Nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công bố bài báo trên các tạp chí quốc tế, qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên và nghiên cứu sinh, sáng ngày 30/6/2022, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm khoa học cấp trường về những loại lỗi thường gặp phải trong viết bài quốc tế tại Hội trường A.1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Tọa đàm “Vì sao bài viết của bạn bị từ chối?” cùng sự tham gia của đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên, học viên Trường Đại học Luật TP.HCM
Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng khoa Luật Hình sự (Phó trưởng Ban chuyên môn); TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế (Phó trưởng Ban tổ chức); PGS.TS. Lê Minh Hùng - Trưởng bộ môn Luật dân sự; TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó trưởng khoa Luật Hình sự; ThS NCS. Lê Hoàng Phong – Phó trưởng khoa Quản trị cùng các giảng viên Nhà trường và các học viên, sinh viên có quan tâm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng khoa Luật Hình sự và TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế với vai trò đồng chủ trì buổi Tọa đàm (từ phải sang)
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa – Trưởng khoa Luật Hình sự cho biết, để hỗ trợ giảng viên công bố các bài viết quốc tế, Nhà trường đã tổ chức một số buổi tọa đàm, hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài trường. Tiếp nối chủ đề về công bố quốc tế, Tọa đàm này tập trung vào các lỗi thường gặp trong viết bài quốc tế. PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa hy vọng rằng kinh nghiệm của những diễn giả là giảng viên của Nhà trường – những người đã có các công bố quốc tế, đồng thời là người thẩm định (reviewer) cho một số tạp chí quốc tế có danh tiếng - sẽ hữu ích để hỗ trợ các giảng viên, nghiên cứu sinh tránh được những lỗi thường gặp trong việc thực hiện các công bố quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa bày tỏ mong muốn rằng Tọa đàm sẽ giúp thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, đặc biệt là qua các công bố quốc tế của giảng viên, nghiên cứu sinh Nhà trường
Mở đầu buổi Tọa đàm, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó trưởng khoa Luật Hình sự đã chia sẻ một cách tổng quan về những yêu cầu chung và quy trình công bố bài viết quốc tế. Đồng thời, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy cũng tiến hành phân tích các lỗi thường gặp trong dự thảo bài viết gửi đến các tạp chí quốc tế về các vấn đề như: Chọn vấn đề nghiên cứu; Chọn tạp chí; Cấu trúc bài viết; Hình thức bài viết; Nội dung bài viết; Các lỗi trong quy trình gửi bài và sửa bài. Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc những bài nghiên cứu, bài viết của các Thầy Cô bị từ chối khi gửi về các tạp chí quốc tế.
Qua phần trình bày của mình, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó trưởng khoa Luật Hình sự đã “vẽ ra” một bức tranh toàn cảnh về quy trình công bố bài báo quốc tế
Đặc biệt đối với vấn đề lựa chọn tạp chí phù hợp và nhận diện tạp chí mạo danh, ThS NCS. Lê Hoàng Phong – Phó trưởng khoa Quản trị đã đưa ra những cách thức nhận diện cụ thể đối với những tạp chí “săn mồi” chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, cũng như chia sẻ một số tạp chí quốc tế trong các lĩnh vực luật học uy tín ở khu vực và quốc tế.
ThS NCS. Lê Hoàng Phong – Phó trưởng khoa Quản trị chia sẻ một vài điểm cần lưu ý để phân biệt các tạp chí “săn mồi” hiện nay
Đi sâu về cấu trúc tiêu chuẩn của một bài công bố quốc tế, TS. Lê Huỳnh Tấn Duy nhấn mạnh cần đảm bảo hai yếu tố quan trọng trong bài viết, đó là: Đầy đủ thành tố và kết cấu logic chặt chẽ, cũng như phải tuân thủ quy định của tạp chí đối với cấu trúc chính của bài báo. Cụ thể về nội dung bài báo, TS đã chia sẻ những lưu ý và cách khắc phục trong việc lựa chọn chủ đề; sử dụng phương pháp nghiên cứu, tư duy phản biện, nguồn tài liệu tham khảo… Ngoài ra, TS cũng đề cập một số lỗi cần tránh về hình thức như: citation; footnote; reference list và các lỗi cơ bản liên quan đến ngôn ngữ.
Các Thầy Cô tham dự Tọa đàm lắng nghe phần trình bày của hai diễn giả
Tại phần trao đổi và thảo luận, các đại biểu tham dự đã tích cực đặt câu hỏi, đóng góp ý kiến về những nội dung được trình bày và các vấn đề liên quan đến quy trình công bố bài báo quốc tế. Có thể kể đến một số ý kiến như sau: TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên Bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ đã đề xuất thành lập một danh sách tạp chí quốc tế uy tín và liệt kệ các tạp chí này dựa theo thứ tự từ phức tạp đến đơn giản của quy trình công bố để hỗ trợ các Thầy, Cô trong việc chọn lựa nơi xuất bản phù hợp; ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy – Giảng viên Khoa Luật quốc tế đóng góp những thông tin hữu ích về quy trình đăng tải ý tưởng sơ khai thông qua blog của các nhà xuất bản để được nhận xét, từ đó cải thiện và nâng cao thành bài viết hoàn chỉnh.
TS. Nguyễn Thái Cường – Giảng viên Bộ môn Luật Sở hữu trí tuệ đặt câu hỏi chuyên sâu về quan điểm của các diễn giả trong những vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ
ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy – Giảng viên Khoa Luật quốc tế chia sẻ thêm thông tin hữu ích giúp hỗ trợ việc thực hiện các bài viết để công bố trên tạp chí quốc tế
Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế đã có những chia sẻ thẳng thắn về hoạt động công bố bài báo quốc tế dưới góc độ quản lý công tác nghiên cứu khoa học. Theo TS. Lê Thị Thúy Hương, Nhà trường luôn khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi nhằm thúc đẩy, nâng cao số lượng lẫn chất lượng bài viết khoa học mang tên Trường Đại học Luật TP.HCM được đăng tải tại các tạp chí danh tiếng trên trường pháp lý quốc tế.
TS. Lê Thị Thúy Hương đóng góp ý kiến với góc nhìn quản lý hành chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Phát biểu bế mạc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa đã gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, khách mời tham dự vì những kiến thức, chia sẻ vô cùng bổ ích liên quan đến kỹ năng, kinh nghiệm trong quy trình công bố bài báo quốc tế. Thông qua sự thành công Tọa đàm khoa học “Vì sao bài viết của bạn bị từ chối?”, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết sẽ xem xét tiếp tục triển khai tổ chức những buổi trao đổi, tọa đàm về phương pháp nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Nội dung: Kiều My
Hình ảnh: Vân Anh
Ban Truyền thông Ulaw