Khoa Quản trị tổ chức hội thảo “Quản trị chất lượng trong tổ chức: Lý thuyết và thực tiễn”

Nhằm phản ảnh đúng bản chất và tính chất quan trọng của quản trị chất lượng đối với mỗi tổ chức, quản trị chất lượng không còn đơn thuần là một vấn đề đơn lẻ mà đó là cả một quá trình kết hợp của nhiều giai đoạn và gắn kết chặt chẽ với nhau. Việc áp dụng các lý thuyết về quản trị chất lượng trong mỗi tổ chức phải phù hợp với sự phát triển thực tế của mỗi tổ chức trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia và thế giới.

Với mục đích góp phần nhìn nhận và đánh giá tính phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn áp dụng về vấn đề này, vào lúc 8h00 ngày 29/07/2020, tại phòng A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Khoa Quản trị Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Quản trị chất lượng trong tổ chức: Lý thuyết và thực tiễn”.

Hội thảo “Quản trị chất lượng trong tổ chức: Lý thuyết và thực tiễn” được tổ chức vào sáng ngày 29/7

Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Đắc Nguyên Khang – GĐ Khối Kinh doanh, CTTNHH Ojitex (Việt Nam); LS. Phạm Thanh Hải – GĐ Bảo hiểm con người, Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Minh; ThS. Vũ Thành An – Phó phòng Quản lý chất lượng, công ty Kyoshin Việt Nam; TS. Ngô Văn Thạo – Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; ThS. Vũ Quang Vinh – Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Về phía lãnh đạo khoa có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Quản trị cùng với toàn bộ giảng viên Khoa Quản trị và các bạn sinh viên.

Các khách mời của các đơn vị ngoài trường và các doanh nghiệp tham dự buổi hội thảo của Khoa Quản trị

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh sự cần thiết của quản trị chất lượng trong tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Theo đó, hội thảo được chia làm hai phiên xoay quanh 14 bài tham luận, trong đó có các bài tham luận đặc sắc được trình bày.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy phát biểu khai mạc hội thảo

Phiên thứ nhất gồm có hai bài tham luận. Bài tham luận thứ nhất về chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý chất lượng công nghệ thời kỳ mới” do ThS. Nguyễn Quốc Ninh trình bày. Bài tham luận liệt kê và phân tích một số cách thức mà những nhà sản xuất/ cung ứng dịch vụ đã và đang sử dụng các công nghệ để thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Bài tham luận thứ hai do ThS. Nguyễn Thanh Hoàng Anh trình bày về “Mối quan hệ giữa quản lý chất lượng toàn diện và hoạt động quản trị nguồn nhân lực”, nhằm đề cập đến nguồn nhân lực được xem như nguồn lực tiềm năng quan trọng cho sự phát triển và thành công của một tổ chức.

ThS. Nguyễn Quốc Ninh trình bày bài tham luận về chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý chất lượng công nghệ thời kỳ mới”

ThS. Nguyễn Thanh Hoàng Anh trình bày tham luận “Mối quan hệ giữa quản lý chất lượng toàn diện và hoạt động quản trị nguồn nhân lực”

Sau hai bài tham luận, LS. Phạm Thanh Hải chia sẻ về sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý khách hàng và quản lý chất lượng. Đồng thời, ông Trần Đắc Nguyên Khang đề cập đến việc quản lý tổng thể (TQM) đã đi sâu và chất lượng hoạt động của từng bộ phận trong công ty nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng con người vẫn là yếu tố chủ chốt và quan trọng nhất trong việc quản lý chất lượng.

LS. Phạm Thanh Hải chia sẻ về sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý khách hàng và quản lý chất lượng

Ông Trần Đắc Nguyên Khang cũng đưa ra các ý kiến cũng như các kinh nghiệm của bản thân về việc quản lý tổng thể (TQM).

Phiên thứ hai diễn ra với bài tham luận về chủ đề “Hợp tác xã nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long – Mô hình liên kết để xây dựng chất lượng nông sản Việt Nam theo chuẩn Vietgap và Globalgap” do TS. Ngô Văn Thạo trình bày.

TS. Ngô Văn Thạo đề cập đến các tiêu chuẩn chất lượng nông sản đang được áp dụng hiện nay, các loại hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long và thực hiện tiêu chuẩn chất lượng Vietgap và Globalgap.

Tiếp theo là bài tham luận với nội dung “Đề xuất thay đổi cơ cấu tỷ trọng điểm số trung bình môn học tại trường Đại học Luật TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng đào tạo” do ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên và ThS. Nguyễn Thị Ngọc trình bày đề cập đến cơ cấu điểm thi của các trường đại học nói chung và trường Đại học Luật TP.HCM nói riêng, cũng như chủ trương đổi mới đánh giá tiếp cận năng lực người học để nâng cao chất lượng đào tạo.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên bài tham luận với nội dung “Đề xuất thay đổi cơ cấu tỷ trọng điểm số trung bình môn học tại trường Đại học Luật TP.HCM nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”.

Sau đó, các vị chuyên gia cũng góp ý cho Nhà trường về việc giúp sinh viên tiếp cận và cảm nhận thực tiễn nhiều hơn bằng các bài giảng lồng ghép nhiều bài học thực tế thay vì tập trung quá nhiều vào kiến thức lý thuyết. TS. Hoàng Văn Long cùng rất nhiều thầy cô trong Khoa Quản trị cũng đồng quan điểm về việc phân chia cơ cấu tỷ trọng 50/50 và nên xây dựng mô hình doanh nghiệp ảo để nâng cao năng lực thực tiễn cho sinh viên.

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp vào lúc 11h00 cùng ngày

Hội thảo “Quản trị chất lượng trong tổ chức: Lý thuyết và thực tiễn” đã mở ra rất nhiều vấn đề về quản trị chất lượng đã, đang và sẽ xảy ra trong các doanh nghiệp, từ đó góp phần vào quá trình cải tiến liên tục tại các tổ chức.

Nội dung: Ngọc Duyên, Hương Quỳnh

Hình ảnh: Đăng My

Ban Truyền Thông Ulaw

--%>
Top