Tòa đàm khoa học thực trạng giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Trong xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, hình thức giao dịch trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến đặt ra nhu cầu cấp thiết về cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến. Nhằm đề xuất cơ chế xây dựng hành lang pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài thông qua hình thức trọng tài, hòa giải trực tuyến, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm khoa học “Thực trạng giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến của Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay” vào lúc 8h00 ngày 09/04/2020, tại Hội trường A.905.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có: TS. Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp; TS. Lê Nguyễn Gia Kiệm – Phó trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật; LS. Trương Thị Hòa – Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa; LS. Trần Quốc Bảo – Đại diện Trung tâm trọng tài Quốc tế Hà Nội.

Về phía đơn vị tổ chức, có sự tham gia của: TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp; Th.S Cao Xuân Phong – Trưởng Ban nghiên cứu pháp Luật Quốc tế, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp và PGS.TS Trần Thăng Long – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS Trần Việt Dũng – Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM; TS. Phan Hoài Nam – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Tọa đàm khoa học “Thực trạng giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến của Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay” do Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp cùng Khoa Luật quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp tổ chức

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh tuy giao dịch bằng hình thức trực tuyến ngày càng phổ biến trong suốt những năm qua nhưng đã việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Do đó, câu chuyện về thiết lập hành lang pháp lý cho trọng tài, hòa giải trực tuyến là một nhu cầu hết sức cấp thiết trong bối cảnh chúng ta cần thích nghi với xu thế mới và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

TS. Nguyễn Văn Cương – Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp phát biểu về mục đích và ý nghĩa đề tài Tọa đàm

PGS.TS Trần Thăng Long cho biết thêm về giải quyết tranh chấp trực tuyến: “Đây là phương thức mới trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt về lĩnh vực thương mại điện tử, cụ thể là các giao dịch giữa các cá nhân và người tiêu dùng, hoặc giữa các doanh nghiệp thông qua hình thức giao kết hợp đồng từ xa.”

Thông qua 06 bài tham luận, các học giả, nhà nghiên cứu đã gợi mở nhiều vấn đề lý luận về giải chấp tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài cũng như nghiên cứu kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến của Liên minh Châu Âu. Trong đó, bài tham luận của Th.S Cao Xuân Phong – Trưởng Ban nghiên cứu pháp Luật Quốc tế, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp đã trình bày về “Bảo mật thông tin trong giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến”, phân tích tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin trong giải quyết tranh chấp qua trọng tài, hòa giải trực tuyến, cần xây dựng cơ chế sao cho cân bằng giữa an toàn thông tin cho các bên với tận dụng ưu thế phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến.

Th.S Cao Xuân Phong – Trưởng Ban nghiên cứu pháp Luật Quốc tế, Viện Khoa học pháp lý Bộ Tư pháp nhấn mạnh bảo mật thông tin là yếu tố quyết định trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến

Bên cạnh đó, Tọa đàm đã được lắng nghe các tham luận liên quan đến cơ chế hoạt động của hệ thống Online Dispute Resolution (ODR) - một phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, hoà giải trực tuyến ở các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để làm nền tảng cho việc xây dựng và phát triển nền tảng ODR tại Việt Nam, qua đó đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế số nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam nói riêng.

LS. Trương Thị Hòa – Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa khái quát một số vấn đề cốt lõi về mặt lý luận của phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến

Sau hơn 03 giờ thảo luận và trao đổi giữa các tác giả trình bày tham luận và đại biểu tham dự đến từ các cơ quan, lĩnh vực liên quan, Tọa đàm đã đúc kết được nhiều ý kiến thiết thực, tạo tiền đề xây dựng hành lang pháp lý và hoàn thiện cơ chế cho giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng trọng tài, hòa giải trực tuyến.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cùng chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS.TS Trần Thăng Long – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM thay mặt Ban Tổ chức Tọa đàm trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu chân thành, cởi mở và đầy tâm huyết của các đại biểu tham dự đối với chủ đề của Tọa đàm, đồng thời gửi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm trong những Tọa đàm tiếp theo.

Nội dung: Kiều My

Hình ảnh: Vân Anh

Ban Truyền Thông Ulaw

--%>
Top