Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Ngôn ngữ học ứng dụng và giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành”

Nhằm tạo ra diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích, nhìn nhận hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ học, ngôn ngữ ứng dụng và giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành, sáng ngày 25/04/2024, Khoa Ngoại ngữ pháp lý - Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Ngôn ngữ học ứng dụng và giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo khoa học “Ngôn ngữ học ứng dụng và giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành” tại phòng A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành

Về phía các chuyên gia đến từ các trường đại học và các cơ quan, tổ chức, hội thảo đón nhận sự tham dự của: TS. Nguyễn Hoàng Trung - Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM, chủ tọa; TS. Đinh Lư Giang - Giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM; TS. Bùi Thị Kim Loan - Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bình Dương; ThS. Nguyễn Hoàng Hiếu - Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM; ThS. Nguyễn Đỗ Thùy Trang - Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; ThS. Phan Thị Nga - Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; ThS. Châu Thiện Mỹ - Trường Chính trị Đồng Tháp; ThS. Ngô Hải Quân - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM; ThS. Trần Thị Quỳnh Như - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM.

Về phía Nhà trường, Hội thảo có sự hiện diện của TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ Pháp lý, chủ toạ cùng toàn thể giảng viên khoa Ngoại ngữ Pháp lý và các bạn sinh viên có quan tâm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ học, ngôn ngữ ứng dụng và việc giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành tại các trường đại học. Qua đó, TS. Lê Trường Sơn hy vọng Hội thảo sẽ là một diễn đàn cởi mở, ghi nhận nhiều trao đổi, thảo luận và góp ý cho Nhà trường trong quá trình triển khai thực hiện những đề xuất mới về việc giảng dạy, nghiên cứu, ứng dụng ngôn ngữ học tại Trường Đại học Luật TP.HCM trong thời gian tới.

TS. Lê Trường Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Buổi hội thảo được chia làm hai phiên thảo luận với 5 bài tham luận của các nhóm tác giả, các chuyên gia xoay quanh 2 chủ đề chính: Phiên thứ nhất với chủ đề “Ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ học vào giảng dạy” và phiên thứ hai về vấn đề “Các nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ”.

Chủ tọa hội thảo (từ trái sang): TS. Nguyễn Hoàng Trung - Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ học Đại học KHXH&NV TP.HCM; PGS.TS. Trần Thăng Long - Trưởng khoa Ngoại ngữ Pháp lý Trường Đại học Luật TP. HCM

  

Chủ tọa hội thảo: TS. Đinh Lư Giang - Giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM

Mở đầu phiên làm việc thứ nhất, TS. Nguyễn Hoàng Trung - Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Loại hình ngôn ngữ và việc giảng dạy ngoại ngữ”. Tác giả đã miêu tả một cách khái quát sự khác biệt về loại hình giữa các ngôn ngữ, cùng với đó, chỉ ra mục đích và phương thức xác lập các đường hướng hành động cụ thể, hiệu quả trong giảng dạy ngoại ngữ cho người học Việt Nam.

TS. Nguyễn Hoàng Trung - Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG-HCM trình bày tham luận “Loại hình ngôn ngữ và việc giảng dạy ngoại ngữ”

Đến với tham luận thứ hai “Ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ học chức năng hệ thống để dạy tiếng anh chuyên ngành” TS. Bùi Thị Kim Loan -  Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bình Dương đã chỉ ra rằng ngôn ngữ học chức năng hệ thống có tính ứng dụng cao trong việc giảng dạy ESP nhờ sự kết hợp của quá trình phân tích ngôn ngữ và các phương thức khác tạo nên nghĩa cho diễn ngôn tuỳ theo ngữ cảnh giao tiếp cụ thể. Tác giả đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt nội dung ngoại ngữ vào bối cảnh văn hoá và xã hội khi giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành để đem đến hiệu quả cao nhất cho cộng đồng người học.

TS. Bùi Thị Kim Loan - Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bình Dương trình bày tham luận “Ứng dụng lý thuyết ngôn ngữ học chức năng hệ thống để dạy tiếng anh chuyên ngành”

Khép lại phiên thứ nhất của hội thảo, ThS. Phan Tuấn Ly - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM đại diện nhóm tác giả trình bày tham luận “Nghiên cứu thể loại tu từ: minh họa và gợi ý ứng dụng trong giảng dạy ngoại ngữ pháp lý”. Theo đó nhóm tác giả đưa ra kết luận rằng “thể loại được tiếp cận chủ yếu bởi ba đường hướng/ trường phái chính là ESP, GSP và RGS. Mỗi đường hướng đều có khung lý thuyết và mục tiêu riêng biệt. RGS quan tâm nhiều hơn đến việc các thể loại tương tác với nhau như thế nào, bằng cách nào con người nắm bắt và sử dụng được các tri thức thể loại”.


ThS. Phan Tuấn Ly - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Nghiên cứu thể loại tu từ: minh họa và gợi ý ứng dụng trong giảng dạy ngoại ngữ pháp lý

Trong Phiên thảo luận thứ 2, hội thảo tập trung khai thác vấn đề “Các nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ” với tham luận mở đầu của ThS. Nguyễn Đỗ Thuỳ Trang - Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành về “Thực trạng lỗi viết văn bản tiếng Nhật của sinh viên (trường hợp trường Đại học Nguyễn Tất Thành và trường Đại học Văn Hiến)”. Theo đó, thông qua việc khảo sát 128 bài viết của sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật, tác giả đi đến kết luận rằng việc phân tích lỗi đến thời điểm hiện tại vẫn là phương pháp được sử dụng rộng rãi và có tầm ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu Thụ đắc ngôn ngữ thứ hai và Giáo dục/đào tạo giáo viên ngôn ngữ.

ThS. Nguyễn Đỗ Thùy Trang - Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trình bày tham luận “Thực trạng lỗi viết văn bản tiếng Nhật của sinh viên (trường hợp trường Đại học Nguyễn Tất Thành và trường Đại học Văn Hiến)

Trong tham luận “Động từ tình thái biểu thị nghĩa vụ trong hợp đồng tiếng anh: nghiên cứu trên khối liệu một số mẫu hợp đồng phổ biến” ThS. Nguyễn Thái Sơn - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM nhận định rằng một số động từ tình thái có xu hướng bị “lạm dụng” nhằm biểu đạt nhiều nét nghĩa khác nhau trên thực tiễn. Nghiên cứu khối liệu nêu trên, tác giả trình bày hai vấn đề: (1) Động từ tình thái được sử dụng thế nào để biểu đạt nghĩa vụ trong một số mẫu hợp đồng hiện hành bằng tiếng Anh và (2) Thực tiễn soạn thảo có xu hướng tuân thủ chỉ dẫn nào trong hai hướng chủ đạo: Nguyên tắc Hoa Kỳ - American rule, Nguyên tắc ABC. Qua đó, tác giả khẳng định việc dạy và học các môn Tiếng Anh pháp lý ở các trường luật không nên chỉ giới hạn ở mức thực hành kĩ năng mà còn cần giúp người học phát triển kiến thức ngôn ngữ cũng như tư duy phản biện để có thể xây dựng các chỉ dẫn, nguyên tắc soạn thảo hiệu quả hơn, đạt được độ tin cậy, chính xác và nhất quán cao hơn.

ThS. Nguyễn Thái Sơn - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý, Trường Đại học Luật TP.HCM trình bày tham luận “Động từ tình thái biểu thị nghĩa vụ trong hợp đồng tiếng anh: nghiên cứu trên khối liệu một số mẫu hợp đồng phổ biến”

Trong không khí học thuật cởi mở và nghiêm túc, các chuyên gia tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi nhằm làm rõ những vấn đề còn vướng mắc xoay quanh các khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành, giảng dạy ngôn ngữ chuyên ngành trên thế giới hiện nay và ứng dụng trong việc giảng dạy ngôn ngữ chuyên ngành ở Việt Nam.

Kết thúc ngày làm việc, Hội thảo đã thành công tạo ra một diễn đàn thảo luận giàu tính học thuật với những đánh giá, phân tích, tổng kết chuyên sâu về các nghiên cứu ngôn ngữ chuyên ngành trên nhiều phương diện, qua đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ học tại các trường đại học nói chung và Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường Đại học Luật TP.HCM nói riêng nhằm đem đến chương trình đào tạo phù hợp cùng phương pháp giảng dạy tốt nhất cho sinh viên.

Các chuyên gia, giảng viên, sinh viên chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Nội dung: Thanh Vi

Hình ảnh: Mai Khánh

Ban Truyền thông Ulaw