham luận của ThS. Nguyễn Phương Thảo về “Quy định Hồi tỵ trong pháp luật phong kiến Việt Nam và những giá trị trong phòng chống tham nhũng”
Tham luận “Quy định Hồi tỵ trong pháp luật phong kiến Việt Nam và những giá trị trong phòng chống tham nhũng” của ThS. Nguyễn Phương Thảo chỉ ra công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ tồn tại trong thời điểm hiện tại mà còn tồn tại từ trong suốt quá trình lịch sử Việt Nam. Theo đó, ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày khái quát các quy định Hồi tỵ trong pháp luật nhà Lê sơ, nhà Nguyễn. Từ đó, tác giả đã đưa ra một số kiến nghị mang tính gợi mở nhằm định hướng áp dụng quy định Hồi tỵ trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Tham luận “Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” của ThS. Võ Tấn Đào
Thông qua tham luận “Kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, ThS. Võ Tấn Đào nêu rõ các chủ thể cần thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản. Từ đó, tác giả đã chỉ ra và phân tích một số hạn chế, bất cập trong quy định của Luật Phòng chống tham nhũng về nội dung này, đồng thời đưa ra một số giải pháp hoàn thiện.
