Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo “Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số”

Trong bối cảnh công nghệ phát triển vượt bậc và tác động không nhỏ đến các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, nhằm nhìn nhận và đánh giá tiềm năng và triển vọng của hoạt động giải quyết tranh chấp trực tuyến trong bối cảnh chung của thế giới cũng như tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, sáng ngày 22/3/2023 tại phòng họp A.905, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức buổi Hội thảo trực tiếp và kết hợp thông qua phần mềm trực tuyến Zoom về chủ đề "Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số".

Toàn cảnh buổi Hội thảo cấp Khoa về chủ đề "Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số" diễn ra vào ngày 22/3/2023

Buổi Hội thảo có sự hiện của các khách mời là các giảng viên, luật sư, trọng tài viên hoạt động thực tiễn: TS. Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Luật Dân sự - ĐHL Tp. HCM; TS. Lê Nguyễn Gia Thiện – Trọng tài viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo STAC, Phó Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh; Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC kiêm Phó Giám đốc Chi nhánh VIAC tại TP. HCM; LS. Trần Minh Tuấn và ThS. Trần Anh Minh - Công ty Luật Nishimura & Asahi; LS. Lê Trần Thu Nga - Công ty Luật City - Yuwa (Tokyo, Nhật Bản), Bà Nguyễn Phương Chi (Công ty Luật Tilleke & Gibbins) cùng các diễn giả và khách mời tham gia trực tiếp tại phòng hội thảo và trực tuyến thông qua Zoom Meeting. 

Về phía khoa Luật Quốc tế có sự hiện diện của: PGS. TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế; TS. Phan Hoài Nam - Phó trưởng khoa Luật Quốc tế; NCS. ThS. Nguyễn Thị Lan Hương – Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại quốc tế, Khoa Luật Quốc tế cùng các giảng viên, học viên, sinh viên Trường ĐH Luật TP. HCM có quan tâm.

PGS. TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế Đại học Luật TP.HCM chia sẻ: "Thời buổi công nghệ phát triển đã tác động không chỉ tới cách chúng ta làm việc mà còn cả cách chúng ta nghĩ. Các phương thức giải quyết tranh chấp cũng có sự thay đổi, sau đại dịch COVID-19, xu hướng số hóa, giải quyết trực tuyến ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phương thức giải quyết tranh chấp cũng tạo ra nhiều thách thức cần phải đối mặt cho các bên liên quan. Đây là tiền đề cho buổi hội thảo hôm nay".

TS. Phan Hoài Nam - Phó trưởng khoa Luật Quốc tế điều phối Hội thảo

Hội thảo "Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số" gồm hai phiên, với các chủ đề chính là: "Xu hướng phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trực tuyến (ODR) và kinh nghiệm quốc tế" và " Tác động của công nghệ đối với hoạt động trọng tài quốc tế".

Phiên một của Hội thảo trao đổi về các nội dung xoay quanh kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trực tuyến từ đó tìm kiếm kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam. Bài tham luận " Sự chuyển đổi của giải quyết tranh chấp thay thế: Từ hình thức truyền thống sang giải quyết tranh chấp trực tuyến" của NCS. ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo - Giảng viên khoa Luật Quốc tế TP. HCM đã làm rõ các khái niệm ODA, ADR là gì đồng thời đưa ra kinh nghiệm các nghiên cứu trong quá trình ứng dụng ODA chuyển đổi của phương thức giải quyết thay thế từ giải quyết truyền thống sang trực tuyến. Bên cạnh đó, còn có một số bài tham luận khác nhận được nhiều sự quan tâm tại  hội thảo, chẳng hạn như: "Tác động của công nghệ trong thực tiễn tố tụng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài thương mại phía Nam (STAC)" - TS. Lê Nguyễn Gia Thiện.

TS. Lê Nguyễn Gia Thiện - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo STAC, Phó Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế - Luật góp ý, thảo luận xoay quanh các vấn đề của Hội thảo

Trong phiên này, Hội thảo cũng đã đánh giá tiềm năng và thách thức mà công nghệ mang lại đối với hoạt động ODR thông qua hai tham luận: "Giải quyết tranh chấp Hợp đồng thông minh bằng phương thức giải quyết tranh chấp" - ThS. Nguyễn Mai Linh và ThS. Trần Thu Hiền (ĐH Luật Hà Nội) và tham luận “Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ứng dụng AI vào các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trực tuyến: sự phức tạp của mối liên hệ giữa luật trọng tài, luật bảo vệ dữ liệu - ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Khai thác sâu hơn về tác động của công nghệ số đối với hoạt động của trọng tài quốc tế, các bài tham luận nổi bật được trình bày tại phiên thứ hai bao gồm: "Những thay đổi của quy tắc IBA về thu thập bằng chứng trong trọng tài quốc tế dưới sự tác động của tiến bộ công nghệ tạo điều kiện cho sự phát triển của trọng tài quốc tế" - LS. Trần Minh Tuấn và ThS. Trần Anh Minh (Cty Luật Nishimura & Asahi); "Khả năng chấp nhận chứng cứ điện tử được thu thập bất hợp pháp trong tố tụng trọng tài - Đề xuất cho Việt Nam từ thực tiễn trọng tài quốc tế" - ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy và NCS. ThS. Nguyễn Thị Lan Hương - Giảng viên khoa Luật Quốc tế Đại học Luật TP.HCM; “Trọng tài trong thời đại công nghệ số: thỏa thuận trình duyệt (browse-wrap) và thỏa thuận hình thành qua click chuột (click- wrap)” -  Bà Nguyễn Phương Chi (Cty Luật Tilleke & Gibbins).

Buổi hội thảo về chủ đề "Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế trong sự phát triển của công nghệ số" đã đúc kết được nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn

Sau hơn 3 giờ tập trung chia sẻ, thảo luận, Hội thảo đã rút ra được nhiều phát triển quan trọng của hoạt động giải quyết tranh chấp trực tuyến trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và đem đến cùng với nó nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tạo điều kiện phát triển hơn nữa hoạt động ODR tại Việt Nam vẫn cần sự phối hợp của nhiều bên bao gồm chính phủ, các trung tâm trọng tài, luật sư,…vì vậy, khoa Luật Quốc tế mong những đề xuất tại Hội thảo sẽ góp phần tích cực trong việc tạo nền tảng vững chắc để triển khai hiệu quả các phương thức này trong tương lai.

Nội dung: Ngọc Minh

Hình ảnh: Kim Ngân

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top