Nhiều nội dung thú vị về lý luận và thực tiễn sẽ được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ”

Với mong muốn tạo điều kiện để trao đổi quan điểm về Dự thảo nói riêng và những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ nói chung, Hội thảo khoa học “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ được Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức vào ngày 09/10 sắp tới.

Trường Đại học Luật TP. HCM là cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp luật hàng đầu trong cả nước, bên cạnh công tác đào tạo thì công tác nghiên cứu khoa học, tạo các diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ, giảng viên Nhà trường trao đổi và đóng góp vào việc xây dựng và sửa đổi các dự thảo luật đã và đang được Nhà trường đầu tư tổ chức thực hiện. Để có cái nhìn tổng quan về mục tiêu và công tác chuẩn bị cho Hội thảo khoa học “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” sẽ được Trường Đại học Luật TP. HCM tổ chức vào ngày 09/10 sắp tới thông qua hình thức trực tuyến, Ban Truyền thông Ulaw đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giảng viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – Thành viên Ban tổ chức Hội thảo.

Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy được vai trò to lớn trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân, tạo được hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác các quyền sở hữu trí tuệ, góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Song song với những thành công đó, Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Theo nhận định của PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay có 03 bất cập lớn tồn tại:

- Nhiều quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn;

- Quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành chưa đáp ứng được 1 số cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Tồn tại sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật khác có điều chỉnh quan hệ sở hữu trí tuệ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang - Giảng viên cao cấp, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – Thành viên Ban chuyên môn Hội thảo "Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn"

Chia sẻ về Dự thảo sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang đánh giá Dự thảo đã cơ bản khắc phục được 03 vấn đề bất cập nói trên. Đồng thời, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang cũng bày tỏ: “Dự thảo đã đưa ra một số quy định nhằm giải quyết những vướng mắc trên thực tế. Bên cạnh những thành công đó, Dự thảo cũng bộc lộ một số bất cập trong bảo hộ một số đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Và mục đích, nội dung của Hội thảo này cũng hướng đến việc đưa ra các kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa nội dung của Dự thảo”.

Trước những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19 như hiện nay, công tác chuẩn bị cho Hội thảo phải diễn ra theo hình thức trực tuyến, dẫn đến rất nhiều hạn chế và khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, sự đầu tư và tâm huyết của Ban Tổ chức, Hội thảo vẫn thu hút được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người hoạt động thực tiễn.

PGS.TS. Lê Thị Nam Giang cho biết thêm: “Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được khoảng 30 bài tham luận từ các giảng viên, các nhà quản lý, luật sư. Ban chuyên môn Hội thảo đã chọn được 21 bài trong số đó để đưa vào Kỷ yếu hội thảo và chọn được 13 bài gửi Ban biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam xem xét đăng tạp chí. Các bài tham luận đã đưa ra các góp ý cho Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.”

Hội thảo sẽ được diễn ra vào lúc 8h00 ngày 09/10

Bên cạnh, thành phần hội thảo là Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo các đơn vị và các giảng viên trong trường thì cũng sẽ có sự tham gia của một số thành viên trong Ban soạn thảo Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi hiện đang công tác tại Cục Bản quyền tác giả, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Trồng trọt và đông đảo các luật sư, các cán bộ công tác tại các sở KH&CN, sở Tư pháp, các giảng viên các trường đại học và học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng như đại diện một số doanh nghiệp. Với mong muốn dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận nên BTC quyết định chỉ chọn 6 bài tham luận để trình bày tại Hội thảo.

Công tác chuẩn bị Hội thảo về cơ bản đã hoàn tất và hy vọng sẽ mang đến nhiều thông tin bổ ích cho đại biểu tham dự.

Các khách mời muốn tham gia có thể đăng ký tại: https://zoom.us/webinar/register/5816320241099/WN_8B4pza0mTK6A_BWP3x6O3w

Hoặc theo dõi Livestream tại Fanpage Trường Đại học Luật TP. HCM: https://www.facebook.com/hcmulaw

Và Youtube Trường Đại học Luật TP. HCM: https://www.youtube.com/channel/UCRbvVsvf42YoNoh1rBfYWmA

Thực hiện: Nhã Tuyền – Thảo Uyên

Ban Truyền thông ULaw

--%>
Top