Sáng ngày 12/05/2023, Khoa Luật Hình sự trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý” tại cơ sở Nguyễn Tất Thành.
Buổi Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Hình sự và Tố tụng Hình sự
Buổi thảo luận có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự; PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - phó Trưởng Khoa Luật Hình sự; GS.TS. Đỗ Văn Đại - Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Pháp lý; nguyên Trưởng Khoa Luật Dân sự; PGS.TS. Đỗ Minh Khôi - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; ThS.NCS. Lê Hoàng Phong - phó Trưởng khoa Quản trị; TS. Trần Thị Quang Vinh - nguyên Trưởng Khoa Luật Hình sự cùng toàn thể giảng viên Khoa Luật Hình sự, nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên có quan tâm.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Khoa Luật Hình sự phát biểu tại Hội thảo
Phương pháp nghiên cứu giữ vai trò quyết định đối với sự thành công của mỗi công trình nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học pháp lý nói riêng. Tuy nhiên, đây lại là một chủ đề chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các học giả tại Việt Nam. Có thể khẳng định, việc hiểu biết cặn kẽ, đúng đắn và đầy đủ về các phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Hội thảo nhận được các tham luận:
- “Khái quát chung về phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý” - PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy;
- “Nghiên cứu luật và nghiên cứu lý thuyết luật học” - PGS.TS. Đỗ Minh Khôi;
- “Phương pháp nghiên cứu thông qua bản án/quyết định của Tòa án” - GS.TS. Đỗ Văn Đại;
- “Phương pháp nghiên cứu so sánh trong khoa học pháp lý” - ThS. Đinh Hà Minh, ThS. Trần Ngọc Lan Trang;
- “Các quan điểm và cách thức thực hiện phương pháp phỏng vấn chuyên gia trong nghiên cứu khoa học pháp lý” - TS. Đặng Tất Dũng;
- “Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm và phương pháp nghiên cứu điều tra điển hình trong tội phạm học và các khoa học pháp lý” - TS. Lê Nguyên Thanh;
- “Phương pháp nghiên cứu định hướng” - ThS. NCS. Lê Hoàng Phong, ThS.NCS. Hồ Hoàng Gia Bảo.
Theo GS.TS. Đỗ Văn Đại, phương pháp nghiên cứu bản án có tính thực tiễn cao và mang lại nhiều đóng góp
PGS.TS. Đỗ Minh Khôi khẳng định một công trình nghiên cứu khoa học cần có tính logic chặt chẽ và thể hiện được tính tin cậy
Theo PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy, phương pháp nghiên cứu tình huống (case study research method) không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện pháp luật mà còn là phải là sự đánh giá ở nhiều khía cạnh khác trên quy mô rộng hơn
Sau quá trình tích cực trao đổi, hội thảo đã ghi nhận nhiều quan điểm và ý kiến chuyên sâu liên quan đến các vấn đề về phương pháp nghiên cứu khoa học pháp lý. Cụ thể, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực pháp lý có mặt tại buổi thảo luận đã thừa nhận tính chất quan trọng của các phương pháp tiếp cận dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu và trên thực tiễn, vẫn còn sử dụng tên gọi khác nhau của các phương pháp này. Tuy nhiên, hội thảo thống nhất rằng đề tài nghiên cứu chất lượng cần có sự phát hiện mới dựa trên những dữ liệu đã có sẵn và có ý nghĩa đóng góp tích cực cho xã hội. Kinh nghiệm từ các chuyên gia sẽ là tiền đề và cơ sở cho các nghiên cứu sinh, sinh viên cũng như học viên chuyên ngành pháp luật tiếp tục hoàn thiện các đề tài nghiên cứu, nhằm phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đây là cơ hội để các chuyên gia thảo luận và rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc nghiên cứu khoa học pháp lý
Nội dung: Quỳnh Như
Hình ảnh: Thanh Hoa
Ban Truyền thông Ulaw